Đa đảng và đối lập để làm gì? (Việt Hoàng)

một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn”. Như vậy, một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi.

 
Đa đảng và đối lập để làm gì? (Việt Hoàng)

Với chính quyền Việt Nam và một số không ít người thì ‘đa đảng’ là không tốt vì dễ sinh ra hỗn loạn và đảng nào cũng chỉ vì quyền lợi của mình chứ không vì quyền lợi của người dân.v.v. vì vậy cứ một đảng như ở Việt Nam cũng được?! Về phía chính quyền Việt Nam, họ ngụy biện để mong được cầm quyền suốt đời thì là đương nhiên. 

Đáng buồn (và cả đáng giận lẫn đáng thương) là một số người Việt Nam (trong đó có không ít người vẫn cho mình là trí thức) vì thiếu hiểu biết nên cũng nghĩ như vậy.

 Đâu là sự thực và là bản chất của vấn đề? Trước hết thế nào là một đảng chính trị? Theo định nghĩa của chúng tôi, thì “một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn”. Như vậy, một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi.

Vì sao lại xuất hiện nhiều đảng phái với nhiều khuynh hướng và đường lối khác nhau? Lý do: Xã hội vốn đa nguyên với nhiều nhóm người khác nhau và vì thế yêu cầu và đòi hỏi cũng khác nhau. Thông thường thì mỗi đảng phái sẽ đại diện cho một đường lối phát triển và cho một hay nhiều nhóm người khác nhau. Đảng phái nào chiếm được cảm tình và đồng thuận nhiều nhất từ những nhóm người khác nhau thì đảng phái đó có khả năng giành chiến thắng cao nhất. 

Việc đảng cộng sản suốt 69 năm qua áp đặt một mô hình chính trị duy nhất là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin lên trên 90 triệu người Việt Nam là khiên cưỡng và hoàn toàn trái với qui luật tự nhiên. Ai không tin có thể yêu cầu đảng cộng sản làm một cuộc ‘trưng cầu dân ý’ thì sẽ rõ. Một điều rất dễ thấy để nhận biết đảng cộng sản Việt Nam đang chống lại quy luật tự nhiên và đi ngược dòng lịch sử là họ thường xuyên dùng bạo lực để khuất phục các tiếng nói đối lập và khác ý kiến với họ. Nên nhớ, nền tảng tạo nên tính chính danh cho các đảng phái để được cầm quyền là nhờ vào sự thuyết phục người dân chứ không phải dùng vũ lực để khuất phục người dân. Nếu đã phải dùng đến vũ lực thì cần gì đến việc tổ chức bầu cử và nhà nước pháp trị hay tam quyền phân lập.v.v.?

Đúng là chế độ dân chủ vẫn còn khiếm khuyết, như cố thủ tướng Anh Churchill từng nói đại ý rằng dân chủ không phải là chế độ tuyệt hảo nhưng là chế độ ít xấu xa nhất. Chúng ta cũng cần biết đến một qui luật của cuộc sống: “thực tiễn là thước đo quan trọng và duy nhất cho mọi chủ thuyết”. Rõ ràng là chế độ dân chủ tuy còn nhiều bất cập nhưng nó đã đem lại ấm no và hạnh phúc cho người dân các nước đó. Chỉ có người dân các nước độc tài như Việt Nam, Cuba mới chạy sang xin tị nạn tại các nước dân chủ chứ chưa có chuyện ngược lại bao giờ.

 Nếu đảng cộng sản Việt Nam cho rằng họ có công lao trời biển với đất nước và họ là sự lựa chọn duy nhất của người dân Việt Nam…Vậy sao họ không dám cạnh tranh và tham gia bầu cử công khai với các đảng phái khác? Một qui luật nữa của cuộc sống là: “cạnh tranh tạo ra động lực phát triển, sản sinh ra đạo đức và thiết lập sự văn minh”. Các nước dân chủ vì có cạnh tranh trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị nên đất nước của họ ngày càng phát triển. Các sản phẩm của họ ngày càng đẹp, bền, rẻ và thuận tiện cho con người khi sử dụng. Trong khi đó Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng thì suốt 70 năm qua vẫn chưa sản xuất được cái ốc vít cho hãng điện thoại Samsung. Vậy đa đảng để cạnh tranh trong chính trị là có cần thiết hay không?

Nhà báo trẻ Đoan Trang rất có lý khi đặt câu hỏi rằng: “Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?”.

