Vài điều trao đổi cùng luật sư Hà Huy Sơn (Việt Hoàng)



Lợi ích của dân tộc phải đồng nghĩa và song hành với lợi ích của mỗi cá nhân. Lợi ích của cá nhân phải quan trọng và ít ra cũng ngang bằng với lợi ích của đất nước. Có con người (cá nhân) mới có đất nước. Đất nước chưa bao giờ chết, tổ quốc cũng không thể vô hình và thiêng liêng đến độ muốn ai chết thì người đó phải chết. Tình cảm luôn là hai chiều.



Chúng tôi không có bất cứ mối quan hệ nào với luật sư Hà Huy Sơn, chúng tôi chỉ biết đến ông vì ông là người luôn nhận bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam thời gian gần đây. Công việc ông đang làm rất đáng trân trọng vì sự dũng cảm và sự có mặt của ông tại các phiên tòa sẽ “động viên” ít nhiều cho các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Tấm lòng của ông thì chúng tôi xin ghi nhận nhưng về kiến thức luật pháp, chính trị và xã hội rõ ràng là có nhiều vấn đề cần phải trao đổi.

Những ý kiến và quan niệm của ông cũng là tư duy chung của không ít người Việt Nam, trong đó có cả giới luật sư và trí thức Việt Nam, vì thế thay vì gửi riêng cho ông, chúng tôi quyết định đưa vấn đề này ra công luận để mọi người cùng góp ý và bàn luận. 

1.”Quyền tự do ngôn luận” của người dân và “lợi ích dân tộc”.

Khi ca sĩ Mai Khôi giăng tấm biểu ngữ phản đối tổng thống Mỹ Donald Trump: “tôi đái vào ông, Trump” thì luật sư Hà Huy Sơn có viết rằng: “Lợi ích của dân tộc cao hơn mọi quyền biểu đạt cá nhân. Quan trọng hơn là nội dung biểu đạt lại đi ngược với lợi ích đất nước”. Ở đây có ba vấn đề cần làm rõ: “Lợi ích dân tộc”, “quyền tự do ngôn luận” (biểu đạt cá nhân) và “cái nào cao hơn cái nào?”. 

Quyền tự do ngôn luận là một quyền cụ thể của mọi công dân Việt Nam được qui định rất rõ trong Hiến pháp Việt Nam: “Theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 thì công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tiếp cận thông tin. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Có thể hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin là quyền của mỗi người được tự do bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan điểm; tự do trao đổi các thông tin trên hệ thống báo chí, xuất bản, Internet, trong các cuộc hội họp…theo quy định pháp luật. Bằng việc ban hành các bộ luật: Luật xuất bản, Luật báo chí, Luật công nghệ thông tin…, những quy định của Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin đã được cụ thể hóa”. (1)

Ngoài ra theo bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ cập của Liên Hợp Quốc được Việt Nam ký kết năm 1976 mà chúng ta quen gọi là “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (2) và hai công ước đính kèm là Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Ðiều 19 đã được viết rất rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”. Như vậy “quyền tự do ngôn luận” cũng là luật quốc tế mà các nước thành viên phải tuân thủ, kể cả Việt Nam.

Trong khi đó cái gọi là “lợi ích dân tộc” lại rất mơ hồ và không có qui định rõ ràng. Đảng cộng sản Việt nam luôn đánh đồng “đảng”với “tổ quốc” và họ luôn lợi dụng chiêu bài “lợi ích dân tộc” để làm cứu cánh, biện minh cho những hành động của họ từ trước đến nay, trong đó có việc qui định rằng đảng cộng sản sẽ độc quyền lãnh đạo đất nước đến muôn năm. 

