Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng)

…Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hoá dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi…”



Đây là lần thứ 26 người Việt Nam kỷ niệm biến cố 30-4-1975. Một sự tình cờ đã khiến nó đến khi đại hội 9 của đảng cộng sản vừa bế mạc, đánh dấu một giai đoạn mới không những với đảng cộng sản mà đối với cả đất nước. Vậy đây đúng là một dịp để tổng kết và suy nghĩ.

Nhưng trước hết là một vài suy tư nhân dịp lễ Phục Sinh.

Giê-Su ra đời được hai năm thì vua Herode từ trần. Các hoàng tử tranh quyền, nước Do Thái rối loạn và bị sáp nhập thành một tỉnh của đế quốc La Mã khi ông mới vừa 12 tuổi. Người Do Thái chờ đợi một vị cứu tinh, và nhiều thủ lãnh đã xuất hiện. Giê-Su là một trong những lãnh tụ này, và là lãnh tụ độc đáo nhất. Trong khi mọi người chỉ nhìn thấy giải pháp võ trang, Giê-Su đã nhận ra nguyên nhân đã khiến người Do Thái thất bại và mất nước là sự thua kém về tư tưởng và văn hoá. La Mã đã hơn hẳn Do Thái và mọi nước khác vào thời đó, bởi vì xã hội của họ tự do hơn, dân chủ hơn, có đối thoại, và nhất là có phân biệt giữa tôn giáo và chính trị. Giê-Su nhìn thấy sự vô vọng nguy hiểm của các chủ trương giải phóng võ trang. Ông cũng nhìn ra nguyên nhân chính khiến Do Thái không vươn lên được : đó là sự kỳ thị giai cấp, sự tôn thờ bạo lực, óc bất dung và nhất là sự lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị giam hãm xã hội trong cái khung cứng nhắc của kinh thánh khiến xã hội không tiến hoá được. Từ đó Giê-Su kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc, bao dung, bác ái, bất bạo động và nhất là phân biệt tôn giáo và chính trị.

Giê-Su có phải là hiện thân của Thiên Chúa hay không là câu hỏi mà mỗi người tự trả lời cho mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ giới hạn dưới góc nhìn chính trị thì sự nghiệp của Giê-Su thật là oan trái : ông đã chinh phục được chính đế quốc La Mã, không những thế ông còn chinh phục được cả thế giới chung quanh ông và mở ra một nền văn minh lộng lẫy, nhưng riêng đồng bào Do Thái của ông mà ông muốn giải thoát lại bức tử ông. Giê-Su đã không thuyết phục được dân tộc ông cũng như không ai có thể là tiên tri tại quê hương mình vì ông đụng phải một bức tường văn hoá. Cuộc đời ông chứng tỏ thay đổi văn hoá là một điều cực kỳ khó khăn.

*

Năm 1883 nước ta bị người Pháp đô hộ sau một cuộc chinh phục dễ dàng trong đó triều đình nhà Nguyễn chỉ chống trả một cách yếu ớt. Nguyên nhân của thất bại là do văn hoá và tổ chức xã hội kém hẳn đối phương. Vua Tự Đức không phải là không nhìn thấy yêu cầu canh tân, nhưng ông bị vây bọc bởi cả một bức tường thủ cựu kiên cố của quần thần nên đã tiếp tục sa lầy và cuối cùng mất chủ quyền. Quán lực văn hoá lớn đến nỗi ngay cả quyền lực tuyệt đối của Tự Đức cũng không thể thay đổi cách suy nghĩ và hành động bằng mệnh lệnh.

Cuộc đô hộ của người Pháp hoàn toàn khác với những giai đoạn Bắc thuộc trước đây : kẻ thống trị khai thác tài nguyên của Việt Nam nhưng họ cũng đồng thời mở mang đất nước như chưa bao giờ thấy. Người Pháp vừa là kẻ thống trị vừa là người giải phóng, giúp Việt Nam vứt bỏ ách nô lệ văn hoá của Trung Quốc. Về mặt trí tuệ phải nói người Pháp đã đem đến cho chúng ta cả một bước nhảy vọt. Ngay cả ý thức về quốc gia như một thực thể của chung của mọi người cũng ra đời dưới thời Pháp thuộc, cũng những ý niệm về tự do, dân chủ, bình đẳng nam nữ, v.v... Về khoa học kỹ thuật thì phải nói chúng ta đã được người Pháp giáo dục từ số không. Nói chung, mặc dù cái nhục đô hộ, giai đoạn Pháp thuộc đã rất có lợi cho chúng ta. Nhưng người Việt càng tiến lên nhờ người Pháp thì cái nhục bị lệ thuộc Pháp lại càng đau nhức. Điều mà chúng ta cần trong giai đoạn này là những nhà tư tưởng tìm ra một cách nhìn và một cách sống cái nhục đó. Một đồng thuận dân tộc trên một cách ứng xử sáng suốt có thể đã giúp chúng ta lấy được quyền tự chủ sau một hai thế hệ. Nhưng chúng ta đã không có được những nhà tư tưởng đó. Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhiều tình cảm tốt nhưng thiếu nền tảng lý luận. Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những học giả nhưng không phải là những nhà tư tưởng. Phan Châu Trinh đơn độc và chết quá sớm. Do sự thiếu định hướng đó, mặc dù cuộc sống tinh thần và vật chất đã được cải thiện rất nhiều, người Việt Nam, nhất là giới sĩ phu, chỉ cảm nhận sự kiện bị một nước có nền văn hoá khác hẳn đô hộ như một sự xúc phạm lớn. Đã có nhiều cuộc kh%ởi nghĩa nhưng vì thiếu hiểu biết và thiếu sáng kiến chúng đã chỉ loanh quanh trong chống đối võ trang để rồi bị đập tan. Kể cả đảng cộng sản. Và ngay cả trong giai đoạn thế chiến II khi tại Đông Dương chỉ còn lại một nắm nhỏ người Pháp đã thua trận và mất nước. Sau cùng quân Nhật, chứ không phải kháng chiến Việt Nam, đã lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp.

Bế tắc của cố gắng giải phóng dân tộc cũng cùng một nguyên nhân như bế tắc của dân Do Thái vào thời Giê-Su. Văn hoá cũ đã đưa đến thua kém và thất bại, phải có một văn hoá mới để nhìn ra một phương thức đấu tranh mới. Nhưng vấn đề ngàn đời vẫn thế: thay đổi văn hoá là điều cực kỳ khó khăn.

*

Giai đoạn Pháp thuộc cũng là giai đoạn mà phong trào cộng sản bành trướng trên thế giới và lan tới Việt Nam. Chủ nghĩa cộng sản không mới. Nó nằm trong một luồng tư tưởng đã có từ rất lâu và thể hiện rất mạnh mẽ qua các bài giảng của Giê-Su. Nó cũng là một đề tài tranh luận sôi nổi trong thế kỷ 18 và 19 tại châu Âu sau cuộc cách mạng kỹ nghệ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xã hội ngày càng giàu mạnh lên và của cải làm ra được phân chia một cách công bằng. Karl Marx là một trong những người chủ trương dành hẳn ưu tiên cho công bằng xã hội. Marx không phải là một triết gia, cũng không phải là một nhà tư tưởng lớn. Ông là một học giả, một nhà văn và một nhà báo. Ông thu thập những ý kiến và khám phá của người khác rồi làm tổng hợp. Những tổng hợp của ông thường vội vã, thiếu chiều cao trí tuệ, nhưng ông diễn đạt một cách rất đặc sắc và hùng hồn. Những đóng góp thực sự của Marx như phân tích về giá trị thặng dư, dự báo sự sụp đổ chắc chắn của chủ nghĩa tư bản, v.v... đều sai một cách ngây ngô. Do tài diễn đạt, đặc biệt là cách trình bày mạch lạc của một người uyên bác, Marx được nhiều người ngưỡng mộ, và những gì ông viết ra có ảnh hưởng lớn. Những tác phẩm của Marx có thể đã chỉ là những tài liệu nghiên cứu nếu không có Lênin.

Lênin mới thực sự là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản như đã được thực hiện tại nhiều quốc gia. Lênin đã nhận thấy ở những tác phẩm của Marx một số khẩu hiệu có tác dụng kích thích quần chúng nghèo khổ đồng thời một hệ thống tư tưởng sơ sài nhưng có vẻ hoàn chỉnh bao gồm cả triết học, sử quan, kinh tế, xã hội. Đó là một kiện hàng lý tưởng cho một người đang tìm kiếm một cơ sở lý luận để cướp chính quyền. Lênin đã dựa vào tư tưởng của Marx để phát minh ra cả một lý thuyết thực dụng để cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực. Lênin đã viết và nói mỗi lúc một khác trên tất cả mọi vấn đề, nhưng ''tư tưởng Lênin'' có thể tóm tắt trong hai thành tố: 1/ lẫn lộn cứu cánh (thí dụ xây dựng một xã hội công b^ằng và phồn vinh) và phương tiện (thí dụ cuộc cách mạng vô sản), nâng phương tiện lên thành cứu cánh để biện minh cho những phương tiện khác; 2/ đồng hoá một khái niệm (thí dụ cách mạng) với một trong những biểu hiện của nó (thí dụ đảng cộng sản). Cả hai đều là cách lý luận bất lương. Được áp dụng một cách dây truyền, và hơn nữa lại phối hợp với nhau, lối lý luận này có thể dẫn đi rất xa khỏi cả điểm khởi hành lẫn mục tiêu ban đầu. Từ giấc mơ một thiên đường trên mặt mặt đất hoàn toàn tự do và thân ái, không còn bóc lột, hà hiếp và cũng không cần chính quyền, nó dẫn tới một nhà nước khắc nghiệt và nhiều lần hung bạo hơn những nhà nước tư bản mà Marx muốn xoá bỏ. Nó cũng đã dẫn hàng chục triệu người vô tội vào nhà tù hay ra pháp trường.

Lênin, Stalin và các lãnh tụ cộng sản khác thừa biết rằng thiên đường cộng sản mà Marx tưởng tượng chỉ là một ảo tưởng nhưng là một ảo tưởng có thể lợi dụng để cướp chính quyền. Một khi đã cướp được chính quyền các chế độ cộng sản cai trị thuần túy bằng bạo lực và khủng bố. Sử dụng một xác quyết sơ đẳng của Marx theo đó lịch sử nhân loại chỉ là đấu tranh giai cấp và đẩy tới tột đỉnh lô-gích khủng bố, chủ nghĩa cộng sản còn cho phép tiêu diệt không những các cá nhân mà toàn bộ những thành phần xã hội theo giai cấp, chủng tộc, tín ngưỡng. Về bản chất không có sự khác biệt giữa các chế độ nazi, phát xít và cộng sản. Tất cả đều là những phong trào cho mình quyền tiêu diệt những cá nhân không phải vì họ đã phạm một tội gì mà vì họ thuộc một thành phần bị chế độ coi là thù địch.

Các chế độ cộng sản còn cần một loại nạn nhân khác. Vì lấy một ảo tưởng làm cứu cánh, chúng luôn luôn cần chứng minh tại sao cứu cánh vẫn chưa thực hiện được và không những thế càng ngày càng xa vời thêm trong khi những hy sinh ngày càng nhiều. Phải có những thủ phạm, những kẻ phá hoại việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và lần này các nạn nhân không nhất thiết phải là những kẻ thù giai cấp mà cũng có thể là những kẻ thất bại trong những tranh chấp nội bộ bị chọn làm dê tế thần trong những đợt thanh trừng.

Một đặc tính khác của phong trào cộng sản cần được lưu ý. Đó là nó hoàn toàn không dựa vào hậu thuẫn của quần chúng. Kỹ thuật của mọi đảng cộng sản là chỉ dựa vào một thiểu số có kỷ luật và đội ngũ vững chắc để khai thác một tình trạng khủng hoảng để cướp chính quyền và sau đó cai trị bằng bạo lực và sự nghèo khổ. Đi xa hơn các chế độ phát xít, các chế độ cộng sản còn sử dụng cả lương thực như một vũ khí khống chế xã hội.

Nhiều người cộng sản sẽ rất phiền lòng khi nghe nói rằng về bản chất phong trào cộng sản là một phong trào khủng bố và tội ác. Sự phiền lòng càng chân thực khi chính họ là những con người lương thiện. Nhưng sự thực là như thế. Có lẽ trước hết cần đồng ý trên định nghĩa của tội ác. Đó là việc cố ý sử dụng bạo lực để tiêu diệt, lưu đày hay ngược đãi những người vô tội vì quan điểm, tôn giáo, chủng tộc hay giai cấp của họ. Đây là định nghĩa chính thức của công pháp quốc tế về ''tội ác đối với loài người'' và cũng là điều mà mọi chế độ cộng sản đều làm. Cuốn Sách Đen Về Cộng Sản (Le Livre Noir du Communisme) không phải do một tổ chức chống cộng nào viết ra trong mục đích tuyên truyền, mà là công trình tập thể của một số đông đảo các nhà khảo cứu có uy tín, đa số đã từng ủng hộ phong trào cộng sản. Nó cho thấy phong trào cộng sản đã làm thiệt mạng trên 100 triệu người qua những quyết định độc ác có chủ ý và được thực hiện một cách lạnh lùng. Điều không thể chối cãi được là ở tất cả mọi quốc gia mà nó có cơ hội được thực hiện chủ nghĩa cộng sản đã chỉ đẻ ra những chế độ hung bạo và gian ác. Như vậy thì phải kết luận rằng chủ nghĩa cộng sản chất chứa tội ác và bạo lực ngay trong bản chất của nó (*).

Lênin đã thắng Kerensky và các đối thủ khác bởi vì xã hội Nga chưa bao giờ có một văn hoá chính trị nào khác ngoài bạo quyền và bạo lực. Những người dân chủ Nga đương thời với Lênin không thiếu nhưng họ đã thất bại bởi vì văn hoá chính trị của nước Nga chưa chín muồi cho dân chủ. Cùng một lý do đã khiến Mao Trạch Đông đánh bại Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc. Văn hoá nào chế độ đó. Một lần nữa chúng ta thấy trọng lượng và quán lực của văn hoá.

*

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập như là một phân bộ của cộng sản thế giới. Cha đẻ của nó là Hồ Chí Minh đã được đào tạo tại Nga, trong lò Stalin. Nó có mọi đặc tính một đảng cộng sản.

Theo đúng kỹ thuật Lênin, nó không dựa trên quần chúng mà dựa trên một số nhỏ có đội ngũ và quyết tâm để chờ đợi khai thác một tình trạng khủng hoảng. Cơ hội đến với thế chiến II. Với một đội ngũ nhỏ không quá 2.000 nhưng có tổ chức và quyết tâm, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nắm được chính quyền vào một lúc mà chính quyền bỏ ngỏ : Nhật lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp rồi thua trận và đầu hàng. Sau đó nó dùng bạo lực để tiêu diệt các đảng phái yêu nước khác.

Sau khi đã nắm được độc quyền đấu tranh giành độc lập, theo đúng bài bản của mọi đảng cộng sản, nó thực hiện khủng bố toàn diện và tối đa. Người ta sẽ không thể nào đánh giá đúng mức sự khủng bố trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Bao nhiêu người đã bị giết oan trong thời gian này? Có những người đã bị giết chỉ vì họ có chút uy tín tại địa phương và cũng có rất nhiều người đã bị giết chỉ vì bị tình nghi là gián điệp dựa trên những chi tiết như đội mũ có ba màu hay trong người có mảnh gương. Thêm vào sự khủng bố theo chính sách còn có khủng bố vì ngu dốt. Thực là cả một giai đoạn kinh hoàng. Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, 1960-1975, khủng bố cũng vẫn là vũ khí chính của đảng cộng sản. Chính quyền Sài Gòn dù có phương tiện dồi dào hơn cũng không sao chống trả được một lực lượng cộng sản không bị vướng tay bởi bất cứ một qui luật nào.

Trong cả hai cuộc chiến này, đảng cộng sản cũng đã được một bối cảnh quốc tế thuận lợi. Văn hoá chính trị thế giới trong hơn ba thập niên từ sau thế chiến II là chống Mỹ và chống chủ nghĩa tư bản. Trong số các sinh viên chống sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam có cả một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ. Cảm tình dành cho Đảng Cộng Sản Việt Nam lớn đến nỗi những tin tức về những vụ bắt cóc, ám sát, đặt mìn trong các thành phố và những hố chôn tập thể tại Huế không có một ảnh hưởng nào. Khủng bố và bạo lực không bị lên án vì được coi là những vũ khí cần thiết cho một cuộc cách mạng phải có. Chỉ từ thập niên 1980 thế giới mới tiến tới một văn hoá hòa bình, quay lưng lại với bạo lực và các tổ chức khủng bố không còn được ủng hộ. Một lần nữa chúng ta thấy văn hoá quyết định cách ứng xử tập thể và văn hoá không dễ thay đổi.

Khủng bố và tội ác đã là vũ khí lợi hại nhất của đảng cộng sản nhưng không phải là lý do duy nhất giúp họ chiến thắng. Các phong trào cộng sản ở châu Mỹ La-Tinh cũng quyết tâm và hung bạo không kém nhưng đã thất bại. Còn môt lý do quyết định khác, đó là đảng cộng sản đã được sự ủng hộ của chính nhân dân Việt Nam. Dĩ nhiên là có rất nhiều người Việt Nam thù ghét đảng cộng sản nhưng cũng có một số rất đông đảo ủng hộ họ rất tận tình. Những người này không phải không biết tới những tội ác của đảng cộng sản nhưng họ vẫn ủng hộ phe cộng sản bởi vì các chính quyền quốc gia dưới mắt họ chỉ là lai căng, vọng ngoại, công cụ của nước ngoài. Họ ủng hộ phe cộng sản nhân danh lập trường dân tộc.

Chủ nghĩa cộng sản không hoàn toàn là một ''chủ nghĩa ngoại lai'', như những người chống cộng lập luận, mà ở ngay trong lòng người Việt Nam, bởi vì không có một khác biệt căn bản nào giữa chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Khổng Giáo mà người Việt tôn sùng trong hàng ngàn năm. Xét về bản chất thì cộng sản và Khổng Giáo chỉ là một, nếu nhìn kỹ hơn cộng sản là chủ nghĩa hay nhất có thể có nếu chỉ muốn cải tiến Khổng Giáo. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi đảng cộng sản đã được một hậu thuẫn rộng lớn, vững chắc và bền bĩ trong dân chúng. Chính nhờ hậu thuẫn này mà dù gặp khó khăn tới đâu hay bị thất bại nặng nề tới đâu họ vẫn gượng dậy được. Văn hoá và tâm lý có sức mạnh ghê gớm của chúng và chúng cũng rất khó thay đổi. Đó là lý do khiến những tội ác kinh hoàng của người Thái đối với người Khmer, và ngược lại, vẫn không ngăn cản họ thấy gần gũi với nhau hơn là với người Việt.

Cần chấm dứt một huyền thoại đã kéo dài quá lâu. Đó là đảng cộng sản tuyên truyền giỏi và tổ chức giỏi. Hoàn toàn sai. Họ tuyên truyền rất vụng về và tổ chức một cách rất luộm thuộm. Sức mạnh đã đưa họ đến thắng lợi gồm ba yếu tố: 1/bản chất khủng bố và tội ác cho phép họ làm bất cứ gì để đạt mục đích mà không cần thắc mắc; 2/ họ có căn bản dân tộc bởi vì chủ nghĩa mà họ theo đuổi về bản chất phù hợp với văn hoá Khổng Giáo của xã hội Việt Nam; 3/ những người lãnh đạo cộng sản đều ít học cho nên rất quyết tâm, cuồng tín và kiên trì. Tất cả những lý do khác đều là phụ, những phân tích về quân sự lại càng không quan trọng.

Nhưng đó là đảng cộng sản nhìn từ bên ngoài. Một câu hỏi cần được đặt ra là bằng cách nào họ đã giữ được sự ổn vững trong nội bộ mặc dầu đã phạm rất nhiều tội ác đẫm máu và sai lầm nghiêm trọng? Lý do là vì ít nhất từ sau đại hội 3 năm 1960 đã có ''một đảng cầm quyền trong đảng'', thực hiện sự khủng bố ngay trong nội bộ đảng để duy trì kỷ luật. Đảng cầm quyền trong đảng này do Lê Đức Thọ cầm đầu. Từ 1960 trở đi tất cả mọi cấp lãnh đạo thực sự trong đảng đều thuộc phe này. Một đảng khủng bố không thể không thực hiện khủng bố ngay trong nội bộ.

Đảng cộng sản đã có được một bối cảnh quốc tế thuận lợi, đã được viện trợ một cách dồi dào từ cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, họ cũng đã may mắn chỉ gặp những đối thủ rầt tầm thường trong phe quốc gia và những vụng về của người Mỹ, nhưng hai lý do chính khiến nó đã thành công là vì nó đã có hậu thuẫn quần chúng và vì nó là một đảng khủng bố và tội ác và dám đẩy đến cùng lô-gích khủng bố và tội ác đối với bên ngoài cũng như trong nội bộ đảng.

*

Nhưng từ ngày 30-4-1975 họ đã toàn thắng và qui được cả đất nước về một mối. Lô-gích tự nhiên lúc đó là phải hành xử như một đảng cộng sản cổ điển, và như họ đã làm tại miền Bắc trong hơn hai mươi năm, nghĩa là cai trị bằng kềm kẹp, khủng bố bằng bạo lực và bằng sự nghèo đói. Nhưng thế giới đã thay đổi, phong trào cộng sản thế giới đã rạn nứt. Đảng Cộng Sản Việt Nam dù muốn hay không cũng phải bắt đầu chuyển hoá.

Đại hội 4 cuối năm 1976 đánh dấu bước đầu của một cuộc chuyển hoá từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị. Từ đó mọi đại hội đảng đều là những đại hội chuyển hoá theo cùng chiều hướng bắt buộc này.

Đại hội 9 cũng không khác. Điều khác biệt là nó cũng là đại hội chuyển giao thế hệ. Những cấp lãnh đạo xuất thân từ chiến tranh và có công lao trong chiến tranh cuối cùng đã phải ra đi vì già yếu theo luật đào thải tự nhiên của tạo hoá.

Không nên để bị lung lạc bởi những lời tuyên bố lạc quan và tin tưởng sau đại hội 9. Một số quan sát viên quốc tế sẽ nhận xét rằng những cấp lãnh đạo mới trẻ hơn, cởi mở hơn và hiểu biết hơn và không giáo điều như những người tiền nhiệm. Tất cả những nhận xét này đều đúng nhưng cũng chỉ là những gì chúng ta đều đã thấy. Từ 1975 đến nay tất cả mọi đại hội đảng cộng sản đều đã có tiến bộ. Nhân sự luôn luôn trẻ hơn, cởi mở hơn và hiểu biết hơn nhưng điều đó vẫn không ngăn cản đảng cộng sản tiếp tục sa lầy và chế độ cộng sản tiếp tục suy thoái. Cố gắng chuyển hoá đã thất bại.

*

Nhưng tại sao cuộc chuyển hoá này lại thất bại ?

Đó là vì chuyển hoá từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị là một cuộc chuyển hoá cực kỳ khó khăn mà chưa một đảng cộng sản nào làm được. Cuộc chuyển hoá này đòi hỏi một thay đổi văn hoá. Phải thay văn hoá chiến tranh bằng văn hoá hòa bình, văn hoá căm thù bằng văn hoá anh em, văn hoá cướp bóc bằng văn hoá lương thiện, văn hoá khủng bố bằng văn hoá đối thoại và thoả hiệp, văn hoá phá hoại bằng văn hoá xây dựng. Và dĩ nhiên cũng cần thay những kiến thức cũ bằng những kiến thức mới. Đây là một cuộc cách mạng văn hoá to lớn và toàn diện, đòi hỏi những cấp lãnh đạo có văn hoá cao và tầm nhìn xa, những người mà đảng cộng sản hoàn toàn không có. Bộ máy khắc nghiệt của đảng đã loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo hầu hết những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách.

Mọi cuộc chuyển hoá văn hoá đều rất khó khăn, ngay cả nếu người ta ý thức được và thực hiện với tất cả quyết tâm. Nhưng mặt khác đảng cộng sản cũng không ý thức được tầm vóc và sự khó khăn của cuộc chuyển hoá này. Họ đã chỉ để cho thực tại xô đẩy và họ đã chỉ làm những thay đổi vụn vặt bất đắc dĩ khi không có chọn lựa nào khác. Những khuôn mặt lãnh đạo mới dù trẻ tuổi hơn cũng chỉ là những người già nua trong kiến thức, văn hoá và tâm lý. Điều duy nhất thực sự mới so với các đại hội trước là ''đảng Lê Đức Thọ'' đã chết già. Từ nay đảng cộng sản không còn dụng cụ để duy trì kỷ luật nội bộ nữa.

Thời gian sau cùng đã làm công việc của nó. Đảng cộng sản đã thay đổi, dù là một sự thay đổi không thành công. Tháng 4-1975 nó là một đảng khủng bố và tội ác xuất sắc, tháng 4-2001 nó là một đảng cầm quyền và quản trị tồi tệ. Không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không thể khác. Các đảng cộng sản không được thành lập để quản lý tốt một đất nước và giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử, chúng chỉ được thành lập để tạo khủng hoảng và lợi dụng khủng hoảng để cướp chính quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam không khác, nó còn cộng sản hơn đa số các đảng cộng sản. Không những thế nó còn thiếu quyết tâm tự cải thiện. Cuối cùng thì tên tướng cướp dữ tợn vẫn chưa thành người lương thiện, hắn mới chỉ thành một tên du đãng. Đỡ hơn, nhưng chưa đủ. Đảng cộng sản không còn ám sát, bỏ tù hàng chục năm không cần xét xử nữa, nhưng nó vẫn tạm giam, quản chế, cắt điện thoại và dùng báo chí độc quyền để vu cáo và bôi nhọ. Và nó vẫn sợ đa nguyên đa đảng.

Giê-Su Ki-Tô cũng đã không thay đổi được văn hoá của dân tộc ông và đành chịu lấy tính mạng để trả giá cho sự sáng suốt của mình. Gorbachev cũng đã không thích nghi được bộ máy đảng cộng sản của ông, sự thay đổi tại Nga đã chỉ đến một cách khó khăn với sự đào thải của Đảng Cộng Sản Liên Xô khỏi chính quyền. Alexis de Tocqueville đã nhận định rằng mối nguy của một chế độ bạo ngược thường đến vào lúc mà nó tìm cách cải tiến. Đó là trường hợp của đảng cộng sản. Mọi cuộc thay đổi văn hoá đều không thể đến từ bên trong một trật tự có sẵn. Nó chỉ có thể đến từ những con người ngoài hệ thống đã đóng góp vào thay đổi và đã biết chuẩn bị trước để đúng hẹn với thay đổi.

*

Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn tương lai của chế độ và rút ra một kết luận cho đất nước mình nếu chúng ta suy nghĩ một cách bình tĩnh về giai đoạn cộng sản đang chấm dứt. Đất nước ta từ ngày thành lập vẫn chỉ đặt nền tảng trên một văn hoá duy nhất : văn hoá Khổng Giáo giáo điều và độc đoán. Sau thế chiến II chúng ta có một cơ hội để giành độc lập và thiết lập dân chủ. Nhưng chuyển hoá về dân chủ đòi hỏi một thay đổi văn hoá lớn và một đoạn tuyệt dứt khoát và toàn diện với văn hoá Khổng Giáo. Chúng ta đã không có nổi bước nhảy vọt đó bởi vì chúng ta không có những nhà tư tưởng để hướng dẫn. Các trí thức của chúng ta đã chỉ nghĩ đến cải thiện Khổng Giáo, đa số còn kêu gọi giữ gìn văn hoá truyền thống. Có thể chúng ta không ý thức được nhưng chủ nghĩa cộng sản đã đến đúng như chúng ta mong muốn. Dù nhiều người có thể không đồng ý, nhưng chủ nghĩa cộng sản đã là một cải tiến lớn theo chiều hướng tốt của Khổng Giáo. Nó đã đem vào những giá trị dân chủ và nhân quyền, dù ở một mức độ rất thấp so với yêu cầu của đất nước. Chế độ cộng sản như vậy là một giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên từ Khổng Giáo sang dân chủ. Cộng sản không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất mọc lên. Nó từ chúng ta mà đến và chúng ta đã xứng đáng với nó.

Một khi những đam mê và xúc động đã qua đi, các thế hệ mai sau sẽ nhìn giai đoạn cộng sản như một giai đoạn chuyển tiếp đáng tiếc mà trách nhiệm không phải chỉ thuộc về những người cộng sản. Trong chiều dài lịch sử, ngày 30-4 sẽ là một ngày để suy nghĩ.

Giai đoạn chuyển tiếp này đã kéo dài quá lâu và đã gây thiệt hại quá nhiều. Nó phải chấm dứt nhưng sự cáo chung của nó chỉ có ý nghĩa và cũng chỉ đáng mong muốn nếu để mở ra một kỷ nguyên dân chủ. Và muốn thế chúng ta cần một cố gắng tư tưởng vĩ đại để đạt tới một văn hoá dân chủ. Không có một cuộc vận động chính trị nào thành công nếu không được chuẩn bị trước bởi một cuộc vận động văn hoá. Chúng ta đã làm cố gắng này chưa và đã làm tới đâu rồi? Chúng ta đã có bao nhiêu người dân chủ chân chính? Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hoá dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi.

Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận, số 148 (tháng 5-2001)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)
  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)
  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)
  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)
  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)
  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)
  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)
  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)
  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)
  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)
  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)
  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)
  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)
  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)
  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng