Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VIII)- Việt Hoàng

 “…Chúng ta có quyền hy vọng và lạc quan. Đất nước ta tuy có vấp ngã nhưng vẫn còn khả năng đứng dậy và đi tới. Chúng ta không cần trông đợi ở một phép mầu hay một ân huệ nào cả. Phép mầu ấy chúng ta có thể tự tạo ra cho mình…”


Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VIII)- Việt Hoàng


Bảy mươi năm (70) người Việt Nam ta đã (phải) sống dưới chế độ cộng sản. Dưới chế độ được cai trị bằng bạo lực và dối trá đó, mọi giá trị và chân lý đều bị đảo ngược. Đúng thành sai, xấu thành tốt, thiện thành dở hơi, ác thành điều bình thường. Chúng ta đã quen nói dối và lừa dối nhau đến mức giờ đây những ai nói sự thật đều bị những người xung quanh xem như là kẻ không bình thường. Một dân tộc phải sống dưới một chế độ không bình thường quá lâu khiến cho dân tộc đó có những suy nghĩ và hành động không bình thường là lẽ đương nhiên. Chúng ta mụ mẫm và tự huyễn hoặc mình một thời gian quá dài vì vậy để chấm dứt cơn mộng du này có lẽ phải cần đến một cú sốc lớn may ra mọi người mới có thể tỉnh thức để quay về trạng thái bình thường, với tư duy của những người bình thường như bao dân tộc khác trên thế giới.

Tất nhiên ngày đấy rồi sẽ đến và sau khi kết thúc cơn mộng du đó chúng ta sẽ trải qua một giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ rất khó khăn. Bài học từ Ukraine hay các nước Trung Đông vẫn còn đó. Sau khi lật đổ được các nhà cai trị độc tài thì các nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kinh tế kiệt quệ vì ngân khố trống rỗng, những kẻ mới lên cầm quyền lại tiếp tục tham nhũng, dân chủ bị bóp nghẹt, các nhóm lợi ích tiếp tục hoàng hành và chi phối nhà nước, các chính sách không rõ ràng và nhất quán khiến người dân nhanh chóng thất vọng, trộm cướp và các tệ nạn gia tăng, đời sống người dân tiếp tục đi xuống thay vì tốt lên. . .

Làm thế nào để những điều tồi tệ như vậy không xảy ra? Một chính phủ chuyển tiếp có thể ngăn chặn được tình trạng xấu này không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Các nước Đông Âu như Cộng hòa dân chủ Đức, Ba lan, Tiệp khắc. . . đã chuyển tiếp thành công về dân chủ. Lý do dẫn họ đến sự thành công này là nhờ vào một yếu tố quyết định : Họ đã có sẵn (vì đã được chuẩn bị và xây dựng từ trước) một lực lượng chính trị dân chủ, đó là những tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Ba Lan có Công Đoàn Đoàn Kết, Tiệp có Vaclav Havel và nhóm Hiến chương 77, Đông Đức thì nhờ vào các tổ chức dân chủ đầy kinh nghiệm tại Tây Đức. . . Trong khi các nước khác thì lại thất bại như Nga và các nước thuộc Liên xô cũ, Nam Tư, Ai Cập, Ukraine. . .

Việt Nam nếu không muốn rơi vào tình trạng hỗn loạn đó thì ngay bây giờ chúng ta cần phải tìm hiểu về những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình chuyển tiếp. Cần nhận diện chúng là gì? Biện pháp giải quyết các vấn đề này ra sao? Ai là người có khả năng để giải quyết các vấn đề đó? Người dân Việt Nam, những người đang làm việc trong bộ máy chính quyền Việt Nam và nhất là những người đảng viên đảng cộng sản Việt Nam cần biết rõ là số phận họ, công việc của họ sẽ ra sao, đâu là chỗ đứng của họ trong một nước Việt Nam mới?. . .

Dự thảo Dự Án Chính Trị 2015 -Chương 8- của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) sẽ là câu trả lời cho tất cả những thắc mắc trên. Quả thực là giai đoạn chuyển tiếp này là cực kỳ khó khăn vì có quá nhiều việc phải làm, phải giải quyết. Cần một khoảng thời gian không dưới 5 năm với một sự đồng thuận và quyết tâm của cả dân tộc thì may ra chúng ta có thể gượng dậy  để trở thành một quốc gia bình thường và có thể hội nhập thực sự vào cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần thay đổi hoàn toàn cấu trúc của xã hội Việt Nam, từ văn hóa, giáo dục, y tế đến thể chế chính trị, kinh tế và phương pháp quản trị quốc gia. . .

Nhiệm vụ của chúng ta là biến «một đất nước suy kiệt toàn diện, trộm cướp lộng hành, tham nhũng đã thành định chế, dối trá và gian lận đã thành một phản xạ quốc gia, các bệnh truyền nhiễm lan tràn một cách không kiểm soát, tuổi trẻ thất học và bỏ học, con người suy nhược, bi quan và chán nản, chênh lệch giầu nghèo lộ liễu và thách đố, hàng chục triệu người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực, hàng triệu dân oan sống trong tức tưởi từ nhiều năm nay sau khi bị truất hữu đất và chỉ được bồi thường với giá cưỡng đoạt, môi trường sinh thái bị hủy hoại và ô nhiễm, chủ quyền và ngay cả đất đai đã mất nhiều về tay người ngoại quốc » thành « một đất nước lương thiện và lành sạch, có kỷ cương, có đầy đủ chủ quyền, có lòng tin, có liên đới, có sức bật kinh tế và có sức thu hút đầu tư nước ngoài ».

Một công việc quan trọng và là một ưu tư rất lớn của chúng tôi trong giai đoạn chuyển tiếp này là « Chúng ta sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ mà không gây ra những đổ vỡ mới. Chúng ta sẽ phải phục hồi danh dự  cho những người đã bị xúc phạm mà không xúc phạm những người khác, phải bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới ».

Chúng ta có rất nhiều việc cấp bách phải giải quyết trong giai đoạn này nhưng điều kiện và khả năng lại rất hạn chế vì vậy « trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp chúng ta sẽ phải thiết lập một thứ tự ưu tiên cho các vấn đề. Tinh thần chỉ đạo là giải quyết cấp bách những vấn đề tối cần thiết cho hòa giải dân tộc, an ninh xã hội và phát triển kinh tế, các vấn đề khác sẽ được giải quyết theo một thứ tự ưu tiên khác ngay khi khả năng kinh tế cho phép ».

Để Việt Nam có thể vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này, THDCĐN đưa ra những đề nghị về các giải pháp cụ thể như sau :

1. Những biện pháp chính trị.

-Trả chính quyền về cho nhân dân

- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc

- Ban hành một hiến pháp mới cho Cộng Hòa Việt Nam và tu chỉnh luật pháp

- Bắt đầu đem tản quyền vào thực tế

- Giữ đất nước Việt Nam cho người Việt Nam
2. Những biện pháp văn hóa xã hội.
 -Tăng cường trật tự an ninh
- Khắc phục tham nhũng và các tệ nạn xã hội
- Bãi bỏ hoàn toàn mọi chính sách và biện pháp kiểm duyệt
- Bảo đảm sự khách quan của giáo dục và một trình độ văn hóa tối thiểu cho mọi công dân
- Cải thiện môi trường sinh sống và danh lam thắng cảnh
3. Những biện pháp kinh tế

-Giải tư đại bộ phận các xí nghiệp quốc doanh và tư hữu hóa ruộng đất

- Khuyến khích tối đa đầu tư kể cả đầu tư từ nước ngoài

- Dồn cố gắng cho hai công trình giao thông chiến lược. . .

Tham vọng và mục tiêu của giai đoạn chuyển tiếp này rất lớn vì vậy ngoài quyết tâm ra chúng ta còn cần rất nhiều chi phí. THDCĐN cho rằng chúng ta có những nguồn ‘tài trợ’ rất lớn đó là sự tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ đang dùng để nuôi bộ máy đảng bao gồm hàng trăm ngàn người phục cho nó và một lượng bất động sản lớn bị chiếm dụng. Chỉ riêng ngân sách dành cho văn phòng trung ương đảng đã ngốn đến 100 triệu đô la mỗi năm chưa kể các cấp đảng ở tỉnh, huyện, xã. . . 

Nguồn kinh phí thứ hai chúng ta có thể tiết kiệm được đến từ việc giảm ngân sách quốc phòng và an ninh. Chúng ta cần một quân đội tinh nhuệ và gọn nhẹ thay vì quá đông và cồng kềnh như hiện nay. Chúng ta không cần đến lực lượng công an chính trị và văn hóa mà mục đích là để trấn áp người dân lương thiện có mong muốn dân chủ. Nguồn lực thứ ba đến từ việc tư hữu hóa các nhà máy xí nghiệp thuộc nhà nước. Nguồn lực thứ tư đến từ đồng bào Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại. Nguồn lực này rất lớn nếu có một chế độ dân chủ phù hợp với nguyện vọng của mọi người được thiết lập tại quê nhà. Nguồn lực sau cùng và lớn nhất đến từ sự giải tỏa và động viên tinh thần và sinh lực của gần 100 triệu con người cần mẫn và muốn vươn lên.

Nếu đi đúng đường và làm đúng cách thì chỉ cần một hai chục năm là chúng ta có thể thay đổi được số phận của dân tộc Việt Nam. « Chúng ta có quyền hy vọng và lạc quan. Đất nước ta tuy có vấp ngã nhưng vẫn còn khả năng đứng dậy và đi tới. Chúng ta không cần trông đợi ở một phép mầu hay một ân huệ nào cả. Phép mầu ấy chúng ta có thể tự tạo ra cho mình, ân huệ ấy chúng ta có thể tự ban cho mình một cách giản dị ».

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả chương VIII-DACT 2015 :Chuyển tiếp thành công về dân chủ.
Việt Hoàng
13/4/2015