“Tổ quốc” cũng đồng nghĩa với “đất nước” hay “dân tộc”. Mỗi người một cách hiểu và rất khó để đồng ý với nhau về một định nghĩa chung cho danh từ “tổ quốc”. Một thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên định nghĩa về “tổ quốc” như sau: “ Một cách giản dị, Tổ Quốc không chỉ là đất, nước, núi, sông, truyền thống, văn hóa… Mà quan trọng hơn rất nhiều, Tổ Quốc còn hiện diện trong mỗi một con người cùng chia sẻ một quá khứ, một hiện tại và một tương lai chung. Mỗi con người, qua các thời kỳ lịch sử, chính là hình hài, là hiện thân của Tổ Quốc. Quá khứ, hiện tại và tương lai của Tổ Quốc đều thể hiện trong mỗi một con người Việt Nam hôm nay”. (3)

Với đảng cộng sản Việt Nam thì họ định nghĩa rất đơn giản: “Tổ quốc chính là đảng cộng sản”. Họ đánh đồng đảng cộng sản với tổ quốc, và vì thế, tất cả những ai nói đụng đến đảng cộng sản thì đều bị họ qui kết ngay cho cái tội “chống lại tổ quốc”.

Tất nhiên là đảng cộng sản có lý do để đánh đồng đảng với tổ quốc vì họ muốn gắn liền sinh mệnh của đảng với tổ quốc. Đây là một sự khiên cưỡng và hoang tưởng vì đất nước (tổ quốc) thì luôn trường tồn còn các đảng phái chính trị thì chỉ là nhất thời, nay còn mai mất, tùy theo thời cuộc và sự tín nhiệm của người dân.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên định nghĩa về quốc gia (tổ quốc) như là “một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung”. Suy đến cùng, khi một chế độ không coi các quyền tự do căn bản của mỗi  người dân (trong đó có quyền “tự do ngôn luận”) ra gì thì đất nước, dân tộc hay tổ quốc đâu còn ý nghĩa? Lợi ích của dân tộc phải đồng nghĩa và song hành với lợi ích của mỗi cá nhân. Lợi ích của cá nhân phải quan trọng và ít ra cũng ngang bằng với lợi ích của đất nước. Có con người (cá nhân) mới có đất nước. Đất nước chưa bao giờ chết, tổ quốc cũng không thể vô hình và thiêng liêng đến độ muốn ai chết thì người đó phải chết. Tình cảm luôn là hai chiều. Người dân hy sinh vì tổ quốc khi người ta thấy được sự hy sinh đó là xứng đáng, cần thiết và cụ thể chứ không thể trừu tượng, cảm tính và một chiều.

Chúng ta có thể nhớ lại video clip của ông tướng công an Trương Giang Long trong đó có đoạn ông ấy kể về việc bộ công an Việt Nam tiếp xúc với bà Elizabeth Phu, cố vấn của ông Obama, một người Mỹ gốc Việt. Trước và trong cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ đến Việt Nam năm 2016 thì phía bộ công an Việt Nam vẫn nghĩ rằng bà ấy có nguồn gốc Việt nên phải có trách nhiệm với tổ quốc Việt Nam, tuy nhiên câu trả lời của bà là: “tôi phụng sự vô điều kiện cho nước Mỹ vì tôi là công dân Mỹ”. Rất nhiều người nhập cư vào Mỹ đã mang ơn và sẵn sàng hy sinh vì nước Mỹ vì nước Mỹ đã cho họ tất cả: quyền lợi, danh dự và một chổ đứng xứng đáng. 

Chính tự do của mỗi công dân, hạnh phúc của mỗi người, mỗi cá nhân mới là cứu cánh còn nhà nước, chính phủ và thậm chí là tổ quốc cũng chỉ là phương tiện. Ông Hà Huy Sơn có thể đọc lại bài “Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân” và bài “Quyền con người” của ông Nguyễn Gia Kiểng tại Blog của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để hiểu rõ hơn về các khái niệm như “chủ nghĩa cá nhân”... (4)

2.Chính trị nằm trên pháp luật?

Trong vụ Đồng Tâm thì ông Hà Huy Sơn bình luận rằng “Quan hệ giữa chính trị và pháp luật. Chính trị bao giờ cũng nằm trên và quyết định pháp luật. Ở xã hội văn minh thì pháp luật tiệm cận chính trị. Ở Việt Nam khoảng cách đó còn xa”. Chúng tôi quả thật rất ngạc nhiên và thất vọng với nhận định này của ông Hà Huy Sơn. Đúng là chính trị làm ra pháp luật nhưng không bao giờ có chuyện chính trị “nằm trên và quyết định pháp luật”. Pháp luật là một khế ước xã hội, một luật chơi mà mọi người phải có trách nhiệm tuân thủ. Không ai được quyền đứng trên pháp luật. Dù Việt Nam là một nước độc tài toàn trị nhưng họ vẫn hô khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Vậy cớ sao ông luật sư lại cho rằng “chính trị nằm trên pháp luật”? Nếu ý chí chính trị của nhà cầm quyền lớn đến độ nằm trên cả luật pháp thì cần gì đến tòa án và những người hành nghề luật sư như ông nữa?

Văn hóa Khổng giáo cho phép vua nằm trên pháp luật. Một ông vua không có thành tích gì và cho dù chỉ là đứa con nít (vua Lê Thái Tông, con của Lê Lợi) lên ngôi lúc 11 tuổi, năm 20 tuổi đi kinh lý qua Chí Linh  ghé vào thăm quan đại thần Nguyễn Trãi (là người có công lớn nhất trong việc dựng lên Nhà Lê và là người bạn của Lê Lợi). Khi Thái Tông thấy người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ tài sắc vẹn toàn thì đem lòng yêu mến và lập tức bắt đi theo hầu hạ và sau đó Thái Tông bị đột tử (không rõ lý do gì) thế là triều đình ra lệnh “tru di tam tộc” cả ba đời nhà Nguyễn Trãi. Vụ án oan ngút trời Lệ Chi Viên là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai về thân phận của người sĩ phu (trí thức) dưới thời phong kiến mà Nguyễn Trãi chỉ là một nạn nhân.

Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nằm trên và nằm ngoài luật pháp và đó là điều hoàn toàn sai trái. Là một luật sự đáng lẽ ra ông phải lên tiếng tố giác sự sai trái đó vì ông phải biết rằng “luật không đúng không phải là luật” (Plato). Luật pháp là thể hiện của lẽ phải và các giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội, giữa con người và con người. Cam chịu một bộ luật sai trái là một chuyện còn việc ủng hộ và cổ vũ cho sự sai trái đó lại là một chuyện khác. 
 
3.Quan điểm của ông Hà Huy Sơn về vụ án của sinh viên Phan Kim Khánh.

Theo gia đình cho biết thì Phan Kim Khánh không nhận tội và xin khoan hồng như báo nhà nước đăng. Khánh thừa nhận có mở Blog và FanPage chống tham nhũng nhưng coi đó là những hành động vì đất nước. Hoàn toàn không đúng với cáo buộc của tòa án qua thông tin mà ông Hà Huy Sơn đưa ra “Khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí ...Giám định viên Bộ Thông tin truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN. Khánh có liên lạc với người của Việt Tân. Khánh thừa nhận các hành vi của mình và cho rằng nó là kết quả nhận thức”.

Ông Hà Huy Sơn thừa biết là Khánh bị oan và không làm gì sai trái để phải chịu một bản án kinh khủng: 6 năm tù giam và 4 năm quản chế. Tuy nhiên ông đã không có bất cứ một sự lên án nào đối với chính quyền Việt Nam và ông cũng không có bất cứ một sự cảm thông dành cho Khánh. Vụ án nghiêm trọng như vậy mà ông chỉ cho rằng “Tòa án không khoan dung và thiếu nhân đạo”. 

Ngoài ra, là một luật sư được gia đình thuê để bào chữa cho sinh viên Phan Kim Khánh nhưng ông Hà Huy Sơn đã không làm tròn bổn phận của mình. Ông đã không gửi bản cáo trạng của tòa án trong phiên sơ thẩm cho gia đình Khánh đúng lịch qui định. Sau phiên sơ thẩm ông cũng không tiếp túc với Khánh để biết là Khánh có muốn kháng cáo hay không để thông báo cho tòa được biết và vì thế phiên tòa phúc thẩm Khánh sẽ không xảy ra vì đã hết thời hạn kháng cáo.

Phiên tòa xét xử Khánh đã làm dư luận vô cùng phẫn nộ và quan tâm đặc biệt vì Phan Kim Khánh từng là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Là một sinh viên ưu tú, học giỏi và bản lĩnh…nếu Khánh ngoan ngoãn, gò mình vào khuôn khổ của đoàn thanh niên cộng sản thì có thể Khánh sẽ có một tương lai khác. Tuy nhiên Khánh đã vượt ra ngoài khuôn khổ xơ cứng, lạc hậu và ngột ngạt đó để vươn tới những chân trời mới, chân trời của tự do và được sống với đúng con người thật của mình. Và đó chính là lý do Khánh bị chính quyền trừng phạt nặng nề. Đây cũng là thủ đoạn “trị quốc” quen thuộc của vua chúa từ thời “Tam Quốc diễn nghĩa”: Người có tài, nếu không dùng được là phải giết.

4.Ông Hà Huy Sơn khuyên Mẹ Nấm nhận tội.

Với việc làm này ông Hà Huy Sơn đã vi phạm nghiêm trọng lương tâm và đạo đức của một người luật sư. Ai cũng biết là Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù là vô tội. Mẹ Nấm chỉ thực hiện quyền “tự do ngôn luận” đã được luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế ghi nhận và bảo hộ.

Theo luật sư Võ An Đôn (người vừa bị chính quyền tước quyền hành nghề luật sư) cho biết sau khi gặp Mẹ Nấm và chính ông Hà Huy Sơn cũng thừa nhận sau đó rằng ông có khuyên Mẹ Nấm nên nhận tội trong phiên tòa phúc thẩm để được giảm án. Về lý, việc khuyên nhủ (hay dụ dỗ, mua chuộc) một người tình nghi nhận tội là công việc của bên cơ quan điều tra và công tố (viện kiểm sát) chứ không phải việc của một luật sư. Luật sư là người phải tìm mọi biện pháp và lý lẽ để chứng minh thân chủ của mình vô tội. Về tình thì ông phải thừa biết là các bản án dành cho các tù nhân chính trị đều được quyết định từ ban lãnh đạo tối cao của đảng chứ không phải từ mấy ông bà chánh án ngồi xét xử hôm đó. Việc khuyên nhủ thân chủ của mình nhận tội trong hoàn cảnh lao tù và tinh thần bị khủng hoảng là hành động sai trái và đi ngược lại mọi thiên chức của một luật sư. Hành động này đã góp phần với chính quyền biến một người vô tội thành có tội và hủy diệt thanh danh của người cần được bào chữa, nhất là khi người đó hoàn toàn vô tội vì đang tranh đấu và đòi hỏi quyền lợi cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng bản thân. 

Hành động vào hùa với bên cơ quan điều tra và công tố để buộc tội một người vô tội như Mẹ Nấm của ông Hà Huy Sơn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của giới luật sư trong con mắt người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Có lẽ, trên thế giới không một nước nào có chuyện là luật sư lại đi khuyên nhủ thân chủ của mình nhận những tội mà họ không hề làm.

Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của ông Hà Huy Sơn. Mục đích của những trao đổi này không nhằm đả kích cá nhân mà chỉ mong muốn nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cho người dân Việt Nam trong đó có cả những luật sư bảo vệ nhân quyền. 

Việt Hoàng (27/11/2017)