Ánh sáng và đôi mắt (Nguyễn Gia Kiểng)

"...Điều thực sự quan trọng mà triết mang lại là sự sáng tỏ về khái niệm và ngôn ngữ. Nói một cách khác, triết giúp cho chúng ta biết chúng ta đang nói về cái gì..."

 
Ánh sáng và đôi mắt (Nguyễn Gia Kiểng)

LTS : Bài này được viết mùa hè 2003 nhưng không có tính thời sự vì là một bài viết về triết, chính xác hơn là về tri thức học. Chi tiết thời sự duy nhất là về vụ án Phạm Hồng Sơn, nhưng cũng chỉ là một thí dụ về như cầu chính xác trong khái niệm và ngôn ngữ. Phạm Hồng Sơn bị kết tội gián điệp vì liên lạc với Nguyễn Gia Kiểng. Trước tòa Phạm Hồng Sơn không nhận tội mà còn phủ nhận tư cách của tòa án và yêu cầu được dùng quyền ra khỏi phòng xử vì không muốn chứng kiến một trò hề công lý. Phạm Hồng Sơn bị xử 8 năm tù sau giảm xuống còn 5 năm. Thái độ dũng cảm này cần được nhắc lại.


Bạn tôi từ Mỹ sang chơi đem cho hai cuốn sách triết. Tác giả là một trong những nhân vật rất có uy tín. Khi ông qua đời, có nhà bình luận coi ông đã là bộ óc vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Uy tín của tác giả bảo đảm giá trị của tác phẩm. Tôi không biết lý do tại sao anh bạn cho tôi hai cuốn sách này. Điều tôi biết chắc chắn là mình được hai cuốn sách quí.
 

Anh bạn về Mỹ thì Paris bị một cơn nóng chưa từng có. Nóng liên tục trên 40°C trong hai tuần lễ. Không phải là cái nóng nung người như một nhà thơ (Nguyễn Khuyến?) nói mà là cái nóng chết người. Nước Pháp đã có hơn 10.000 người chết vì nóng. Cách tự vệ của tôi là uống thật nhiều nước, tắm thật nhiều lần mỗi ngày và không làm gì cả. Không làm gì, tôi bèn đem hai cuốn sách mới được tặng ra đọc. Kết quả cụ thể là điều trước đó tôi biết chắc một trăm phần trăm (được hai cuốn sách) trở thành không chắc chắn chút nào.
 

Hai cuốn sách đó bàn về sự hiểu biết, đặt những vấn đề như ta thực sự biết cái gì và có thể chắc chắn về những gì. Kết luận là không có gì hoàn toàn chắc chắn. Tất cả đều chỉ là qui ước, giả thuyết, thói quen và xác xuất. Tất cả đều đáng ngờ vực.
 

Descartes chắc chắn một điều là ông ta quả có thực, bằng cớ là ông đang suy nghĩ. Ông đã nổi tiếng với câu "Je pense, donc j'existe" (tôi đang suy nghĩ vậy chắc chắn là có tôi). Nhưng cũng không thiếu những triết gia phê phán Descartes là kết luận vội vã. Cái gì bảo đảm là ông không đang mơ ngủ, tưởng rằng mình có thực và suy nghĩ. Trong giấc mơ thiếu gì lần ta mơ ta là một nhân vật nào đó hoàn toàn không có thực. Trang Tử  mơ thấy mình là một con bươm buớm. Con bướm đó cũng suy nghĩ, nhưng nó không có thực. Vậy cuốn sách tôi đang đọc đây đã có gì là bảo đảm là có? Và cả chính tôi nữa. Dù tôi đang đọc và cố theo dõi những lý luận của tác giả. Tất cả có thể chỉ là mộng mị. Giác quan cho ta một số cảm nhận, như ta đang cầm một cuốn sách, trước một cái bàn, trên đó có một ly nước và ta tin là cuốn sách, cái bàn và ly nước có thực bởi vì ta không có lý do gì để phản bác sự hiện hữu của chúng. Nhiều khi ta có lý do cụ thể để phải hành động như là một cái gì đó có thực. Như khi bà xã nổi giận cầm cán chổi đập ta thì ta phải chạy, mặc dầu động tác chạy này không có cơ sở triết học vì không có lý do nào hoàn toàn chắc chắn để bảo đảm về mặt triết lý rằng vợ ta và cây chổi có thực. Tất cả vẫn có thể chỉ là hoang tưởng, là mộng mị, như Trịnh Công Sơn "gọi tên em mãi suốt cơn mê này".
 

