Đức chuyển biến và người Việt cần lên tiếng (BBC)

Quan tâm đến chính trị, dấn thân vào chính trường, mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình, hãy nhận thức rõ rằng đây là nơi mình sẽ sống đến hết đời, là quê hương của con, cháu mình, hãy chung tay đóng góp bảo vệ, xây dựng nó...thì khả năng một kết cục bi thảm bị gây ra bởi các đảng phái cực đoan ở Đức có chân trong chính quyền sẽ được giảm thiểu tối đa.

 
Bầu cử tạo ra chấn động lớn cho quốc gia giàu mạnh nhất châu Âu nhưng người Việt Nam tại Đức nói chung và Berlin nói riêng có quan tâm và bám sát tình hình không? 

BBC phỏng vấn ông Lê Mạnh Hùng, nhà báo độc lập tại Berlin, thủ đô nước Đức về câu chuyện này.
Đầu tiên BBC hỏi ông có phải ý thức chính trị và tinh thần xã hội muốn ham gia các vấn đề của quốc gia sở tại có phải vẫn còn hạn chế trong số người Việt Nam ở Berlin?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Nhờ mạng xã hội có thể đánh giá được dễ dàng hơn điều này. Có sự khác khác biệt với những lần bầu cử trước là người Việt thế hệ thứ nhất quan tâm nhiều hơn tới các diễn biến trên chính trường Đức, đến bầu cử. 

Họ dường như bắt đầu cảm nhận được sự liên quan mật thiết giữa những gì đang diễn ra ở đất nước sở tại và cuộc sống của riêng mình. Ở Đức càng lâu họ sẽ càng vỡ ra điều đó. 

Cuộc sống lo lắng về cơm áo, gạo tiền càng ngày đỡ đi, con cái đã lớn, họ có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến xung quanh, nhiều người có quốc tịch Đức hơn, có quyền đi bầu...

Nhưng những thay đổi này vẫn chưa thực sự mạnh. Hạn chế về tiếng Đức là một rào cản lớn với thế hệ thứ nhất nói chung, đặc biệt với khối người ra đi từ miền Bắc Việt Nam nói riêng, bởi quan niệm mang theo từ nhà rằng chính trị là một thứ gì đó xa lạ, thậm chí „nguy hiểm", nên xa lánh...vẫn còn đè nặng trong tâm trí của họ. 

Số đông người Việt vẫn còn bị cuốn hút vào những hoạt động hội hè, đình đám, coi nước Đức chỉ là cõi tạm, quan tâm đến những vấn đề ở VN hơn là nơi mình đang sống. 

Thế hệ thứ hai thì lại có điểm khác. Nhóm sinh ra, lớn lên ở Đức, có quốc tịch Đức rất quan tâm đến bầu cử. Trong số gia đình quen biết của chúng tôi, tôi chưa bắt gặp một trường hợp nào không đi bầu. Một vài người bận việc vào ngày bỏ phiếu thì đã tìm cách bầu trước, gửi qua bưu điện...Họ hiểu được giá trị lá phiếu của họ.

Cô gái hàng xóm của tôi nói: "ít nhất cháu cũng không để cho mấy đảng cực đoan chiếm được nhiều phiếu bầu hơn!". Nhóm người trẻ tuổi tới Đức trễ thì có nhiều điểm tương đồng với thế hệ một. Chúng tôi thường nói đùa là "những người kế cận của thế hệ thứ nhất có nhiều hạn chế".

BBC:Ông biết có bao nhiêu người Việt là cử tri tại Đức trong kỳ bầu cử Quốc hội năm nay?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Con số chính xác số người thế hệ thứ hai tham gia bầu cử chưa thể có thống kê, nhưng tôi có thể ước đoán được là phần đông tất cả những ai có quốc tịch và quyền tham gia bầu cử.
BBC: Chính sách nhập cư của một chính phủ liên minh mới tại Đức ra sao? Có chỉ dấu là FDP qua lời ông Christian Lindner cũng nói điều kiện để tham gia lập CP cùng đảng CDU của bà Angela Merkel là "ai trượt tỵ nạn phải bị trục xuất ngay", ông nghĩ sao?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Còn quá sớm để đánh giá về điều này. Đảng CDU của bà Merkel trong những ngày tới sẽ phải có một quá trình đàm phán thương lượng không dễ dàng với một số đảng khác để hình thành một liên minh cầm quyền.

Khác với các nhiệm kỳ trước, khá êm ả với đại liên minh CDU, CSU và SPD, lực lượng đối lập trong quốc hội không mạnh...lần này nếu như các diễn biến sẽ đúng như những gì đã diễn ra sau bầu cử tối hôm qua, sau các cuộc hội luận bàn tròn giữa các đảng có chân trong quốc hội, các cuộc họp báo riêng của từng đảng thì việc đưa ra các chính sách, đường lối đối nội và đối ngoại của liên minh cầm quyền tới đây sẽ luôn bị các đảng đối lập săm soi kỹ lưỡng.

Bản thân việc tìm cách liên minh với nhau ở giai đoạn này, các đảng cũng sẽ đưa ra không thiếu gì các phát ngôn mạnh bạo để quảng bá cho mình. Những đề tài lớn như châu Âu, người nhập cư, công bằng xã hội sẽ còn tiếp tục được khai thác triệt để. 

Những chính sách, biện pháp cụ thể với người tị nạn bị bác đơn sẽ còn phải bàn thảo nhiều trước khi đưa ra và khả năng thực thi chúng cũng không phải luôn là dễ dàng. Quá khứ đã có nhiều minh chứng về điều này.
BBC:Trở lại vấn đề của cộng đồng Việt ở vùng Berlin và các khu vực khác, họ nên là gì để có tiếng nói ít nhiều tác động đến chính sách của Đức vào thời kỳ mới này?

Nhà báo Lê Mạnh Hùng: Theo tôi nghĩ có một điều chắc chắn là tương lai của người gốc nước ngoài sống ở Đức ra sao cũng phụ thuộc một phần vào chính thái độ chính trị của bản thân họ đối với đất nước sở tại.
Quan tâm đến chính trị, dấn thân vào chính trường, mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình, hãy nhận thức rõ rằng đây là nơi mình sẽ sống đến hết đời, là quê hương của con, cháu mình, hãy chung tay đóng góp bảo vệ, xây dựng nó...thì khả năng một kết cục bi thảm bị gây ra bởi các đảng phái cực đoan ở Đức có chân trong chính quyền sẽ được giảm thiểu tối đa.

Lê Mạnh Hùng là nhà báo độc lập và nhà hoạt động văn hóa, đã sống tại Berlin từ năm 1991.