TQ: 'Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt' (BBC)

Theo trang South China Morning Post ở Hong Kong hôm 20/10, ông Lưu Sĩ Dư còn cho rằng qua việc phá vỡ âm mưu đó, ông Tập Cận Bình không chỉ "cứu Đảng, Nhà nước Trung Quốc" mà còn "cứu cả chủ nghĩa xã hội".

 Tôn Chính Tài là "kẻ lập mưu đoạt quyền của Đảng", theo Trương Khánh Vệ


Quan chức cao cấp dự Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 đã gây chú ý của dư luận khi ca ngợi lãnh tụ Tập Cận Bình "phá tan một âm mưu đoạt quyền".

Ông Lưu Sĩ Dư, quan chức phụ trách chứng khoán, được trích lời trên báo Trung Quốc hôm 19/10/2017 cho rằng đã có một "âm mưu soán Đảng đoạt quyền" bị phá vỡ.

Không chỉ tham nhũng mà còn 'tạo phản'?

Theo các báo nước ngoài, những người bị nêu tên đã tham gia "âm mưu" này gồm có Tôn Chính Tài, nguyên Bí thư Trùng Khánh, và cả người tiền nhiệm của ông ta, Bí thư Bạc Hy Lai.

Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nêu ra các vụ việc của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài, trong phần phát biểu "chống tham nhũng", theo trang tiếng Trung của đài Đức, Deutsche Welle.
Nhưng sau đó, ông Lưu Sĩ Dư đã có phát biểu trong một diễn đàn bên lề Đại hội Đảng ở Bắc Kinh hôm 19/10, cáo buộc các quan chức trên là "âm mưu cướp quyền".

Ngay sau đó, một "ngôi sao đang lên" của chính trị Trung Quốc, ông Trương Khánh Vệ, Bí thư Hắc Long Giang lại lên tiếng "ca ngợi" nỗ lực cứu Đảng.

Ông Trương nêu hẳn tên của ông Tôn Chính Tài là "kẻ lập mưu đoạt quyền của Đảng".

Ngay trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài (sinh năm 1963) đột nhiên bị điều tra 'tham nhũng, lạm quyền' và tước hết mọi chức vụ.

Nay ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Quốc gia lên án "những kẻ quyền cao chức trọng nhưng rất hủ bại, và đã lập mưu để soán đoạt quyền của Đảng và Nhà nước".
Kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng phụ trách an ninh bị hạ bệ, giới quan sát Trung Quốc cho biết đã có những lời đồn đoán về "âm mưu thoán đoạt".

Cuối năm 2016, ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập trong công cuộc chống tham nhũng, được Nhân dân Nhật báo trích lời nói:

"Có những kẻ thậm chí còn tìm cách đoạt quyền, chia rẽ Đảng và đe dọa nghiêm trọng ổn định chính trị của quốc gia."

Nhưng đây là lần đầu tiên có hai quan chức cao cấp nói công khai về "âm mưu lật đổ" tuy thật khó biết về độ khả tín của các cáo buộc này. 

Theo trang South China Morning Post ở Hong Kong hôm 20/10, ông Lưu Sĩ Dư còn cho rằng qua việc phá vỡ âm mưu đó, ông Tập Cận Bình không chỉ "cứu Đảng, Nhà nước Trung Quốc" mà còn "cứu cả chủ nghĩa xã hội".

Đua nhau ca ngợi

Trong bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, có sáu người đã lên tiếng công khai ca ngợi "Tư tưởng Tập Cận Bình" tại Đại hội 19.

Họ đã nói nhiều lần về tư tưởng này, coi đó là nền tảng cho một ý thức hệ mới.

Tuy thế, các nhà quan sát quốc tế vẫn đang cố gắng giải mã tư tưởng Tập Cận Bình là gì.

Cho tới nay, theo những gì báo chí Trung Quốc công bố, tư tưởng này chỉ nêu rằng ông Tập Cận Bình "đưa Trung Quốc vào một thời đại mới là chủ nghĩa xã hội với tính đặc sắc Trung Hoa".

Tân Hoa Xã trước Đại hội 19 đăng bài ca ngợi mô hình Trung Quốc đang làm "lu mờ" chế độ đại nghị kiểu Phương Tây, đang "chìm đắm trong hỗn loạn, chia rẽ".