Gặp EU về nhân quyền, 3 nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’ (VOA)

Ba trong bốn nhà hoạt động dân chủ cáo buộc họ đã bị lực lượng an ninh Việt Nam “bắt cóc” hôm 16/11 sau khi gặp và thảo luận về nhân quyền với phái bộ của Liên hiệp châu Âu ở Hà Nội.


Cuộc gặp gỡ giữa phái bộ ngoại giao của EU với 4 đại diện của giới xã hội dân sự diễn ra trước đối thoại nhân quyền thường niên vào đầu tháng 12 giữa EU và Việt Nam, trong bối cảnh hai bên dự kiến tiến đến ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2018 sắp tới.

Các nhà hoạt động đã họp với phái bộ EU gồm có tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, nhà báo vào blogger Phạm Đoan Trang, và ông Nguyễn Chí Tuyến. Họ đều được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho VOA biết nhóm các nhà hoạt động đã đề nghị EU thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cam kết đưa ra hồi năm 2014 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền. Tiến sĩ Quang A đề xuất thêm rằng EU nên cứng rắn hơn với Việt Nam:

“Bên cạnh những phương pháp rất là mềm dẻo, rất là xây dựng, thì cũng cần có những yêu cầu rất là khắt khe đối với Việt Nam về những nghĩa vụ pháp lý mà Việt Nam phải thực hiện, bởi vì Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế. Thì lưu ý cả đến điểm đó nữa, chứ không phải là tùy Việt Nam thích làm thế nào thì làm”.

Bà Phạm Đoan Trang đã trao cho EU 3 văn bản gồm báo cáo và kiến nghị chung của một số tổ chức XHDS độc lập, báo cáo về môi trường và vi phạm nhân quyền có liên quan, và báo cáo về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. 

Bản báo cáo của các tổ chức XHDS cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2017 vẫn có nhiều biểu hiện xấu, nổi bật là việc nhà nước kiểm duyệt truyền thông, bắt bớ một loạt các nhà hoạt động và blogger, tuyên các bản án nặng đối với các nhà hoạt động, ngoài ra là các vụ đàn áp các cuộc hội họp ôn hoà và đàn áp tôn giáo.

Liệu những gì nêu trong báo cáo cũng đồng nghĩa là tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn, tiến sĩ Quang A bày tỏ ý kiến:

“Điều đó hoàn toàn đúng và có thể thấy rất là rõ rệt từ khoảng 2 năm trở lại đây sau đại hội vừa rồi của Đảng Cộng sản Việt Nam mà có một dàn lãnh đạo mới”.

Chính quyền Việt Nam lâu nay luôn khẳng định họ “cố gắng tạo điều kiện” để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và Việt Nam đã đạt được “nhiều thành tựu nhân quyền” trên thực tế. Chính quyền cũng thường xuyên cáo buộc một số tổ chức trong và ngoài nước sử dụng vấn đề nhân quyền một cách “thiếu thiện chí” để “can thiệp vào nội bộ” của Việt Nam.
Sau cuộc gặp với EU hôm 16/11, ba trong bốn nhà hoạt động là tiến sĩ Quang A, hai bà Bùi Thị Minh Hằng và Phạm Đoan Trang đã bị các nhân viên ngành an ninh của nhà nước bắt đi khi ba người này rời khỏi văn phòng của EU ở Hà Nội. Tiến sĩ Quang A cho biết thêm:

“Thực sự là họ bắt cóc, họ chà đạp lên pháp luật. Tôi đi xuống khỏi cơ quan của EU, đến trước đại sứ quán Australia, thì 4 người hùng hổ đến và họ quăng tôi vào xe. Họ chở về đồn công an phường Gia Thụy là nơi họ đã giữ tôi trái pháp luật rất nhiều lần rồi”. 

Tại đồn công an, ông A bị yêu cầu cung cấp thông tin về những người tham gia và nội dung thảo luận tại cuộc gặp với EU. Tuy nhiên, ông A từ chối, đáp lại rằng ông “không làm chỉ điểm”.

Tiến sĩ A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả sau một thời gian ngắn bị tạm giữ. Riêng bà Phạm Đoan Trang bị giữ đến tối 16/11, sau đó phía công an đưa bà về nhà và đặt bà trong tình trạng giam lỏng.

Viết trên Facebook cá nhân vào tối khuya 17/11, bà Trang xác nhận đã “bị cơ quan an ninh bắt” và điện thoại di động của bà “bị cướp mất”. Bà mô tả các câu hỏi cũng như nghiệp vụ của phía an ninh khi họ “làm việc” với bà là “lố bịch” và “cực xoàng”. VOA không thể liên lạc với cơ quan hữu quan Việt Nam để có tiếng nói từ phía họ về vụ việc.

Trong một bài viết đăng hôm 17/11 trên trang web luatkhoa.org, bà Trang tường thuật rằng Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, nói với các nhà hoạt động tại cuộc gặp hôm 16/11 rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một “quá trình lâu dài”, và sự thay đổi “không thể diễn ra trong một đêm”. 

Thông tin từ EU cho hay đối thoại nhân quyền giữa họ với Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Tình trạng Hà Nội gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua là một nội dung chính trong cuộc đối thoại, theo bài viết của bà Trang trên luatkhoa.org. Bên cạnh bảo vệ nhân quyền, EU cũng dự định bàn về những vấn đề lớn mà họ mong muốn Việt Nam cải thiện, như xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, và phát triển bền vững.