Tôi không có thiên khiếu về môn siêu hình học nên đối với những vấn đề loại này tôi chỉ đọc để biết và giải khuây mà thôi. Cứ cho rằng thế giới chung quanh, và chính tôi, chỉ là giả thuyết thì tôi cũng chấp nhận sống trong giả thuyết đó và coi là có thực. Và trong cái thế giới tôi coi là có thực nhưng có thể chỉ là hoang tưởng này tôi vẫn tin là có những điều ta có thể coi là chắc chắn, như 2 cộng với 2 là 4.

Tuy nhiên, ngay cả sự thật rất hiển nhiên là "2 cộng với 2 là 4" cũng đã là một đề tài tranh cãi chưa thực sự ngã ngũ trong hàng chục thế kỷ nay giữa các triết gia, dù đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và chất xám. Thực ra nó không hiển nhiên như ta tưởng. Nhiều triết gia coi đó chỉ là kết quả của thực nghiệm. Ta thấy hai con gà và hai con gà là bốn con gà, hai con vịt và hai con vịt cũng là bốn con vịt, v.v. rồi kết luận 2 cộng với 2 là 4 trong mọi trường hợp. Trong trường hợp của cá nhân tôi thì đây quả là một điều được áp đặt một cách thô bạo, tôi phải học thuộc lòng bảng cộng và bảng nhân chứ chưa có thầy cô nào chứng minh cho tôi cả. Không thuộc thì ăn đòn, thế thôi.
 

Rốt cuộc thì sau hơn một tuần lễ vật lộn với những ý kiến rất mạch lạc của tác giả - trời nóng quá làm trí óc cũng chậm lại - tôi chỉ học được vài điều. Một trong những điều đó là không có gì hoàn toàn chắc chắn, chúng ta chỉ có thể cố gắng để tới thật gần sự chính xác, càng gần càng hay nhưng không bao giờ nắm được, và đây là một cố gắng cực kỳ cam go. Có lẽ vì thế mà đa số chúng ta không thích triết. Khó khăn mà lại ít kết quả. Số ít ỏi kiến thức học được lại chẳng có công dụng cụ thể nào cho cuộc sống.
 

Tuy nhiên, có một điều hơi yên tâm là triết gia đầy uy tín này cũng nhìn nhận là trong một vài trường hợp ta có thể coi là đúng những kết luận rút ra từ quan sát và lý luận. Trong tinh thần ấy tôi cũng tự cho phép mình một kết luận, đó là triết không đến nỗi vô ích và có thể còn cần thiết, thậm chí rất cần thiết, cho mọi xã hội và mọi dân tộc.
 

Chúng ta quan sát thấy rằng mọi tiến bộ ngoạn mục trong các xã hội đều đi đôi với sự phát triển của triết, ngược lại sự thiếu vắng hay trì trệ của triết cũng đi đôi với sự trì trệ hay tụt hậu của xã hội. Xã hội cổ Hy Lạp đã có một nền văn minh rực rỡ cùng với các triết gia lớn và các tư tưởng lớn. Khi các tư tưởng này lan sang La Mã, chúng cũng đã khiến La Mã trở thành văn minh và bá chủ thế giới phương Tây. Chúng ta quan sát thấy xã hội Trung Hoa đã dẫm chân tại chỗ hơn hai nghìn năm sau khi đợt trăm hoa đua nở về tư tưởng của thời Xuân Thu Chiến Quốc chấm dứt, với Khổng Giáo trở thành khuôn mẫu độc tôn. Chúng ta cũng quan sát rằng tại Châu Âu, các nước anglo-saxon đã phát triển hơn hẳn, bắt kịp và vượt qua các nước la-tinh từ thế kỷ 17 khi hai khối văn hóa này đi theo hai trường phái triết khác nhau. Một bên, khối anglo-saxon, theo trường phái thực nghiệm, chấp nhận và lấy thực tại của thế giới chung quanh làm khởi điểm suy tư để nhận diện rõ ràng hơn và cải thiện cuộc sống; trong khi khối văn hóa la-tinh, đi theo trường phái thuần lý, mê mải đào sâu những lý luận siêu hình và trừu tượng rất ít liên hệ với thực tại. Chúng ta có thể có những quan sát khác tại Ai Cập, Ấn Độ, v.v. với cùng liên hệ nhân quả tương tự.
 

Chúng ta cũng có thể lý luận rằng triết là một cố gắng để vượt lên trên và đào sâu những vấn đề trước mắt. Một dân tộc thiếu triết không thể hiểu rõ các vấn đề của mình, do đó không nhìn thấy hướng đi và luôn luôn thụ động, để cho thực tại xô đẩy. Không thể có tiến bộ trong trường hợp này.
 

Nếu kết luận trên - triết rất cần cho xã hội - là đúng thì ta có thể giải thích được số phận bi đát của nước ta. Chúng ta là một dân tộc không có tư tưởng. Trong suốt dòng lịch sử, mà ta hơi cường điệu khi nói là dài hơn bốn nghìn năm, ta không có được một triết gia, một nhà tư tưởng và một tác phẩm nào có tầm vóc tư tưởng cả. Như thế làm sao ta có thể nhận diện được những gì đã xảy ra, đang diễn ra và có thể sẽ tới? Trước những biến cố quan trọng làm sao chúng ta tránh được bi kịch của một con tàu không phương hướng giữa đêm đen và bão tố? Chúng ta cũng có thể giết nhau nhân danh một sai lầm mà chúng ta tưởng là chân lý. Ông Hồ Chí Minh, theo chính lời kể của ông, sau khi đọc được một tài liệu của phong trào cộng sản đã sung sướng như người mê sảng và dành của cuộc đời để thực hiện cho bằng được chủ nghĩa Mác-Lênin tại Việt Nam, bất chấp mọi tổn thất xương máu, dù cho "sông có thể cạn, núi có thể mòn". Tố Hữu được "mặt trời chân lý chiếu qua tim" và kêu gọi "Giết, giết nữa ! Bàn tay không chút nghỉ". Sự cuồng tín đã là hậu quả của tăm tối, và dẫn đến tội ác. Không nên trách những người như Hồ Chí Minh và Tố Hữu. Cũng có những người chống cộng rất sắt máu. Nếu không có họ thì cũng sẽ có những người khác làm những việc họ làm. Khi người ta không biết suy nghĩ thì tất cả đều có thể xảy ra. Con tàu đụng vào mỏm đá và vỡ tan chỉ vì nó trôi dạt trong cơn bão. Một dân tộc cần tư tưởng và các triết gia như một người cần ánh sáng và đôi mắt.
 

Nhưng một cách cụ thể, triết đem lại cho ta những gì?
 

Điều không quan trọng là những kết luận của các triết gia. Chúng ta có thể tin hay không tin là có thượng đế; vật chất chế ngự tinh thần, hay ngược lại; cuộc đời là bể khổ, một thoáng phù du, hay là một hạnh phúc, hay một giai đoạn cho một cuộc sống vĩnh cửu sau này; kiến thức do học hỏi hay chỉ do nhớ lại như Socrates nghĩ, v.v. Tất cả những kết luận đó chỉ quan trọng, nếu quả nhiên chúng có tầm quan trọng, đối với một cá nhân, chứ không quan trọng đối với một dân tộc hay một xã hội. Thật là mê muội khi người ta xung đột với nhau về những kết luận đó. Điều thực sự quan trọng mà triết mang lại là sự sáng tỏ về khái niệm và ngôn ngữ. Nói một cách khác, triết giúp cho chúng ta biết chúng ta đang nói về cái gì.
 

Khi chúng ta đọc một cuốn sách triết, chúng ta có thể lưu ý là tác giả dùng một phần rất lớn số trang và chữ để định nghĩa các từ ngữ và khái niệm và chỉ dành một phần rất nhỏ để trình bày quan điểm của mính. Đôi khi chính sự phát minh ra một khái niệm mới, hay những nghĩa mới cho những từ quen thuộc, là đóng góp chính. Những người chỉ muốn tìm kết luận không thể thưởng thức thú đọc sách triết và không thể nào hiểu được kết luận, và nếu lại tưởng mình đã hiểu thì càng tệ hơn. Nói ngôn ngữ và khái niệm nhưng thực ra chỉ có ngôn ngữ. Khái niệm cũng chỉ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ quan trọng đến nỗi nhiều trường phái triết mới coi triết chỉ có mục đích làm sáng tỏ ngôn ngữ. Họ cũng có lý nếu ta nhận xét một số trường hợp.
 

Thí dụ như khi một số người lên án lập trường "hòa giải và hòa hợp dân tộc" là "hòa hợp hòa giải với cộng sản". Hãy khoan bàn vấn đề "hòa hợp hòa giải với cộng sản" có phải là điều đáng và cần lên án hay không để chỉ thảo luận về ngôn ngữ và khái niệm. Trong cụm từ "hòa giải và hòa hợp dân tộc" có bốn khái niệm : hòa giải, hòa hợp, thứ tự trước sau giữa hòa giải và hòa hợp, và dân tộc. Nó muốn  đề nghị thực hiện hòa giải dân tộc trước hết để sau đó thực hiện hòa hợp dân tộc. Hòa giải là gì, hòa hợp là gì là những khái niệm mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã giải thích trong dự án chính trị của nó. Trong cụm từ "hòa hợp hòa giải với cộng sản" chỉ còn lại hai khái niệm, một là khái niệm "hòa hợp hòa giải" không được định nghĩa nhưng có ngụ ý là xấu, hai là cộng sản, cũng không được định nghĩa, là chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản hay là một khối người? Cứ thử dịch cụm từ "hòa hợp hòa giải với cộng sản" sang tiếng Pháp hay tiếng Anh, hay bất cứ một ngôn ngữ chích xác nào khác sẽ thấy nó rất ngây ngô và khó dịch. Nó là một sản phẩm của cách nói tiếng Việt bừa bãi.
 

Cũng có những người lên án lập trường này là "thỏa hiệp với cộng sản". Có lẽ đây cũng là điều mà những người sử dụng cụm từ luộm thuộm "hòa hợp hòa giải với cộng sản" muốn nói. Nhưng nếu vậy thì vẫn còn hai câu hỏi khác. Tại sao "dân tộc" lại trở thành "cộng sản"? Và tại sao "hòa giải và hòa hợp" lại đồng nghĩa với "thỏa hiệp"? Hòa giải, hòa hợp, và thỏa hiệp là những khái niệm rất khác nhau. Mỹ và Nhật hòa giải sau thế chiến II nhưng không hòa hợp. Còn thỏa hiệp thì hoàn toàn khác. Trong chiến tranh hai bên lâm chiến có thể thỏa hiệp ngừng bắn trong vài giờ để thu lượm thương binh rồi sau đó tiếp tục đánh nhau, nghĩa là thỏa hiệp mà không hề hòa giải. Ngược lại, cũng có thể có hòa giải mà không có thỏa hiệp, như khi bà xã sau khi xách chổi chà rượt chồng nhận ra là mình đã ghen không đúng bèn ôm hôn anh chồng bị nghi oan để làm lành. Ngoài ra, trong khẩu hiệu lên án "bọn chủ trương thỏa hiệp với cộng sản", thỏa hiệp được hiểu ngầm là xấu. Nhưng tại sao thỏa hiệp lại xấu? Nếu đảng cộng sản đề nghị với đối lập dân chủ một thỏa hiệp theo đó Việt Nam sẽ có dân chủ thực sự trong một thời gian ngắn thì thỏa hiệp này có gì đáng lên án?
 

Đây là một thí dụ về việc sử dụng ngôn ngữ và khái niệm một cách cẩu thả và vô ý thức. Nhưng cũng có những trường hợp người ta cố tình dùng từ ngữ một cách mơ hồ với dụng ý gian trá. Như trường hợp phiên tòa xử Phạm Hồng Sơn về tội "gián điệp" trong tuần qua. Điều 80 khoản 1, điểm c, bộ luật hình sự tố tụng qui định phạm tội gián điệp những ai "thu thập cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam". "Tài liệu khác" là gì? Thế nào là "thu thập cung cấp"? Chúng ta biết thu thập là gì, chúng ta cũng biết cung cấp là gì, nhưng "thu thập cung cấp" là một cụm từ lộn xộn vô nghĩa. Thu thập và cung cấp tin tức và tài liệu là những việc mà bất cứ một người nào sống trong một xã hội không bán khai cũng đều làm cả. "Nước ngoài" thì chúng ta đều hiểu là một quốc gia khác với Việt Nam, nhưng trong trường hợp Phạm Hồng Sơn thì nước ngoài là chính tôi, Nguyễn Gia Kiểng, một người Việt Nam đang sinh sống ở Pháp chứ không phải là một quốc gia. Nếu tôi là "nước ngoài" thì các ông đại sứ Việt Nam cũng đều là nước ngoài cả. Và thế nào là "chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam"? Và làm sao biết được là đương sự quả nhiên có "nhằm mục đích"? Một câu luộm thuộm và tối nghĩa như vậy mà cũng được đưa vào luật pháp để kết tội, bỏ tù, gây thảm kịch cho biết bao nhiêu người vô tội!
 

Một thí dụ khác, điều 4 của hiến pháp của chế độ cộng sản nói : "Đảng Cộng Sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, là lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước". Chữ "theo" có hai nghĩa, một là "đi theo", hai là "theo như". Với nghĩa thứ nhất thì Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước nếu còn theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng hiện nay nó đã đi theo chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường rồi. Với nghĩa thứ hai thì điều 4 lại càng vô nghĩa tại Việt Nam. Có thể theo như chủ nghĩa Mác-Lênin thì Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước (đây là một điều cần kiểm chứng vì tôi không thấy một tài liệu nào của Marx và Lenin nói về vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam cả) nhưng theo đa số người Việt Nam thì khác.
 

Chúng ta là một dân tộc có lịch sử sống chung rất dài nhưng lại không có tư tưởng, sự kiện này có hậu quả trên ngôn ngữ. Một mặt chúng ta có khá nhiều từ để chỉ cùng một điều cụ thể, thí dụ như để chỉ màu đen chúng ta phân biệt con chó mực, con ngựa ô, con mèo mun, mái tóc huyền, cái áo thâm, và dĩ nhiên mực đen. Mặt khác chúng ta lại rất thiếu những từ trừu tượng cần dùng cho tư tưởng và triết học. Thảo luận ý kiến giữa chúng ta tự nó đã rất khó khăn, nếu thêm vào đó chúng ta lại lợi dụng sự thiếu chính xác của từ ngữ để xuyên tạc và ăn gian thì thảo luận chỉ là cãi lộn, muốn có lý phải có súng.
 

Tại sao chúng ta cần triết?
 

Bởi vì triết chủ yếu là ngôn ngữ và khái niệm, và chúng ta cần một ngôn ngữ chính xác và những khái niệm minh bạch để có thể hiểu nhau và làm việc với nhau. Sự lẫn lộn khái niệm đưa đến những hiểu lầm lớn. Một thí dụ là chúng ta thường phân biệt, đạo đức và chính trị. Chúng ta coi những khái niệm này là mâu thuẫn với nhau, và rất nhiều người tuyên bố một cách tự nhiên, và hãnh diện, là "không làm chính trị" với dụng ý để người nghe hiểu rằng mình là người đạo đức và lương thiện. Đó là vì chúng ta thiếu triết và do đó không hiểu bản chất của chính trị và đạo đức.
 

Trong triết, đạo đức học là cố gắng để trả lời hai câu hỏi "thế nào là một cuộc sống thực sự hạnh phúc?" và "phải sống thế nào để có hạnh phúc?" trong khi chính trị học cố gắng để trả lời hai câu hỏi "thế nào là một xã hội hạnh phúc?" và "làm thế nào để đem lại hạnh phúc tối đa cho thật nhiều người?". Như thế không hề có mâu thuẫn, đạo đức và chính trị nhắm cùng một mục đích trên những qui mô khác nhau. Đạo đức là chính trị trong phạm vi cá nhân trong khi chính trị là đạo đức trên qui mô quốc gia. Sự kiện có những người làm chính trị lưu manh không chứng tỏ chính trị mâu thuẫn với đạo đức. Cũng không thiếu những tu sĩ bê bối, nhưng có ai cho rằng tôn giáo mâu thuẫn với đạo đức? Và cũng không thiếu những người không làm chính trị mà cũng rất thiếu đạo đức.
 

Một trí thức trong nước mà tôi ngưỡng mộ vì thiện chí, can đảm và kiến thức, từ chối tham gia cuộc đấu tranh cho dân chủ không phải vì sợ mà vì muốn dành trọn sự tận tụy cho tôn giáo. Lại một sự hiểu lầm. Tôn giáo và chính trị còn liên hệ với nhau một cách mật thiết hơn cả giữa chính trị và đạo đức. Các tôn giáo lớn đều xuất phát từ những dự án chính trị. Trừ trường hợp của Hồi giáo, các dự án chính trị này đã không thành công trong sinh thời của người sáng lập, nhưng vì sự đúng đắn của chúng những tư tưởng chính của người sáng lập đã được thừa kế và tiếp tục được thực hiện một cách khác. Nhưng đây là một cuộc thảo luận rất lớn, vượt xa khuôn khổ của bài này.
 

Tại sao gần ba mươi năm dưới một chế độ mà hầu như mọi người đều đánh giá là tham nhũng và bạo ngược chúng ta vi chưa có được một kết hợp dân chủ có tầm vóc? Chắc chắn là vì chúng ta thiều văn hóa tổ chức, nghĩa là thiếu một cách suy nghĩ và hành động khiến chúng ta thấy cần phải tham gia một tổ chức, chấp nhận những hệ lụy của sinh hoạt tổ chức, biểu lộ phản xạ tổ chức trong mọi ứng xử và không thể hình dung là có một việc lớn nào có thể thực hiện mà không cần có tổ chức.
 

Nhưng cũng có một nguyên nhân khác là chúng ta thiếu triết, do đó ngôn ngữ không chính xác và các khái niệm chỉ được hiểu một cách mơ hồ và lộn xộn, thậm chí sai và nghịch nghĩa. Những người hoạt động chính trị vì không thể hiểu nhau, đồng ý với nhau và hoạt động với nhau. Nhưng đồng thời họ cũng làm cho quần chúng hoang mang, không biết thế nào là đúng, là sai và không hưởng ứng một lời kêu gọi nào cả để khỏi bị sai lầm bởi vì, như triết gia mà tôi đang đọc khẳng định, vấn đề đúng hay sai chỉ đặt ra khi người ta chọn một lập trường, và không ai muốn sai lầm. Sự hỗn loạn, phân tán và bất lực có nguyên nhân chính ngay trong đầu chúng ta.
 

 Cả hai cuốn sách triết mà anh bạn tặng tôi đều có cùng một mục đích là cảnh cáo người đọc rằng không có gì là hoàn toàn chắc chắn trên trái đất này. Tôi không có gì để phản bác. Tác giả viết hay quá. Nhưng tại sao tôi vẫn tin chắc một điều là muốn đưa đất nước ra khỏi bế tắc chúng ta cần một trật tự trí tuệ xây dựng trên một ngôn ngữ chính xác và những khái niệm được hiểu rõ? Có lẽ vì tôi không có căn triết.

Nguyễn Gia Kiểng

Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng