Kinh nghiệm Ngô Đình Diệm (Nguyễn Gia Kiểng)

 “…Ý thức quốc gia nẩy nở trong quần chúng nhưng lại vắng mặt trong giới cầm quyền. Tình trạng này đẻ ra một nghịch lý là chế độ Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều người tốt trong quân đội cũng như trong bộ máy hành chính, nhưng lãnh đạo lại cực kỳ tồi dở...”


Kinh nghiệm Ngô Đình Diệm (Nguyễn Gia Kiểng)


LTS: Thông Luận xin giới thiệu lại bài này để bổ túc cho bài “Nhìn lại giai đoạn Ngô Đình Diệm” để độc giả có thể tham khảo và đối chiếu với những dữ kiện mà tác giả đã trình bày cách đây hơn 10 năm.
Bốn mươi mốt năm đã trôi qua từ ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, sau hơn 9 năm cầm quyền. Đã có rất nhiều người viết về ông. Tất cả đều nhận định là ông đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng, đưa đến sự sụp đổ của chế độ mà ông dựng ra và cái chết bi đát của ông và hai người em. Những sai lầm đó là: quá thiên vị đối với Công giáo, đưa anh em vào những địa vị quyền lực chính và để cho họ lộng hành, tạo ra một chế độ "gia đình trị". Gạt bỏ những người thân tín lúc ban đầu như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, xử lý vụng về vụ treo cờ Phật giáo ở Huế đưa đến bạo động, quan niệm và thực hiện sai các chính sách cải cách điền địa, khu trù mật, ấp chiến lược, v.v.
Nhưng phải chăng nếu Ngô Đình Diệm không mắc phải những sai lầm đó thì ông đã thành công, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lịch sử Việt Nam có thể đã rất khác?
Phải nói ngay là tôi không chấp nhận những lập luận này. Trước hết là vì đây chỉ là những sai lầm tương đối nhỏ, được khai thác để lật đổ ông Diệm chứ không phải là nguyên nhân thực sự đưa tới sự sụp đổ của chế độ Diệm. Sau đó là, vì trong cùng một thời điểm, chế độ cộng sản miền Bắc đã làm những sai lầm to lớn hơn nhiều. Vụ treo cờ Phật giáo ở miền Trung đưa đến bạo loạn làm 8 người thiệt mạng không là gì so với đợt Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc. Những bội bạc với những công thần cũng không thể nào so sánh được với các vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, "xét lại chống đảng". Đám quần thần của ông Diệm không đến nỗi lộng hành như tập đoàn Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn. Đảng Cộng Sản bỏ Liên Xô theo Trung Quốc năm 1960, rồi lại bỏ Trung Quốc theo Liên Xô từ năm 1970 trở đi.
Chính sách tập thể hóa lao động đã thất bại thê thảm, đưa đến nạn đói kém tại khắp miền Bắc. Đảng Sộng Sản không những chỉ chèn ép Phật giáo, họ xóa bỏ luôn Phật giáo tại miền Bắc.
Mặc dầu vậy, chế độ cộng sản vẫn đứng vững và sau cùng toàn thắng. Vậy thì không phải là do đã phạm một số sai lầm mà Ngô Đình Diệm đã thất bại. Nói một cách giản dị, chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như mọi chính quyền quốc gia trước và sau ông, đã thất bại bởi vì phải thất bại, dù có phạm phải những sai lầm đã được nêu ra hay không. Các chế độ quốc gia -Quốc Gia Việt Nam, rồi Việt Nam Cộng Hòa - đã được xây dựng trên những nền tảng ý thức, lịch sử và văn hóa sai thì các chính quyền quốc gia chỉ có thể sai lầm mà thôi. Không phạm sai lầm này thì cũng sẽ phạm sai lầm khác.
Nếu tôi chỉ đề cập đến ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu thì cũng chỉ vì một sự nể nang đặc biệt đối với hai ông. Những người cầm quyền khác của phe quốc gia hoặc chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi, hoặc quá tồi dở để đáng được nói tới, nhưng nói chung là kém xa hai anh Diệm-Nhu về cả bản lãnh lẫn nhân cách.
Ông Diệm và ông Nhu đã hiểu một cách rất lệch lạc về bối cảnh thế giới, tình hình Việt Nam, về sứ mạng của họ, về những gì phải làm và nên làm. Sự thất bại của họ là điều không tránh khỏi, tất cả vấn đề còn lại chỉ là thất bại như thế nào mà thôi, nghĩa là không quan trọng.
Họ đã lầm về thời đại và các giá trị.
Điều mà ông Ngô Đình Diệm không ý thức được là một quốc gia Việt Nam mới đã thành hình sau một thế kỷ Pháp thuộc và cọ sát hàng ngày với các giá trị phương Tây. Nước Việt Nam mới này rất khác với nước của các vua chúa nhà Nguyễn và các triều đại trước đó. Nó là tổng hợp của một lịch sử dài, nhiều tủi nhục nhưng cũng không thiếu những chiến thắng oanh liệt, một khả năng học hỏi và thích nghi cao, một sự sung túc chưa bao giờ có và một khối lượng khổng lồ những kiến thức và giá trị mới. Quần chúng Việt Nam có vai trò quyết định và cũng mong ước đóng vai trò đó. Họ không còn là những thần dân nữa, họ đã trở công dân biết và dám phê phán những người cầm quyền. Nền tảng chính đáng của một chính quyền hay một lãnh tụ từ nay chủ yếu tùy thuộc vào sự chấp nhận của quần chúng. Và quần chúng lý luận và phê phán theo sự hướng dẫn của những trí thức có kiến thức, gần gũi với họ và chiếm được cảm tình của họ vì đã xác nhận qua hành động và hy sinh sự gắn bó với đất nước Việt Nam. Đó là những trí thức của Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung Kỳ Dân Biến, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tự Lực Văn Đoàn, Đại Việt, v.v. Đó không phải là những ông tổng đốc, tuần phủ, tri huyện, đốc phủ sứ, thầy thông, thẩy phán. Thành phần trí thức yêu nước này quyết định sự chính đáng của các chính quyền và các nhân vật tùy theo những đóng góp cho cuộc tranh đấu giành chủ quyền dân tộc.
Nếu nhận xét như vậy thì ông Diệm hoàn toàn không có một sự chính đáng nào. Ông là con nhà quan, học ít, dựa vào địa vị của cha để học trường hậu bổ, tức trường dành cho các con quan để được đào tạo ra làm quan. Rồi đi làm tri huyện, tuần phủ dưới chế độ Pháp thuộc. Ông khác hẳn với mẫu người lý tưởng trong tâm hồn người Việt Nam: một anh hùng áo vải vươn lên từ sự nghèo khó, đạt tới sự uyên bác nhờ học hỏi, tha thiết với thể diện dân tộc và lập thân một cách hiên ngang, khảng khái. Ông Diệm rất hãnh diện với sự nghiệp của ông. Điều này chứng tỏ ông rất xa lạ với người Việt và những giá trị của xã hội Việt Nam. Sự chính đáng của ông Diệm càng yếu ở chỗ ông là một bầy tôi được chỉ định bởi một dòng vua đã để mất nước, triều Nguyễn, và một ông vua hèn nhát trụy lạc, Bảo Đại.
Quan niệm về sự chính đáng của ông Diệm rất hủ lậu: ông cho rằng cầm quyền là do "Ơn Trên" và như thế là đủ để người dân phải phục tùng và biết ơn. Ông tự xưng là cứu tinh dân tộc và bắt người ta "suy tôn" cùng với quốc kỳ, bắt "toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tổng thống" và rước đèn mừng sinh nhật Ngô tổng thống. Ngày ông lên cầm quyền (7-7) được coi là một ngày lễ lớn. Thật là lố lăng. Có người giải thích rằng ông Diệm đã bắt chước việc phe cộng sản tôn sùng Hồ Chí Minh, lấy người hùng địch với người hùng. Nhưng nếu đúng như vậy thì quả là một sự bắt chước ngốc nghếch. Trước khi tôn sùng Hồ Chí Minh người ta đã tạo ra hình ảnh một Hồ Chí Minh bôn ba, tự lập, vào sinh ra tử, sống cho đất nước, thông thái nhưng bình dị như một cha già dân tộc, nghĩa là theo đúng hình ảnh lãnh tụ lý tưởng trong lòng người Việt Nam. Ông Diệm hoàn toàn không có vóc dáng này.
Có thể ông Diệm, một người giản dị chất phác, không ý thức được điều này. Nhưng sao ông Nhu, một người thông minh và hiểu biết hơn cũng không nhận ra?
Chỉ một sự thiếu chính đáng này thôi cũng đủ để ông Diệm thất bại rồi, bởi vì Việt Nam đã thay đổi, người dân đã trở thành người quyết định sự thành bại trong một cuộc nội chiến, ngay cả nếu họ không ý thức được. Chính vì thế mà khối lượng viện trợ khổng lồ, cả về người lẫn của, của Hoa Kỳ đã không cứu được chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng không phải chỉ có thế. Ông Diệm và ông Nhu còn lầm lẫn ngay cả về ý nghĩa thực sự của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản. Họ không hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh chống độc tài và vì dân chủ, cho nên "quốc sách chống cộng" mà họ đề ra hoàn toàn mất mọi ý nghĩa vào lúc chính họ cũng lập ra một chế độ độc tài. Dĩ nhiên là trong chiến tranh khó có thể thực hiện đầy đủ dân chủ được và phải chấp nhận những hạn chế bắt buộc, với điều kiện là những giới hạn này được giải thích một cách minh bạch và lương thiện. Nhưng ông Diệm và ông Nhu không tạm đình hoãn dân chủ vì tình thế bắt buộc, họ bất chấp dân chủ và lố bịch hóa dân chủ và họ dị ứng với dân chủ.
Vậy thì cuộc tranh đấu mà họ lãnh đạo còn có ý nghĩa gì ngoài lý do là ở vùng quốc gia no ấm hơn vì được ngoại viện nhiều hơn? Về điểm này thì bộ máy tâm lý chiến của phe quốc gia đã chế ra một câu bất hủ để chỉ những người mà họ cho là phản bội: "Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Ăn là động tác sinh tồn bình thường và bắt buộc của mọi động vật, nhưng quyết định hành động là tâm hồn. Chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như các chính quyền quốc gia khác, không chinh phục được lòng người.
Ông Nhu còn làm một sai lầm to lớn khác, mà những người cầm quyền khác vì ít kiến thức không mắc phải : đó là du nhập chủ nghĩa nhân vị. Ông Nhu cho rằng muốn đánh bại chủ nghĩa cộng sản cần có một chủ nghĩa hay hơn. Không thiếu những người nghĩ như ông Nhu. Trước đó Việt Nam Quốc Dân Đảng đua ra chủ nghĩa Tam Dân; ông Trương Tử Anh đưa ra chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn; ông Lý Đông A chủ nghĩa Duy Dân. Nhưng những người này không có dịp để cầm quyền và thử nghiệm sự sai lầm của họ như ông Nhu.
Trước hết là sai lầm về cách đặt vấn đề. Chủ nghĩa cộng sản đáng chống lại không phải chỉ vì nó là cộng sản mà trước hết bởi vì nó là một chủ nghĩa. Mọi chủ nghĩa, hiểu theo nghĩa ý thức hệ, đều phải bị chống lại bởi vì đều sai và đưa đến bế tắc. Tại sao ? Đó là vì mọi chủ nghĩa đều là những kết luận do một cố gắng tổng hợp những dữ kiện của thế giới. Cứ giả thử là cố gắng tổng hợp đó đúng đi (một điều không có gì bảo đảm, trái lại có tất cả mọi lý do là tổng hợp đó sai bằng cớ là mọi chủ nghĩa kết luận khác nhau) thì, vì thế giới biến đổi không ngừng, ngay khi tổng hợp vừa đạt được nó đã lỗi thời rồi. Không làm gì có "chân trời lịch sử không thể vượt xa hơn" như những tín đồ của Marx rêu rao.
