Không lý tưởng người ta chỉ là giá áo túi cơm (Paul Nguyễn Hoàng Đức)

Triết gia Kant nói một câu rất chí tử về nguyên lý: “Cái gì vụ lợi thì không bao giờ đẹp. Chỉ có cái bất vụ lợi mới đẹp!”




Đi về nhiều làng quê Việt Nam hôm nay, thấy nhà xây rất to, toa lét tiêu chuẩn chẳng kém gì khách sạn … nhưng không thấy bóng cô vợ nào. Hỏi ra thì anh chồng bảo “nhà em đi xuất khẩu lao động, có thế mới gửi tiền về cho em xây nhà to vật vã thế này”. Kết quả hầu hết là gì? Những cô vợ xuất ngoại đi làm thuê hay còn gọi là ô-sin, tranh thủ còn làm thêm công nhân tình dục để kiếm nhiều hơn, và cũng là nhân tiện còn “ôn tập” nhu cầu sinh lý, chứ đi vài năm máy mốc ra à?! Còn anh chồng ở nhà cũng phải có nhu cầu đầu ra cho “cậu nhỏ” cũng lại phải lên thị trấn hay thành phố tìm vào nơi mắt xanh mỏ đỏ… Gia đình như vậy coi như được cái xác nhà, còn lại tổ ấm bị nát bươm ngay từ bên trong. Vợ chồng đi xa về gặp nhau, đâu còn ân ái, mà chỉ còn thói quen giới tính?! Gia đình đó gọi là gì? Chắc hẳn nó phải là gia đình của dạng nô tài thôi. Vì chỉ có nô tài mới hiến dâng cả tổ ấm để phục vụ việc kiếm tiền.


So với các gia đình nghèo mạt rệp ở châu Phi thì thế nào? Ở đó đàn ông của họ cũng phải đi qua nước khác làm thuê. Nhưng vợ ở nhà bám trụ nuôi con. Gia đình của họ như thế cũng không phải rơi vào tình trạng “vong thân toàn thể” để kiếm miếng ăn. 

Nhưng đàn ông Việt có đi qua nước ngoài kiếm ăn được không? Sức vóc lẻo khẻo, đi đâu cũng đầy thói xấu cờ bạc rượu chè bè cánh lười biếng, nên nhiều nước như Hàn Quốc trả về, giờ họ chỉ thích thuê đàn bà Việt rửa bát quét nhà và có cái “vốn tự có” để giải quyết đầu ra cho máy gieo hạt khi ứ kho…

Dân Việt đi làm thuê ở khắp nơi, đặc biệt nhiều nhất trong khu vực châu Á này, rõ ràng chúng ta không thể tảng lờ đi: phẩm chất của người Việt đại trà ở mức Nô tài?!

Tại sao căn tính nô tài của người Việt nặng? 

Trả lời: Vì chúng ta không có tầm nhìn xa của lý tưởng.

Nhân đọc câu chuyện của thủ tướng Ba Lan và tổng thống Mỹ, tôi sẽ ôn lại chút xíu để chúng ta đi vào vấn đề lý tưởng. Nhạc sĩ Ignace Paderewski được hai cậu sinh viên đỗ đại học mà chưa có tiền nộp học phí mời sẽ biểu diễn một chương trình nhạc với 2000 đô. Buổi biểu diễn kết thúc, mà chỉ thu được 1600 đô. Hai cậu sinh viên, trong đó một có tên là Herbert Hoover đành viết giấy nợ 400 đô cho nhạc sĩ. Nhạc sĩ cầm tờ giấy nợ, xé đôi, và đưa lại số tiền cho hai sinh viên, rằng “hai bạn hãy cầm số tiền này mà đi học!” Rồi Paderewski trở thành thủ tướng Ba Lan, khi 1,5 triệu người dân của ông có nguy cơ chết đói, ông chạy đôn đáo khắp nơi để vay tiền mà không được. Số phận run rủi thế nào ông tìm đến được cơ quan cứu trợ Hoa kỳ do cậu sinh viên ngày xưa Herbert Hoover là chủ tịch. Hoover đã cho nhạc sĩ vay tiền kèm theo lời nói “Ngài không phải cám ơn tôi, mà chính tôi mới là người phải cám ơn ngài, vì chính tôi là người xưa kia đã nhận được từ ngài 1600 đô để theo học”. Sau đó Herbert Hoover trở thành tổng thống 31 của nước Mỹ.

Câu chuyện nói với chúng ta điều gì? Rõ ràng họ là những người biết “chơi đẹp” biết nhìn xa, cấy một hạt men nhỏ bé vào chân trời lý tưởng, để rồi 1600 đô đã trở thành hàng vạn tấn lương thực cứu đói nước Ba Lan, và với cử chỉ vạn tấn lương thực đó, ngài Hoover đã trở thành tổng thống Mỹ.

Trở lại câu chuyện Lý tưởng. Với nhiều người Việt, họ cứ nghĩ rằng lý tưởng là xa xôi, kỳ thực lý tưởng là tất yếu cho con người:

- Một cái cây vươn lên bầu trời mới sống được, mặc dù vòm cây đó chẳng bao giờ chạm nóc bầu trời, nhưng chính nhìn bầu trời mà nó vươn lên – đó là lý tưởng!

- Một cửa sổ nhìn ra đại dương, đặc biệt ở khách sạn bị tính tiền thêm cho view – đó là tiền trả cho tầm nhìn lý tưởng!

- Một tay đàn chơi ở quán bar cứ vẩn vơ nghĩ đến những nhạc công thượng thừa, dù nhạc của nhạc công đó không kiếm được tiền – nhưng đó là cứu cánh cho lý tưởng!

- Nước Pháp, rồi nhiều nước khác, hàng năm bỏ tiền dựng một vở kịch “siêu” chẳng ai xem, nhưng đó là thử nghiệm cho lý tưởng!

- Những buổi trình diễn thời trang có những mốt quái dị chẳng ai mua hay mặc, nhưng đó là quan niệm thỏa sức cho lý tưởng!

- Những phi công có thể bay vạn dặm trong vài giờ vì mắt họ có tầm nhìn đến chân trời – đó là lý tưởng!

Không có cái nhìn lý tưởng người ta sẽ không thể trở thành ông chủ hay người tốt! Cái tốt tối thiểu chỉ là không phạm luật hình. Nhưng cái tốt tối đa thì vô tận. Một người khát, chúng ta gặp, chúng ta mời nước, đó là tốt tối thiểu. Nhưng anh ta đói, chúng ta cho ăn, rồi chúng ta cho mặc, cho học hành, cho cư trú, rồi còn chữa bệnh hay quyền bầu cử tự do… những cái tốt tối đa đó là vô tận. Không có sự thánh thiện lý tưởng không xuất hiện nhà dạo đức lớn!

Thi hào Goethe nói: “Một người chỉ nghĩ đến tiền sẽ không thể làm cho lý tưởng của mình đơm hoa kết trái!” 

Học sinh của chúng ta đi học, tối lại tìm việc làm thêm để kiếm tiền, đó là cách học nửa vời, chẳng ra học, chẳng ra làm. Việc học rất cần chuyên tâm, chuyên tâm ngay cả mặc cảm “cái chưa làm được” để vươn cao và xa. Tên lửa chỉ có thể phóng lên trời cao khi nó ách tắc tích trong buồng đốt đủ áp xuất!

Các triết gia Hy Lạp cho rằng: khi lao động mệt nhọc quá sẽ khó nảy sinh cao thượng để viết văn thơ. Vì thế mà cái nghèo của người có học và viết văn nhiều khi rất cần thiết cho khát vọng cũng như mặc cảm cần cố gắng!

Người Việt hiện đại còn có câu rất kém “tốt là dại”. Đó là những câu so đo của giá áo túi cơm. 

Triết gia Kant nói một câu rất chí tử về nguyên lý: “Cái gì vụ lợi thì không bao giờ đẹp. Chỉ có cái bất vụ lợi mới đẹp!”

Một cái cổ áo, một diềm đăng ten, một mái chùa cong, một bức tranh phù điêu, một bức tượng tạc trên vách đá, một nóc mái nhà thờ cao vót… nó đẹp vì chẳng thể nào vụ lợi, không gian trên đầu có ai cần để treo mình lên đâu, nhưng nó đẹp vì nó thừa ra.

Người Việt ta chủ yếu sống xó máy lọ mọ vụ lợi, nên làm cái gì cũng bé, và mang nặng căn nô tài chỉ loanh quanh buôn đất cát và vốn tự có?!

Paul Đức 16/6/2018