Tập Cận Bình có đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng Sản Trung Quốc? (Trọng Thành)

Khả năng « một nhiệm kỳ thứ ba » đối với Tập Cận Bình được coi là một vấn đề chính của Đại hội 19, cho dù không được công khai thừa nhận. Theo các nhà quan sát South China Morning Post, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi « từ 5 năm nay, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến đòi hỏi phá bỏ ‘‘các quy tắc ngầm’’ của Đảng và thiết lập các đường hướng chỉ đạo mới ».



Đại hội 19 đảng Cộng Sản Trung Quốc, khai mạc hôm 18/10/2017, là một diễn biến đặc biệt quan trọng đối với tương lai của xã hội Trung Quốc những năm tới. Hai câu hỏi mà nhiều người đặt ra là : trong dịp này quyền lực vốn rất lớn của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được khẳng định đến mức độ nào ? Cuộc phiêu lưu quyền lực của lãnh đạo họ Tập ảnh hưởng thế nào đến số phận đảng Cộng Sản Trung Quốc ? Đây cũng là vấn đề mà nhà nghiên cứu Pháp Antoine Richard tìm cách giải mã trong một bài phân tích được đăng tải trên mạng Asialyst, ngày 18/10.
Nắm quyền đến 2022 hay 2027 ?

« Mục tiêu (nắm quyền đến) 2022 hay 2027 ? » là vấn đề đầu tiên mà tác giả nhấn mạnh, thông qua ý kiến của hai nhà quan sát Choi Chi Yuk và Viola Zhou (trên South China Morning Post). Theo thông lệ, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chỉ định người thừa kế chức vụ tổng bí thư đảng, ngay từ 5 năm trước, tức tại Đại hội khóa trước. Theo hai nhà báo Hồng Kông, « nếu sau kỳ Đại hội này, không có người kế thừa được chỉ định nào lọt vào danh sách ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng, thì điều đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tập Cận Bình muốn cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, với tư cách tổng bí thư, hoặc với một chức vụ khác, kể từ năm 2022 ». Một người được coi là có khả năng kế thừa ông Tập, nguyên bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) vừa bị hạ bệ hồi tháng 7/2017.

Khả năng « một nhiệm kỳ thứ ba » đối với Tập Cận Bình được coi là một vấn đề chính của Đại hội 19, cho dù không được công khai thừa nhận. Theo các nhà quan sát South China Morning Post, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi « từ 5 năm nay, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến đòi hỏi phá bỏ ‘‘các quy tắc ngầm’’ của Đảng và thiết lập các đường hướng chỉ đạo mới ».

Cho đến nay, dường như chủ tịch Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới tinh hoa tại nước này, muốn tái lập « một quyền lực mạnh », bởi nhiều người « thất vọng vì quy tắc lãnh đạo tập thể (…) kém hiệu quả dưới thời tiền nhiệm ». Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào bị phê phán vì đã cho phép « nổi lên một số trung tâm quyền lực đối địch, với nạn tham nhũng là hệ quả ». Thể hiện rõ cho quan điểm này là ý kiến của ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một giáo sư tại Đại học khoa học chính trị và pháp lý Thượng Hải, theo đó, quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc « được phân chia giữa 9 thành viên thường trực Bộ Chính Trị ». Và đây chính là điều cốt lõi mà ông Tập Cận Bình tìm cách xóa bỏ.

Ẩn số Vương Kỳ Sơn

Điều gì cho thấy quyết tâm thay đổi của lãnh đạo Trung Quốc được Đại hội 19 chấp nhận ? Theo nhà nghiên cứu Pháp, việc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của Tập Cận Bình trụ lại được hay phải về hưu là một chỉ dấu quan trọng số một.

Vương Kỳ Sơn – một trong bảy thành viên viên thường trực đầy quyền uy và lãnh đạo Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương – được nhiều người gọi là « quỷ dữ » hay « bố già », chính là thủ lĩnh của « cuộc chiến chống tham nhũng », còn gọi là cuộc chiến « đả hổ, diệt ruồi » mà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương. Ông Vương Kỳ Sơn vừa kỷ niệm sinh nhật 69 tuổi. Độ tuổi mà theo quy định sẽ buộc phải về nghỉ.

Theo các nhà quan sát, nếu Vương Kỳ Sơn ở lại trong cương vị đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, Tập Cận Bình sẽ không chỉ có được một trợ thủ không ai thay thể nổi trong « cuộc chiến chống tham nhũng », đồng thời cũng là cuộc chiến thanh toán các phe phái đối địch trong Đảng. Việc Vương Kỳ Sơn ở lại còn tạo nên một tiền lệ cho việc Tập Cận Bình ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, vì vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ 69 tuổi.

Tuy nhiên, trong giới quan tâm, cũng còn một kịch bản khác. Đó là ông Vương Kỳ Sơn thậm chí có thể được bổ nhiệm làm thủ tướng. Giả thuyết có vẻ huyễn tưởng này được xới trở lại sau cuộc gặp « bí mật » giữa trợ thủ số một của Tập Cận Bình với nguyên cố vấn chiến lược của tổng thống Hoa Kỳ Steve Bannon, trong chuyến công du Bắc Kinh của người khách Mỹ hồi giữa tháng 9.

Theo giáo sư đại học Thượng Hải, chuyến công du đã được giữ bí mật, và báo chí Hoa lục không được phép nói đến, bởi cũng trong thời gian này có những đồn đoán về việc thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) sẽ bị thay thế sau Đại hội 19.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Pháp, khả năng này là hoàn toàn có thể bởi Vương Kỳ Sơn được coi là « một trong các lãnh đạo hiểu biết rõ nhất » về nền kinh tế Trung Quốc. Ông Vương Kỳ Sơn từng theo dõi « các cải cách thị trường và ngân hàng công từ những năm 80, cũng như những vấn đề thương mại Mỹ-Trung » (nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/10).

Giải pháp « Putin hóa » và số phận đảng Cộng Sản Trung Quốc

Về mặt cảm xúc, việc Vương Kỳ Sơn nắm giữ chức vụ này rõ ràng sẽ vực dậy niềm tin cho những người thất vọng với các kết quả kinh tế 5 năm thời Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhà phân tích của Asialyst đặt câu hỏi : liệu việc quyền lực tập trung vào tay cặp bài trùng Tập – Vương thêm một nhiệm kỳ nữa có dẫn chế độ chính trị Trung Quốc hiện hành đi vào con đường « Putin hóa » ?

Một số dấu hiệu cho thấy phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình « ngày càng giống » với tổng thống Nga Putin. Nhà nghiên cứu Alexander Gabuev (văn phòng Matxcơva của viện tư vấn Carnegie) cảnh báo, nếu lãnh đạo Trung Quốc đi theo vết xe đổ của tổng thống Nga, thì các hệ quả tồi tệ đã được báo trước. Đó là kinh tế nước này sẽ trì trệ trong dài hạn, và sự trị vì dài lâu của cá nhân nhà lãnh đạo sẽ chỉ khiến cho « hệ thống (chính trị Trung Quốc) hoàn toàn mất chân đứng, không thể tiếp tục tồn tại », một khi ông Tập Cận Bình không còn đó.

Đây cũng chính là vấn đề mà một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đương đại, ông David Shambaugh (giáo sư Đại học Georges Washington), đặt ra. Theo David Shambaugh, dự án phá hủy toàn bộ « các cơ tầng cũ » của hệ thống chính trị Trung Quốc hiện hành, để tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, có thể kéo Trung Quốc trở lại với mô hình chính trị « gia trưởng thừa kế », nơi mọi quyền lực tập trung vào tay « hoàng đế », chứ không phải trong các định chế chính trị.

Giáo sư David Shambaugh là tác giả cuốn tiểu luận China’s Future, từng gây xôn xao công luận cách nay một năm. David Shambaugh cảnh báo « bất chấp vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị Trung Quốc đã thối rữa (badly broken), và không ai khác biết rõ điều này hơn là đảng Cộng Sản » và « các biện pháp tàn khốc » của Tập Cận Bình đang dẫn chế độ này đến điểm tan vỡ.

***
Phá vỡ « các cơ tầng » của hệ thống quyền lực vốn có của đảng Cộng Sản Trung Quốc liệu có phải là phá hủy chính đảng Cộng Sản Trung Quốc ? Đồng thời phá vỡ khả năng tự cải cách của chế độ cộng sản Trung Quốc ? Hay ngược lại, đây chính là một phương tiện cho phép đảng này « lột xác », để tiếp tục duy trì quyền cai trị đất nước Trung Hoa, dưới sự dẫn dắt của « hoàng đế đỏ » ?... Bài phân tích của nhà nghiên cứu Pháp để ngỏ nhiều câu hỏi.