Sau đó là sự vớ vẩn của chính chủ nghĩa nhân vị. Về bản chất chủ nghĩa nhân vị chỉ là một chủ nghĩa cá nhân không đủ tự tin để xác nhận mình. Nó là một cố gắng để dung hợp giữa hai chủ nghĩa : chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của các chế độ dân chủ, và chủ nghĩa tập thể, nền tảng của các chế độ độc tài chuyên chính cộng sản, phát-xít và nazi. Cuộc hôn nhân ngược ngạo giữa hai triết lý không thể dung hợp này được thực hiện trong tinh thần cộng đồng Thiên Chúa giáo. Lý do hiện hữu của nó là trong thập niên 1930, sau cuộc khủng hoảng kinh tế lớn do được coi như hậu quả của chủ nghĩa tư bản và những thắng lợi của các lực lượng chuyên chính tại Nga, Đức và Ý, nhiều trí thức mất lòng tin ở dân chủ, mà nền tảng là chủ nghĩa cá nhân, và loay hoay đi tìm một đường lối mới.
Emmanuel Mounier là một trong những người này. Ông lập ra tạp chí L'Esprit, trình bày những ý kiến về chủ nghĩa nhân vị do ông và một số thân hữu công giáo Pháp đề nghị. Bản thân Mounier cũng viết một cuốn sách nhỏ với tựa đề "Chủ nghĩa nhân vị" (le personalisme). Cuốn sách tuy mỏng nhưng không cô đọng, nó có thể tóm lược trong một vài trang, nếu không có những phức tạp về từ ngữ. Hiện nay không còn nhà tư tưởng nào coi chủ nghĩa nhân vị là đáng để ý nữa.
Nếu dựa trên những gì ông Nhu đã viết về chủ nghĩa nhân vị thì có thể nói là chính ông cũng chỉ hiểu lơ mơ. Có lẽ ông đã du nhập chủ nghĩa nhân vị vào Việt Nam vì lý do giản dị là lúc đó nó được coi là giải pháp Thiên Chúa giáo cho hòa bình của thế giới. Nó có tham vọng là một vũ khí tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản, trên thực tế nó là một bước lùi lớn, bởi vì nó gần như phủ nhận cá nhân, cốt lõi của dân chủ. Việc nó xuất phát từ những trí thức Công Giáo và được coi như sản phẩm của Công Giáo càng khiến nó trở thành khó chấp nhận. Hình ảnh của hòa bình công giáo dưới mắt một người ngoại đạo là hình ảnh của một đàn cừu non ngoan ngoãn đi theo một người chăn chiên không khác gì các chế độ độc tài. Hơn nữa, dù chủ chiên có thương yêu chiên tới đâu thì số phận chiên sau cùng cũng không khá, nó vẫn bị ăn thịt. Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều nhân vật quan trọng thân cận với ông Diệm và ông Nhu. Tất cả đều tự nhận họ chẳng hiểu gì về chủ nghĩa nhân vị cả.
Và làm sao hy vọng có thể lập ra một chủ nghĩa chính trị nhanh chóng như vậy? Ngay trong thời đại của các chủ nghĩa cũng cần nhiều thế kỷ  trước khi một chủ thuyết có chỗ đứng đủ mạnh để làm nền tảng cho một chế độ chính trị. Chủ nghĩa cộng sản, dù được coi là của Marx, đã manh nha từ thời cổ Hy Lạp, được chuyên chở bởi tư tưởng Thiên Chúa Giáo, rồi phát triển mạnh mẽ nhờ những xáo trộn xã hội khốc liệt do cuộc cách mạng kỹ nghệ gây ra trước khi Marx va Lenin hệ thống hóa nó thành một công thức giành chính quyền và cầm quyền. Ông Nhu, mà một vị đàn anh quí mến của tôi đánh giá là một trong những người Việt Nam hiếm hoi có tầm vóc lãnh tụ quốc gia, đáng lẽ đã phải hiểu như vậy.
Về mặt tư tưởng, vào lúc ông Diệm lên cầm quyền các chủ nghĩa đã hết thời. Chỉ còn lại cuộc đấu tranh vì dân chủ, giữa một công thức dân chủ hóa đứng đắn đã được thử nghiệm thành công tại Hoa Kỳ và Tây Âu và một công thức dân chủ hóa bệnh hoạn là chủ nghĩa cộng sản. Không nên quên rằng về bản chất chủ nghĩa cộng sản là một công thức được đề nghị để thực hiện dân chủ, dù đã sai lầm một cách đẫm máu. Phần lớn các nước cộng sản lúc đó có quốc hiệu là "cộng hòa dân chủ", hoặc "dân chủ nhân dân". Chế độ cộng sản miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chế độ Pol Pốt  sau này là "Kampuchia Dân Chủ".
Đáng tiếc là chúng ta, một dân tộc đông đảo và có lịch sử dài, đã không có được những nhà tư tưởng đủ tầm vóc trong một khúc quanh lịch sử quan trọng. Đáng tiếc hơn nữa là ông Ngô Đình Nhu thay vì khiêm tốn tìm hiểu mô hình dân chủ phương Tây để đem ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam lại muốn làm người khai sáng ra một hệ thống chính trị mới và một học thuyết mà chẳng ai, kể cả ông, hiểu được. Cuộc đấu tranh mà hai ông Diệm và Nhu lãnh đạo không còn ý nghĩa gì cả vì nó không được đặt dưới ngọn cờ dân chủ.
Một nguyên nhân quan trọng khác đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm là ông Diệm và ông Nhu không biết làm chính trị.
Nguyên nhân của chế độ gia đình trị là ông Diệm không có đội ngũ. Chỉ một việc này thôi cũng đủ chứng tỏ ông Diệm và ông Nhu không có tầm vóc của những nhà hoạt động chính trị đúng nghĩa. Họ chọn lối làm chính trị nhân sĩ, theo đó người ta xây dựng uy tín và tiếng tăm cho mình, rồi chờ thời cơ. Đó là cách làm chính trị tồi tệ nhất. Cách đánh giá đúng nhất, có thể là duy nhất, một người lãnh đạo là đánh giá đội ngũ của ông ta. Đội ngũ đông đảo tới mức nào, gồm những thành phần nào, đạo đức và ý chí ra sao, khả năng thế nào, gắn bó với nhau tới mức độ nào và cho mục tiêu nào, v.v.
Vào lúc ông từ chức thượng thư bộ lại ở tuổi 32 với tiếng tăm của một người trong sạch, ông Diệm đã có điều kiện để xây dựng một chính đảng. Có lẽ ông cũng muốn làm việc này vì ông đã bắt liên lạc với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội nhưng ông đã không thành công. Việt Nam Quang Phục Hội chỉ là một cái vỏ rỗng, nó vô nghĩa đến nỗi ngay cả khi đã nắm được chính quyền nhờ thời cơ, ông Diệm cũng không nghĩ đến việc phát triển nó.
Tại sao ông Diệm không có đảng? Trước hết cần hiểu thế nào là đảng. Đảng Cần Lao của ông Nhu, cũng như đảng Dân Chủ của ông Thiệu sau này, không phải là những chính đảng. Đó là sự tập trung ô hợp của những người chen lấn nhau hy vọng giành được một ân huệ từ một ông chủ. Khi ông chủ không còn, hoặc không còn gì để ban phát, đám đông tan rã tức khắc. Một chính đảng đúng nghĩa không phải như thế. Đó là những người tự nguyện đến với nhau vì cùng chia sẻ những giá trị chung và đồng ý trên một dự án chính trị. Đồng ý trên một dự án chính trị có nghĩa là họ đồng ý với nhau về cả những mục tiêu phải đạt đến lẫn những phương pháp để đạt mục tiêu. Quan trọng hơn nữa, gia nhập tổ chức phải là một hy sinh về quyền lợi, tự do, và đôi khi cả an ninh, để gây dựng một đội ngũ đủ sức mạnh để thực hiện lý tưởng chung. Tóm lại, phải có tư tưởng đặc sắc, dự án đúng đắn, phải có những người lãnh đạo đủ khả năng và sức hấp dẫn để thành lập, duy trì và phát triển đội ngũ. Quan trọng hơn hết, phải tìm được những con người có tài, có đức và có lòng.
Ông Diệm và ông Nhu không có tư tưởng chính trị. Linh mục Cao Văn Luận kể lại trong hồi ký của ông rằng, sau thế chiến II ông về nước gặp ông Diệm và hỏi về đường hướng chính trị thì được ông Diệm cho xem một tài liệu viết tay lộn xộn, một nửa bằng tiếng Pháp, một nửa bằng tiếng Việt. Đó là sau khi ông Diệm từ chức và đã có đủ thời giờ để suy nghĩ sau gần hai mươi năm. Không có kinh thì không lập được đạo, ông Diệm đã chỉ qui tụ được vài người thân tín phục tùng cá nhân ông. Ông Ngô Đình Luyện, khi bàn về chế độ Ngô Đình Diệm, đã nói với tôi một năm trước khi qua đời năm 1989: "Nếu trước khi cầm quyền ông cụ đã có sẵn một ê-kíp khoảng mười người có khả năng thì đã thành công rồi". Lúc ông được ông Bảo Đại mời ra làm thủ tướng, ông hoàn toàn không có ai. Ông Nhu và ông Luyện phải đi tìm bộ trưởng trong số những người quen biết, chẳng hạn như trong đám sinh viên thuộc giáo xứ Công giáo tại Paris. Bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị (thực tế là cơ quan tình báo), con người được coi là cột trụ của chế độ Ngô Đình Diệm, tâm sự rằng : "Mình chỉ là chỗ quen biết với ông cụ mà được tín nhiệm chứ có biết gì về chính trị đâu, còn tình báo thì mình hoàn toàn mù tịt". Ông Ngô Đình Luyện cũng xác nhận điều này. Những người thân tín nhất của ông Diệm và ông Nhu đều như thế cả. Một vài người xuất sắc là những ngoại lệ hiếm hoi, và họ cũng không được trọng dụng vì không phục tùng vô điều kiện và do đó không được tín cẩn. Con những người khác thì không cần nói đến. Họ đi theo ông Diệm khi ông ấy đã cầm quyền để cầu mong danh lợi. Họ có thể có bằng cấp cao, nhưng kinh nghiệm chính trị thì tuyệt đối không, ý chí cũng không, mà trong nhiều trường hợp lại thiếu cả phẩm giá. Họ không tham dự vào việc lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chế độ, và khi chế độ gặp khó khăn họ bỏ rơi ông Diệm, thậm chí phản bội.
Đảng Cần Lao chỉ là một ảo tưởng. Ông Diệm dựa vào bộ máy chính quyền do người Pháp để lại và tin dùng những cựu công chức và quân nhân của bộ máy này; những người cùng một tâm lý và quá trình như ông. Nhưng mọi bộ máy cần những người lãnh đạo chính trị đặt ra chính sách, mục tiêu, đôn đốc việc thực hiện và nhất là cho nó một ý chí và một linh hồn. Nói cách khác, cần những cán bộ chính trị trong một chính đảng. Ông Diệm và ông Nhu tỏ ra hoàn toàn vô ý thức khi họ lập ra những tổ chức như "Phong Trào công Chức Cách Mạng Quốc Gia" và coi như là dụng cụ phục vụ cho mình. Họ không hiểu gì về cách mạng và quốc gia cả.
Nếu có một chính đảng, ông Diệm đã không cần, và cũng không thể, dựa trên gia đình, ông cũng không phải lo sợ sự phản bội đến nỗi luôn luôn phải cắt đặt vào những địa vị quyền lực cao những người mà ông biết trước là không có bản lãnh nào để có thể phản bội ông. Và chắc chắn cũng không có vấn đề xây dựng chủ nghĩa nhân vị, thay vào đó là một cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ thực sự, có kế hoạch và có quyết tâm.
Với những thiếu sót trầm trọng như thế, sự thất bại của ông Diệm và ông Nhu là điều không tránh khỏi, dù họ không mắc phải những sai lầm thường được viện dẫn ra để giải thích sự thất bại của chế độ đệ nhất cộng hòa. Họ sẽ phạm những sai lầm khác, vì họ chỉ có thể sai lầm thôi.
Có phải vì thế mà cần lên án ông Diệm và ông Nhu không?
Tôi nghĩ là không, vì xét cho cùng, trong giai đoạn đó cũng chẳng có ai hơn họ. Vào lúc đó chúng ta thiếu một nhân sự chính trị đúng nghĩa. Những người có phương tiện ăn học thì chạy theo bằng cấp để cầu danh vọng cá nhân. Bằng cấp và địa vị cho họ cái ảo tưởng là họ có văn hóa nhưng thực ra họ không có. Một số người, mà chúng ta phải đặc biệt kính phục, đã dấn thân tranh đấu cho dân tộc trong các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng Đại Việt nhưng họ vừa thiếu phương tiện vừa không được xã hội quí trọng, lại bị các chính quyền mệnh danh là quốc gia trù dập nên không theo kịp được tiến triển của văn hóa và tư tưởng thế giới. Ý thức quốc gia nẩy nở trong quần chúng nhưng lại vắng mặt trong giới cầm quyền. Tình trạng này đẻ ra một nghịch lý là chế độ Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều người tốt trong quân đội cũng như trong bộ máy hành chính, nhưng lãnh đạo lại cực kỳ tồi dở. Và dầu sao thì một chế độ cũng chỉ đáng giá ở mức mà lãnh đạo của nó đáng giá. Cho nên chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ một cách hổ nhục và biết bao nhiêu trí tuệ và dũng cảm bị uổng phí. Thảm kịch đó là do cái di sản của văn hóa Nho giáo, đào tạo con người để làm bầy tôi chứ không phải để làm những con người tự do và sáng tạo.
Và nếu có một bài học mà chúng ta cần rút ra, không những cần mà còn cấp bách vì chúng ta vẫn chưa rút ra được, thì đó là đấu tranh chính trị phải có tổ chức. Chính trong tổ chức mà các khái niệm được hình thành, các ý kiến được sàng lọc dưới ánh sáng của trí tuệ và thực tại, mà lòng tin được nuôi dưỡng và tăng cường, mà quyết tâm trở thành vững mạnh. Mỗi người, trong khi hy sinh một phần cái tôi của mình, trở thành lớn hơn và tạo ra một sức mạnh để thay đổi thay vì chịu đựng lịch sử. Nếu không chúng ta chỉ bất lực và chỉ có thể sai lầm.
Một lời sau cùng cho ông Diệm và các em ông. Với những giới hạn về nhận thức của họ và với bối cảnh xã hội và nhân văn mà họ thừa hưởng, họ chỉ có thể sai lầm mà thôi. Nhưng ít ra họ đã sống và đã chết như những con người xứng đáng.
Tôi cũng viết bài này với một tình cảm đặc biệt đối với ông Ngô Đình Luyện mà tôi hân hạnh được quen biết và trao đổi nhiều trong những năm cuối cùng trước khi ông từ trần. Một người bạn vong niên và một đàn anh thật đáng yêu và đáng kính.
Nguyễn Gia Kiểng
(Tháng 11/2004)

Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng