Chọn bền vững hơn là theo chỉ tiêu (Tư Giang)

Nếu không tiết giảm chi tiêu, và chi tiêu có hiệu quả, thì tăng thu bao nhiêu cũng không thể bù đắp được.

 
Chính phủ đang đứng trước một thách thức lớn cần giải trình tại kỳ họp Quốc hội: nguy cơ tăng trưởng kinh tế không đạt 6,7% trong năm nay. Một thách thức khác, nếu Quốc hội không có những sức ép kịp thời để điều chỉnh chi tiêu công tương xứng, thì xu hướng tăng bội chi, tăng nợ công gây bất ổn đến kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục.

Nguy cơ tăng trưởng không đạt 6,7%

Thực ra, hơn ai hết, Chính phủ biết rõ điều này, khi tăng trưởng quí 1 năm nay chỉ vỏn vẹn 5,1%, là mức tăng thấp nhất so với những năm gần đây, và mức tăng trưởng của năm 2016 đã không đạt mục tiêu. Không như nhiều quốc gia khác, chỉ tiêu tăng trưởng ở nước ta khi đã được Quốc hội thông qua là mang tính pháp lệnh, đo lường năng lực điều hành của bên hành pháp. Đó là sức ép lớn.

Để đảm bảo mức tăng trưởng mục tiêu trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính toán, quí 2 cần tăng 6,26%, quí 3 tăng 7,29% và quí 4 tăng 7,49%. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm 2011-2016. Kịch bản tăng trưởng này lấy dữ liệu đầu vào là tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% GDP, mức cao bậc nhất trong vòng 10 năm nay, bên cạnh giả thiết là kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng, thời tiết khí hậu thuận lợi, và kinh tế thế giới không có biến động lớn.

Giải pháp chính cho mức tăng trưởng này, theo Bộ KH&ĐT, là khai thác thêm một triệu tấn dầu, thúc đẩy Samsung tăng doanh thu xuất khẩu lên 20%, xem xét cho dự án Formosa đi vào hoạt động nếu đủ điều kiện, và tạo điều kiện cho hàng loạt các dự án công và dự án lớn khác của tư nhân và FDI khởi động. Rút cục, những nhu cầu ngắn hạn là đầy thúc ép.

Cho dù mục tiêu tăng trưởng 6,7% được nhận định là “rất nặng nề” và cao hơn so với tất cả các dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây, Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu trên.

Về phần mình, không phải các đại biểu Quốc hội không nhìn thấy rủi ro với kế hoạch tham vọng đó. Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận xét tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quí còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Thu chi ngân sách chưa chặt chẽ
Tình trạng bội chi, nợ công, an ninh tài chính quốc gia đã được thảo luận nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội cũng như các diễn đàn khác. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ nào.

Ví dụ cụ thể nhất thể hiện trong báo cáo bổ sung của Chính phủ gửi tới Quốc hội về ngân sách năm 2016. Dù tăng trưởng kinh tế đạt thấp, không đạt chỉ tiêu, nhưng Chính phủ cho biết, thu ngân sách nhà nước đạt khá, với hơn 1,101 triệu tỉ đồng, bằng gần 109% dự toán, tăng gần 87 ngàn tỉ đồng. Với mức thu này, như vậy bội chi là 259 ngàn tỉ đồng, tức chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức 250 ngàn tỉ đồng mà Quốc hội thông qua, song, như Chính phủ thừa nhận, tính theo giá thực hiện, thì tỷ lệ bội chi năm 2016 là 5,64% GDP, cao hơn chỉ tiêu được thông qua là 4,95% GDP. Đà chi tiêu như vậy đã trải dài qua nhiều năm.

Chính Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã than phiền về tình trạng trên không ít lần. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-3-2017, ông Dũng nói: “Nguyên nhân nợ công tăng nhanh trong thời gian qua trước hết là do điều hành”. Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%, sau đó điều chỉnh giảm 6,5-7%, nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%. Tuy nhiên, cách chi tiêu công vẫn không được điều chỉnh, nên Chính phủ phải vay 1,4 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2011-2015, mà nhiều khoản vay lải suất tới 13%/năm. Ông Dũng thừa nhận: “Quá là bất cập khi vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được?”.

Trách nhiệm đó cần được Quốc hội chia sẻ. Khoản 2, điều 7 của Luật Tổ chức Quốc hội ghi rõ: “Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”. Luật được ban hành rất cụ thể như vậy, chẳng lẽ cứ mãi bị vi phạm? Trong nhiều năm nay, các báo cáo quyết toán ngân sách với tỷ lệ bội chi thường xuyên cao hơn mức dự toán luôn được Quốc hội thông qua. Đó chính là trách nhiệm của bên lập pháp.

Trong chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14-16% so với số thực hiện thu năm 2016. Đây là một chỉ tiêu cao so với mức tăng thu chỉ khoảng 10% mỗi năm so với dự toán.

Nhưng nếu không tiết giảm chi tiêu, và chi tiêu có hiệu quả, thì tăng thu bao nhiêu cũng không thể bù đắp được. “Làm rõ trách nhiệm”, như Bộ trưởng Tài chính đề nghị, cần được xem xét một cách thấu đáo và nghiêm túc.

Theo TBKTSG