Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (TL 38) (Nguyễn Gia Kiểng)

 "...Điều kiện tiên quyết của cuộc đấu tranh cứu nước - khỏi họa độc tài và nguy cơ thua kém vĩnh viễn - là phải phục hồi và phát huy lòng yêu nước. Nhưng lòng yêu nước là một ý niệm cần phát minh lại..."


Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (TL 38) (Nguyễn Gia Kiểng)

Sự thay đổi căn bản nhất và quyết định nhất của đất nước kể từ ngày 30-4-1975 cho tới nay, mười sáu năm sau, vẫn chưa được nhận thức một cách rõ rệt. Thiếu sót này đã là nguyên nhân của phần lớn những tranh cãi về chiến thuật, chiến lược cả trong nội bộ chính quyền cộng sản lẫn giữa những người đối lập. Đó là chiến thắng đã đổi phía. Miền Nam đã thắng và miền Bắc đã thua. Hai từ ngữ "miền Nam" và "miền Bắc" trước đây là hai thực thể nhà nước chống đối nhau nhưng ngày nay, và trong bài này, chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho hai miền của một đất nước có hai quá khứ chính trị, hai nếp sống và hai mức độ phát triển khác nhau, và một phần nào đó tiêu biểu cho hai chọn lựa chính trị khác nhau.

Ai thắng ai ?

Cùng với ngày 30-4-1975 một thử nghiệm chưa từng có trên thế giới đã bắt đầu. Một xã hội cộng sản được đem hợp nhất với một xã hội không cộng sản cùng tầm vóc. Trước đó, xã hội cộng sản, tức là miền Bắc Việt Nam, được cả thế giới khen là hay còn xã hội không cộng sản tức là miền Nam Việt Nam bị cả thế giới chê là thối nát. Sự kết hợp đã diễn ra một cách rất không công bình bởi vì một bên có toàn quyền định đoạt số phận của bên kia.

Cách đây 16 năm miền Bắc đã toàn thắng và đem áp đặt khuôn mẫu của nó lên miền Nam. Cái gì của miền Bắc cũng hay cả. Dù là đôi dép râu quê kệch. Dù là chiếc nón cối xấu xí. Dù là cái hố xí hai ngăn gớm ghiếc. Tất cả được đem vào miền Nam như những mẫu mực phải bắt chước để xây dựng con người mới, xã hội mới.

Nhưng thực tế đã nhanh chóng chứng tỏ rằng nếp sống của miền Nam hợp lý hơn nếp sống của miền Bắc, chuyên viên của miền Nam thạo nghề hơn chuyên viên của miền Bắc, các xí nghiệp của miền Nam có năng suất hơn các xí nghiệp của miền Bắc, cách làm việc của miền Nam hay hơn cách làm việc của miền Bắc và mức sống của miền Nam hơn rất xa mức sống của miền Bắc. Nói chung miền Nam hơn hẳn miền Bắc.

Chiến thắng 1975 của Bắc Việt là một chiến thắng rất kỳ cục. Miền Bắc tuy thắng trận nhưng lại nghèo khổ và kiệt quệ đến cùng độ trong khi miền Nam tuy bại trận mà lại giàu có, tràn đầy sức sống và tiềm năng. Cho tới nay chưa thấy tác giả nào nói lên một ý nghĩa rất đặc sắc của biến cố này là miền Nam đã thua vì còn sáng suốt trong khi miền Bắc đã thắng vì đã say đòn. Tuy nhiều yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng lớn trên cuộc chiến, nhưng nói chung là vào những năm chót nhân dân miền Nam đã không muốn tiếp tục cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nữa và vì thế quân đội miền Nam đã mất ý chí chiến đấu. Hiện tượng này trong chiều dài của lịch sử dân tộc phải được coi như là dấu hiệu của sức khỏe tinh thần của miền Nam chứ không phải là một sự khiếp nhược và càng không phải là sự tín nhiệm đường lối của đảng cộng sản. Khi hai anh em ẩu đả nhau một cách vô lý đã quá lâu, kẻ dừng lại chịu quả đấm cuối cùng để chấm dứt cuộc đánh lộn ngu xuẩn ấy là kẻ vừa sáng suốt vừa cam đảm. Can đảm để chịu đau và can đảm để chịu nhục. Nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa đó và vẫn còn nhắc lại một cách chế diễu cảnh các quân nhân và công chức miền Nam xếp hàng ghi tên đi cải tạo. Nhưng có ai ý thức được rằng người miền Bắc còn bạc nhược hơn nhiều? Họ đã ngoan ngoãn để cho một nhóm người dốt nát và hủ lậu dẫn vào lò sát sinh như những người bị thôi miên trong gần hai chục năm.

Chiến thắng của miến Bắc đã dẫn đến sự hội nhập của hai miền Nam Bắc. Khi có sự hội nhập của hai xã hội thì dù trong điều kiện nào đi nữa, trừ trường hợp một bên tiêu diệt hẳn bên kia, xã hội nào văn minh hơn, phát triển hơn cuối cùng cũng sẽ được đa số chấp nhận và cũng sẽ quyết định mô thức chung của cộng đồng mới. Chính vì vào năm 1975 miền Nam hơn hẳn miền Bắc cho nên miền Nam đã nhanh chóng chiếm được ưu thế trong mọi địa hạt kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước Việt Nam thống nhất. Nhân dân miền Bắc cũng đã dần dần chấp nhận những quan niệm kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân miền Nam. Từ thống nhất về mặt nhà nước Việt Nam đang dần dần tiến lên thống nhất về mặt tư tưởng và một trật tự kinh tế, văn hóa, xã hội mới cũng thành hình.

Miền Nam, một lần nữa hiểu theo nghĩa một vùng địa lý và dạng tổ chức xã hội chứ không phải một thực thể chính trị, đã hoàn toàn thắng lợi. Chiến thắng này còn mãnh liệt hơn cả chiến thắng 1975 dù nó không có ngày kỷ niệm. Chiến thắng 30-4-1975 do xe tăng đem tới và bị sự phủ nhận của nhiều người. Chiến thắng hôm nay do thực tại đem tới và được sự đồng tình của cả nước.

Cuộc chuyển hóa chính trị tự nhiên và bắt buộc

Trong một nước không có chiến tranh, trật tự kinh tế, văn hóa, xã hội cuối cùng bao giờ cũng quyết định mô thức chính trị. Vì thế mà chế độ chính trị bắt buộc phải chuyển hóa để thích nghi với trật tự kinh tế, văn hóa, xã hội mới. Trật tự chính trị được áp đặt năm 1975 là trật tự chính trị của kẻ thắng lúc đó, nghĩa là miền Bắc. Trật tự chính trị mới phải là trật tự chính trị của kẻ thắng hôm nay, nghĩa là miền Nam. Vì thế mà chế độ chính trị của Việt Nam phải đổi và phải đổi theo chiều hướng chấp nhận cái khuôn mẫu tổ chức xã hội như nhân dân miền Nam không ngừng đòi hỏi và nhân dân miền Bắc cũng đã bắt đầu đòi hỏi.

Xu hướng đổi mới chỉ có thể đảo ngược nếu trọng lượng so sánh của hai miền Nam và Bắc thay đổi, nghĩa là nếu miền Bắc, nơi mà khuôn mẫu Mác-Lênin đã được áp dụng chiếm được thế ưu thắng trên miền Nam, nơi mà cách làm ăn và suy nghĩ vẫn còn theo khuôn mẫu tư bản. Nhưng tất cả những gì ta đang thấy không những không chứng minh rằng miền Bắc có triển vọng bắt kịp miền Nam mà trái lại còn cho thấy miền Bắc càng ngày càng bị bỏ xa hơn nữa. Mức sống của miền Nam ngày nay đã cao ít nhất gấp ba lần miền Bắc và đang có chiều hướng vượt xa hơn nữa. Các hoạt động kinh tế càng ngày càng tập trung tại miền Nam, những đầu tư của người nước ngoài phần lớn cũng sẽ chỉ tập trung ở miền Nam. Riêng thành phố Sài Gòn đã tập trung 40% tổng sản lượng công thương nghiệp quốc gia. Miền Nam còn có một đồng minh vô cùng quí giá là cộng đồng người Việt hải ngoại mà phần lớn những ràng buộc tình cảm và gia đình đều ở dưới vĩ tuyến 17. Hơn thế nữa chọn lựa chính trị của nhân dân miền Nam còn được hưởng sức đẩy của trào lưu tiến hóa chung của thế giới trong đó tự do, dân chủ và đa nguyên đang trở thành những giá trị hiển nhiên không thể bàn cãi. Chính vì thế mà miền Nam sẽ càng ngày càng áp đảo miền Bắc, và cũng chính vì thế mà xu hướng chuyển hóa về một thể chế phù hợp với nguyện vọng của miền Nam không những không thể đảo ngược được mà còn mạnh mẽ thêm với thời gian. Vả lại lúc này đại bộ phận nhân dân miền Bắc cũng đã chia sẻ cùng những nguyện vọng chính trị với nhân dân miền Nam rồi cho nên vấn đề trở lại khuôn mẫu Mác-Lênin, ngay cả khuôn mẫu Mác-Lênin tân trang, không đặt ra được nữa.

Đó là đợt sóng ngầm vô cùng mãnh liệt đang thúc đẩy tiến trình chính trị của nước ta. Đó là động cơ thực sự của hiện tượng đang được gọi là đổi mới. Ý nghĩa sâu xa của trào lưu đổi mới hiện nay là như thế. Đây hoàn toàn không phải là một chính sách mà chỉ là một tiến trình tự nhiên và bắt buộc trong đó một chế độ không còn hợp thời dù cố vùng vẫy để chống trả nhưng cũng vẫn buộc phải nhượng bộ thực tại và chuyển mình để phù hợp với một trật tự kinh tế, văn hoá, xã hội mới. Mỗi nhượng bộ lại có tác dụng khuyến khích làm cho tiến trình càng thêm sức mạnh và vận tốc.

Những người lãnh đạo đảng cộng sản vẫn tiếp tục gào thét phải giữ chặt chuyên chính, phải ôm chặt lấy chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Văn Linh, người từng được coi như là điển hình cho khuynh hướng đổi mới trong đảng, qua tất cả các bài viết và bài nói đã không làm gì khác hơn là xác nhận lại lập trường cộng sản giáo điều. Từ đại hội bất thường của Trung ương Đảng hồi tháng 3-1989 (?) tập đoàn lãnh đạo đảng đã cấm tuyệt mọi thảo luận về đa nguyên đa đảng. Tóm lại, không có bất cứ một ý chí đổi mới chính trị nào được các lãnh tụ cộng sản Việt Nam phát biểu cả mà trái lại chỉ thấy sự lặp đi lặp lại những tín điều đã cũ kỹ một cách đáng thương hại. Tuy vậy ê-kíp của ông Linh đã bị những thực tại của đất nước bắt buộc làm những nhượng bộ quan trọng với dân chúng trong nước. Kể từ mùa hè 1988, mặc dù nhóm thủ cựu đã trở lại một cách hùng hậu, nhưng họ cũng vẫn bị bắt buộc phải làm những nhượng bộ mỗi ngày một nhiều hơn và càng ngày càng quan trọng hơn. Nếu có một điều đáng nói trong hai năm qua thì điều đó là tiến trình đổi mới của đất nước hoàn toàn trái ngược hẳn với những chọn lựa chính trị của ban lãnh đạo đảng cộng sản. Tiến trình đổi mới về bản chất của nó là một sự công phá liên tục vào những đặc quyền của đảng cộng sản nhằm tước bỏ dần dần những đặc quyền ấy và đảng cộng sản đã phải liên tục thối lui bởi vì không kháng cự nổi. Đảng cộng sản đã phải nới lỏng sự kềm kẹp, đã phải đi những bước quan trọng về hướng một nhà nước pháp trị với việc ban hành một số luật lệ về hình sự, công nghiệp, đầu tư, ngoại thương. Những nhượng bộ này lại càng tạo điều kiện cho những đòi hỏi dân chủ hóa mới, mạnh mẽ hơn và rõ rệt hơn. Trái với sự lo ngại của một số người, đảng cộng sản không lùi một bước để tiến hai bước mà chỉ lùi một bước để rồi sẽ lùi thêm hai bước nữa, và cứ như thế cho đến lúc kiệt sức và ngã xuống, trừ khi biết khôn ngoan đầu hàng để chấm dứt cuộc chống trả vô vọng và nguy hiểm này.

Các trí thức từng là cộng sản hay từng ủng hộ đảng cộng sản đã ý thức được rằng chế độ không thể tiếp tục như hiện nay, họ đã hiểu rằng phải đổi mới hoàn toàn đời sống chính trị. Càng ngày càng có thêm những người dám thẳng thắn phát biểu rằng Việt Nam phải chuyển biến về một thể chế đa nguyên đa đảng và đảng cộng sản Việt Nam phải từ bỏ độc quyền chính trị. Mới cách đây một hai năm Lý chính Trung, Nguyễn Khắc Viện, Trần Văn Giàu, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ còn được coi là những tiếng nói canh tân lớn ; ngày nay họ đã bị qua mặt bởi những Bùi Tín, Phan Đình Diệu, Hoàng Minh Chính, Dương Thu Hương. Trong những ngày tới đây chắc chắn sẽ còn nhiều tiếng nói dõng dạc mới.

Đối lập Việt Nam cần lạc quan hơn

Về phía đối lập nhiều người vẫn chưa nhận ra bản chất của cuộc chuyển hóa lớn hiện nay và vẫn tiếp tục bi quan cho rằng đổi mới chỉ là một chiêu bài giai đoạn của đảng cộng sản để đương đầu với những khó khăn hiện tại, khi nào lấy lại được sức lực đảng cộng sản sẽ siết lại ngay tức khắc. "Đổi Mới" tóm lại chỉ đồng nghĩa với "Thủ Đoạn Mới". Kết luận hiển nhiên là ta không nên ngây thơ để cho ban lãnh đạo cộng sản lừa bịp một lần nữa mà phải bẻ gẫy mọi cố gắng mở cửa ra bên ngoài của chế độ cộng sản để tiếp tục cô lập nó và khiến cho sự sụp đổ của nó sớm xảy ra.

Dĩ nhiên là những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, dù là Nguyễn Văn Linh, hay Mai Chí Thọ, hay Đỗ Mười v.v... đều chẳng ai thực sự muốn đổi mới cả và đều sẵn sàng nắm lấy cơ hội đầu tiên để siết lại sự kiểm soát của đảng. Không ai lầm lẫn trên vấn đề này cả và không ai ngây thơ cả. Nhưng trào lưu đổi mới trong nước không nằm trong một ý đồ nào cả, nó không phải do ban lãnh đạo đảng cộng sản mà có mà là một chuyển hóa bắt buộc của xã hội Việt Nam trong đó chế độ chính trị bị bắt buộc phải thay đổi để thích ứng với một trật tự kinh tế, văn hóa, xã hội mới mà những người cầm đầu đảng không những không muốn mà còn lo sợ, nghĩa là một trật tự kinh tế,văn hóa, xã hội dân chủ đa nguyên. Nó là một tiến trình không ở ý muốn của ban lãnh đạo đảng cộng sản mà ra nên cũng không thể vì ý muốn của ban lãnh đạo đảng cộng sản mà chấm dứt. Nó là một tiến trình không thể đảo ngược được và sẽ chỉ hoàn thành khi chế độ chính trị đã hoàn toàn thích nghi với trật tự kinh tế, văn hóa, xã hội mới ; nói một cách khác khi một chế độ dân chủ đa nguyên đúng nghĩa của nó đã thành lập xong. Sở dĩ tiến trình đổi mới vẫn tiếp tục là vì nó đã mạnh hơn đảng cộng sản.

Dự thảo báo cáo chính trị của Đại Hội VII lại vừa phải làm thêm một nhượng bộ chiến lược quan trọng khác là nhìn nhận sự cần thiết của hòa giải và hoà hợp dân tộc. Một cuộc tranh cãi lớn sắp diễn ra mà trong đó lần này đối lập Việt Nam đã đi trước và nắm phần chủ động. Hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra. Có thể nào có hòa giải mà vẫn giữ nguyên chế độ độc tài độc đảng hay không? Có thể nào có hòa giải trong một đất nước có hai loại người Việt Nam khác nhau - những người cộng sản có mọi độc quyền và phần còn lại của cả dân tộc chỉ có quyền phục tùng - hay không? Có thể nào có hòa giải giữa những người đã xung đột nhau trong khi những người này vẫn tiếp tục cấm đoán những người kia hay không? Có thể nào có hoà giải mà vẫn dùng bạo lực với nhau hay không, và nếu không thì có thể nào đối thoại trong khi những người này vẫn cấm những người kia hiện diện hay không? Có thể nào có hòa giải mà không cần hàn gắn những đổ vỡ đã gây ra hay không, và nếu không thì phải làm gì cho những người đã bị giết oan, đã bị tù đày và hạ nhục, đã bị tước đoạt tài sản và lùa đi những vùng kinh tế mới? Nếu hòa giải dân tộc được coi là quốc sách thì có thể nào giao phó việc thi hành quốc sách đó cho những người đã từng là tác giả của những đổ vỡ hay không? Bằng ấy câu hỏi, dù được đặt ra trong tinh thần khoan dung tới đâu đi nữa cũng vẫn đặt đảng cộng sản trong thế bí. Trong thập niên 1980 đảng cộng sản đã sa lầy nhiều lần. Họ đã sa lầy trên chiến trường Kampuchia, họ đã sa lầy trong chiến dịch chống dân chủ đa nguyên. Lần này họ sẽ ngạt thở trong trào lưu hòa giải dân tộc.

Để góp phần xứng đáng cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước

Đối lập dân chủ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử vô cùng thuận lợi và đồng thời cũng đang đứng trước những trách nhiệm lớn.

Chúng ta phải áp đặt đối thoại về một lịch trình dân chủ hóa. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay ngay cả nếu đảng cộng sản thực sự muốn đối thoại họ cũng không biết đối thoại với tổ chức nào trong số cả trăm tổ chức đối lập nhỏ bé cả về nhân lực lẫn phương tiện. Phải chăng chỉ còn một giải pháp là đảng cộng sản tự dân chủ hóa, tạo điều kiện để một số lực lượng đối lập ra đời và phát triển rồi trở thành những người đối thoại có trọng lượng? Như vậy là chờ đợi quá nhiều ở đảng cộng sản. Kết hợp là điều phải làm và phải làm nhanh. Đó cũng là điều có thể làm được. Xét cho cùng chúng ta cũng không có nhiều lập trường. Ngoại trừ những vấn đề có tính cách kỹ thuật trên đó không cần có nhất trí hoàn toàn, có ba câu hỏi lớn là có chấp nhận mục tiêu dân chủ đa nguyên hay không, có chấp nhận tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc hay không và có chấp nhận phương thức đấu tranh bất bạo động hay không? Trả lời giống nhau ba câu hỏi đó là có thể coi như cùng một lập trường và có thể hợp tác với nhau được trong cùng một liên minh. Thực ra vấn đề lập trường còn càng ngày càng đơn giản hơn. Phương thức đấu tranh bằng bạo lực, ngay cả để kết hợp với đấu tranh chính trị, đã lỗi thời và đang bị từ bỏ. Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng đã được hầu hết mọi người chấp nhận. Dĩ nhiên chúng ta không mong đợi kết hợp được tất cả trong cùng một tổ chức, nhưng ít ra chúng ta cũng có thể tiến tới một số ít tập hợp lớn thay vì quá nhiều nhóm nhỏ. Giữa các tổ chức có tầm vóc với nhau đối thoại sẽ dễ dàng hơn. Chính quyền cộng sản lúc đó cũng khó từ chối đối thoại hơn.

Một số khúc mắc cũng cần được giải quyết để đối lập dân chủ đa nguyên có thể vươn mình lớn dậy.

Cần xóa bỏ lằn ranh quốc cộng do quá khứ để lại. Chủ nghĩa cộng sản đã chết và vì thế lập trường chống cộng cũng đã mất đối tượng. Vấn đề thực sự là chúng ta đang có một chính quyền độc tài cần phải chấm dứt. Lằn ranh thực sự là giữa những người chấp nhận đa nguyên chính trị và những người không chấp nhận đa nguyên chính trị, giữa những người muốn đổi mới và những người không chịu đổi mới. Những phát biểu can đảm của những người từ trong lòng bộ máy cộng sản cho thấy rằng những sự phân chia quốc cộng không còn ý nghĩa trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ hiện nay.

Đối lập dân chủ đa nguyên cần có sự hiện diện tích cực, rộng khắp và công khai ở trong nước. Như thế chúng ta không nên bài xích mà trái lại còn phải khuyến khích mọi giao lưu giữa trong và ngoài, kể cả những hoạt động kinh doanh của người Việt hải ngoại tại quốc nội. Chúng ta cần nhận định một cách thực tiễn rằng ngay cả nếu toàn bộ cộng đồng người Việt hải ngoại có nhất trí tẩy chay mọi hoạt động kinh tế với quốc nội đi nữa thì chọn lựa này cũng sẽ không thay đổi được tình thế, và không có ảnh hưởng trên quyết định đầu tư hay không đầu tư vào Việt Nam của các công ty ngoại quốc. Mặt khác, nếu người Việt Nam không có mặt trong hoạt động kinh tế thì các thế lực kinh tế nước ngoài sẽ hoàn toàn thao túng, đất nước sẽ mất chủ quyền kinh tế, dù sau này chúng ta có chính quyền nào đi nữa. Chúng ta cũng khó có thể đề nghị một chính sách kinh tế đúng cho đất nước nếu chúng ta không có mặt trong sinh hoạt kinh tế để nhận diện được một cách chính xác những vấn đề đặt ra.

Đối thoại và thỏa hiệp là điều dĩ nhiên phải có, giữa những người hợp tác với nhau cũng như giữa những đối thủ chính trị một khi phương thức đấu tranh vũ trang đã bị gạt bỏ. Đối thoại với chính quyền cộng sản về một lịch trình thiết lập dân chủ là điều chắc chắn sẽ có. Nhưng mọi tổ chức, mọi cá nhân trách nhiệm cần phải cảnh giác để những gặp gỡ và trao đổi không xuất hiện như những hành động xé lẻ, đi đêm, chiêu hàng. Những gặp gỡ và đối thoại chỉ có ý nghĩa và tác dụng tốt nếu người đối thoại đại diện cho một tổ chức hay một khuynh hướng chính trị có sức mạnh.

Kết hợp là việc phải làm. Nhưng kết hợp không phải chỉ đơn thuần là một vấn đề của thiện chí. Chúng ta đã có rất nhiều thiện chí mà vẫn chưa hình thành được một kết hợp qui mô nào. Kết hợp đòi hỏi thời gian và kỹ thuật. Việc qui về một mối là điều không thể có bởi vì chúng ta chưa có một nhân vật nào hay một tổ chức nào đủ uy tín để làm điểm tập trung cho đối lập Việt Nam. Còn lại công thức kết hợp trên một lập trường chung, một dự án chính trị chung cho đất nước; giữa các tổ chức ngang hàng với nhau, tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong đó mỗi tổ chức giữ nguyên bản thể, giữ nguyên sáng kiến, giữ nguyên tự do hoạt động và phát triển trên căn bản lập trường chung. Cách kết hợp này tuy chưa chặt chẽ nhưng có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, có khả năng phối hợp thúc đẩy mục tiêu chung và nhất là có khả năng đồng ý trên những ứng cử viên chung trong những cuộc bầu cử tự do thế nào cũng diễn ra trong tương lai gần mà đối lập Việt Nam phải chuẩn bị ngay để giành thắng lợi.

Cũng cần phải chấm dứt lối làm chính trị nhân sĩ đã phá sản của người Việt Nam. Cho tới nay hình như có một sự đồng ý rất lớn là cách làm chính trị hay nhất là cố gắng tạo cho mình một uy tín, rồi tránh lấy thái độ dù chỉ là để bênh vực sự đúng đắn và phê phán sự sai trái, tránh làm phật ý để khỏi bị đả kích hay đốt cháy, và chờ đợi một cơ hội tốt. Cách làm chính trị này thực ra không mấy lương thiện. Nó đã khiến chúng ta có quá nhiều người muốn làm trừ bị của quốc gia và có quá ít người nhận vai trò tiên phong và chủ lực với những rủi ro của nó. Nó đã khiến chúng ta không có được một lực lượng đối lập có tầm vóc mặc dầu có rất nhiều người đối lập. Nó đã dung túng những hành vi bất xứng làm nản lòng nhiều người có thiện chí và khiến quần chúng khinh thường hoạt động chính trị vào giữa lúc cần có những vận động chính trị lớn. Đất nước đang cần một thay đổi lớn và đang cần có những con người quả cảm, dám coi nhẹ chỗ đứng của mình, phát biểu mạnh dạn những gì mình nghĩ, quả quyết dấn thân tranh đấu với những tổ chức mà mình thấy là đứng đắn, đồng thời tôn trọng những chọn lựa của người khác. Những con người quả cảm dù khác chính kiến cũng vẫn tôn trọng lẫn nhau. Và sự kính trọng lẫn nhau chắc chắn sẽ đem lại phẩm giá cho hoạt động chính trị và những người đấu tranh chính trị.

Lịch sử sẽ không dành cho ngày 30-4-1975 một chỗ đứng vinh quang. Dân tộc Việt Nam không có lý do gì để hãnh diện về ngày 30-4-1975 và về cuộc chiến mà nó kết thúc. Cuộc chiến này đã chỉ tàn phá đất nước Việt Nam và làm đổ máu Việt Nam trong ba mươi năm để rồi bài tiết ra một trong những chế độ độc tài gian trá và tồi dở nhất thế giới.

Bước vào năm thứ mười bảy của chế độ cộng sản chúng ta có thể lạc quan rằng đất nước đã tiến được một đoạn đường rất dài về dân chủ và chế độ độc tài sắp cáo chung. Nhưng chúng ta cũng phải bùi ngùi nhìn nhận rằng tiến bộ này đã chỉ do phản xạ tập thể tốt của quần chúng, do những biến đổi của thế giới và do sự tồi dở của những người lãnh đạo chế độ độc tài cộng sản mà có, chứ không phải là thành quả của một vận động qui mô nào. Nhưng chính vào lúc mà chúng ta nhận ra sự kém cỏi của mình thì cũng là lúc chúng ta bắt đầu có thể có những đóng góp lớn.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng