Một công tác đã hoàn tất (Nguyễn Gia Kiểng)

Tổ Quốc đã đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa. Nó đã góp phần quyết định làm thay đổi quan điểm của những người có công nhất đối với chế độ, biến họ từ những người hãnh diện vì chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ thành những người lên án chủ nghĩa Mác-Lênin và cổ võ cho tiến trình dân chủ hóa. Đến lượt họ đã góp phần thức tỉnh và động viên các cán bộ, đảng viên đang hoạt động. Có thể nói Tổ Quốc đã tịch thu trí nhớ của Đảng Cộng Sản và thay vào đó bằng mệnh lệnh dân chủ hóa.

Ts. Nguyễn Thanh Giang vị Tổng biên tập đầu tiên của báo Tổ Quốc


Bán Nguyệt San Tổ Quốc số 242 này là số báo cuối cùng đến với quý độc giả. 


Đáng lẽ số báo trước, số 241 ra ngày 01/01/2017, đã là số báo cuối cùng. Nhưng vào phút chót anh tổng biên tập Sơn Dương lại lưỡng lự cho rằng không nên chấm dứt một công tác vào giữa ngày bắt đầu một năm mới và quyết định ra thêm một số nữa.


Thực ra quyết định đình bản bán nguyệt san Tổ Quốc đã có từ hơn một năm rồi. Chính Nguyễn Thanh Giang, người đầu tiên đề nghị với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành bán nguyệt san Tổ Quốc, đã đưa ra đề nghị này từ tháng 9 năm ngoái và chúng tôi cũng đồng ý. Lý do hiển nhiên là tờ báo không còn lý do để tiếp tục nữa vì khối độc giả chính mà tờ báo nhắm phục vụ không còn. Chúng tôi đồng ý nhưng cũng quyết định tiếp tục thêm một năm nữa để tờ báo được đủ mười năm và cũng để chiều ý một số độc giả kỳ cựu cuối cùng.


Tổ Quốc ra đời để nhằm động viên một thành phần rất đặc biệt: những cán bộ và đảng viên cộng sản cao cấp đã nghỉ hưu. Nhận định của chúng tôi là các vị này vừa có tiếng nói rất trọng lượng đối với các đảng viên cộng sản vừa ít có vấn đề an ninh. Họ có công lớn đối với chế độ và khó có thể bị đàn áp mà không gây ra cho chế độ cộng sản những thiệt hại còn lớn hơn là nếu làm ngơ. Các vị này là những nhân chứng lịch sử vì thế không thể bị buộc tội bịa đặt, xuyên tạc. Họ cũng có công lớn đối với chế độ và không thể bị coi là thuộc "thế lực thù địch". Mặt khác phương thức gần như duy nhất để động viên họ là báo giấy vì trong đại đa số họ không biết dùng máy vi tính để có thể đọc trên mạng. Chúng tôi đã không lầm. Tổ Quốc đã động viên rất nhiều cán bộ cao cấp hưu trí tham gia cuộc vận động dân chủ và họ đã thuyết phục được rất nhiều đảng viên cộng sản về sự vô lý và tồi dở của chế độ. Nó đã gây nhức nhối lớn cho Đảng Cộng Sản nhưng vẫn không thể bị đàn áp thô bạo như đối với một tờ báo chui bình thường.


Tờ báo được lên trang tại hải ngoại dù ban biên tập gồm cả anh em trong cũng như ngoài nước. Anh Nguyễn Thanh Giang đã là người tổng biên tập đầu tiên. Sau khi lên trang nó được gửi về trong nước và cũng chính anh Nguyễn Thanh Giang in ra và phân phối. Một số vị lão thành cách mạng đã hăng say tiếp tay phổ biến. Các cụ Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, và sau này Trần Nhơn, đã là những cộng sự viên tích cực nhất. Họ vừa đóng góp bài viết vừa phân phát.  Ở thời điểm cao độ nhất Nguyễn Thanh Giang đã in ra 300 tờ báo giấy. Tờ báo sau đó được đưa vào câu lạc bộ cán bộ nghỉ hưu Hà Nội và nhiều cụ khác cũng tự ý làm thêm photocopy để phân phối. Trong Nam tờ báo cũng được in và phân phát cho một số vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ngoài ra một số thân hữu cũng tiếp tay in thêm và phổ biến tại một số tỉnh. Chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Phương Anh. Trần Anh Kim  cũng đồng thời là một người viết tích cực, cùng với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi. Sau này còn có thêm Nguyễn Thượng Long và Phạm Đình Trọng và cựu thứ trưởng Trần Nhơn. Ba người sau này vẫn còn tích cực đến nay. Phải thành thực nể sức viết của Phạm Đình Trọng và nguồn thơ bất tận của Trần Nhơn. Trong số những người được gọi là "lão thành cách mạng" Trần Nhơn và Phạm Đình Trọng là hai người đáng phục vì lập trường minh bạch, không hề mảy may mang hương vị "phản biện trung thành".


Như dự đoán báo Tổ Quốc đã không bị đàn áp thô bạo. Một số anh em đã bị bắt và kết án tù, nhưng không phải vì Tổ Quốc mà vì những hoạt động đấu tranh khác. Không đàn áp thô bạo nhưng sách nhiễu thì nhiều và rất nhiều. Những buổi làm việc cả ngày, những thăm viếng đầy giọng hăm dọa, công an gác nhà ngăn chặn và hạch hỏi khách viếng thăm v.v. Và những áp lực cho gia đình. Nguyễn Thanh Giang nhường vai trò tổng biên tập cho Phạm Quế Dương chỉ để thêm Phạm Quế Dương bị quấy nhiễu thêm chứ áp lực cho riêng mình không hề giảm. Phó tổng biên tập Nguyễn Thượng Long cũng gian lao. Cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp chỉ định một tổng biên tập tại nước ngoài. Trương Nhân Tuấn đảm nhiệm trong hơn hai năm, rồi đến Sơn Dương cho tới nay. Thực ra chỉ thay đổi hình thức, công việc và vai trò của mỗi người vẫn thế.


Tuy nhiên thời gian đã làm công việc tàn phá của nó. Khối cán bộ lão thành thưa thớt đi với tốc độ ngày càng nhanh. Đa số đã ra đi vĩnh viễn, các vị còn lại thì phần đông đã quá già yếu không còn đọc được nữa. Số lượng báo in từ hai năm nay không còn bao nhiêu. Bán nguyệt san Tổ Quốc đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải dành ưu tiên cho những công tác khác.


Tổ Quốc đã đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa. Nó đã góp phần quyết định làm thay đổi quan điểm của những người có công nhất đối với chế độ, biến họ từ những người hãnh diện vì chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ thành những người lên án chủ nghĩa Mác-Lênin và cổ võ cho tiến trình dân chủ hóa. Đến lượt họ đã góp phần thức tỉnh và động viên các cán bộ, đảng viên đang hoạt động. Có thể nói Tổ Quốc đã tịch thu trí nhớ của Đảng Cộng Sản và thay vào đó bằng mệnh lệnh dân chủ hóa.


Xin cảm ơn tất cả các vị đàn anh và các bạn đã đóng góp cho bán nguyệt san Tổ Quốc. Chúng ta đã cùng nhau hoàn tất tốt đẹp một công tác quan trọng và đáng tự hào.

Nguyễn Gia Kiểng