Từ ‘không làm thay’ đến ‘Đảng không làm thay mà làm luôn’! (Mẫn Nhi)



Sau cùng, dấu hiệu nhận dạng của Bộ máy Nhà nước Việt Nam là Đảng hóa – và nguy cơ quan liêu hóa, cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội từ những chỉ đạo, nghị quyết, quan điểm đậm chất “lý luận miền Bắc” sẽ càng khiến Việt Nam tụt hậu trong tương lai không xa, bởi nó cho thấy, ĐCSVN đang tự phi dân chủ hóa trong phương thức lãnh đạo của mình đối với nhà nước. Nói cách khác, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” từ từ giờ sẽ chuyển thành “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”.


Ông Nguyễn Phú Trọng được Chính phủ “mời chỉ đạo” trong cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ với các tỉnh thành vào cuối tháng 12 này.

Và ông Trọng sẽ tới dự với cương vị TBT ĐCSVN, là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Báo PLO đã đúng khi dẫn dắt rằng, đây là hoạt động “hiếm thấy” từ khi nhà nước Việt Nam thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, khi nhà nước Việt Nam cố gắng cụ thể hóa tam quyền phân lập bằng sự “giám sát” giữa ba cơ quan bằng ghi nhận trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ bị đảo chiều, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng 12 này. Bởi câu hỏi đặt ra, ông Nguyễn Phú Trọng có mặt tại Quốc Hội với danh nghĩa là ĐBQH thì sự xuất hiện của ông tại Chính phủ với vai trò gì?

Chỉ đạo và ông Vua?

Bấy lâu nay ĐCSVN vẫn lãnh đạo Nhà nước (tức bao hàm cả Bộ máy Chính phủ) bằng Nghị quyết. Nhưng đó là sự chỉ đạo mang tính chất tập thể từ Bộ chính trị và trong Văn phòng TW Đảng chứ không phải là Văn phòng Chủ tịch nước hay Văn phòng Chính phủ. Bởi lẽ, về mặt Đảng thì ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu, nhưng người có đầy đủ tư cách để bước vào Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo lại là Chủ tịch nước (chức danh đứng đầu nhà nước - có quyền tham gia mọi vấn đề hành pháp, lập pháp, tư pháp). Do đó, sự có mặt của ông Nguyễn Phú Trọng lần này lại một lần nữa cho thấy sự can thiệp thô bạo của đảng vào quá trình hành pháp của Nhà nước.

Từ bao giờ một hoạt động của Chính phủ (vốn thiên về kinh tế) lại trở thành một hoạt động trong gửi thông điệp nhân dịp kỷ niệm tròn 2 năm của ĐH XII của Đảng? Và từ bao giờ, một cuộc họp đánh giá về những ưu – khuyết cũng như định hướng phát triển kinh tế thời gian tới lại trở thành một cuộc họp lên tiếng về vai trò lãnh đạo của Đảng?

Có hay không việc ông Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng trở thành một “ông Vua” tại Việt Nam, gắn liền với thời kỳ mà sự chi phối của Đảng len lỏi trong mọi tổ chức xã hội – kinh tế? Nhất là thời điểm gần đây, Bộ Chính trị ra Quy định cấm Đảng viên bàn về thể chế tam quyền phân lập, thể chế xã hội dân sự. 

Chuyên chính vô sản trở lại?

Thời kỳ chuyên chính vô sản, nơi nhất cử nhất động của hệ sinh thái kinh tế - chính trị là sinh thái cộng sản đã qua 40 năm rồi (1980 – 2017), và rằng Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy cũng như đưa nền kinh tế - chính trị “hội nhập sâu hơn” vào nền kinh tế - chính trị thế giới. Bởi đây là thời kỳ toàn cầu hóa, không còn là thời kỳ phân cực giữa hai bên XHCN-TBCN, do vậy, ĐCSVN có thể lãnh đạo toàn diện Nhà nước xã hội, nhưng không được phép làm thay Nhà nước và xã hội. 

Một số ý kiến cho rằng, Đảng lãnh đạo toàn diện nên hiểu là Đảng sẽ quyết định tất cả? Và lần này việc tham dự của ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp của Chính phủ với sự “chỉ đạo” nào đó là hết sức bình thường. Đây là một quan điểm sai lầm nghiêm trọng, mà nếu nói như ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức trung ương, là “hết sức nguy hiểm”, bởi ĐCSVN dù lãnh đạo toàn diện, nhưng nó chỉ đưa ra đường lối chứ không đưa ra quyết định, và rằng, nếu đưa ra đường lối phải thuyết phục Nhà nước, thuyết phục Quốc Hội. 

Thế nhưng, những gì đã và đang diễn ra cho thấy, tham vọng của ông Nguyễn Phú Trọng là chi phối mọi thứ. Hoặc ông muốn đảm bảo Đảng phải lấy lại thế thượng phong sa sút từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, và bằng cách này, ông “chỉ đạo” từ Bộ Công An, Quân ủy Trung Ương, cho đến Chính Phủ như blogger Lê Nguyễn Hương Trà chỉ ra. Hoặc là ông Nguyễn Phú Trọng đang dọn đường để nhất thể hóa, nhưng thay vì theo hướng thu hẹp bộ máy của Đảng lại nhằm tăng cường cho cơ quan hành pháp điều hành quản lý nhà nước, thì giờ đây, đưa bộ máy Đảng chi phối mọi hoạt động quản lý nhà nước. Khi hiện tượng này diễn ra và thành hiện thực, thì tính độc đoán, chuyên quyền sẽ gia tăng; cơ chế giảm sát bị loại bỏ đi, và lập pháp – hành pháp – tư pháp dần đi vào tay một người. 

Cần nhấn mạnh, đây là lần thứ thứ hai, ông Nguyễn Phú Trọng “xé nát” Hiến pháp 2013. Lần đầu ông đặt Hiến Pháp sau Cương lĩnh, lần hai – ông thay đổi các quy định về vai trò, chức năng, và giới hạn quyền lực của nhánh cơ quan quyền lực nhà nước bằng sự có mặt của mình trong cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng 12. Đồng thời, trước đó, vào tháng 5/2017, cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng đã “can thiệp thô bạo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ” khi xem xét Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet, một việc làm mà Facebooker Hien Huynh đã tự vấn: “TBT lại đích thân xem xét đề án kinh doanh thì vấn đề đặt ra là thủ tướng VN để làm gì?”. Và từ sự kiện này, đã dẫn đến nhận định, “Đảng không làm thay mà làm luôn”.

Sau cùng, dấu hiệu nhận dạng của Bộ máy Nhà nước Việt Nam là Đảng hóa – và nguy cơ quan liêu hóa, cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội từ những chỉ đạo, nghị quyết, quan điểm đậm chất “lý luận miền Bắc” sẽ càng khiến Việt Nam tụt hậu trong tương lai không xa, bởi nó cho thấy, ĐCSVN đang tự phi dân chủ hóa trong phương thức lãnh đạo của mình đối với nhà nước. Nói cách khác, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” từ từ giờ sẽ chuyển thành “Đảng lãnh đạo, Đảng quản lý, Đảng làm chủ”.