Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị xa lông ? (Nguyễn Gia Kiểng-TL 213)

"... một là quần chúng đòi hỏi lãnh đạo, do đó quần chúng chỉ có thể động viên được nếu có một tổ chức mạnh khởi xướng; hai là, cũng như một đám đông, quần chúng được động viên do bị kích thích. Không có sự kích thích nào có thể kéo dài được, bởi vậy quần chúng chỉ có thể động viên được trong một thời gian ngắn. Tổ chức lãnh đạo vì vậy phải chuẩn bị trước kế hoạch để lợi dụng tối đa thời điểm thuận lợi này để đạt những kết quả dứt khoát không thể đảo ngược..."


Có một điều mà tôi đã được nghe nhắc lại cả trăm lần. Người ta nói một cách quả quyết như là một sự thực hiển nhiên không thể bàn cãi rằng muốn tranh đấu phải có quần chúng, phải đi vào quần chúng, còn nếu không chỉ là làm chính trị xa lông vớ vẩn.

Trong vòng một năm qua, từ tháng 4-2006, đã có hàng chục nhóm đủ loại ra đời ở trong nước. Một vài nhóm bị đàn áp, đa số tan rã hoặc nhanh chóng chìm vào quên lãng ngay sau khi tuyên bố thành lập, phải cố gắng tìm kiếm lắm mới biết là thực ra không còn nữa. Tất cả các nhóm này, dù khác nhau về người khởi xướng và tiếng vang gây được, cũng đều giống nhau trên ít nhất hai điểm: một là rất thiếu chuẩn bị về tư tưởng cũng như đội ngũ nòng cốt; hai là ngay khi vừa thành lập đã cố gắng gây tiếng vang tối đa để tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng.

Rõ ràng là có một niềm tin rằng quần chúng là tất cả, quần chúng có thể động viên được một cách nhanh chóng và khi đã có quần chúng là sẽ thành công. Tôi cũng biết trường hợp một anh bạn rất thực thà và đầy thiện chí nhưng rất mộc mạc về kiến thức chính trị, từ hàng chục năm nay cặm cụi một mình lập hết tổ chức này đến tổ chức nọ, tìm cách liên kết những người thuộc quần chúng như anh, gửi các bản tin và thông báo trên mạng Internet với hy vọng là sẽ động viên được dư luận và quần chúng. Những cố gắng chỉ lặp lại tình trạng hỗn loạn và lạm phát tổ chức đã có trước đây tại hải ngoại và chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết rất lớn về bản chất và vai trò của quần chúng. Những người thiện chí đó đã không hiểu được rằng không thể vận động được quần chúng khi chưa chuẩn bị xong về tư tưởng và đội ngũ nòng cốt. Dĩ nhiên họ không thành công. Vả lại, dù có động viên được quần chúng cũng sẽ chỉ thất bại và gây thất vọng sau đó vì chưa có sẵn một tổ chức vững mạnh.

Những kinh nghiệm này một lần nữa đòi hỏi nhìn lại công tác vận động quần chúng.

Trước hết quần chúng là gì ?

Người ta thường hiểu quần chúng như là ngược lại với thành phần ưu tú, là khối đông đảo những người nghèo khổ, ít học. Quan điểm này sai. Một cán bộ lãnh đạo có thể không cần thuộc thành phần khá giả và khoa bảng nhưng qua kinh nghiệm và học hỏi trong đấu tranh đã hiểu được các vấn đề, nắm vững các giải đáp và biết cách phối hợp và điều động. Không có quần chúng nói chung mà chỉ có quần chúng cho từng hoạt động. Lấy thí dụ môn thể thao bóng đá, một nhà bác học thông thái về thể thao bóng đá đang nồng nhiệt cổ vũ một đội bóng. Ông chỉ là người thuộc quần chúng của bóng đá. Vậy trong đấu tranh chính trị phải hiểu quần chúng là những người không dành cho hoạt động chính trị một quan tâm bền bỉ nào và cũng không tham gia một tổ chức chính trị nào. Như vậy một tiến sĩ chính trị học cũng thuộc thành phần quần chúng nếu không đứng trong một tổ chức chính trị nào và không có ý định hoạt động chính trị.

Đặc điểm của quần chúng là không gắn bó, mỗi người sống riêng lẻ, bình thường bất lực, khi được động viên thì ứng xử giống như một đám đông, nghĩa là một khối nhiều người không biết nhau đi theo sự hướng dẫn của những người cầm đầu. Đám đông có tác dụng tâm lý là làm tê liệt những khả năng cao cấp của trí tuệ như suy nghĩ và phê phán, ngược lại kích thích những bản năng sơ đẳng, do đó có thể có những hy sinh rất dũng cảm nhưng cũng có thể hành động một cách rất thô bạo, thậm chí phạm tội ác. (Chúng ta có thể nghĩ tới những cuộc đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất tại Việt Nam thập niên 1950, hay cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc thập niên 1960).

Hiệu ứng tâm lý đám đông này cần được đặc biệt lưu ý. Nó cho phép ta rút ra hai kết luận đầu tiên: một là quần chúng đòi hỏi lãnh đạo, do đó quần chúng chỉ có thể động viên được nếu có một tổ chức mạnh khởi xướng; hai là, cũng như một đám đông, quần chúng được động viên do bị kích thích. Không có sự kích thích nào có thể kéo dài được, bởi vậy quần chúng chỉ có thể động viên được trong một thời gian ngắn. Tổ chức lãnh đạo vì vậy phải chuẩn bị trước kế hoạch để lợi dụng tối đa thời điểm thuận lợi này để đạt những kết quả dứt khoát không thể đảo ngược.

Để nhìn rõ hai điểm này, chúng ta có thể lấy một vài thí dụ.

Nhóm của linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng giống như hầu hết các nhóm đối lập Việt Nam, minh họa kết luận thứ nhất. Họ chưa phải là một tổ chức, đội ngũ còn rất mỏng và rất mới. Họ đã bắt đầu vận động quần chúng ngay và đã chỉ có những kết quả rất giới hạn. Khối 8406 không phải là một tổ chức, nó là một khối người ký tên vào bản tuyên ngôn 8-4-2006. Họ đã qui tụ được khoảng 2.000 chữ ký. Nhưng nếu một tổ chức với 2.000 thành viên có thể được đánh giá là rất mạnh thì một khối quần chúng 2.000 quả thực là không có trọng lượng trong một dân tộc 85 triệu người. Vả lại phần lớn những người tham gia ký tên là người công giáo quen biết linh mục Nguyễn Văn Lý. Số người hưởng ứng đã khựng lại sau một hai tháng đầu. Phải khách quan mà nhận định rằng mặc dù quyết tâm và dũng cảm của ông, cố gắng vận động quần chúng của Nguyễn Văn Lý đã không đạt được kết quả mong muốn. Không thể khác được vì động viên quần chúng đòi hỏi một tổ chức mạnh.

Một ngộ nhận đã kéo dài quá lâu nơi những người đối lập Việt Nam là cho rằng nếu quần chúng phẫn nộ vì ý thức được rằng mình bị đàn áp và bóc lột thì họ sẽ đứng dậy đánh đổ chính quyền. Sự thực thì mọi kinh nghiệm đều cho thấy là một khối người dù đông đảo tới đâu và hoàn toàn đồng ý rằng mình bị áp bức cũng không đứng dậy tranh đấu. Họ chỉ đứng dậy tranh đấu nếu có một tổ chức lãnh đạo và tổ chức này phải đủ mạnh và gắn bó để khiến họ tin chắc vào thắng lợi.

Về kết luận thứ hai, chúng ta có thể nhìn lại kinh nghiệm của chính những chế độ tự xưng là đặt nền tảng trên quần chúng. Hitler lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tinh thần bài Do Thái để kích động được quần chúng Đức và thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1933. Điều đầu tiên đảng Quốc Xã Đức làm là dẹp bỏ bầu cử dân chủ để biến một thắng lợi nhất thời thành một thắng lợi vĩnh viễn, bởi vì đảng Quốc Xã hiểu rằng sự ủng hộ sôi nổi của quần chúng chỉ tranh thủ được trong một thời gian ngắn.

Các Đảng Cộng Sản Liên Xô và Việt Nam cũng hành động tương tự. Lênin thu hút được quần chúng nhờ tài hùng biện vượt hẳn các đối thủ, ông lợi dụng hậu thuẫn này đảo chính cướp chính quyền và ngay sau đó dùng khủng bố để kiểm soát quần chúng. Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Lênin thừa hiểu rằng hậu thuẫn quần chúng không thể kéo dài. Đảng Cộng Sản Việt Nam nhờ sự đầu hàng của chế độ quân phiệt Nhật kế tiếp sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp đã động viên được quần chúng hăng say hưởng ứng Cách Mạng Tháng 8-1945. Ngay sau đó nó cũng đã thực hiện chính sách khủng bố để tiêu diệt mọi đối thủ chính trị và khống chế chặt chẽ quần chúng; cũng để biến một thắng lợi nhất thời thành một thắng lợi không thể đảo ngược được.

Lịch sử thế giới gần đây đã có quá nhiều trường hợp trong đó quần chúng nô nức ủng hộ một lãnh tụ và một đảng lúc ban đầu vì phấn khởi và được động viên nhưng sau đó phải tiếp tục ủng hộ vì bị khống chế và không có chọn lựa nào khác, trong hầu hết mọi trường hợp quần chúng trở thành công cụ của một chính quyền độc tài, nghĩa là bị phản bội. Chính vì thế mà động viên quần chúng trở thành một điều bị ngờ vực. Trong các nước dân chủ văn minh, các chính đảng chỉ tranh thủ lá phiếu của cử tri qua tranh luận cởi mở. Vấn đề động viên quần chúng chỉ đặt ra trong tình huống cách mạng, và cũng phải được tiến hành một cách lương thiện, như một công tác nhất thời, với tất cả thận trọng để tránh mọi nguy cơ trượt tuột vào một khí thế hận thù mở đường cho sự lợi dụng của những phần tử quá khích.
Đúng là chúng ta sẽ phải động viên quần chúng vào một thời điểm nào đó bởi vì cuộc đấu tranh của chúng ta về bản chất là một cuộc đấu tranh cách mạng. Chúng ta không phải chỉ muốn thay đổi chính quyền và chế độ mà còn phải nhắm thay đổi cả quan niệm về đất nước, xã hội và chính quyền, nghĩa là thay đổi văn hóa chính trị và triết lý chính trị. Điều này cần phải được hiểu rõ, bởi vì nếu chỉ nhắm thay đổi chính quyền và chế độ chúng ta sẽ không có hy vọng thành công nào cả.

Quần chúng là đối tượng tranh thủ cho thắng lợi sau cùng của cuộc cách mạng chứ không phải là động cơ của cuộc cách mạng. Trước đó, nghĩa là trước khi thắng lợi của cuộc cách mạng đã chắc chắn, quần chúng chỉ có vai trò cung cấp cho cuộc đấu tranh cách mạng những người vượt lên quần chúng để trở thành cán bộ nòng cốt.

Cuối năm 1982, khi tôi vừa từ Việt Nam ra nước ngoài, một số bạn bè đã từng hoạt động với tôi trong phong trào sinh viên rủ tôi gia nhập một mặt trận kháng chiến đang được hưởng ứng sôi nổi vào lúc đó. Khi tôi phân tích tình hình đất nước và đường hướng đấu tranh phải có thì họ gạt đi: "Mày bàn cãi mông lung quá, vấn đề trước mắt là phải đánh cho nó chết đã". Họ là những trí thức yêu nước, tốt nghiệp những trường rất danh tiếng, nhưng họ thích hành động hơn là lý luận. Quan điểm chính trị của họ không thay đổi bao nhiêu so với trước năm 1975. Đối với họ, mặt nạ của đảng cộng sản đã rớt xuống, dân chúng đã thấy thực chất của đảng cộng sản rồi, vấn đề chỉ giản dị là động viên quần chúng vùng lên đánh gục chế độ cộng sản mà thôi.

Nhưng vấn đề chính là ở chỗ không thể "đánh cho nó chết" được. Chế độ cộng sản không phải là một tai họa ngẫu nhiên từ trên trời rớt xuống, cũng không phải do một thế lực ngoại bang áp đặt (như hầu hết mọi chính quyền quốc gia kế tiếp nhau từ 1948 đến 1975). Những người cộng sản đã chiến đấu gian khổ trong ba mươi năm, đã chấp nhận những hy sinh to lớn để cuối cùng đánh bại các đối thủ nhiều phương tiện hơn họ. Họ đã được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người Việt Nam và cảm tình, hay ít nhất sự chấp nhận thụ động, của vô số người Việt Nam khác. Chế độ cộng sản có thể gian ác nhưng không vô lý. Nó là một sản phẩm Việt Nam, thể hiện một tổng hợp phù hợp nhất với những điều kiện tâm lý xã hội của Việt Nam trong một bối cảnh giao thời giữa văn hóa Khổng giáo truyền thống và văn hóa dân chủ phương Tây. Không thể đánh bại nó nếu không thay đổi được cái văn hóa đã giúp nó thắng lợi và, dù đã thay đổi khá nhiều, vẫn còn đang duy trì nó. Sự kiện sau 32 năm vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ mạnh là điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

 Cuộc tranh đấu của chúng ta là một cuộc đấu tranh cách mạng và không có một cuộc cách mạng nào, dù xấu hay tốt, có thể thành công nếu không được chuẩn bị trước bởi một cuộc vận động tư tưởng. Cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911) tại Trung Quốc đã chỉ thành công sau một cuộc vận động tư tưởng kéo dài hơn một nửa thế kỷ với những Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, v.v. Cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga đã đến gần hai thế kỷ sau khi tư tưởng xã hội được truyền bá và hơn nửa thế kỷ sau Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx. Cuộc Cách mạng Pháp 1789 chỉ đã đến gần ba thế kỷ sau thời kỳ Phục Hưng tiếp nối thời kỳ Trung Cổ. Cuộc cách mạng dân chủ Việt Nam cũng sẽ không ra khỏi qui luật này.

Một hệ luận của nhận định này là những người lãnh đạo các cuộc cách mạng phải vừa là những người hành động vừa là những nhà tư tưởng. Không nên quên rằng Tôn Dật Tiên trước khi cầm đầu cuộc Cách Mạng Tân Hợi đã được biết đến như một trong những nhà tư tưởng dân chủ lớn của Trung Quốc. Các Founding Fathers của cuộc cách mạng dân chủ Mỹ là những lý thuyết gia, cũng như những người lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền Pháp 1789. Gandhi va Nehru là những người có tư tưởng và viễn kiến. Lenin, Trotski, Hitler, Mao Trạch Đông cũng đã là những người nắm vững lý thuyết cách mạng nhất trong bối cảnh quốc gia của họ và trong trường phái của họ.

Chính sự thiếu ý thức rằng cuộc đấu tranh của chúng ta chỉ có hy vọng thành công nếu nó đồng thời cũng phải là một cuộc cách mạng tư tưởng, và do đó những người lãnh đạo đồng thời cũng phải là những nhà tư tưởng, đã là nguyên nhân của tình trạng xô bồ khiến cho cuộc đấu tranh giành tự do và dân chủ không lớn mạnh được. Quá nhiều người thấy mình có đủ tư cách để viết tuyên ngôn, cương lĩnh (trong rất nhiều trường hợp có cả những lỗi văn phạm và chính tả) vạch ra con đường cứu nước, sáng lập tổ chức và làm lãnh tụ, rồi sử dụng mọi xảo thuật để đánh bóng cho mình, trong khi quần chúng không đủ hiểu biết và quan tâm để nhận ra những người và tổ chức đáng tin tưởng.

Vấn đề vận động quần chúng chỉ thực sự đặt ra khi cuộc vận động tư tưởng đã gần chín muồi, nghĩa là khi đại bộ phận trí thức đã chấp nhận, hoặc ít nhất không chống lại, những giá trị mới và những lý luận mới. (Trong mọi quốc gia, trí thức luôn luôn có vai trò lãnh đạo quần chúng về mặt tư tưởng). Và phải đi qua hai công tác thuyết phục và động viên, trong đó công tác thuyết phục khó khăn và quan trọng hơn hẳn.
Cụ thể hơn cuộc vận động tư tưởng, trong đó có thể có sự đóng góp quan trọng của những người không hoạt động chính trị như các nhà tư tưởng, học giả, nhà báo, văn nghệ sĩ, v.v., công tác thuyết phục phải do một tổ chức chính trị đảm nhận và gồm hai vế: một là chứng minh rằng chế độ và chính quyền hiện tại dẫn đất nước vào bế tắc và không có khả năng tìm được lối thoát; hai là đạt tới đồng thuận về một giải pháp thay thế gồm một dự án chính trị và một nhân sự chính trị mới. Nói cách khác, quần chúng phải được thuyết phục để vừa dứt khoát bác bỏ chế độ và chính quyền hiện có vừa biết mình muốn thể chế mới nào, do những ai điều khiển.

Có hai yếu tố quan trọng cần được ý thức thật rõ ràng: một là để người dân đoạn tuyệt với chế độ hiện có, sự đóng góp của những tiếng nói phản kháng trong nội bộ chính quyền là tối quan trọng, những tiếng nói này có sức tàn phá rất lớn; hai là vì giải pháp mới phải gồm cả một dự án và một đội ngũ lãnh đạo nên trước mặt chính quyền phải là một tổ chức, hoặc một liên minh rất chặt chẽ, với một ban lãnh đạo rất gắn bó. Một đối lập gồm nhiều tổ chức, không phục nhau và cạnh tranh với nhau không thuyết phục được quần chúng, một đối lập đồng nhất nhưng không có dự án chính trị đúng cũng vô vọng. Và dù thế nào đi nữa cũng không thể đánh bại được một chính quyền nếu nội bộ của nó không phân hóa, vì mất lý tưởng hay vì tham nhũng, để có những tiếng nói phản kháng ngay từ bên trong.

Động viên quần chúng chỉ là công việc gặt hái những thành quả của cố gắng thuyết phục. Ta có thể ví thuyết phục như toàn bộ những công việc của nhà nông như làm đất, gieo trồng, tưới, bón, trừ sâu, trong khi động viên chỉ là thu hoạch. Chỉ có thể gặt khi lúa đã chín và cũng phải gặt nhanh chóng khi lúa đã chín. Tuy vậy, cũng như gặt lúa là một công tác khác với trồng lúa, động viên quần chúng, dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, cũng có những đặc tính riêng của nó.
Một cách cụ thể, cuộc "chiến tranh động viên quần chúng" diễn ra như sau: một bên là phe đối lập cố gắng thuyết phục quần chúng rằng phải thay đổi tổ chức xã hội để tìm một lối thoát cho dân tộc; một bên là đảng cầm quyền cố gắng trấn an quần chúng rằng có thể có giải pháp thăng tiến cho từng cá nhân mà không cần phải thay đổi chế độ. Nói cách khác, đối lập hô hào thay đổi xã hội trong khi chính quyền đề cao sự linh động trong xã hội, đối lập hô hào một giải pháp cho đất nước trong khi chính quyền hứa hẹn những thăng tiến cá nhân cho từng người; đối lập đòi đổi luật chơi trong khi chính quyền chủ trương chỉ cần cải tiến kỹ thuật thi đấu, một bên kêu gọi một cuộc cách mạng, một bên biện luận rằng chỉ cần canh tân. Đối lập tố giác những sai phạm của chính quyền và thiệt hại gây ra cho quần chúng; để chống trả, một chính quyền khôn ngoan không bao giờ nói là tất cả đều rất tốt và không có gì phải thay đổi, vì như thế là vô tình tiếp tay cho đối lập bởi vì khiến những người bị thua thiệt thấy là họ không có gì để hy vọng ở chế độ; trái lại nó luôn luôn nhìn nhận là có nhiều sai lầm và tỏ ra cố gắng sửa sai, dù những biện pháp sửa sai chỉ nhằm duy trì hiện trạng.

Thông thường thì chính quyền thắng trong cuộc chiến tranh động viên này vì đây là một cuộc đấu rất không cân xứng. Phe cầm quyền vừa có phương tiện quá áp đảo vừa có khả năng tác động trực tiếp lên tâm lý của người dân. Không nên đánh giá thấp khả năng tự vệ của các chế độ đã có đủ thời gian để mọc rễ vào xã hội. Chế độ thi cử mặc dù chỉ thăng tiến một số rất ít người đã tạo ra ảo tưởng là một người nông dân có thể thi đậu, ra làm quan và đổi giai cấp, và đã giúp các chế độ Khổng giáo Việt Nam và Trung Quốc đứng vững trong cả ngàn năm. Cũng đừng nên quên phương tiện tự vệ cố hữu nhưng rất hiệu lực của các chính quyền: hy sinh những con dê tế thần. Các vua chúa ngày xưa chém đầu những tham quan ô lại, các chế độ độc tài ngày nay thỉnh thoảng cũng đem xử những cấp lãnh đạo tham nhũng để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng. Mặt khác, tâm lý thông thường của quần chúng là luồn lách, mỗi người cố tìm giải pháp cá nhân cho những vấn đề cá nhân thay vì chấp nhận hiểm nguy để đứng lên tranh đấu, tâm lý này lại được tăng cường bởi niềm tin rằng nếu vạn nhất những kẻ liều lĩnh tranh đấu chống chính quyền có thành công thì chính mình cũng sẽ được hưởng phúc lợi. Chính vì phần thắng thường hay thuộc về kể cầm quyền mà những cuộc cách mạng chỉ là những trường hợp rất hiếm hoi trong lịch sử của các dân tộc và chỉ xảy ra trong những trường hợp rất đặc biệt vì những thay đổi bắt buộc phải có đã bị trì hoãn quá lâu, các mâu thuẫn và bất mãn đã tích lũy đến độ những biện pháp sửa sai trong lòng chế độ không còn được chấp nhận được nữa và chỉ còn lại một giải pháp là thay đổi toàn diện.
Trong trường hợp cách mạng là giải pháp duy nhất cho xã hội, công tác động viên quần chúng cũng chỉ thành công nếu hội đủ ba điều kiện:

Điều kiện thứ nhất là quần chúng cảm thấy mình là một thành phần bị một thành phần khác chà đạp và bóc lột. Cần có sự hiện hữu của hai tập thể có căn cước rõ ràng, một tập thể ta trong đó mỗi người cảm thấy mình là thành viên gắn bó và có trách nhiệm phục vụ, đồng thời cũng cảm thấy được hỗ trợ, và một tập thể địch nguyên nhân của những đau khổ mà mình và các đồng cảnh là nạn nhân. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 là cuộc cách mạng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp quí tộc. Các đảng cộng sản cố tạo ra huyền thoại một giai cấp công nhân (hoặc bần cố nông) bị giai cấp chủ nhân (hoặc địa chủ) bóc lột. Chúng ta có thể nhận xét là mọi chế độ độc tài đều có chung một đặc tính là cấm cản tối đa những liên hệ trong xã hội (qua các hội đoàn, tổ chức, sách báo) để ngăn cản sự liên kết giữa người dân (nghĩa là những tập thể ta của người dân) và để dễ thống trị một đám đông cô đơn. Trong trường hợp Việt Nam hiện nay, chúng ta đã xác định được hai tập thể này chưa ? Tập thể địch có thể được tạm định nghĩa là thành phần cán bộ cao cấp và các đồng minh tư sản đỏ của họ, nhưng tập thể ta là ai ? Đó chỉ có thể là toàn bộ nhân dân Việt Nam thôi, như vậy muốn xây dựng tập thể này, không có giải pháp nào khác hơn là củng cố lòng yêu nước và thúc đẩy hòa giải và hòa hợp dân tộc. Không có lòng yêu nước thì không thể nói tới dân tộc, yêu nước mà chia rẽ và thù ghét lẫn nhau thì cũng không phải là một lực lượng và sẽ tiếp tục bất lực trong sự chia rẽ.

Điều kiện thứ hai là phải có những hứa hẹn cụ thể. Quần chúng không đủ hiểu biết và suy luận để ý thức được những phúc lợi của đạo đức chính trị, lòng yêu nước, tự do, dân chủ. Họ phải nhìn thấy cuộc cách mạng đem lại cho họ những kết quả cụ thể nào. Các cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp cuối thế kỷ 18 có nguồn gốc là chống thuế. Các đảng cộng sản tại Nga, Trung Quốc và Việt Nam đã có một hứa hẹn rất đạo tặc nhưng cũng rất cụ thể là nếu nắm được chính quyền họ sẽ tiêu diệt giai cấp chủ nhân (hoặc địa chủ) để chấm dứt bóc lột và lấy của người giàu chia cho người nghèo. Các tôn giáo cũng hứa hẹn một điều rất cụ thể : cuộc sống cực lạc sau cuộc đời này. Vậy trong cuộc cách mạng dân chủ này chúng ta có gì cụ thể để hứa hẹn với quần chúng ? Tự do là một điều rất cụ thể nhưng người ta chỉ cảm thấy được một cách rõ rệt một khi đã có và bị mất thôi. Còn lại là những đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo, tụt hậu khoa học kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục phá sản. Phải giải thích cho dân chúng biết những tệ nạn này gây ra cho họ những thiệt hại nào và nếu chấm dứt được sẽ đem lại cho họ kết quả cụ thể nào và bao nhiêu. Đây là những chủ đề phức tạp, không phải ai cũng có thể nói một cách thuyết phục.

Điều kiện thứ ba là quần chúng phải chắc chắn là cuộc đấu tranh sẽ thành công. Không thể đòi hỏi sự dũng cảm nơi quần chúng. Sự dũng cảm trong tranh đấu là đặc tính của những tổ chức. Sự dũng cảm cá nhân không thể hiện qua tranh đấu, cùng lắm trong những trường hợp hạn hữu nó được biểu lộ qua những hy sinh trong trạng thái tâm thần không bình thường. Những người vượt biển ra đi đã rất can đảm về mặt cá nhân khi bước lên những con tàu ọp ẹp ra khơi, nhưng họ không dám chống chính quyền cộng sản trước khi ra đi và trên đường vượt biên cũng không chống lại bọn hải tặc uy hiếp họ vì không chắc thắng.

Nhưng khi nào thì quần chúng tin chắc vào thắng lợi ? 

Câu trả lời của những kinh nghiệm lịch sử và những công trình nghiên cứu chính trị là khi quần chúng thấy có một tổ chức vừa đáp đúng nguyện vọng của họ vừa có đủ sức mạnh để giành thắng lợi. Sức mạnh được hiểu là phương tiện, trí tuệ, đội ngũ nòng cốt, uy tín của lãnh đạo, và nhất là sự gắn bó vì quần chúng nhìn một tổ chức như một người. Một tổ chức yếu về lực lượng hoặc chưa có uy tín dĩ nhiên không động viên được quần chúng. Một tổ chức không có nhất trí dưới mắt quần chúng giống như một người chưa biết mình muốn gì và do đó cũng không thể động viên được quần chúng. Một tổ chức đủ khả năng động viên quần chúng như vậy chỉ có thể là thành quả của những cố gắng nghiên cứu, suy nghĩ, kết nạp và đào tạo trong nhiều thập niên. Điều quan trọng cần được đặc biệt lưu ý là một khi đã được động viên thì lực lượng quần chúng phải được sử dụng ngay tức khắc để đạt thắng lợi. Quần chúng không kiên nhẫn, nếu thắng lợi không đến nhanh chóng khí thế đấu tranh sẽ nhường chỗ cho thất vọng.

Tóm lại, quần chúng chỉ động viên được vào lúc mà mọi cố gắng và hy sinh để thành công đã làm xong, thắng lợi đã chắc chắn và quần chúng không còn chọn lựa nào khác hơn là ủng hộ, và sự ủng hộ này phải được khai thác nhanh chóng. Trở lại thí dụ nhà nông, gặt lúa là điều bắt buộc phải làm và phải làm nhanh chóng, nhưng đó chỉ là sự thu hoạch kết quả của những cố gắng đã có từ trước. Điều bắt buộc không phải là điều quan trọng nhất.
Nếu có một ngộ nhận mà chúng ta cần đánh tan thì đó chính là vấn đề động viên quần chúng. Do quan sát hời hợt không khí tưng bừng của những cuộc cách mạng đã thành công, người ta tưởng rằng các cuộc cách mạng đã thành công vì được quần chúng ủng hộ, trong khi thực ra quần chúng chỉ ủng hộ các cuộc cách mạng đó vì chúng đã thành công. Trong lịch sử của các dân tộc, những cuộc đổi đời lớn đều là thành quả của những nhóm nhỏ đã có đủ trí tuệ để nhìn thấy hướng đi phải có cho xã hội và đã kiên trì đấu tranh, chấp nhận mọi cố gắng và hy sinh cho lý tưởng của họ. Sau cùng họ đã đánh bại được những tập đoàn cầm quyền nhiều lần mạnh hơn họ về cả phương tiện lẫn số lượng bởi vì họ là hiện thân của một tương lai bắt buộc phải đến trong khi tập đoàn cầm quyền là hiện thân của một thực trạng phải qua đi. Và họ đã có đủ quyết tâm và kiên trì, đã có đủ dũng cảm để vượt qua những thử thách để giành thắng lợi. Sự hưởng ứng của quần chúng sau cùng đã đến như là phần thưởng của những cố gắng.

Lenin là một con người tàn bạo và thiếu tầm nhìn nhưng là một chiến lược gia thiên tài, một tay nhà nghề thượng thặng về đấu tranh cách mạng và vận động quần chúng. Ông ta có một câu nói : "Trong cách mạng có ba vấn đề : tổ chức, tổ chức và tổ chức". Và ông ta đã thành công, dù sự thành công đó, vì đặt nền tảng trên một lý thuyết độc hại, đã là một thảm kịch cho nước Nga và nhiều dân tộc.

Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn.