Bộ Công Thương phát hiện thêm đại dự án thua lỗ thứ 13 (Tuổi Trẻ)

Muối mỏ Kali tại Lào trở thành đại dự án thứ 5 của Vinachem và là đại dự án ngàn tỉ thứ 13 của ngành công thương bị thua lỗ, gây thất thoát.


"Số dự án tồn đọng của ngành Công thương cần giải quyết đến thời điểm này không phải là 12, mà lên con số 13 khi vừa bổ sung thêm Dự án muối mỏ kali tại Lào hiện đã dừng không triển khai", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải của Bộ Công thương vừa cho biết.

Thứ trưởng Thắng Hải cho biết thông tin được đưa ra tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay (19-1). Cùng với dự án muối mỏ này, việc xử lý hậu quả mà 4 dự án thua lỗ, yếu kém của Vinachem để lại khá nặng nề.

"Vấn đề tư tưởng ảnh hưởng đến công tác đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta phải tập trung thời gian công sức vào việc giải quyết tồn đọng các dự án thua lỗ, khi ngành hóa chất chiếm đến 4 dự án. Nhưng chúng ta đau khổ nhất là phải kiểm điểm những cá nhân và và tập thể có liên quan phải xử lý", ông Hải phân tích.

Báo cáo của Vinachem cũng xác nhận, dự án khai thác và chế biến mỏ muối tại Lào là một trong những dự án trọng điểm, trong năm 2017 đang phải tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc triển khai dự án.

Cũng theo Vinachem, mặc dù có 20 đơn vị thành viên ghi nhận lãi 2.162 tỉ đồng, nhưng do lỗ phát sinh chủ yếu là đến từ 4 dự án yếu kém, thua lỗ lên tới 2.115 tỉ đồng, nên tổng số lãi có được của tập đoàn chỉ vỏn vẹn 47 tỉ đồng. 

Doanh thu của toàn tập đoàn đạt 44,971 tỉ đồng, chỉ tăng 5% so với năm 2016.

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện tập đoàn đang đẩy mạnh xử lý 4 dự án thua lỗ gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem, nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. 

Theo thứ trưởng Thắng Hải, để xử lý tồn tại của 4 dự án thua lỗ, yếu kém phải "mất nhiều công sức" mới giúp cho các dự án duy trì để sản xuất, tiêu thụ tăng, số lỗ giảm đi. Do đó, việc một trong bốn nhà máy ghi nhận mức lãi (trường hợp DAP - Vinachem) là sự cố gắng lớn trong việc xử lý thua lỗ và được đánh giá cao.

Hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất giai đoạn 2017-2020, do đó Thứ trưởng Thắng Hải yêu cầu phải thực hiện tái cấu trúc bộ máy về quản lý, tài chính. 

Đặc biệt, vấn đề quan trọng là phải lựa chọn được những cán bộ có năng lực, tìm nguồn tài chính và tiếp tục đầu tư chứ không thể "ngồi yên để suốt ngày xử lý khó khăn".
 
Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể là áp thuế tự vệ đối với phân bón đã được triển khai, là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn có hiệu quả, song ông Hải khẳng định là phải làm đúng theo quy định nên yêu cầu Vinachem không xem công cụ này như là một "cứu cánh" để giúp các dự án thua lỗ.

Dự án khai thác muối mỏ Kali được khởi công xây dựng Lào vào tháng 9-2015, được Chính phủ Lào giao cho Vinachem làm chủ đầu tư thực hiện, có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm, với công suất khai thác 320.000 tấn/năm, và tiến hành khai thác vào năm 2020, dự kiến đạt 1 triệu tấn/năm

Dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. 

Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng), BIDV 161 triệu US và Vietinbank 143 triệu USD.

Dự án được ghi trong hiệp định hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào - là một dự án đặc biệt quan trọng, cung cấp phân bón Kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu (hiện đang phải nhập khẩu 100%).

NGỌC AN