Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (TL 181) (Nguyễn Gia Kiểng)

“…một trong những kết luận mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc xung đột thảm khốc này, khi nghĩ đến những đổ vỡ ghê rợn cho đất nước và những nạn nhân ở cả hai bên, là một cơ hội chỉ thực sự là cơ hội cho những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó…”



Trước hiệp định Genève, Việt Nam có hai trường trung học lớn dạy chương trình Pháp bằng tiếng Pháp, trường Albert Sarrault ở Hà Nội và trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam, trường Chasseloup Laubat, thống nhất hai trường này, qui tụ hầu hết các thanh niên Việt Nam theo học chương trình Pháp. Nó cũng mang một tên mới: Jean - Jacques Rousseau. Lý do là Việt Nam đã độc lập cho nên không thể duy trì tên ông Chasseloup Laubat, một người đã có công giúp nước Pháp chinh phục Việt Nam, vì thế phải đổi tên, và Jean-Jacques Rousseau là một nhà tư tưởng dân chủ tiến bộ.

Cho đến ngày miền Nam sụp đổ, 30-4-1975, trường này vẫn là trường học của phần lớn con em các cấp lãnh đạo và giới thượng lưu miền Nam. Từ năm 1966 trở đi, vì có xung đột giữa Paris và Sài Gòn, trường này được đổi tên là trường Lê Quí Đôn, nhưng các cựu học sinh trường này vẫn thích tên Jean-Jacques Rousseau, tên Lê Quí Đôn hầu như không bao giờ được nhắc tới. Tôi nói đến trường Jean-Jacques Rousseau bởi vì có ít nhất hai điều không bình thường đóng góp giải thích tại sao chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại.

Thứ nhất là các cấp lãnh đạo của phe quốc gia là một lớp người riêng, cách biệt với xã hội Việt Nam nền tảng. Họ học văn hóa Pháp, đại đa số đã từng phục vụ cho chế độ thuộc địa Pháp và không muốn con cái trở thành giống như những thanh niên Việt Nam khác. Chương trình Việt dành cho quần chúng chứ không cho con cái các cấp lãnh đạo, kể cả con cái các ông bộ trưởng giáo dục. Các bộ trưởng, thứ trưởng hầu hết là các tri phủ, tri huyện, đốc phủ sứ của chính quyền thuộc địa cũ, các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp nhất thường là những đại úy, trung úy hoặc trung sĩ trước đây của quân đội Pháp. Miền Nam còn duy trì cả chiếc máy chém đã được người Pháp dùng để hành quyết những nhà cách mạng Việt Nam, cùng với viên đao phủ là Đội Phước. Ngay cả cụm từ "phe quốc gia" tự nó cũng không chính xác. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa chỉ là sự tiếp nối của chính quyền thuộc địa cũ. Khi ông Bảo Đại được người Pháp đưa về để đứng đầu một chính quyền chống cộng, ông thành lập ra "Quốc Gia Việt Nam" (Etat du Vietnam hay State of Vietnam), chữ "quốc gia" do đó mà có chứ không có nghĩa là một liên minh các đảng phái quốc gia như trong thời gian 1945-1946. Những người kế tiếp nhau đứng đầu các chính quyền quốc gia đều xuất phát từ guồng máy thuộc địa và cũng chỉ sử dụng những cộng sự viên thuộc guồng máy này. Tóm lại, phe gọi là quốc gia không có sự chính đáng và cũng không quan tâm tạo ra cho mình một sự chính đáng nào. Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu nhiều người không kính trọng họ, dù thù ghét đảng cộng sản.

Điều không bình thường thứ hai nói lên sự thiếu văn hóa của những người lãnh đạo phe quốc gia là việc chọn Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) để đặt tên cho trường học của họ và con em họ, cũng là trường đã đào tạo ra một số đông đảo các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Trước hết không gì biện minh cho việc đặt tên Jean-Jacques Rousseau cho một trường học cả vì lý do giản dị là ông này chống lại mọi hình thức giáo dục và văn minh. Ông cho rằng văn minh làm hư hỏng con người, giáo dục làm cho con người trở thành mù quáng và gian trá. Ông đòi xóa bỏ mọi bộ môn khoa học và nghệ thuật vì theo ông mẫu người lý tưởng cần phải đạt tới là "con người hoang dại" (l’homme sauvage). Ông đã trình bày quan điểm này trong nhiều bài viết, đặc biệt trong cuốn "Tham luận về bất bình đẳng" (Discours sur les inégalités). Khi ông gửi tặng Voltaire, một nhà tư tưởng đương thời, Voltraire trả lời như sau: "Tôi đã đọc cuốn sách chống loài người của ông, ít khi mà nhiều tài năng được vận dụng cho mục đích biến con người thành ngu độn như vậy. Đọc xong tôi cũng muốn bò trên bốn cẳng như thú vật nhưng rất tiếc tôi đã ngoài 60 rồi". Rousseau đã viết lại một cách chi tiết cuộc đời của ông qua cả một bộ sách mang tên "Thú tội" (Les Confessions). Ông hoàn toàn không có một đạo đức cá nhân nào, đối xử tồi hèn với tất cả mọi người, hầu như trong mọi trường hợp. Rousseau có năm đứa con, ông lần lượt đem cả năm đứa bỏ vào cô nhi viện rồi không cần biết chúng ra sao, dù ông không đến nỗi thiếu thốn. Không thể kể hết những chuyện xằng bậy trong cuộc đời ông. Một nhân vật như thế chắc chắn không thể là một mẫu mực cho thanh thiếu niên.

Nhưng chuyện động trời nhất là tên ông đã được chọn vào giữa lúc mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa mới được chính thức thành lập và một chiến dịch "tố cộng" qui mô được phát động. Jean - Jacques Rousseau là thủy tổ đích thực của chủ nghĩa cộng sản, ông chủ trương một chế độ tập thể tuyệt đối và toàn diện. Các chế độ cộng sản trên thế giới, kể cả tại Nga và Trung Quốc, thực ra theo Rousseau nhiều hơn Karl Marx. Ông phát minh ra lối lý luận bất lương: một vấn đề dù hệ trọng đến đâu cũng được coi là đã giải quyết xong nếu đã tìm được một cách biện luận qua loa, thậm chí gian trá. Một thí dụ là chủ thuyết của ông ta về tự do được đưa ra trong cuốn "Khế Ước Xã Hội" (Du Contrat Social). Khởi điểm là làm thế nào để con người có tự do; kết luận của Rousseau là muốn có tự do con người phải bị tước đoạt tất cả, về vật chất cũng như tinh thần, phải bị tha hóa một cách tuyệt đối, phải hoàn toàn thuộc quyền định đoạt của nhà nước, kể cả quyền được cho sống hay bắt phải chết. Biện luận của Rousseau là nhà nước, mà ông gọi là "Ý Chí Chung" (Volonté Générale, General Will) không là ai cả, vậy không ai chiếm đoạt cả và do đó không ai mất mát gì cả. Ông thừa biết cách lý luận này là bất lương, vì ở một chỗ khác trong cùng tác phẩm, để bảo vệ một ý kiến khác, ông lại nhìn nhận là nhà nước phải có những người cầm quyền và họ có tham vọng quyền lực. Sự lương thiện trí thức không bao giờ là một quan tâm của Rousseau cả.

Một độc hại khác của tư tưởng Rousseau là "con người hoang dại" hoàn toàn vô học, sống và hành động theo bản năng, mà ông đề cao là đỉnh cao của sự trong sáng. Rousseau không chứng minh điều này, nhưng khẳng định nó như một chân lý. Cái ảo tưởng đẫm máu theo đó những người vô học vẫn có thể lãnh đạo và định đoạt cuộc sống và tính mạng của nhiều người khác, như ta đã thấy tại Nga dưới thời Stalin, tại Trung Quốc dưới thời Mao và tại Việt Nam trong cuộc cải cách ruộng đất không phải là sản phẩm của Marx mà là di sản của Rousseau.

Không thể kể hết những khẳng định độc hại của Rousseau được. Cá nhân tôi chưa thấy trong lịch sử nhân loại một người nào đã đầu độc trí tuệ con người và tạo ra những thảm kịch đẫm máu hơn Rousseau. Ông ta đã là cha tinh thần của Robespierre tại Pháp, Hitler tại Đức và các chế độ cộng sản tại khắp nơi. Sở dĩ ông ta được tôn vinh trong đền Panthéon của Pháp là vì ảnh hưởng rất mạnh của khuynh hướng cộng sản sau cách mạng 1789 mà thôi. Việc chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa tung ra "quốc sách chống cộng" vừa tôn vinh ông tổ cộng sản là một điều không thể tưởng tượng nổi.

Câu chuyện về trường Jean-Jacques Rousseau minh họa một sự thực phũ phàng: phe quốc gia không có một nhân sự chính trị. Nói rằng những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa mất gốc là không đúng. Họ không mất gốc, điều mà họ thực sự thiếu chính là văn hóa phương Tây và vì thế họ không có văn hóa chính trị, chưa nói đến văn hóa dân chủ. Họ cũng không phải là một đội ngũ.

Nước ta hình thành như một phần đất nô lệ thuộc Trung Quốc. Chúng ta tự hào là có hơn hai ngàn năm lịch sử, nhưng chúng ta đừng nên quên là trong hơn một ngàn năm đầu chúng ta là dân nô lệ. Cái di sản nô lệ đó tự nó đã rất nặng, hơn nữa nó còn khiến các chế độ tự chủ sau này mà chúng ta hãnh diện như Đinh, Lê, Lý, Trần... cũng chỉ là những chế độ nô lệ bản xứ. Tinh thần quốc gia, tư tưởng chính trị, tâm lý dân tộc và văn hóa tổ chức của chúng ta đã không có điều kiện để phát triển.

Giai đoạn Pháp thuộc đã là giai đoạn phát triển mạnh nhất của nước ta cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng phải nói là chúng ta không may mắn đã lọt vào tay người Pháp thay vì người Anh. Cũng là những đế quốc thực dân nhưng hai nước này theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Người Anh muốn bành trướng về thương mại, do đó họ cần người đối tác. Họ tôn trọng các quốc gia sẵn có và khi làm chủ những vùng đất chưa có chính quyền thì họ tạo ra những nhà nước, như tại Mã Lai, Ấn Độ. Người Pháp, trái lại, đặt mục tiêu thống trị lên hàng đầu nên cần phá tan những quốc gia sẵn có và thi hành chính sách ngu dân để dễ thống trị. Kết quả là những thuộc địa cũ của Pháp đều tan nát và hỗn loạn khi họ bị bắt buộc phải rút ra. Không ngạc nhiên nếu họ không huấn luyện người Việt về văn hóa chính trị.

Trong thời gian gần một thế kỷ Pháp thuộc, đã có rất nhiều người Việt đậu những bằng cấp rất cao, có khi ngay tại Pháp, nhưng họ vẫn chỉ là những chuyên gia và học giả. Họ mới chỉ có những kiến thức phương Tây chứ chưa có được khả năng phê phán và sáng tạo của những phần tử ưu tú phương Tây. Cái di sản vong thân của hơn hai ngàn năm nô lệ ngoại bang và nô lệ bản xứ vẫn chưa cho phép họ suy nghĩ như những người con người tự do. Trần Đức Thảo là một thí dụ điển hình. Ông tốt nghiệp ở trường ưu tú nhất nước Pháp, và có lẽ cũng ưu tú nhất thế giới, là trường Normale Sup, về môn triết, và ông làm luận án về hiện tượng luận, một bộ môn của tri thức luận lấy sự nghi hoặc trí thức (le doute intellectuel) làm nòng cốt. Tuy nhiên ông lại theo chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa gồm toàn những xác quyết hàm hồ.

Sự thống trị của người Pháp chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1955, nghĩa là 7 năm sau khi "Quốc Gia Việt Nam" ra đời. Phe "quốc gia" hoàn toàn không được chuẩn bị về mặt tinh thần, sự lúng túng có thể hiểu được. Điều không hiểu nổi là trí thức phe quốc gia đã kém cỏi đến độ trong gần 30 năm họ không sản xuất ra được một nhà tư tưởng chính trị nào và một tác phẩm chính trị có tầm vóc tư tưởng nào. Không ngạc nhiên nếu miền Nam không có một tổ chức chính trị đúng nghĩa nào. Khối viện trợ khổng lồ của Hoa Kỳ cùng với sự hy sinh của hàng trăm ngàn thanh niên ngã gục trong hàng ngũ quốc gia đã không đủ để bù đắp khoảng trống tư tưởng chính trị này.

Dù chúng ta nghĩ gì về đảng cộng sản, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng họ là trường hợp đầu tiên mà người Việt Nam đã kết hợp được với nhau trong một tổ chức lớn với một dự án thay đổi xã hội và đã thành công, dù rằng nền tảng kết hợp của họ là một chủ nghĩa mị dân. Cuộc chiến 1945-1975 đã là cuộc chiến giữa một lực lượng chuyên chính lấy bạo lực và khủng bố làm sức mạnh và cuộc thử nghiệm dân chủ đầu tiên tại Việt Nam. Bạo lực và khủng bố đã được vận dụng đến nơi đến chốn trong khi thử nghiệm dân chủ đã chỉ là một hài kịch do Hoa Kỳ áp đặt với những diễn viên chính gượng gạo và không thuộc bài. Chỉ có những diễn viên phụ đã đóng vai nạn nhân một cách xuất sắc. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước hết là một cơ hội lớn đã uổng phí.

29 năm đã qua kể từ ngày 30-4-1975, một trong những kết luận mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc xung đột thảm khốc này, khi nghĩ đến những đổ vỡ ghê rợn cho đất nước và những nạn nhân ở cả hai bên, là một cơ hội chỉ thực sự là cơ hội cho những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó. Thế giới đang tiếp tục biến chuyển một cách thuận lợi cho những nguyện vọng dân chủ. Dù chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội lớn khi bức tường Bá Linh sụp đổ nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn cơ hội khác. Những người dân chủ sẵn sàng chưa? Nếu chưa thì còn thiếu những gì và phải làm gì? Nếu chúng ta hiểu rằng thắng lợi của dân chủ chỉ có thể đến qua một tổ chức dân chủ có trí tuệ và có tầm vóc là chúng ta đã đi được một bước đáng kể.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng