Đồng tiến trong dị biệt ! (Việt Dân)

Tôi tin rằng một đất nước Việt Nam tương lai với một thiết chế dân chủ toàn vẹn, một mô hình nhà nước "nhẹ" và tản quyền sẽ đảm bảo tối đa cho sự phát triển hài hòa về kinh tế lẫn văn hóa giữa các vùng, miền. Đồng thời thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi sự khác biệt sẽ tạo ra một nguồn sinh lực mới cởi trói cho tâm lý của các cộng đồng người Việt. Chúng ta lạc quan vì chặng đường này sẽ đến như một khát vọng tất yếu !
Vài tuần trước tôi có dịp tiếp xúc với hai anh công nhân người Chăm tại một dự án.
Câu chuyện cũng tình cờ, hai anh này thuộc một tốp thầu phụ vào thi công, còn tôi thì đại diện cho nhà cung cấp xuống gặp nhà thầu chính. Thấy hai anh này bị quở trách vì thi công sai biện pháp và thiếu dụng cụ thi công, tôi có mang theo dụng cụ bèn đưa cho anh ấy mượn. Nét da đen cháy, hốc mắt sâu ẩn trong nét gầy guộc vì bươn chải, anh ấy nói nhỏ "cảm ơn" với dáng vẻ khom khom không được tự nhiên cho lắm.
Đời sống của hầu hết công nhân xây dựng ở Việt Nam là vậy, mức thu nhập bình quân khoảng 8-9 triệu một tháng, còn công việc thì cực nhọc, ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi, công việc vẫn còn dùng nhiều đến tay chân, cách quản lí chưa chuyên nghiệp... lâu ngày những người công nhân đó bị "điều kiện hóa" cái cung cách, dáng vẻ ấy. Nghĩ mà buồn ! Thấy anh ấy nói tiếng dân tộc với anh bạn, tôi bất giác hỏi anh là người cộng đồng nào ? Anh bảo anh người Chăm quê ở Phan Rang !
Cộng đồng người Chăm ở Việt Nam không còn nhiều nữa, chủ yếu tập trung ở Campuchia. Miền Đông Nam Bộ thì có khoảng 30.000 người ở Phan Rang, 10.000 người ở Châu Đốc. Khi anh ấy nói anh là người Chăm trong suy nghĩ của tôi có chút gì đó hơi ngại ngùng ngăn tôi hỏi chuyện. Nếu là bình thường thì ít nhất tôi cũng hỏi vài câu xã giao, anh lập gia đình chưa ? Có mấy cháu rồi ? Dưới Phan Rang có gì vui không ?... Tôi không hỏi, mà sau đó là một khoảng thời gian tĩnh lặng suy nghĩ, tôi đặt ra những giả thiết : "Vì sao anh ta lại phải lên đây ? Hai anh này có được giới chủ đối xử bình đẳng không ? Họ có hòa nhập được cuộc sống ở cái nơi đất chật người đông với cái đồng lương "lông bông" này không ?...
Theo những kiến thức mà tôi biết thì dù đất nước ta có một chiều dài lịch sử nhưng miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18, tức là cũng chỉ mới gần đây thôi. Có thể nói lịch sử của những cuộc hội nhập này đã luôn dựa trên một khuôn mẫu bạo lực và áp đặt.
Dự án Chính trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai ghi nhận rằng : "Nước ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy các triều đại của ta lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của ta là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của ta là văn hóa của người Kinh. Các quan hóa niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chủ yếu nhắm phục vụ cho người Kinh. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực".
Biến cố năm 1975 xảy ra và đảng cộng sản lên nắm quyền, khép lại một cuộc nội chiến đầy tang thương, dai dẳng và ám ảnh đến nhiều thế hệ người Việt sau này. Nhưng một lần nữa, đảng cộng sản đã không nhìn nhận lại lịch sử để đặt lại những vấn đề lớn cho dân tộc mà tiếp tục chạy theo quán tính đúng với bản chất của họ : Bạo lực và độc quyền chân lý. Họ đã tiếp nối việc cai trị người dân sắt máu hơn, bạo lực hơn. Họ viết lại lịch sử, họ đưa ra chủ nghĩa lý lịch, các trại tù cải tạo, họ không có bất cứ ưu tư nào đủ lớn dành cho không gian văn hóa của Cao Nguyên Trung Phần, vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Sự cứng nhắc dựa trên một học thuyết lấy đấu tranh giai cấp và độc quyền chân lý làm kim chỉ nam đã đẩy sự rạn nứt, đổ vỡ trong lòng nhiều người Việt thêm trầm trọng hơn và rồi những sắc tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam cảm thấy xa lạ trên chính mảnh đất họ đang sống. Mỗi khi không khí sinh hoạt thời bao cấp xuất hiện và lởn vởn trong đầu, tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến sự chịu đựng, uất ức bao trùm lên cả một thế hệ. Và tôi nghĩ rằng những người cộng sản dù ở cấp lãnh đạo cao nhất, chính họ cũng là những nạn nhân trong một xã hội mà chính họ tạo ra dù họ không muốn hoặc cố tình không biết. Không khó để thấy ban lãnh đạo đảng cộng sản đang phân rã thành nhiều phe cánh, nghi kị, hạ bệ lẫn nhau dù họ vẫn đang gọi nhau là "đồng chí".
Mở rộng vấn đề hơn thì có thể thấy chính lối cai trị độc đoán và áp đặt ý chí bằng bạo lực của đảng cộng sản đã tàn phá chất liệu nhân xã trong lòng xã hội Việt Nam. Chính sách phát triển thiếu sự công bằng, minh bạch... ảnh hưởng hết sức nặng nề đến khắp mọi miền và khắp các cộng đồng. Các sắc tộc sinh sống ở Cao Nguyên Trung Phần và miền núi phía Bắc, cộng đồng người Việt gốc Khmer, người Việt gốc Hoa đang cảm thấy xa rời với chính thứ văn hóa mà họ đang bị áp đặt lên và liệu họ có cảm thấy cần đóng góp điều gì đó cho một nhà nước quá xa lạ với suy nghĩ chung của họ, một nhà nước chưa bao giờ chấp nhận sự dị biệt trong văn hóa của họ ? Có lẽ sự ngại ngùng ngăn tôi hỏi chuyện anh công nhân ấy là vì dù tôi không chia sẻ suy nghĩ với những người cộng sản nhưng chắc là trong mắt anh ấy tôi vẫn là một người Kinh chăng ? Người Kinh trong suy nghĩ của anh ta như thế nào ? Phải chăng là nhóm người đã tìm cách xóa bỏ hoặc không thừa nhận tổ tiên, những nét văn hóa của cộng đồng anh ấy !
Việt Nam có hơn 90 triệu dân với một địa lý dài và hẹp. Chúng ta có nhiều cộng đồng khác nhau nên tinh thần chủ đạo để xây dựng lại một nhà nước trong tương lai chắc chắn phải là Dân chủ Đa nguyên và Hòa giải-hòa hợp dân tộc. Chúng ta dứt khóat xóa bỏ độc quyền chân lý và đề cao tinh thần "không có ý kiến nào cấm nêu ra và không có đề tài nào là cấm được bàn đến".
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rằng :
"Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc. Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất để mưu tìm sự đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Tinh thần tôn trọng các cộng đồng cũng phải được mở rộng ra tới các cộng đồng tôn giáo, các cộng đồng tư tưởng, các cộng đồng nghề nghiệp và các cộng đồng không thành hình do nếp sống khác nhau của từng địa phương mà có. Các cộng đồng này phải được đảm bảo chỗ đứng và tiếng nói trong sinh hoạt chung của quốc gia".
Tôi tin rằng một đất nước Việt Nam tương lai với một thiết chế dân chủ toàn vẹn, một mô hình nhà nước "nhẹ" và tản quyền sẽ đảm bảo tối đa cho sự phát triển hài hòa về kinh tế lẫn văn hóa giữa các vùng, miền. Đồng thời thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi sự khác biệt sẽ tạo ra một nguồn sinh lực mới cởi trói cho tâm lý của các cộng đồng người Việt. Chúng ta lạc quan vì chặng đường này sẽ đến như một khát vọng tất yếu !
Việt Dân
(10/8/2017)