Kịch bản nào cho cuộc cờ này? ( Nguyễn Gia Kiểng)

 "... cuộc đấu tranh này chủ yếu là cuộc đấu giữa hai tổ chức, giữa đảng cộng sản và một tổ chức dân chủ mà ta phải xây dựng ra. Mọi hành động phải được đánh giá trong cái nhìn này. Những hành động có ích là những hành động hoặc có tác dụng làm phân hóa đảng cộng sản, hoặc giúp ta tiến thêm một bước trong tiến trình xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh. Tất cả những hoạt động khác đều chỉ có tác dụng nhất thời vì không nằm trong kịch bản chiến thắng, và vì thế không được lôi kéo sự chú ý khỏi kịch bản chiến thắng..."


Kịch bản nào cho cuộc cờ này? ( Nguyễn Gia Kiểng)

Một người bạn bảo tôi : "Đọc những bài của anh hơi nhức đầu". Vậy thì lần này tôi phải đổi đề tài, nhất là lúc này bắt đầu vào hè, nhiều bạn đọc sắp hoặc đã đi nghỉ, bài này có thể sẽ được đọc trên bãi biển, dưới bóng dù che nắng trong thời gian nhàn hạ. Cũng có những bạn sẽ đánh cờ giải trí. Vậy xin hầu chuyện các bạn về môn cờ.
Tôi còn nhớ rất rõ cái ngày mà trình độ đánh cờ của tôi tiến một bước nhảy vọt. Đó là một buổi chiều mưa. Khác với những trận mưa hè của Sài Gòn, xối xả nhưng ngắn ngủi, như Nguyên Sa mô tả (“em chợt đến chợt đi anh vẫn biết, trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu”), cơn mưa này khá dài. Anh em tôi đang chơi cờ dưới mái hiên thì một bác đạp xích-lô dừng lại, đậu xe ở trước cửa và đến bên cạnh chúng tôi để trú mưa. Bác ngồi xuống cái ghế đẩu và nhìn chúng tôi đánh cờ. Một lúc sau bác nói : "Các cậu chưa biết đánh cờ".

Chưa biết đánh cờ ? Lúc đó tôi đã 14, 15 tuổi rồi. Anh em tôi đều đánh cờ từ hồi năm, sáu tuổi. Như vậy là chúng tôi đã có gần mười năm kinh nghiệm rồi. Chúng tôi không những biết đi quân (mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách) mà còn biết nhiều nước : chiếu tướng bắt xe, tiền mã hậu pháo v.v. Chúng tôi biết đánh cờ. Ông xích-lô này đúng là nói bậy.

Thấy chúng tôi bất mãn, ông bèn đề nghị đánh thử vài bàn. Và quả nhiên là ông hạ chúng tôi chớp nhoáng. Ông này đi quân gần như không cần suy nghĩ. Hình như ông biết trước phải đi nước nào, có ai đó cầm tay ông đánh cờ. Ông làm chúng tôi ngạc nhiên và thán phục. Sau cùng, thấy chúng tôi có vẻ dễ thương, ông chỉ bảo :

- Đánh cờ là để bắt tướng chứ không phải để bắt con xe, con ngựa. Vậy các cậu phải học cách bắt tướng như thế nào. Đó là các thế làm thua. Có nhiều thế làm thua lắm. Đi quân, bắt quân chỉ là để dần dần tiến đến những thế đó. Càng biết nhiều thế làm thua càng giỏi đánh cờ, thế này không được thì chuyển sang thế khác. Quen với những thế làm thua các cậu sẽ dần dần biết cách tiến đến đó. Đánh cờ là như thế.

Rồi ông chỉ cho chúng tôi những thế chiếu bí. Tất cả những nước đó chúng tôi đều đã biết, nhưng chỉ thấy khi chúng đã hiện ra trước mắt. Điều độc đáo là bằng một vài thí dụ ông dạy cho chúng tôi hiểu rằng đánh cờ là tìm cách đi đến những thế cờ đó. Tôi chợt hiểu tại sao ông cụ bên cạnh nhà tôi tối ngày cứ đem những cuốn sách cờ thế ra đánh một mình. Thì ra ông ấy học đánh cờ.

Cơn mưa tạnh, ông xích-lô từ giã ra đi, sau khi dặn riêng tôi một lần chót, có lẽ vì thấy tôi nghe chăm chú nhất:

- Cậu nên học thuộc lòng càng nhiều thế cờ càng hay. Học thật kỹ và tìm cách đưa địch thủ vào những thế đó.

Ông ra đi và tôi bắt đầu hiểu thế nào là đánh cờ. Tôi bắt đầu biết học cách đánh cờ. Tôi khám phá ra một điều kỳ thú là từ trước tôi cứ tưởng mình biết đánh cờ mà thực ra không biết gì, ngay cả học đánh cờ !

Tôi đem câu chuyện kể với bố tôi. Bố tôi đáp: "Thì đúng là thế chứ còn gì nữa". Thế nhưng bố tôi không hề chỉ cho tôi điều đó. Lý do một phần là vì ông không muốn chúng tôi đánh cờ. Ông thường nói: "Gia trung hữu kỳ nam tử tất suy, gia trung hữu cầm nữ tử tất dâm" (Nhà có bàn cờ con trai không khá, nhà có đàn con gái lẳng lơ). Ông muốn chúng tôi để hết thì giờ học hành. Một phần khác có lẽ là vì ông cho đó là sự thực hiển nhiên, không nói cũng biết. Nhưng thực tế là chúng tôi không biết, nếu không tình cờ có cơn mưa làm ông xích-lô dừng lại nhà tôi.

Từ hôm đó, tôi bớt đánh cờ đi mà thường đem các thế cờ ra quan sát, từ những thế đơn giản nhất, những "thế làm thua" như sư phụ xích-lô của tôi nói, dần dần đến những thế phức tạp hơn. Và tôi hiểu thế nào là đánh cờ. Sự hiểu biết này có hai tác dụng trái ngược nhau lên tôi : một mặt tôi đánh cờ khá hẳn lên, mặt khác tôi ý thức được rằng mình đánh cờ rất kém nhưng lại vui vì ít nhất biết mình phải học cái gì. Và tôi cũng hiểu tại sao có những người đánh cờ cao như tiên, có những người đánh cờ thấp như dế. Lý do không phải ai thông minh hơn ai như người ta thường nghĩ mà chủ yếu là vì có những người chỉ đánh cờ mà không học đánh cờ, hay học không đúng phương pháp, do đó chỉ biết đi những nước đuổi xe, bắt ngựa, chiếu tướng linh tinh không nằm trong một kịch bản tổng quát nào, và thua.

Sự nghiệp đánh cờ của tôi dừng lại ở đó vì chẳng bao lâu tôi phải học thi trung học, rồi tú tài; các anh tôi, người nhập ngũ, người bận học. Bàn cờ bỏ đó.

*

Rồi tôi du học Pháp và trong những ngày cuối tuần ở nhà nội trú được các bạn Pháp dạy cho một môn cờ khác: cờ vua. Tôi không có thì giờ, họa hiếm một tháng chỉ đánh được một vài bàn thôi. Và dĩ nhiên là đánh cờ rất dở, nhưng tôi vẫn thường thắng các bạn Pháp của tôi vì ít nhất tôi hơn họ ở một điểm: tôi biết thế nào là đánh cờ. Họ cứ tưởng tôi thông minh hơn họ. Sai lầm lớn. Sau này khi đã ra trường, tôi có thì giờ hơn và đọc một số sách về cờ vua, nghiên cứu được một số thế cờ. Tuy vậy, môn cờ của tôi vẫn chỉ đủ để thắng những người mà chắc ông thầy xích-lô của tôi sẽ gọi là "chưa biết đánh cờ", dù có thể họ chơi cờ nhiều. Tôi đánh cờ dở nhưng rất thoải mái vì tôi hiểu tại sao mình kém : đó là vì tôi không có thì giờ để học hỏi thêm. Và tôi cũng hiểu tại sao có những tay "kỳ thánh" như Murphy (anh chàng này quá mê đánh cờ đến phát điên lên mà chết), Steinitz (ông này cũng là một nhà toán học lớn), Fisher, Karpov, Kasparov (anh này giờ đây bỏ cờ vua để tranh đấu cho dân chủ tại Nga), và cũng có những người đánh cờ như tôi. Tôi không mặc cảm, không ghen tức mà còn thích thú chấp nhận và giữ nguyên sự tồi dở của mình vì tôi đã giác ngộ. Không nhất thiết phải là hào kiệt mới có được hạnh phúc.

Sở dĩ tôi không luyện thêm về môn cờ vua vì từ khi tới Pháp tôi còn có một đam mê khác: chính trị. Thực ra tôi không thích chính trị, tôi mê nhiều môn khác hơn, đọc tiểu thuyết chẳng hạn. Tôi đi vào hoạt động chính trị như một nghĩa vụ, rồi ra không được vì làm chưa xong và tính tôi không thích bỏ cuộc. Một duyên hai nợ âu đành phận !

*

Một điều tôi nhận xét là chính trị và cờ, cờ tướng cũng như cờ vua, rất giống nhau. Chả thế mà người Pháp có thuật ngữ "bàn cờ chính trị", l’échéquier politique. Điểm giống nhau nổi bật là trong cả hai môn này người ta rất dễ tưởng là mình đã biết hết lý thuyết dù thực ra không biết và cứ lăn xả vào hành động, rồi bực tức vì thấy mình không khá và ganh tị với những người khá hơn mình, coi như một vấn đề danh dự. Không thiếu trường hợp người ta đánh cờ giao hữu rồi cãi nhau, giống hệt như trong chính trị người ta chơi xấu lẫn nhau ngay cả trong cùng một phe. Trong cả hai bộ môn, tuyệt đại đa số, nhất là người Việt Nam, cho rằng không cần học nhiều, cứ hành động và học hỏi qua kinh nghiệm. Cứ nhìn người khác đánh cờ, hay làm chính trị, rồi theo đó mà làm là xong. Cao hay thấp, giỏi hay dở là do thiên tư. Và dĩ nhiên là không ai chấp nhận là mình thiếu thông minh. Thế là không ai chịu ai, và lộn xộn.

Nhiều người đánh cờ cũng rất chịu khó quan sát người khác đánh cờ và trong lúc đánh cờ cũng cố gắng để suy nghĩ nhiều nước trước, nhưng họ thiếu cái nhìn tổng quát về triết lý của môn cờ là phải biết rõ những thế thắng để trong mỗi trường hợp nhìn thấy mình có khả năng tiến đến thế thắng nào và mỗi nước đi phải là một bước tiến gần tới thế đó. Nói tóm lại, phải có một kịch bản chiến thắng và mỗi nước đi phải nằm trong kịch bản đó. Vì không có cái nhìn chiến lược tổng quát đó họ đánh cờ một cách lăng nhăng, dù cố nặn óc suy nghĩ, và sau cùng thua, trừ khi đối thủ cũng là người "chưa biết đánh cờ" như mình.

Một cách tương tự, trong hoạt động chính trị, trong rất nhiều trường hợp, có thể nói là trong tuyệt đại đa số các trường hợp của những người đối lập Việt Nam, người ta có thể đọc rất nhiều sách báo, sưu tầm rất nhiều tài liệu nhưng trước đó không đặt câu hỏi thế nào là thắng, kịch bản nào đưa đến thắng lợi, và muốn thực hiện kịch bản đó ta cần biết những gì và làm những gì. Cũng như trong môn đánh cờ, người ta tưởng cứ biết đi quân, bắt xe, chiếu tướng là biết đánh cờ, trong đấu tranh cho dân chủ người ta cũng tưởng rằng khi đã biết rằng một chế độ dân chủ phải có hành pháp, lập pháp và tư pháp, phải có tự do ngôn luận và báo chí, phải có đối lập và bầu cử tự do là người ta đã biết hết, vấn đề còn lại là hành động. Và người ta hành động. Viết báo, viết sách, rủ nhau ra tuyên ngôn, tổ chức biểu tình, hội thảo… Khi bài báo hay cuốn sách gây được một chút tiếng vang, khi những cuộc hội thảo qui tụ được 100 người, những cuộc biểu tình tập hợp được 1.000 người (có thể chỉ là những cuộc biểu tình chống Trần Trường hay một vài ca sĩ từ trong nước ra), những bản tuyên ngôn thu thập được vài trăm chữ ký, người ta cho là đã thành công. Trong hơn 30 năm qua đã có biết bao nhiêu là thành công như vậy, nhưng chúng chẳng đóng góp bao nhiêu cho cuộc vận động dân chủ bởi vì chúng không nằm trong một kịch bản thắng lợi nào cả. Dĩ nhiên những hành động này cũng có thể có tác dụng tốt - thí dụ như việc vận động yểm trợ các hoạt động dân chủ trong nước với điều kiện là yểm trợ đúng người, đúng việc và đúng mức - nhưng chúng không đưa ta tới gần thắng lợi của dân chủ nếu không nằm trong một kịch bản thắng lợi.

*

Có kịch bản thắng lợi nào cho cuộc vận động dân chủ không ? Tôi tin là có.

Trước hết phải định nghĩa thế nào là thắng lợi. Chúng tôi coi thắng lợi là khi Việt Nam có dân chủ thực sự, nghĩa là nếu có tự do ngôn luận, có tự do đảng phái và có tự do bầu cử, ngay cả nếu trong chế độ dân chủ đó đảng cộng sản tiếp tục cầm quyền. Cuộc đấu tranh cho dân chủ vì vậy là tạo ra hoặc tăng cường áp lực buộc đảng cộng sản chấp nhận luật chơi dân chủ.

Có hai loại áp lực, những áp lực từ bối cảnh quốc tế và những áp lực đến từ xã hội và quần chúng Việt Nam, trong đó áp lực quyết định -đồng thời cũng là áp lực mà chúng ta có thể tác động- là áp lực quần chúng. Cố gắng của các lực lượng dân chủ như vậy chủ yếu là vận động quần chúng. Phân tích này chẳng có gì mới, trừ ra là để ý thức được hai điều : một là cần khuyến khích thay vì ngăn cản những quan hệ hợp tác của Việt Nam với nước ngoài, càng hợp tác với các nước dân chủ phát triển nhà nước cộng sản Việt Nam càng bị áp lực dân chủ hóa từ bối cảnh quốc tế; hai là đừng nên quá trông cậy vào các nước dân chủ phát triển, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu; áp lực từ xã hội Việt Nam mới là quyết định và áp lực này chúng ta có thể và phải tạo ra

Điều đáng nói là kịch bản chiến thắng rút ra từ phân tích này. Ở đây rõ ràng là có sự giống nhau giữa những người đánh cờ như tôi trước khi gặp sư phụ xích-lô và đa số những người tự coi là đấu tranh cho dân chủ: không chịu học hỏi và do đó không hiểu kịch bản chiến thắng. Đành rằng phải vận động quần chúng, cũng như đánh cờ phải có chiếu bí, nhưng vận động quần chúng như thế nào là một vấn đề rất khác. Nếu chịu bỏ thì giờ nghiên cứu và học hỏi người ta sẽ thấy ngay rằng mọi chuyên gia về tâm lý xã hội và chính trị xã hội đều nhất trí trên một điều : một khối quần chúng dù đông đảo đến đâu và dù hoàn toàn đồng ý rằng mình bị ức hiếp cũng không nổi dậy đánh đổ tập đoàn thống trị. Họ chỉ nổi dậy khi đã hội đủ hai điều kiện:

- Một là họ ý thức một cách rõ rệt rằng họ là một khối người liên đới trong một số phận chung đang bị một nhóm người khác ức hiếp. Nói cách khác, phải có sự hiện hữu được nhìn nhận một cách rõ rệt của hai tập thể : một tập thể ta và một tập thể địch. Các phong trào cộng sản trước đây đã thành công ở một số nước nhờ tạo được ý thức về một giai cấp vô sản (hay bần cố nông) bị giai cấp chủ nhân (hay địa chủ) bóc lột.

- Hai là quần chúng chỉ đứng dậy tranh đấu khi có niềm tin ở thắng lợi. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu về bản chất, cái khác nhau là ở chỗ trong một hoàn cảnh lịch sử nào đó có những dân tộc có được niềm tin rằng có thể thay đổi được số phận. Niềm tin này cũng đã được mọi nhà nghiên cứu tâm lý, xã hội và chính trị nhìn ra : nó đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo và tổ chức này phải mạnh, phải có đủ phương tiện và phải rất gắn bó. Những tổ chức nhỏ dĩ nhiên là không thể động viên được quần chúng, và nếu có động viên được một phần quần chúng nhỏ thì cũng chỉ là để gây thất vọng sau đó, vì động viên không phải là tất cả, điều quan trọng hơn nhiều là lãnh đạo và tổ chức quần chúng sau đó, và điều này chỉ những tổ chức mạnh mới làm được. Nhiều tổ chức thi đua nhau kêu gọi quần chúng chỉ gây hỗn loạn tâm lý, chia rẽ quần chúng và cuối cùng kềm giữ quần chúng trong thế thụ động bất lực.

Trường hợp mà mọi người dân chủ mong đợi, ít nhất trong lời nói, là thay vì có quá nhiều tổ chức nên có một vài tổ chức dân chủ mạnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp này (được coi là lý tưởng vì chúng ta đa nguyên không nên chỉ có một tổ chức thôi, như thế không khác độc đảng là bao v.v.) sức mạnh quần chúng cũng không vận động được. Quần chúng đòi hỏi lãnh đạo và họ không thể nhận cùng một lúc nhiều chỉ thị. Và nếu do một phép mầu nào đó tất cả mọi người dân chủ qui tụ trong một tổ chức ? Cũng chưa đủ nếu tổ chức đó thiếu gắn bó và lãnh đạo thống nhất. Một tổ chức không có nhất trí dưới mắt quần chúng giống như một người phân vân chưa biết mình muốn gì. Quần chúng đòi hỏi một đường lối và những chỉ thị rõ rệt, xuất phát từ những cấp lãnh đạo bằng xương bằng thịt mà họ biết và tín nhiệm.

Những gì vừa nói trên đây không phải là một lý thuyết của riêng ai, đó là những kết luận của mọi nghiên cứu về quần chúng. Nhưng hình như đa số những người đấu tranh cho dân chủ không biết hoặc cố tình làm như không biết. Kết quả là ngay cả những tổ chức vừa mới thành lập với một số người ít ỏi, chưa có gì bảo đảm là có khả năng và cũng chưa có gì bảo đảm là có thể làm việc lâu dài với nhau, đã vội vã ra tuyên ngôn, tuyên cáo kêu gọi quần chúng đứng dậy. Có khác gì những người "chưa biết đánh cờ" chiếu tướng một cách vô tác dụng ?

Nhiều vị sẽ trả lời rằng những lời kêu gọi đó, cũng như những bài báo, bài thuyết trình, những cuốn sách công kích chế độ cộng sản và vận động cho dân chủ cũng có tác dụng thức tỉnh và giáo dục quần chúng. Đúng, với điều kiện là phải rất đặc sắc, đó không phải là trường hợp của đại đa số những văn bản này. Và cũng chỉ đúng một phần thôi, vì thực ra quần chúng Việt Nam không còn cần được thuyết phục rằng chế độ cộng sản hiện nay là độc tài, tham nhũng, bạo ngược nữa. Họ cần một giải pháp và một niềm tin vào thắng lợi, ho cần được tổ chức và lãnh đạo. Họ cần một tổ chức dân chủ thực sự mạnh. (Chúng ta có thể nhận xét rằng chính quyền cộng sản có thể nương tay với những chống đối cá nhân nhưng họ rất thẳng tay với các tổ chức và những người mà họ nghĩ là có thể trở thành những "ngọn cờ" cho một kết hợp. Họ sợ nhất là đối lập có tổ chức. Họ tỏ ra hiểu biết hơn nhiều người chống lại họ).

*

Áp lực quần chúng không phải là tất cả, cũng phải kể đến sức đề kháng của chính quyền. Một đảng cầm quyền mạnh có thể đương đầu được với những áp lực lớn, trái lại một chính quyền chao đảo có thể không chịu đựng nổi những áp lực nhỏ. Ở giai đoạn này, khi sự chán ghét chính quyền đã là một sự thực, thuyết phục chủ yếu là thuyết phục những người trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản về sự cần thiết của một chuyển hóa nhanh chóng về dân chủ; những phản kháng từ trong lòng chế độ có sức tàn phá đặc biệt. Điều này không phải ai cũng làm được. Nhận xét của tôi qua một số tiếp xúc là những người trong guồng máy đảng và nhà nước cộng sản không đánh giá cao cả lực lượng đối lập lẫn đa số những gương mặt đối lập. Đây là hậu quả của tình trạng phân tán xô bồ.

Từ những nhận thức trên, kịch bản đấu tranh tự nhiên là xây dựng tổ chức và làm yếu đi lực lượng bảo thủ trong đảng cộng sản. Việc xây dựng tổ chức tự nó cũng là một kịch bản trong kịch bản chiến thắng của dân chủ. Nó không giản dị như người ta có thể nghĩ : chỉ cần tìm một số người có uy tín, tạo một số thành tích và kêu gọi hưởng ứng. Nếu dễ như vậy thì phe dân chủ đã có một tổ chức mạnh từ lâu rồi, đâu đến nỗi sau hơn 30 năm dưới chế độ cộng sản vẫn chưa có nổi một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Kịch bản xây dựng tổ chức phải qua hai giai đoạn đầu khó khăn : xây dựng một cơ sở tư tưởng và tạo dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt. Hai giai đoạn này có thể đòi hỏi nhiều thập niên nhưng nhất định phải trải qua, và một khi đã hoàn tất thì tất cả phần còn lại của kịch bản thắng lợi có thể thực hiện nhanh chóng, trong vài năm, thậm chí vài tháng. Nhưng cho tới nay hai giai đoạn này không được đánh giá đúng tầm quan trọng và mức độ khó khăn của chúng.

Có cần một bằng chứng không ? Trong nhiều năm lập trường dân chủ đa nguyên, hòa giải dân tộc, bất bạo động bị đả kích, rồi sau đó được chấp nhận. Nhưng người ta lại nghĩ rằng như thế là đủ, không cần những người chủ xướng nữa, họ chỉ gây sự khó chịu là nhắc lại rằng chúng ta đã lầm lẫn trước đây. Nhưng một lập trường chính trị không thể vay mượn. Phải hiểu triết lý nền tảng của nó và thực sự chấp nhận nó trong trí tuệ và tâm hồn người ta mới có thể tránh được những mâu thuẫn, nhìn thấy mối quan hệ của nó với thực tại, nhất là nhìn ra cách khai dụng nó trong một kịch bản thắng lợi. Một cách ngây thơ tương tự, người ta nghĩ rằng một số nhân sĩ có thể «ngồi lại với nhau» và nhanh chóng tạo được một «lực lượng». Chỉ khi hai yếu tố cần thiết, dự án chính trị và đội ngũ nòng cốt, đã tạm giải quyết xong mới có thể nghĩ đến giai đoạn thứ ba là phát triển tổ chức về số lượng, và cũng phải luôn luôn giữ một tỷ lệ hợp lý giữa số cán bộ nòng cốt và số thành viên, hay đảng viên cơ sở. Không thiếu trường hợp những tổ chức tan vỡ vì phát triển quá nhanh.

Chỉ sau khi đã có tổ chức thực sự và kiểm điểm những phương tiện cần thiết người ta mới có thể nghĩ đến những bước kế tiếp. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện tự nó cũng phải được coi là một giai đoạn trong tiến kịch bản thắng lợi, bởi vì hoặc là ta có những phương tiện cần thiết để thực hiện dự án của ta; hoặc là ta sẽ phải thực hiện dự án của kẻ cung cấp phương tiện.

Và những bước kế tiếp ? Một cách giản dị, đó là xây dựng cơ sở và hậu thuẫn quần chúng, để rồi sau cùng, nếu cần, tổ chức sự nổi dậy của quần chúng để áp đặt chế độ dân chủ.

Xét cho cùng thì cuộc đấu tranh cho dân chủ, cũng như mọi cuộc đấu tranh đổi đời, là một cuộc chiến tranh động viên, une guerre de mobilisation như người Pháp nói. Một bên là chính quyền lập luận rằng mỗi người có thể giải quyết những vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá nhân, trong khuôn khổ của chế độ hiện tại ; một bên là những người đối lập cố thuyết phục quần chúng rằng phải có giải pháp cho toàn dân tộc bằng một thay đổi chế độ. Một bên khuyến khích chủ nghĩa luồn lách, một bên kêu gọi kết hợp đấu tranh cho một giải pháp chung. Đây là cuộc đấu rất không cân xứng bởi vì một mặt chính quyền có rất nhiều phương tiện, kể cả khả năng làm những nhượng bộ mị dân nhất thời và, mặt khác, tâm lý chung của mọi người là tránh gian nguy và trước hết tìm giải pháp cho cá nhân mình. Bình thường chính quyền thắng. Đối lập chỉ có hy vọng nếu chứng minh được rằng mình là giải pháp đáng tin cậy của một tương lai phải đến trong khi chính quyền hiện tại chỉ là cái đuôi của một quá khứ phải chấm dứt. Kẻ thù chính của cuộc cách mạng dân chủ không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là chủ nghĩa luồn lách. Hiểu như thế thì cách làm chính trị nhân sĩ - đấu tranh không tổ chức hay trong những nhóm một vài người – không đóng góp cho cuộc vận động dân chủ mà còn gián tiếp hỗ trợ chính quyền vì đó chính là sự thể hiện chủ nghĩa luồn lách mà chính quyền cổ võ. Chính mình đã luồn lách thì có tư cách nào để thuyết phục quần chúng đừng luồn lách?

*

Một điểm quan trọng cần được nói rõ : việc vận động hậu thuẫn quần chúng có mục đích tạo ra một khả năng nổi dậy của quần chúng như đình công, biểu tình, chiếm đóng các cơ quan, xí nghiệp làm sụp đổ chính quyền. Tất cả những hành động này, nếu có, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và không dùng tới bạo lực nên không ra ngoài khuôn khổ của một cuộc đấu tranh bất bạo động ; trong trường hợp này chính quyền đổ vì không cầm quyền được nữa chứ không phải bị lật đổ. Tuy vậy chính quyền cộng sản vẫn có thể ngụy biện rằng đây là một âm mưu gây bạo loạn. Điều này có vẻ gây bối rối cho nhiều người dân chủ, một số thừa nhận rằng cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ tuy về bản chất là bất bạo động nhưng cũng bao hàm những "hành động mạnh". Một số còn bối rối đến độ lý luận một cách lúng túng rằng đấu tranh thuần túy bất bạo động là điều không thể có và do đó dù muốn hay không trên lý thuyết không thể loại bỏ một khả năng nào. Họ tưởng như vậy là lý luận chính xác và thành thực, nhưng họ sai và nối giáo cho giặc. Họ không khác những người đánh cờ mà sư phụ tôi coi là "chưa biết đánh cờ".

Các bạn đã bao giờ thấy một bàn cờ trong đó con tướng thực sự bị bắt chưa ? Tôi thì chưa bao giờ thấy cả, dù đã đánh và xem cả nghìn bàn cờ. Bao giờ cũng thế, người ta chịu thua khi thấy mình hoàn toàn tuyệt vọng. Chính trị cũng giống cờ tướng ở điểm này. Không cần phải đình công, xuống đường, chiếm đóng, chỉ cần có khả năng đó là đủ. Đảng cộng sản sẽ nhượng bộ trước. Họ không mù quáng đến độ ngoan cố trong một tình thế tuyệt vọng; kiên trì trong tuyệt vọng là thái độ của những người chiến đấu cho một lý tưởng cao cả, không phải là trường hợp của những người lãnh đạo cộng sản hiện nay. Họ sẽ nhượng bộ nếu hiểu rằng quần chúng một mặt đã chán ghét chế độ của họ và mặt khác có thể nổi dậy bất cứ lúc nào theo tiếng gọi và dưới sự hướng dẫn của một tổ chức dân chủ. Nhất là nếu tất cả những gì chúng ta đòi hỏi không phải là để tiêu diệt hay hạ nhục họ mà chỉ là thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc trong một nước Việt Nam dân chủ, nhìn nhận và bảo đảm quyền lợi, chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người. Các «hành động mạnh» sẽ không xẩy ra. Cuộc tranh đấu của chúng ta sẽ hoàn toàn không có bạo động.

Điều khó hiểu nhất trong cuộc vận động dân chủ này có lẽ là ở chỗ ta phải cố gắng động viên quần chúng tham gia, dù rằng những biến động quần chúng sẽ không cần. Tại sao? Vai trò của quần chúng là cung cấp phương tiện và nhân sự, kể cả cán bộ nòng cốt, nghĩa là nuôi dưỡng các tổ chức dân chủ và tạo ra một khả năng dứt điểm chế độ bằng hành động quần chúng. Khả năng này sẽ không cần dùng tới nhưng bắt buộc phải có.

Nhắc lại một lần nữa : khả năng này chỉ có được nếu dưới mắt quần chúng có một tổ chức dân chủ mạnh.

Như thế cuộc đấu tranh này chủ yếu là cuộc đấu giữa hai tổ chức, giữa đảng cộng sản và một tổ chức dân chủ mà ta phải xây dựng ra. Mọi hành động phải được đánh giá trong cái nhìn này. Những hành động có ích là những hành động hoặc có tác dụng làm phân hóa đảng cộng sản, hoặc giúp ta tiến thêm một bước trong tiến trình xây dựng một tổ chức dân chủ mạnh. Tất cả những hoạt động khác đều chỉ có tác dụng nhất thời vì không nằm trong kịch bản chiến thắng, và vì thế không được lôi kéo sự chú ý khỏi kịch bản chiến thắng.

Nhưng làm thế nào để tiến tới thống nhất trong một tổ chức giữa những người theo chủ nghĩa đa nguyên mà hệ luận hiển nhiên là có nhiều kết hợp khác nhau ? Sự thống nhất đó có mâu thuẫn với tinh thần đa nguyên không ?

Tôn trọng quyền thành lập các tổ chức không đồng nghĩa với bắt buộc phải có phân tán và chia rẽ, càng không cấm cản cố gắng thuyết phục để thống nhất hành động trong một giai đoạn nhất định. Ý thức đấu tranh có tổ chức sẽ dần dần khiến những hành động ngẫu hứng và những kết hợp lỏng lẻo nhất thời không được hưởng ứng nữa, sẽ chỉ để lại những tổ chức nghiêm túc. Giữa các tổ chức này cũng sẽ có sàng lọc và các tổ chức còn lại sẽ có đủ sáng suốt để kết hợp với nhau trong một mặt trận dân chủ với mục tiêu giai đoạn, nhưng lịch sử, là áp đặt dân chủ. Mặt trận này sẽ không nhốn nháo, nó sẽ có lãnh đạo đúng nghĩa bởi vì nó là kết hợp của những người hiểu biết, có quyết tâm và đã trải qua sự sàng lọc. Giữa những người hiểu biết, hợp tác trong một mục tiêu chung là điều hoàn toàn có thể được. Những người có bản lĩnh biết nhìn ra nhau. Sự hình thành của mặt trận dân chủ này là một cột mốc trong kịch bản dân chủ hóa Việt Nam.


Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận 2007

Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng