Vì sao Việt Nam không có Thein Sein lẫn Aung San Suu Kyi? (Việt Hoàng)

 “…Trí thức Việt Nam phải tỉnh dậy và hành động. Hãy ủng hộ và gia nhập vào một tổ chức chính trị đứng đắn để làm cho tổ chức đó mạnh lên, để có thể làm đối trọng buộc đảng cộng sản thay đổi…”


Vì sao Việt Nam không có Thein Sein lẫn Aung San Suu Kyi? (Việt Hoàng)

Đại hội 12 của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chỉ còn hai tuần nữa là khai mạc nhưng việc bố trí nhân sự (chia ghế) vẫn chưa giải quyết xong. Nội bộ đảng đang đấu đá nhau quyết liệt để giành quyền lực vào phút cuối, nhiều tin tức thuộc loại “bí mật của đảng” được tung lên trên mạng. Người dân Việt Nam theo dõi sự đấu đá trong nội bộ đảng một cách phấn khích còn hơn cả trận chung kết bóng đá Word Cup.

Sự thật đáng buồn là dù ai trong số họ chiến thắng đi nữa thì người thua vẫn là nhân dân Việt Nam. Cái ách độc tài và toàn trị trên cổ người dân vẫn không thay đổi.

Sự hào hứng và hy vọng của người dân Việt Nam sau cuộc tổng tuyển cử tự do tại Myanmar, với chiến thắng tuyệt đối của phe đối lập đứng đầu là bà Aung San Suu Kyi dường như cũng đã nguội lạnh và quay về trạng thái bế tắc như cũ.

Người ta đã ca ngợi bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Thein Sein hết lời vì đã tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục cho Myanmar về hướng dân chủ trong hòa bình và êm thắm. Họ xứng đáng để được ca ngợi như vậy.

Nhiều người Việt Nam cũng từng mơ ước và đặt câu hỏi rằng bao giờ thì Việt Nam mới có hai nhân vật đại diện cho nhà cầm quyền và đối lập được như thế? Câu trả lời gần như là không có. Và sự thật là đúng như vậy.

Cặp bài trùng Thein Sein-Aung San Suu Kyi ở Myanmar và cả ở Việt Nam sau này, nếu có thì luôn phải đi cùng nhau. Không có Aung San Suu Kyi thì chắc chắn không thể có Thein Sein và ngược lại nếu không có Thein Sein thì có thể còn lâu Aung San Suu Kyi mới dành được chiến thắng. Chúng tôi cho rằng vai trò của Aung San Suu Kyi quan trọng hơn.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng là một người Việt hiếm hoi đi tìm và mổ xẻ cho câu hỏi vì sao Việt Nam không có một người như Thein Sein qua bài viết “Việt Nam không thể có Than Shwe và Thein Sein” (). Chúng tôi đồng ý với phân tích của ông là hiện nay Việt Nam không thể có bất cứ một Thein Sein nào. Con đường mà ông Hồ và ĐCSVN đã du nhập và xây dựng suốt 70 năm quan tại Việt Nam theo mô hình chủ nghĩa Mác-Lênin đã tạo thành một đường ray cố định. Con tàu mang tên ĐCSVN chỉ còn một cách duy nhất là tiếp tục lao đi trên đường ray đó với vận tốc ngày càng lớn hơn do sức nặng của chính nó cho đến khi lao xuống vực thẳm.

Không ai trên đoàn tàu đó còn có thể bẻ lái và giả sử có xuất hiện thì kẻ đó sẽ nhanh chóng bị những kẻ đồng hành ném ngay ra khỏi tàu. Không ai trong đám đi cùng trên con tàu quan tâm là đoàn tàu sẽ đi đâu, về đâu mà họ chỉ quan tâm là miễn sao đoàn tàu đi thêm được đoạn nào hay đoạn ấy, sẽ kiếm thêm được một mớ rồi bàn giao tay lái cho thế hệ kế tiếp đang lau nhau ngồi chầu, chờ đến lượt.

Chúng ta vẫn thường nghe các lời tuyên bố của lãnh đạo đảng rằng con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa là con đường mà bác và đảng đã chọn vì thế sẽ không bao giờ thay đổi, cứ thế mà đi. Đừng nghĩ rằng họ chỉ nói với đám dân đen Việt Nam mà đây còn là mệnh lệnh cho tất cả các đảng viên của đảng. Cứ nhìn vào việc ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị tấn công vì con gái của ông Dũng lấy người nước ngoài, là Việt kiều rồi lại có cha là người của chế độ cũ… cũng đủ để chúng ta thấy được những qui định của đảng là hà khắc như thế nào.

Ai cũng biết là mọi tệ hại đều do “lỗi thể chế” nhưng không ai thay đổi được thể chế vì đụng đến thể chế là đụng đến quyền lợi của hàng ngàn, hàng vạn người khác nên kẻ nào có ý định thay đổi thể chế thật đều bị trừng phạt ngay lập tức.
Một lý do quan trọng nữa khiến Việt Nam không thể có Thein Sein là vì Việt Nam vẫn chưa có Aung San Suu Kyi. Nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng “dù có người muốn đóng vai Than Shwe hay Thein Sein ở nước ta thì con đường dân chủ hóa vẫn còn khó. Bởi vì cho tới nay cả nước không có một Aung San Suu Kyi và một Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ”.

Vì sao Việt Nam không có một người như Aung San Suu Kyi? Đơn giản là vì người Việt không muốn có một người như vậy. Nói chính xác hơn là trí thức Việt Nam không muốn có, không đón nhận một người như vậy.

Bà Aung San Suu Kyi đã thành công rồi nên bà là nhất và luôn đúng. Nếu bây giờ so sánh một người nào đó ở Việt Nam với bà chắc chắn sẽ bị nhiều người cười vào mũi. Tuy nhiên nếu tìm hiểu về quá khứ của bà thì nó cũng rất đỗi bình thường. Có lẽ sự thành công của bà ngày hôm nay vì bà là một biểu tượng. Bà có một người cha nổi tiếng là ông Aung San, người anh hùng dân tộc giải phóng Myanmar khỏi thực dân Anh và ông cũng là người thành lập nên quân đội Myanmar. Mẹ của bà là Daw Khin Kyi cũng là một nhà ngoại giao nổi tiếng. Bà Aung San Suu Kyi rời Myanmar năm 1960 và chỉ trở về nước năm 1988 với mục đích chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng. Sự kiện thanh niên sinh viên Myanmar xuống đường biểu tình chống chế độ quân phiệt bị đàn áp dã man ngày 8/8/1988 đã làm cuộc đời bà thay đổi. Vì là một người mang tính biểu tượng cao nên bà đã đứng ra thành lập Liên Minh Quốc gia vì Dân chủ và trở thành người lãnh đạo của nó cho đến tận bây giờ.

Trong 28 năm sống xa quê hương bà Aung San Suu Kyi không có nhiều quan tâm đến đất nước của mình. Điều đó cũng giống như hai người anh của bà, một người chết đuối, một người định cư ở Mỹ. Bà đã kết hôn với một người ngoại quốc là giáo sư Alexander Aris, một học giả người Anh nghiên cứu về Tây Tạng và có hai người con với ông. Điều này chứng tỏ bà không có ý định trở về quê nhà hoạt động chính trị vì chính bố bà đã qui định, những người có vợ chồng là người nước ngoài thì không thể trở thành lãnh đạo Myanmar. Chính điều này đang là lý do ngăn cản bà trở thành tổng thống Myanmar. Bà cũng không viết được gì nhiều ngoài cuốn sách “Thoát vòng sợ hãi” là tập hợp các bài viết của bà rải rác trước đó.

Lý do khiến bà thành công và giành được nhiều giải thưởng cao quí như Giải Nhân quyền Rafto (1990), Giải Nhân quyền Shakarov và Giải Nobel Hòa Bình (1991) và trở thành người Myanmar được biết nhiều nhất trên thế giới… là vì bà được giới trí thức Myanmar ủng hộ và đứng sau lưng bà. Chúng ta chỉ nghe nói đến bà và tổ chức Liên minh Quốc gia vì Dân chủ chứ không biết đến một tổ chức thứ hai nào khác.

Trong khi đó thì ở Việt Nam thì sao? Chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào được biết đến rộng rãi. Người dân thì không nói làm gì, họ không có đủ thời gian và điều kiện để quan tâm đến các đảng phải chính trị đối lập. Ngay cả tầng lớp trí thức tinh hoa Việt Nam cũng không khá gì hơn. Họ không ưa ai, không phục ai và cũng không muốn ai hơn mình nên nếu có tham gia hoạt động dân chủ họ cũng chọn cách làm nhân sĩ, tức là hoạt động một mình, không tổ chức, không phương pháp…

Thậm chí có cả những người hoạt động dân chủ cũng ngồi đợi và mong có một người lãnh đạo xuất chúng xuất hiện để họ theo phò. Theo họ hiện tại không ai trong những khuôn mặt dân chủ là có triển vọng. Họ không phục bất cứ một tổ chức nào nhưng tự bản thân họ cũng không thể làm nổi việc đó (tự thành lập một tổ chức chính trị). Mà nếu không có tổ chức thì làm sao đấu tranh và thay đổi được Việt Nam? Chúng ta không thể không biết một điều giản dị là đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.

Cũng có những người hỏi chúng tôi rằng các ông đã làm được gì? Khi nào các ông mạnh thì chúng tôi sẽ theo?... Nếu chúng tôi đã mạnh thì còn nói làm gì, khi đó chúng tôi đã thành công rồi. Hơn nữa khi đặt câu hỏi đó, người hỏi đã tỏ ra thiếu hiểu biết. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam là công việc chung của tất cả mọi người chứ đâu phải là việc riêng của chúng tôi và chúng tôi đâu có ý định giành chiến thắng hay vinh quang về cho mỗi chúng tôi? Chúng tôi chỉ là con thuyền để đưa mọi người đến bến bờ dân chủ, khi có dân chủ rồi thì mọi người thích bầu ai, chọn ai là quyền của mọi người.

Nhân nói đến bà Aung San Suu Kyi tôi cũng muốn nói đến một người có thể vừa làm biểu tượng vừa làm lãnh đạo cho phong trào dân chủ Việt Nam trong giai đoạn này, ông Nguyễn Gia Kiểng. Tại sao lại không?

Ông sinh ra trong một gia đình yêu nước, cha chú bác ông đều tham gia vào một tổ chức yêu nước Việt Nam Quốc dân Đảng. Ông có hai người chú bị thủ tiêu, cha mẹ phải bỏ trốn vào Nam. Năm 19 tuổi, nhờ thành tích học tập xuất sắc ông đã nhận được học bổng du học Pháp. Tại Pháp ông từng làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris và Chủ tịch Liên minh Sinh viên và Công nhân Việt Việt Nam tại Châu Âu khi mới ngoài 20 tuổi. Về nước ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ tá Bộ trưởng kinh tế với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975. Sau ngày 30/4/1975 ông quyết định ở lại Việt Nam nhưng rồi bị chính quyền cộng sản đưa đi tập trung cải tạo trong hơn ba năm. Sau khi ra tù ông làm chuyên viên dưới chế độ cộng sản một thời gian cho đến khi được đi Pháp nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp năm 1982.

Ngay khi trở lại Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng cùng với một số trí thức, đến từ hai phía, cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc thành lập một nhóm chính trị sau này trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên(THDCĐN), chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối bất bạo động trong tinh thần hòa giải dân tộc để thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Ông là một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, ông viết nhiều và đều, tác phẩmTổ Quốc Ăn Năn của ông được nhiều người đón đọc và chia sẻ. Vì lập trường dân chủ ôn hòa mà ông Nguyễn Gia Kiểng và THDCĐN bị các tổ chức chống cộng cực đoan đả kích dữ dội trong quá khứ. Bản thân ông bị đâm trọng  thương trong một lần diễn thuyết tại Hà Lan năm 1990.

THDCĐN mà ông là người lãnh đạo qui tụ được nhiều trí thức người Việt trên khắp thế giới và là một trong hai tổ chức có thực lực nhất của người Việt tại hải ngoại. Ông đã dành gần như cả cuộc đời mình (hơn 50 năm) để tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Ông là một chính trị gia có viễn kiến. Dự Án Chính Trị 2015 của THDCĐN với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyễn Thứ Hai do ông chấp bút đã nói lên điều đó. Dự án chính trị này không chỉ đưa ra phương pháp tranh đấu dành dân chủ cho Việt Nam hiện nay mà còn vạch rõ đường đi, nước bước để xây dựng lại Việt Nam thời kỳ hậu cộng sản. Lý tưởng Hòa giải dân tộc sẽ giúp cho sự thay đổi tại Việt Nam không bị đỗ vỡ và nội chiến.

Năm nay ông đã 74 tuổi, ước mong của ông là Việt Nam sớm có dân chủ chứ không phải làm thủ tướng Việt Nam. Ông vừa là nhà tư tưởng vừa là nhà cách mạng. Đây là một trường hợp hiếm có. Ông là người từng vào tù ra khám, rồi bị cả phe thua cuộc tấn công. Làm gì có một gương mặt sáng giá hơn ông ở Việt Nam hiện nay?

Điểm quan trọng nữa mà ông có được thứ mà nhiều người khác không làm được đó là ông đã xây dựng được một tổ chức chính trị thực sự có chất, lượng và uy tín, bản thân ông luôn nhận được sự ủng hộ và kính trọng của tất cả thành viên THDCĐN, một đội ngũ trí thức chính trị thật sự có tâm, có lòng yêu nước, bao dung  và có kiến thức về chính trị.

Vậy còn lý do gì mà trí thức Việt Nam không ủng hộ ông? Để ông trở thành một Aung San Suu Kyi của Việt Nam? Phong trào dân chủ Việt Nam cần ông hơn là ông cần. Ông có thể thành công hay không cũng không quan trọng bằng việc Việt Nam phải có dân chủ càng sớm càng tốt. Nếu một người như ông mà không được chấp nhận thì e rằng khó có ai được chấp nhận và rồi dân chủ vẫn còn xa vời với người Việt Nam.

Trí thức Việt Nam phải tỉnh dậy và hành động. Hãy ủng hộ và gia nhập vào một tổ chức chính trị đứng đắn để làm cho tổ chức đó mạnh lên, để có thể làm đối trọng buộc đảng cộng sản thay đổi. Mỗi người một tay, cùng nhau chúng ta sẽ tạo ra được sự thay đổi. Đây là việc chung của tất cả mọi người chứ không phải chuyện riêng của mỗi THDCĐN. Nếu không được trí thức Việt Nam ủng hộ chúng tôi cũng chẳng làm được gì cả và Việt Nam cũng sẽ không thay đổi được gì cả.

Việt Hoàng