Tập Hợp đang làm gì và ở đâu trong phong trào dân chủ Việt Nam? (Việt Hoàng)

Chúng tôi muốn, đã ‘hành động’ là phải chiến thắng vì mục đích cuối cùng của chúng tôi là chiến đấu để chiến thắng. Tổng thống Abraham Lincoln cho rằng khi làm bất cứ một việc gì thì quá trình chuẩn bị luôn đóng một vai trò rất quan trọng, nó quyết định cho sự thành bại. Ông nói ‘nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu’, Tập Hợp sẽ ‘hành động’ đúng như vậy.
 
 
Khi ông Nguyễn Gia Kiểng viết bài "Cứu nguy phong trào dân chủ" (1) và chia sẻ nó trên trang FB thì đã tạo ra một cuộc tranh luận khá "sôi nổi". Nhiều ý kiến được đưa ra, có những bình luận rất thiếu "văn hóa tranh luận". 
 
Điều đó không quan trọng, quan trọng nhất là trong hàng trăm ý kiến đó đã không có ý kiến nào trả lời thẳng vào hai câu hỏi mà tác giả đặt ra :
1. Cứu cánh và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì ?
2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng ?
‘Cứu cánh’ ở đây có nghĩa là ‘mục đích cuối cùng’. Chính vì không nắm rõ và ý thức được ‘mục đích cuối cùng’ của việc tranh đấu là gì nên phong trào dân chủ đã loay hoay và không thể tiến về phía trước.
Một thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp), là người hiểu rất rõ về phong trào dân chủ đã thẳng thắn nhận xét :
Phong trào đấu tranh dân chủ mới có 2 điểm. Điểm 1 : Dám lên tiếng phản biện trước những sai trái. Điểm 2 : Vì lẽ đó mà đi tù. Làm gì có một tư tưởng, đường lối, phương pháp đấu tranh nào. Chỉ toàn chạy theo các sự kiện và thụ động, bị dẫn dắt. Cái gọi là đấu tranh, thực chất chỉ là lên tiếng trước những bức xúc của xã hội để giải tỏa ẩn ức. Không có lấy một lần đấu tranh chủ động. Sự dấn thân và hi sinh của nhiều anh chị em suy cho cùng thật uổng phí và không có đóng góp cho việc thay đổi và xây dựng một xã hội dân chủ, đa nguyên. Ảo tưởng về sự đóng góp và hi sinh là một điều hết sức tệ hại vì nó giết chết chính mình và phong trào ’.
Mới đây lại xuất hiện một lá thư ngỏ gửi cho Mẹ Nấm và Thúy Nga mà chúng tôi đã có một bài ‘phản biện’ : ‘Có nên đi theo con đường của Mẹ Nấm và Thúy Nga ?’ (Hồng Việt) (2). Phải nói thẳng là người chấp bút cho lá thư ngỏ này quá cảm tính và hời hợt. Phong trào dân chủ Việt Nam đang thực sự có vấn đề.
Qua hai ví dụ trên, những tranh luận trên FB của ông Nguyễn Gia Kiểng và lá thư ngỏ gửi Mẹ Nấm và Thúy Nga thì cũng chính thân hữu trên nhận xét về phong trào dân chủ như sau :
Sự thật bao giờ cũng đau đớn và khó tiếp nhận. Không phủ nhận toàn bộ những vất vả, thua thiệt, công sức của nhiều anh em đấu tranh, nhưng chỉ những điều đó thôi là chưa đủ, không hề đủ. Thiếu nền tảng tri thức thì làm gì cũng nửa vời, sai sót, sau đó không chịu học, làm lại vẫn sai y chang. Cãi nhau không hồi kết chỉ vì không hiểu đúng, đủ về các khái niệm : dân chủ, tự do, đa nguyên, tự do ngôn luận... Nhưng khi có người viết đi viết lại về các khái niệm đó thì không chịu đọc, không chịu tìm hiểu, khi đọc thì cũng không chịu hiểu đúng mà vẫn cứ cãi lại cái định nghĩa mà cả thế giới đã chấp nhận.
Thiếu lòng quả cảm nên không dám dấn thân vào các kế hoạch dài hơi, chỉ đu bám theo sự kiện nhất thời, bị dẫn dắt bởi chính báo chí đảng mà không nhận ra. Ai nhắc thì liền bị chụp mũ, bị chửi cho ngập mặt. Thế nhưng lại dư sự liều mạng, dấn thân vào những việc mang tính bề nổi, sự kiện, phong trào để..làm truyền thông, không hề có chiều sâu. Không hề có tính tổ chức, không có tính bảo mật, không hề tuân thủ theo một nguyên tắc, quy định nào..để rồi bản thân bị đánh đập, bắt bớ, hư hại tài sản ’.
Không ít người chỉ trích Tập Hợp vì chúng tôi hay nói về ‘Dự án chính trị’của Tập Hợp, theo họ thì không cần bất cứ một ‘dự án’ nào cả mà chỉ cần ‘hành động’ nhưng hành động gì thì không thấy họ chỉ ra. Cũng có những người cho rằng đấu tranh là phải xuống đường biểu tình như kiểu đánh bạc là phải xuống tiền ?! Có người cho rằng cứ đánh đổ cộng sản trước đã rồi dân chủ tự khắc sẽ tới...
Tất nhiên là mỗi người mỗi ý, không ai suy nghĩ giống ai và xã hội vốn dĩ đa nguyên như vậy. Chúng tôi có phương pháp và lộ trình của chúng tôi và chúng tôi tin vào sự đúng đắn của mình. Có người khuyên chúng tôi rằng ‘khi không thấy dự án của mình khả thi thì cần thay đổi để phù hợp với quần chúng và thời cuộc, vì dự án của chúng tôi không được chấp nhận và chúng tôi đã thất bại’... Nếu cá nhân người đó nghĩ như vậy thì không sao nhưng nếu nói thay cho tất cả ‘mọi người’ thì chưa hẳn đã đúng.
Dự án chính trị của Tập Hợp chưa được chấp nhận rộng rãi và Tập Hợp chưa thành công là đúng nhưng không có nghĩa là đã thất bại. Chưa và không là khác nhau. Thay đổi tư tưởng và văn hóa Khổng giáo đã ăn sâu vào trong suy nghĩ người Việt hàng ngàn năm không phải là chuyện dễ dàng. Thay đổi cho phù hợp với thời thế là đúng nhưng không có nghĩa là ‘đẽo cày giữa đường’. Nếu một tổ chức mà không có lập trường và tư tưởng rõ ràng, thống nhất, nay thế này mai thế khác thì làm sao thuyết phục được người dân ?
Mỗi tổ chức chỉ là một cái ‘nhất nguyên’ trong xã hội ‘đa nguyên’ và không thể có chuyện ‘đồng phục tư tưởng’. Tập Hợp dù có cố gắng và thành tâm đến đâu đi nữa thì cũng chỉ thuyết phục được một bộ phận dân chúng chứ không thể là toàn bộ người dân Việt Nam được. Tập Hợp không độc quyền về tư tưởng. Tập Hợp chỉ đại diện cho một khuynh hướng chính trị và một số giá trị đạo đức mà chúng tôi cho là đúng đắn và cần thiết với xã hội Việt Nam như lương thiện, yêu nước, bao dung, thẳng thắn và tôn trọng lẽ phải...
Cứu cánh của Tập Hợp trong cuộc tranh đấu được nhìn nhận rằng :
Đây là cuộc đấu tranh để người Việt Nam được thực sự tôn trọng, được có những quyền đã được thế giới văn minh nhìn nhận, để đất nước được quản trị một cách lương thiện và hợp lý, từ đó vươn lên bắt kịp sự chậm trễ và chinh phục tương lai.
Đây là cuộc đấu tranh để đưa con người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh sáng của tự do và phồn vinh (…) Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam rất xứng đáng để có.
Động cơ của nó như vậy là lòng yêu nước và yêu đồng bào, là tình yêu chứ không phải lòng thù hận ’ (3).
Ý thức được rằng phải thay đổi tận gốc rễ thể chế chính trị hiện nay tại Việt Nam thì người Việt Nam mới có cơ hội xây dựng lại đất nước phồn vinh và dân chủ. Tập Hợp tranh đấu để chiến thắng chứ không phải lấy tiếng vang và vì chọn con đường ‘bất bạo động’ nên tư tưởng và lý luận là tất cả. Một cuộc vận động tư tưởng phải đi trước dẫn đường cho một cuộc cách mạng. Ai chiến thắng về tư tưởng và lý luận thì sớm muộn gì cũng sẽ chiến thắng trong thực tế. Tất cả các cuộc đấu tranh (và cả chiến tranh) từ xưa đến nay đều là ‘đấu tranh chính trị’. Vũ khí và binh lính chỉ là một trong những giải pháp cuối cùng của đấu tranh chính trị mà thôi.
Muốn chiến thắng thì phải có lực lượng và lực lượng đó chính là một (vài) tổ chức chính trị đối lập dân chủ có tầm vóc. Chỉ có sức ép từ một liên minh các tổ chức đối lập (của phong trào dân chủ Việt Nam) thì mới có thể buộc đảng cộng sản thay đổi và ngồi vào đàm phán. Không ai có thể làm thay việc đó cho người dân Việt Nam chúng ta dù là Mỹ hay Liên Hợp Quốc.
Xây dựng các tổ chức chính trị dân chủ đối lập vì thế là việc làm bắt buộc, không thể né tránh và tiết kiệm. Muốn có dân chủ thì phải có đa đảng và muốn có đa đảng thì đầu tiên phải thành lập các đảng phái chính trị. Các cá nhân dù xuất chúng tới đâu cũng không thể là đối trọng của đảng cộng sản vì đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải là giữa các cá nhân. Các cá nhân không có tư cách để ‘đàm phán’ hay ‘đối thoại’ với bất cứ ai, dù là đảng cộng sản hay các đảng đối lập.
Các tổ chức chính trị chỉ có thể thành lập và phát triển nếu có một tư tưởng chủ đạo để làm chất keo kết dính các thành viên với nhau. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Sự thực là cho đến bây giờ người Việt Nam vẫn chưa có được một chính đảng dân chủ thực sự có tầm vóc kể cả Tập Hợp. Cái này không phải lỗi hoàn toàn của chúng tôi mà là do di sản nặng nề của văn hóa Khổng giáo, một hệ tư tưởng bảo thủ, ngăn cấm mọi kết hợp và ép buộc người dân phải trung thành với một ông vua, dù là hôn quân.
Biết trước những khó khăn và thách thức đó anh em Tập Hợp vẫn tìm đến nhau, đồng thuận với nhau và xem nhau như là anh em trong một nhà và cùng nhau tiến bước. Trong cuộc tranh đấu này anh em chúng tôi sẵn sàng hy sinh cái tôi của mỗi người để tôn trọng nhau, kính trọng nhau và chia sẻ với nhau mọi điều, lắng nghe nhau và cả động viên nhau trong cuộc hành trình tranh đấu vốn buồn tẻ và cô đơn như những người vượt sa mạc. Kiên nhẫn, bao dung, thẳng thắn và lương thiện, tôn trọng lẽ phải... là những khả năng và đức tính mà chúng tôi tìm kiếm và trân trọng.
Chúng tôi ý thức được rằng không phải ai cũng chia sẻ với chúng tôi những giá trị đó. Và thật tình là chúng tôi cũng không biết bao giờ mới thành công, có bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ... Chúng tôi chỉ biết tin vào chính mình, tin vào lẽ phải và chân lý, còn khi nào thành công thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có hai yếu tố quan trọng là lòng dân và thời cơ. Nếu người dân không ủng hộ chúng tôi mà ủng hộ một giải pháp khác thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận và tiếp tục thuyết phục.
Có một câu hỏi mà nhiều người muốn biết câu trả lời là ‘khi nào Tập Hợp hành động ? Khi nào Tập Hợp phất cờ khởi nghĩa ?’ Nếu mọi người xem việc suy nghĩ, học hỏi, nghiên cứu, lý luận, nói và viết...là ‘hành động’ thì chúng tôi vẫn đang ‘hành động’ mỗi ngày, mỗi giờ. Còn nếu có ai đó xem ‘hành động’ là phải ‘xuống đường biểu tình’ thì như chúng tôi đã trình bày rất rõ trong năm giai đoạn của một cuộc cách mạng, đó là giai đoạn cuối cùng khi bốn giai đoạn đầu đã chuẩn bị xong xuôi. Tức là khi Tập Hợp đã có tư tưởng chính trị, có đội ngũ hùng mạnh, phương tiện đầy đủ và cuối cùng là đã có sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân. Khi chưa biết rõ người dân và trí thức Việt Nam ủng hộ và đồng thuận với chúng tôi đến mức độ nào thì chúng tôi không thể ‘phất cờ khởi nghĩa’ vì chúng tôi sẽ nhanh chóng bị chính quyền đè bẹp ngay lập tức. Chưa chuẩn bị xong mà đã hành động đó là tự sát mà chúng tôi thì không muốn tự sát.
Chúng tôi muốn, đã ‘hành động’ là phải chiến thắng vì mục đích cuối cùng của chúng tôi là chiến đấu để chiến thắng. Tổng thống Abraham Lincoln cho rằng khi làm bất cứ một việc gì thì quá trình chuẩn bị luôn đóng một vai trò rất quan trọng, nó quyết định cho sự thành bại. Ông nói ‘nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu’, Tập Hợp sẽ ‘hành động’ đúng như vậy.
Việt Hoàng (24/2/2018)
  1. http ://thongluan2016.blogspot.com/2018/02/cuu-nguy-phong-trao-dan-chu-nguyen-gia.html
  2. http ://thongluan2016.blogspot.com/2018/02/co-nen-i-theo-con-uong-cua-me-nam-va.html
  3. Khai sáng Kỷ nguyên Thứ hai