NHỮNG BÀI HỌC TỪ NÚI: SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA NGƯỜI MỸ (FB Lê Nguyễn Duy Hậu)

Nước Mỹ và người Mỹ rất ngạo nghễ. Điều này không ai có thể phủ nhận được. Nhưng đôi lúc, những thành tựu sống đời của họ lại xuất phát từ sự khiêm nhường (humbleness) của những nhà lãnh đạo. Đó không hẳn là sự khiêm nhường với kẻ khác mà là sự khiêm nhường với chính bản chất con người, với khả năng tha hoá, với thiên nhiên. 


George Washington là một biểu tượng của sự khiêm nhường như vậy. Khi ông đứng trên bục nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, đối mặt với sự hứng khởi của người dân New York và sự hoan hỷ của thị trưởng thành phố này đang muốn ông đọc lại lời tuyên thệ một cách dõng dạc nhất, Washington chọn cách thì thầm lời thề vừa đủ nghe. Người dân hoang mang không biết tại sao Washington lại thì thầm như vậy, và khi lời tuyên thệ chấm dứt, Washington đã tự thêm vào một lời cầu nguyện: "Xin Chúa hãy giúp con" (So help me God). Lời cầu nguyện sau này thành truyền thống cho tất cả Tổng thống Hoa Kỳ noi theo, dù nó không có trong bản tuyên thệ nguyên gốc. Nhật ký của Washington ghi lại cảm giác vừa vinh dự, vừa hoang mang, vừa trách nhiệm của Washington khi lãnh đạo quốc gia non trẻ với một bản Hiến pháp không ai biết có thành công hay không. Nhưng cũng như 15 năm trước ông chấp nhận lời đề nghị của Quốc hội Liên bang lãnh đạo quân đội "nhân dân" Hoa Kỳ đang thua trận trên mọi chiến trường chống quân Anh, ông biết khi trách nhiệm gọi tên mình, ông không thể thoái thác. Washington trở thành tổng thống trong hai nhiệm kỳ và tự động rút lui sau nhiệm kỳ thứ hai và lui về ở ẩn tại đồi Vernon.

Nhưng hãy nói về một con người khác cùng tên George và là bạn thân của Washington: Đại tá George Mason. Không tên tuổi như người bạn vong niên và cũng chẳng thành công như các chính khách cùng thời, George Mason cả cuộc đời chỉ có một thành tựu nổi bật: ông là cha đẻ của hệ thống dân quyền Hoa Kỳ. Là tác giả của Bản tuyên ngôn Nhân quyền của tiểu bang Virginia quê hương, ông đồng thời cũng là nhà đấu tranh để Tuyên Ngôn Nhân Quyền được đưa vào Hiến Pháp Liên Bang. Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bill of Rights) đó ngày nay được biết với cái tên Mười Tu Chính Án Đầu Tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ (First Ten Amendments).

Con đường để Bill of Rights ra đời không phải đơn giản. Chuyến đi đến Philadelphia để dự Hội Nghị Lập Hiến của George Mason là chuyến đi xa nhất của cuộc đời ông, dù Viriginia chỉ cách Pennsylvania không xa (ngót 380 dặm đường). Suốt nhiều tháng tại Hội nghị, Mason luôn là một trong những người tích cực bậc nhất cho bản Hiến Pháp mới. Nhưng khi sản phẩm được hình thành, một cảm giác chạy dọc người ông. Mason không thoải mái để ký vào bản Hiến Pháp đó vì nó thiếu một điều: không hề có điều khoản nào liên quan đến quyền con người trong Hiến Pháp. Nỗ lực đề xuất đưa một tuyên ngôn nhân quyền vào lời nói đầu của Hiến Pháp của Mason thất bại và ông, sau nhiều đêm suy nghĩ, đã đành lòng là một trong ba người tại Hội nghị từ chối kí vào bản Hiến Pháp. Là phe thiểu số, phản đối của ông không có nhiều giá trị và khiến cho ông bị nhiều bạn đồng niên mình phản ứng, nhưng Mason vẫn tin rằng thoả hiệp với kẻ khác thì luôn dễ, thoả hiệp với trái tim mình mới khó. Ngày hôm đó, trái tim Mason có lẽ đã không cho phép ông kí vào bản Hiến Pháp.

Những gì diễn ra về sau là lịch sử. Mason tiếp tục đem "cuộc chiến" của mình về nhà và ông nhận ra những người phản đối ông không khác ông lắm. Phe phản đối sợ rằng nếu viết các quyền vào Hiến Pháp, họ sẽ quên mất những quyền mà mình chưa nhìn thấy được. Họ sợ Tuyên Ngôn Nhân Quyền trở thành một văn kiện đóng, giới hạn quyền con người và nếu nhân quyền là quyền tự nhiên thì Nhà nước chẳng có tư cách gì để quy định. Chính từ sự "thấu cảm" mà Mason và những người phản đối ông đã tìm ra giải pháp trung hoà. Thay vì chấp nhận bản nháp do Mason soạn trong đó ghi nhận con người có quyền này, quyền kia (như cách nhiều bản hiến pháp của một số nước vẫn làm mà thực chất chẳng được thực thi là mấy), bản Tuyên Ngôn chính thức đã không đi theo lối mòn. Nó xác định rõ con người có quyền như điều đương nhiên mà chúa trời trao cho và Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, "không được phép làm ra luật" để hạn chế các quyền tự do. Từ tuyên ngôn về những quyền con người có, nó trở thành tuyên ngôn về những gì người khác không được làm với nhân quyền.

Thay vì chỉ là một bản tuyên ngôn vô cảm, Mười Tu Chính Án đã trở thành một tài liệu sống, xác định sự hạn chế quyền lực của Nhà nước. Tuyên Ngôn Nhân Quyền ngày nay được lưu trang trọng như ba "bảo vật quốc gia" (bên cạnh Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc Lập) và văn bản thể hiện rõ triết lý của những nhà lập quốc Hoa Kỳ. Triết lý đó là sự khiêm nhường của người Mỹ ngay cả khi họ đang nắm quyền lực trong tay, khiêm nhường với chính bản chất con người và sự có thể tha hoá của chính họ. Mason sau "cuộc chiến" đã về hưu mà không đảm nhận một chức vụ nào trong chính quyền. Ông dành những năm cuối đời lo cho gia đình và những công việc địa phương.

Mình tin rằng sự khiêm nhường không bao giờ vô ích, đặc biệt nếu đó là khiêm nhường với chính bản thân. Khiêm nhường giúp ta luôn nghi ngờ bản thân. Nghi ngờ bản thân giúp chúng ta tranh cãi. Tranh cãi là khi chúng ta tư duy. Như Hannah Arendt nói: "tư duy là cuộc tranh cãi giữa ta với chính ta." Nước Mỹ luôn tranh cãi do đó nó luôn tư duy. Và càng tư duy, con người càng tự do.



FB Lê Nguyễn Duy Hậu