 Chúng tôi rất cám ơn Đoan Trang với loạt bài viết “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Phải công nhận rằng Đoan Trang đã bỏ công nghiên cứu rất nghiêm túc về lĩnh vực chính trị và kiến thức của cô hơn rất nhiều so với những người đang giữ trọng trách lớn tại Việt Nam. Các bạn trẻ Việt Nam muốn dấn thân vào các hoạt động chính trị nên dành thì giờ để đọc các bài viết của Đoan Trang. Cách tiếp cận vấn đề của cô rất dễ hiểu và rất có chiều sâu.

Đoan Trang cũng đã trả lời cho câu hỏi mà chúng tôi nêu ra “Đảng để làm gì?”:

11.  Cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền. 

Điều này chúng tôi đã đề cập nhiều lần. Môi trường tổ chức là môi trường gần như là bắt buộc và duy nhất để sản sinh ra các chính trị gia. Theo quan niệm hiện đại thì ‘làm chính trị’ cũng là một nghề như bao nghề khác vì vậy cũng cần phải học hỏi mới có thể làm tốt công việc đó. Thường thì ở các nước dân chủ phát triển thì chính trị gia là những người giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên, từ thứ trưởng trở xuống là những nhà kỹ trị, tức là những người làm chuyên môn. Muốn chính phủ làm việc có hiệu quả thì các chính trị gia phải có kiến thức về vĩ mô và ‘văn hóa tổ chức’, trong đó văn hóa tổ chức chỉ có thể học hỏi được trong môi trường của các tổ chức chính trị. Các cá nhân hoạt động chính trị mà không tham gia vào bất cứ tổ chức nào thì đó chỉ là những nhân sĩ chứ không thể nào là chính trị gia. Nhân sĩ không phải là ‘trí thức chính trị’ vì vậy các chính đảng cầm quyền trong tương lai không nên ‘hợp tác’ với các nhân sĩ. Làm chính trị là ‘phải có khả năng làm việc chung với nhiều người’ vì vậy nó không có chổ cho các nhân sĩ. 
2.  Cung cấp các giải pháp chính sách

Đoan Trang đã giải thích rất thuyết phục và rất rõ ràng: “Các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.

Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn”.

Một đảng phái chính trị mà không có cương lĩnh chính trị, tức là một ‘giải pháp thay thế’ thì đó không phải là một chính đảng đúng nghĩa. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có đề nghị và giới thiệu một Dự Án Chính Trị như là một giải pháp thay thế cho ‘giải pháp cộng sản’. Dự Án đó là lý tưởng, đồng thuận, mục đích mà chúng tôi theo đuổi và sẽ thực thi khi chúng tôi được người người dân Việt Nam lựa chọn làm đảng cầm quyền.

3.   Làm cầu nối giữa chính quyền và người dân

Trong một xã hội luôn có nhiều thành phần dân chúng vì thế mà nguyện vọng và đòi hỏi của các thành phần dân chúng này luôn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Đảng phái là nơi để người dân lên tiếng và bày tỏ nguyện vọng của mình. Càng nhiều đảng đối lập thì người dân càng có nhiều tiếng nói và lựa chọn hơn. Thậm chí ngay cả các đảng cực hữu, là nơi tập trung các thành phần chống đối  hung hăng nhất và họ cũng nên có người đại diện để lên tiếng và bày tỏ thái độ của mình. Nhà nước cũng có lợi khi đám người này được quản lý và dẫn dắt bởi một đảng phái thay vì để họ tự ý hành động theo ý mình. Người dân sẽ có lợi khi đa đảng vì có thể yêu cầu, đòi hỏi các đảng phái chiều theo ý nguyện của mình bằng cách hứa bỏ phiếu cho đảng nào làm đúng ý mình. Nếu đảng phái nào chỉ biết đến quyền lợi của mình mà không chú ý đến quyền lợi của người dân thì chắc chắn sẽ không được người dân lựa chọn và bỏ phiếu cho.

