Trần Bắc Hà đi Singapore chữa ung thư gan hay ‘lánh nạn’? (Thiền Lâm)

Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia - hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình. Đó chính là lý do mà Trần Bắc Hà quyết định "đi chữa bệnh ở nước ngoài" trong thời gian này nhằm tránh phiên tòa xử Phạm Công Danh.

 
Cái tên Singapore đã vang lên ít nhất 3 lần trong tháng Một năm 2018.
Lần thứ nhất là lễ kỷ niệm "45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore".
Lần thứ hai là một sự kiện đặc sắc hơn hẳn : một ‘thỏa thuận ngầm" nào đấy giữa hai chính quyền Singapore và Việt Nam đã khiến thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ - trùm bất đông sản Vũ "Nhôm" bắt buộc phải về Hà Nội "quy án".
Còn vụ việc thứ ba và gần đây nhất, chưa đến mức trở thành sự kiện nhưng cũng đang dần nóng lên, là tình trạng "điều trị ung thư gan" của một đại gia ngân hàng là Trần Bắc Hà - nguyên là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng BIDV mà rất được lòng Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đặc biệt vào thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người được xem là "cánh tay mặt" của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu đại gia ngân hàng Trầm Bê là người được xem là "tay hòm chìa khóa" của nhóm Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Văn Bình, thì Trần Bắc Hà cũng được xem là có mối quan hệ rất "đặc biệt" với Nguyễn Văn Bình thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Nói cách khác, có thể ví trục Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà với trục Nguyễn Tấn Dũng - Trầm Bê.
Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây Dựng cùng vụ thất thoát đến 6.000 tỷ đồng, Trần Bắc Hà bị triệu tập nhưng đã không có mặt. Nhiều tờ báo ngay lập tức đã tỏa ra săn tin về ông Hà. Báo Thanh Niên đã tìm đến cả hai nơi ở của Trần Bắc Hà ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng chính quyền địa phương những nơi này đều không biết ông Hà ở đâu.
Cuối cùng và có vẻ cực chẳng đã, một nguồn tin nào đó trong "nội bộ" đã phải nhờ đến báo chí đăng tải về "Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore, có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa".
Hầu như rất khó để biết được Trần Bắc Hà có bị bệnh thật hay là không, cho dù Hội đồng xét xử vụ Phạm Công Danh đã thông báo là có nhận được bệnh án của ông Hà. Nhưng trong năm 2017, một hiện tượng xã hội học kiêm chính trị học rất đáng mổ xẻ là "cứ bị triệu tập là kêu bệnh" - như lời tán thán của một số thẩm phán đối với một số vụ án kinh tế. Nhiều "người có liên quan" trong các vụ án này, bình thường vẫn khỏe như trâu, nhưng vừa nghe tin "dính án" thì ngay lập tức đã thấy họ nằm trong bệnh viện và có sẵn một hồ sơ bệnh án thuộc loại "sắp đi".
Có một cơ sở để cho rằng việc báo bệnh của ông Trần Bắc Hà là có thực. Đó là việc Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV liên quan vụ án Phạm Công Danh. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay. Nếu dựa vào kiến nghị này, ông Hà chẳng có lý do nào phải quá lo ngại.
Tuy nhiên, kiến nghị trên của Cơ quan điều tra là vào tháng 10/2017, tức khi cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng còn chưa bị bắt. Còn bây giờ đang là hai phiên tòa xử Phạm Công Danh và Đinh La Thăng diễn ra cùng thời gian. Do vậy, không có gì chắc chắn là Trần Bắc Hà sẽ hoàn toàn "vô can" và không thể bị bắt.
Một bài học kinh nghiệm xương máu đối với những người như Trần Bắc Hà là vụ Trầm Bê.
Còn hơn Trần Bắc Hà, Trầm Bê là một nhân vật đã từng được dư luận đánh giá là "công an không thể sờ đến". Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, còn có tin ngoài lề cho biết "Trầm Bê đã thoát".
Nếu Trầm Bê mà còn bị bắt và một cựu ủy viên bộ chính trị như Đinh La Thăng còn phải ra tòa với hai bàn tay bị tra vào còng số 8, cơ may cho Trần Bắc Hà quả thật rất mong manh.
Vào tháng 8/2017, khi Trầm Bê chính thức bị Bộ Công an bắt, một luồng tin đồn nhưng có vẻ có độ tin cậy khá cao đã ám chỉ Trần Bắc Hà sẽ bị bắt.
Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia - hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình. Đó chính là lý do mà Trần Bắc Hà quyết định "đi chữa bệnh ở nước ngoài" trong thời gian này nhằm tránh phiên tòa xử Phạm Công Danh.
Vô tình hay hữu ý, địa chỉ "chữa bệnh" của Trần Bắc Hà lại là Singapore - đất nước vừa trục xuất Vũ "Nhôm". Về mặt tiền lệ và "địa lý", đó là một dấu hiệu dường như không được may mắn lắm cho đại gia Trần Bắc Hà.
Nếu trong thời gian tới, Tổng bí thư Trọng tung ra ý chỉ "bằng mọi cách đưa Trần Bắc Hà về quy án", chắc hẳn số phận ông Hà sẽ không còn chỉ bị "kỷ luật" như kiến nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra. Khi đó, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ mất thêm một "người tử tế" nữa.
Thiền Lâm
Nguồn : VNTB, 12/01/2018
**********************
Ông Trần Bắc Hà điều trị ung thư tại Singapore (Người Lao Động, 10/01/2018)
Ông Trần Bắc Hà được điều trị ung thư gan tại một bệnh viện ở Singapore và có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa.
bacha2
Trần Bắc Hà - nguyên là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng BIDV và những núi nợ làm sập cả hệ thống ngân hàng Việt Nam
Một nguồn tin của báo Người Lao Động xác nhận ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore.
Theo đó, ông Trần Bắc Hà đang chuẩn bị phẫu thuật lần hai.
Trước đó, ông Trần Bắc Hà được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triệu tập đến phiên tòa xét xử "đại án" Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Sacombank) với hai tư cách : Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Tuy nhiên, ngày 9/1, luật sư của ông Trần Bắc Hà đã nộp đơn của ông này xin vắng mặt và đang chờ tòa cấp giấy chứng nhận đại diện tham gia tố tụng tại tòa.
Ngày 10/1, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản đã công bố tại tòa đã nhận được hồ sơ bệnh án ông Hà bị ung thư gan và đơn xin vắng mặt của ông.
Phạm Dũng
*******************
Con ông Trần Bắc Hà góp vốn xây siêu khách sạn 2.900 tỷ đồng (Zing, 11/11/2017)
Công ty của 2 người con ông Trần Bắc Hà là hai cổ đông trong liên danh xây dựng Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng 2.900 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chủ trương đầu tư cho Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Đây là dự án siêu khách sạn, thuộc một trong những dự án lớn nhất đầu tư tại Bình Định. Dự án có diện tích lên tới 10.840 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, thực hiện tại khu đất K200 ở khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, Thành phố Quy Nhơn.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định, mục tiêu của dự án là xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô 2 tòa tháp cao 39 tầng, nhiều phòng, căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê. Cùng với đó là hàng trăm phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...
bacha3
Phối cảnh dự án siêu khách sạn Thiên Hưng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng tại thành phố Quy Nhơn. Ảnh: binhdinhinvest.
Bên cạnh sự tham gia của một tập đoàn lớn, liên danh đầu tư dự án có 2 doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, công ty này được thành lập từ năm 2014, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Đại diện pháp luật của công ty là bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng BIDV.
Hiện tại, bà Phương cũng chính là Giám đốc tại Thiên Hưng.
Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú là công ty do con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) là ông Trần Duy Tùng sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị. An Phú được thành lập từ năm 2009, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Tùng chính là người mới từ chức khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).
bacha4
Ông Trần Duy Tùng là người mới từ chức sếp lớn tại Cảng Quy Nhơn, một doanh nghiệp kinh doanh nhà, cảng lớn tại Bình Định.
Tuy không có thông tin về tỷ lệ góp vốn của các bên trong dự án siêu khách sạn Thiên Hưng 2.900 tỷ đồng, nhưng với tên gọi dự án là Thiên Hưng, nhiều dự đoán có thể công ty con gái ông Trần Bắc Hà chính là cổ đông lớn nhất trong dự án.
Trên đường Hàn Mặc Tử có khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc trên khu đất hàng chục nghìn m2 trên bờ biển. Khu resort này trước đây thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, hiện đã được chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, nơi bà Ngô Kim Lan, vợ ông Trần Bắc Hà là chủ sở hữu.
Theo tìm hiểu, khu đất dọc đường Hàn Mặc Từ tại Thành phố Quy Nhơn đều thuộc diện đất “vàng” của thành phố vì có vị trí đắc địa, gần bờ biển thuận lợi phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, giá đất được rao bán công khai tại đây cũng chênh lệch bất thường, nhưng không dưới 100 triệu đồng/m2.
Quang Thắng
****************

Con trai ông Trần Bắc Hà từ chức sếp lớn Cảng Quy Nhơn (VietnamNet, 06/11/2017)

Ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn sau một thời gian ngắn làm sếp lớn tại doanh nghiệp quê nhà.

bacha5

Cảng Quy Nhơn - Ảnh minh họa

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết ông Trần Duy Tùng không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị (Hội đồng quản trị) kể từ ngày 1/10, sau khi có đơn xin từ chức hôm 22/9.
Ông Trần Duy Tùng (1985), con trai ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV, được Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn 2017 chấp thuận trở thành thành viên Hội đồng quản trị, sau một thời gian là thành viên tạm thời thay ông Trần Tuấn Nghĩa hồi giữa năm 2016.
QNP trước đây là thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Doanh nghiệp này cổ phần hóa năm 2013 và là đơn vị sở hữu cảng biển tổng hợp quốc gia, trọng điểm khu vực miền Trung.
Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành là cổ đông lớn nhất, với 78% vốn.
Số cổ phần sau đó đã được chuyển cho bà Trần Thị Quỳnh Yên, Tổng giám đốc Hợp Thành, đứng tên. Bà Yên hiện là thành viên Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 cũng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn khoảng hơn 1 tháng sau khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn sau đó được xác định là thất thiệt, không có căn cứ, nhưng đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó bốc hơi gần 2 tỷ USD.
H.Tú