Đóng cửa chính phủ tác động xấu đến kinh tế, Tuần duyên Mỹ (Reuters)

Người thì đổ lỗi cho Trump, người thì đổ lỗi cho đảng Dân Chủ và luật pháp Mỹ thì quá rối rắm. Nếu quyết định phê duyệt ngân sách thuộc về quốc hội thì lỗi thuộc về Trump. Khả năng này là lớn vì nếu Trump được quyền phê chuẩn thì ông ta đã làm rồi chứ không phải ăn vạ bằng cách đóng cửa chính phủ để gây sức ép lên quốc hội. Chế độ tổng thống đang làm đảo lộn nước Mỹ và thế giới không thể nào hiểu được nước Mỹ, một siêu cường, một quốc gia dân chủ lại như thế. Uy tín và hình ảnh của nước Mỹ tổn hại chưa bao giờ có. Trump vẫn còn làm tổng thống Mỹ 2 năm nữa nên không biết còn chuyện gì xảy ra.

Tình trạng chính phủ bị đóng cửa một phần đã có tác động xấu hơn dự báo đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, theo các ước tính được Nhà Trắng công bố hôm thứ Ba, 15/1. 

Lần đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã bước sang ngày thứ 25, trong bối cảnh cả Tổng thống Donald Trump lẫn các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở quốc hội đều không tỏ ra nhân nhượng về vấn đề đã dẫn đến việc đóng cửa – đó là phê duyệt ngân quỹ để xây bức tường dọc biên giới với Mexico mà ông Trump đã cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử.

Với thực trạng chính phủ tiếp tục đóng cửa, các tòa án liên bang sẽ hết tiền để hoạt động vào ngày 25/1 và phải đối mặt với “những sự gián đoạn nghiêm trọng”, theo một tuyên bố của ngành tòa án.

Để tìm cách xoa dịu làn sóng chỉ trích, ông Trump dự định sẽ ký “Đạo luật đối xử công bằng với nhân viên chính phủ năm 2019” trong ngày hôm nay, 16/1. Đây là văn kiện đảm bảo các nhân viên liên bang bị tạm nghỉ việc sẽ được bồi hoàn lương sau khi tình trạng đóng cửa chấm dứt.

Sở Thuế vụ Mỹ cho biết đã lên kế hoạch đưa hơn 46.000 nhân viên đang tạm nghỉ quay trở lại làm việc vì sở này bắt đầu bước vào mùa cao điểm để giải quyết các hồ sơ thuế và hoàn thuế.

Ông Trump đã mời một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng ăn trưa để thảo luận về tình trạng bế tắc ngân sách, nhưng Nhà Trắng cho biết phía đảng Dân chủ đã từ chối lời mời.

Trong khi tình trạng đóng cửa tác động đến khoảng một phần tư các hoạt động của chính phủ liên bang, một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố hôm 15/1 cho thấy gần bốn phần mười người lớn Mỹ nói rằng họ bị ảnh hưởng vì sự bế tắc này, hoặc biết một người nào đó bị như vậy. 51% những người được thăm dò quy trách nhiệm cho ông Trump về vụ đóng cửa.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen cho biết bà đang làm việc với Nhà Trắng và Quốc hội để thông qua luật cấp ngân sách cho Lực lượng Tuần duyên. Mặc dù Lầu Năm Góc không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa, song ngân sách của Lực lượng Tuần duyên lại là một phần của Bộ An ninh Nội địa.

Chính quyền ông Trump ban đầu ước tính việc đóng cửa chính phủ sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế mất đi 0,1% cứ mỗi hai tuần mà các nhân viên không được trả lương.

Nhưng hôm 15/1, con số cập nhật cho thấy mức thiệt hại là 0,13 điểm phần trăm mỗi tuần do tác động từ tình trạng công việc không được giải quyết khi 380.000 nhân viên bị cho tạm nghỉ, cũng như do công việc của các nhân viên hợp đồng bị gác sang một bên, một quan chức Toà Bạch Ốc cho biết.

Rủi ro kinh tế khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang theo đường lối cứng rắn cũng phải kêu gọi cơ quan này, trong vai trò là ngân hàng trung ương, hãy tạm dừng các đợt tăng lãi suất.

Các hiệu ứng của tình trạng đóng cửa chính phủ đã bắt đầu lan tỏa khắp nước Mỹ.

Tại một số sân bay, đã xuất hiện các dòng người xếp hàng dài hơn vì ngày càng có nhiều nhân viên an ninh không đến làm việc.

Phát biểu trên kênh CNBC, Ed Bastian, Giám đốc điều hành của Delta Air Lines Inc cho biết việc đóng cửa chính phủ một phần sẽ khiến hãng hàng không này mất 25 triệu đô la doanh thu trong tháng 1 vì các nhân viên hợp đồng của chính phủ đi lại ít hơn.

Các hoạt động thanh tra thực phẩm và dược phẩm đã bị cắt giảm, nhưng khoảng 400 nhân viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã trở lại làm việc, Cục trưởng Scott Gottlieb cho hay. Những nhân viên này tập trung kiểm tra các thiết bị y tế, thuốc và thực phẩm có nguy cơ cao.