4.    Làm những việc tế nhị và khó khăn mà chính quyền không thể làm.

 Đảng đối lập và đảng cầm quyền như là hai mặt của một tấm huy chương. Các đảng đối lập không nhất thiết phản ánh quan điểm, đường lối của chính quyền và nhà nước mà nó chỉ là ý kiến của một bộ phận người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó lại rất quan trọng. Ví dụ, trước các hành động gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nếu chính quyền Việt Nam phản ứng quá gay gắt thì có thể sẽ gây bất lợi nhưng nếu Việt Nam có đảng đối lập mạnh thì đảng đối lập đó có thể lớn tiếng hay tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ mà chính quyền Trung Quốc không thể nào làm gì được. Ngay cả nước Mỹ cũng vậy, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn ‘kẻ đấm người xoa’ trong mọi vấn đề quan hệ quốc tế. Thậm chí ngay cả tại Nga thì Putin cũng phải cần đến một nhân vật rất cực đoan là Zhirinovski, chủ tịch đảng ‘Dân chủ tự do’, một chính khách ăn nói bạt mạng và rất hung hăng để làm mềm đi hình ảnh của Putin. Sự nghiệp của ông này lên như diều gặp gió dưới thời Putin, hiện tại ông ta là phó chủ tịch Duma quốc gia Nga.

5.   Minh chứng cho một đất nước có dân chủ.

 Một đất nước có dân chủ không phải là đất nước đó có chính quyền mạnh mà là có một đối lập dân chủ mạnh. Đối lập càng mạnh, càng ngang ngửa với chính quyền thì đất nước đó càng có dân chủ cao. Một chính quyền mạnh như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên không đồng nghĩa với một đất nước có dân chủ. Những nước mà đối lập dân chủ mạnh như Mỹ, Nhật, Anh…mới là những nước dân chủ thực sự. Tuy khoảng cách giữa đảng cầm quyền và đối lập có lúc rất xa nhưng có lúc lại rất gần. Chỉ sau một đêm bầu cử là đối lập thành đảng cầm quyền và ngược lại.

Một đất nước dân chủ, thông minh là đảng cầm quyền và đối lập phải hợp tác chặt chẽ với nhau, có lúc cần phải đồng thuận với nhau trên những vấn đề quan trọng và sống còn của đất nước. Đối lập không phải là kẻ thù của chính quyền. Khi đất nước lâm vào khủng hoảng thì đối lập là người đứng ra chịu trách nhiệm và gánh vác trọng trách điều hành đất nước thay cho đảng cầm quyền. Đối lập sẽ giúp đảng cầm quyền hạ cánh an toàn trước làn sóng thịnh nộ của người dân. Trên quan điểm đó và tinh thần dân chủ đa nguyên với thái độ bao dung, hòa giải và đoàn kết Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không xem đảng cộng sản là kẻ thù mà là ‘đồng nghiệp’. 

Tuy vậy có những lúc chúng tôi không thể nào chấp nhận được sự thô bỉ và dốt nát của họ, ví dụ như việc nhỏ nhất là mua cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) một đôi giày trước khi trục xuất ông sang Mỹ. Hình ảnh ông ta đi đôi dép tổ ong lúc hạ cánh xuống Hoa Kỳ đã thay ngàn lời muốn nói, tố cáo bản chất phi nhân của chế độ cộng sản…

Như vậy, nhà báo Đoan Trang đã đưa ra ba chức năng của các đảng phái chính trị và chúng tôi tạm thêm hai chức năng nữa. Chắc chắn là sẽ còn nhiều các chức năng khác, nhưng với chừng đấy thôi thì độc giả cũng có thể hiểu ra một điều là “đa đảng sẽ có lợi hơn nhiều so với một đảng”.

 Đã đến lúc người Việt nam cần quan tâm nhiều hơn đến chính trị bằng cách dành thì giờ đọc các dự án chính trị của các đảng phái chính trị để tìm hiểu xem vị trí mỗi người sẽ đứng ở đâu trong quá trình thay đổi đó. Nếu quyền lợi của bạn vẫn chưa được đáp ứng thì bạn có thể đưa ra yêu cầu và đòi hỏi cho các đảng phái. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ mọi yêu cầu hay thắc mắc của tất cả mọi người dân Việt Nam. Chúng tôi muốn có lá phiếu và sự tín nhiệm của đa số người dân Việt Nam để có thể trở thành đảng cầm quyền trong tương lai. Khi đó chúng tôi sẽ thực thi giải pháp ‘dân chủ đa nguyên’ và chúng tôi tin rằng ‘giải pháp thay thế’ mà chúng tôi đề nghị trong Dự Án Chính Trị của mình là cần thiết và thích hợp cho đất nước và cho mọi người dân Việt Nam.

Việt Hoàng  (2014)