Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (TL 27) (Nguyễn Gia Kiểng)

“…Một tập hợp dân tộc mới phải thẳng thắn quay lưng lại với quá khứ, chấp nhận trên căn bản bình đẳng những con người thuộc những quá khứ khác nhau. Hòa giải dân tộc chính là điều kiện cho sự kết hợp đó. Đại bộ phận những người đối lập đã nhận ra điều đó, nhưng ít ai đủ can đảm để nói lên…”




Mười lăm năm đã trôi qua từ ngày đảng cộng sản toàn thắng và áp đặt trên cả nước nền thống trị chuyên chính vô sản.

Tình hình đã thay đổi hẳn, và hiện nay cả chính quyền cộng sản lẫn đối lập đều đứng trước một khúc quanh chiến lược quan trọng.

Đảng cộng sản Việt Nam đang bối rối rõ rệt. Tình đoàn kết chiến đấu với Liên Xô, vẫn được xem là hòn đá tảng trong sách lược của họ, nay không còn nữa. Các chế độ cộng sản trên thế giới theo nhau sụp đổ. Tinh thần đảng viên dao động mạnh. Mâu thuẫn càng ngày càng lớn giữa một bên là sự khẳng định đổi mới và một bên là sự cương quyết không từ bỏ chuyên chính vô sản chứng tỏ rằng chính ban lãnh đạo đảng cộng sản cũng đang tự đặt cho mình nhiều câu hỏi trầm trọng. Ngôn ngữ sắt đá không giấu nổi sự hoang mang đang ngự trị bên trong.

Trong khi đó, đối lập Việt Nam cũng chưa xác định được cho mình chiến lược cần có.

Năm 1989, báo chí phương Tây đã ngạc nhiên trước những thành quả không thể chối cãi của kinh tế Việt Nam. Lạm phát bị chặn đứng. Lương thực đã dồi dào hơn trước. Việt Nam từ chỗ bị đói trong năm 1988 đã xuất cảng gạo trong năm 1989. Điều này đặt đối lập Việt Nam trước một tình thế khó xử. Cho tới ngày gần đây, lập luận của đối lập vẫn là cộng sản dở về quản lý kinh tế và đối lập là giải đáp kinh tế cho đất nước. Nhưng mười lăm năm đã qua, phe quốc gia đã bị gạt khỏi việc nước, những chuyên viên có khả năng trước đây hoặc đã già đi hoặc không còn nắm được những hồ sơ của đất nước nữa, trong khi tình hình càng ngày càng thay đổi mau chóng. Nếu không thận trọng, đối lập Việt Nam có thể bị đánh bại ngay trên một mặt trận mà từ trước mình vẫn tự cho là đất dụng võ, tức mặt trận kinh tế.

Một chính sách kinh tế gian trá và tàn nhẫn

Nếu đối lập Việt Nam bị thua trên mặt trận kinh tế thì quả là thua oan, nạn nhân của một sự thấu cáy.

Thật ra, nếu xét cho kỹ, những thành công về mặt kinh tế của năm 1989 không những chỉ là giả tạo mà còn là sự che đậy gian trá của một sự phá sản.

Chính sách kinh tế của đảng cộng sản Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn điểm:
  1. Thả lỏng các hoạt động kinh tế tư doanh tầm vóc nhỏ không đe dọa chính sách độc tài đảng trị để kích thích sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.
  2. Hạn chế lạm phát bằng cách cắt bỏ một cách tàn nhẫn những chi tiêu tối cần thiết cho đất nước như giáo dục, y tế, trật tự an ninh, đường sá.
  3. Xuất cảng bừa bãi một số mặt hàng (dầu lửa, thủy sản, cây rừng, gạo,...) giúp cho hối suất đồng bạc Việt Nam không hạ giá.
  4. Mở cửa cho hàng ngoại quốc từ Thái Lan và Trung Quốc tràn vào Việt Nam để tăng khối lượng hàng hóa, tránh cho vật giá khỏi tăng vọt.
Điểm thứ nhất quả nhiên đã đem lại một số kết quả tích cực. Sự tháo gỡ những kềm kẹp kinh tế đã khiến cho nhiều ngành tiểu thủ công nghiệp tăng khối lượng và chất lượng. Mức độ tự do lớn hơn ở nông thôn đã làm sản xuất tăng vọt. Năm 1988 Việt Nam bị nạn đói lớn nhất kể từ 1945, với hàng triệu đồng bào bị đói. Năm 1989 Việt Nam xuất cảng hơn một triệu tấn gạo sau khi chính sách tập thể hóa nông nghiệp mà chính quyền cộng sản theo đuổi như kinh điển trong hơn 34 năm bị bãi bỏ. Điều này buộc ta phải rút ra hai nhận định. Một là chính sách kinh tế Mác-Lênin đã chứng tỏ sự kém cỏi của nó một cách quá rõ rệt. Hai là chính quyền cộng sản phải bị đào thải vì họ tăm tối một cách nguy hiểm: một nhận định hiển nhiên và dễ dàng như vậy mà họ cần 34 năm mới khám phá ra.

Điểm thứ hai đã đưa tới và còn đang tiếp tục đưa tới những hậu quả xã hội vô cùng trầm trọng. Một chính quyền hậu cộng sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta lấy vài thí dụ:

- Về giáo dục: trong một năm qua, hơn 5.000 giáo viên thuộc khu vực Sài Gòn đã phải nghỉ dạy vì không thể sống được với đồng lương quá ít ỏi. Trong vòng hai năm qua, có ít nhất 10% trẻ em Việt Nam đã phải bỏ học vì cha mẹ không trả nổi học phí. Chính quyền cộng sản đã bãi bỏ hẳn chế độ giáo dục miễn phí.

- Về y tế: ngân sách bảo vệ sức khỏe vốn đã kém lại còn giảm đi, theo chính lời ông Phạm Văn Đồng. Cụ thể là hai phần ba sản phụ chết trong lúc sinh đẻ không phải chết vì đẻ khó mà vì thiếu thuốc sát trùng.

- Về an ninh xã hội: tệ băng đảng, cướp của giết người đã tăng một cách đáng sợ trong năm qua và đang gia tăng cấp tính. Trong khoảng thời gian một tháng từ tháng giêng tới tháng hai năm 1990, các vụ trọng án đã tăng 53,7%, các vụ cướp của giết người đã tăng 200%. Các tòa án đã hoàn toàn bị tràn ngập. Công an bảo vệ trật tự xã hội đã hoàn toàn bất lực vì nhà nước cộng sản dành phần lớn ngân sách an ninh cho công an bảo vệ chính trị và công an chống biểu tình.

Chính sách để cho hàng hoá từ Thái Lan và Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam nếu trong nhất thời đã giữ được đà gia tăng vật giá ở mức 50% hằng năm thì cũng có tác dụng vô cùng tai hại là làm phá sản gần hết các ngành công nghiệp của Việt Nam. Quá phân nửa các xí nghiệp công đã ngưng hoạt động, phần còn lại chỉ hoạt động cho có lệ.

Chính sách xuất khẩu bừa bãi của chính quyền cộng sản chỉ là một hành vi tẩu tán tài nguyên quốc gia mà mọi người có quan tâm với tương lai đất nước phải lên án. Hàng trăm công ty đang thi nhau phá rừng bán gỗ, một tài nguyên mà chúng ta chỉ còn lại rất ít. Chúng ta đang bán ra với giá rẻ số gỗ rừng mà ngay khi nền kinh tế tiến lên, chúng ta sẽ phải nhập cảng với giá rất đắt. Số lượng kim loại do chiến tranh để lại đáng lẽ đủ cho nhu cầu của đất nước trong nhiều năm đã bị đem bán tống bán tháo. Trong tương lai chúng ta sẽ phải mua lại kim loại với giá rất đắt, trong hiện tại các nhà máy cán sắt và kéo dây sắt đã phá sản vì hết nguyên liệu. Việc tàn phá cây rừng đã có hậu quả làm cạn các hồ nước Trị An, Đa Nhim làm cho điện lại bị cúp ba ngày một tuần tại các tỉnh phía Nam.

Một báo động khác là chính sách đánh bắt hải sản ăn xổi ở thì làm cho tôm cá ở ven biển Việt Nam có nguy cơ diệt chủng: số lượng tôm biển đã giảm 90% trong năm qua tại vùng biển Cà Mau - Rạch Giá...

Rõ ràng cái mà chính quyền cộng sản và một số ký giả ngoại quốc không am tường chiều sâu của vấn đề gọi là chính sách đổi mới kinh tế, thực ra chẳng có gì đáng gọi là chính sách. Nó chỉ chứng tỏ rằng chính quyền cộng sản hoàn toàn không có tiên liệu và không có trách nhiệm. Nó chỉ là một hành động tuyệt vọng để câu thời gian. Trong nhất thời Việt Nam có thể xuất hiện dưới con mắt của thế giới như đã phục hồi phần nào nhưng trong thực tế Việt Nam đang mỗi ngày một bệnh hoạn trầm trọng hơn và khó chữa hơn. Đảng cộng sản Việt Nam giống như một bà mẹ lấy tiền mua sữa của con để mua son phấn.

Mua thời gian để hy vọng tồn tại

Chính quyền cộng sản muốn gì?

Họ muốn xuất hiện dưới mắt thế giới như là một chế độ ít nhất đang cởi mở hơn về mặt kinh tế, và, tới một mức độ nào đó, đã thành công. Họ chủ mưu dựa vào sự lãnh đạm thờ ơ của thế giới, vào một lúc mà mọi sự chú ý đang hướng về Đông Âu, Liên Xô và Nam Mỹ, để từ từ lột xác từ một chế độ độc tài cộng sản thành một chế độ độc tài bình thường, không đe dọa an ninh của quốc gia nào, để ít nhất được quốc tế coi là một chế độ tạm thời chấp nhận được trong khi còn nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết. Sau khi thời gian này qua đi (hai hoặc ba năm chẳng hạn) và bị bắt buộc phải đi thêm một bước quyết định nữa trong chiều hướng dân chủ hóa, họ sẽ đột ngột chấp nhận chế độ đa đảng và tổ chức bầu cử ngay sau đó để đánh bại các lực lượng đối lập chưa đủ chuẩn bị, chưa đủ tập trung và chưa sẵn sàng để đương đầu với một cuộc bầu cử. Dĩ nhiên, nếu cần và nếu có thể được, đảng cộng sản cũng sẽ không ngần ngại gian lận để chuyển bại thành thắng. Thắng lợi này như vậy lại cho phép đảng cộng sản ở lại chính quyền một nhiệm kỳ nữa.

Khoảng thời gian tổng cộng này quá đủ đối với các lãnh tụ đảng cộng sản mà tuổi tác đã trên 70, cái gì xảy ra sau đó dĩ nhiên không còn là công việc của họ nữa. Con tính chính trị này cũng phù hợp với ước muốn của một số cán bộ cộng sản trẻ hơn, họ hy vọng khoảng thời gian này sẽ giúp họ ổn định được tình thế để trở thành một đảng cầm quyền lâu dài trong một đất nước tiến chậm chạp về dân chủ.

Tóm lại chiến lược của đảng cộng sản là tranh thủ thời gian bằng một chính sách buông lỏng về kinh tế, bỏ cuộc về văn hóa xã hội và xiết chặt về chính trị an ninh, đồng thời sử dụng khoảng thời gian đó để hóa thân thành một chế độ độc tài bình thường.

Điều đáng lưu ý đặc biệt là mặc dầu đảng cộng sản vẫn lớn tiếng khẳng định sự trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa cộng sản, chất cộng sản của chế độ càng ngày càng giảm đi trên thực tế, bởi vì chính đảng cộng sản đang tổ chức sự hóa thân của nó thành một chế độ độc tài đảng trị kiểu Châu Phi. Trong tình huống này nếu đối lập Việt Nam chỉ lấy chống cộng làm lập trường thì chỗ dựa lý luận sẽ càng ngày càng yếu đi.

Điều cũng rất quan trọng là ta phải ý thức được sự khó khăn của cuộc đấu tranh chống độc tài đảng trị. Dân chủ đa nguyên cho tới hiện nay vẫn chưa phải là một giá trị được mọi người nhìn nhận là phù hợp với mọi dân tộc. Vẫn có nhiều người cho rằng dân chủ đa nguyên là một thứ xa xỉ phẩm mà chỉ có các dân tộc đã phát triển mới có thể tự cho phép.

Trong một vài năm nữa, nếu đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn cầm quyền và tự hóa thân thành một chế độ độc tài kiểu Bắc Phi hoặc Trung Đông thì nó có cơ được một phần dư luận thế giới cho là tạm chấp nhận được. Một thí dụ: cựu Thủ tướng Pháp Jacques Chirac, một người rất chống cộng và có thể trở thành tổng thống Pháp sau này vừa tuyên bố như vậy tại một thủ đô Châu Phi.

Cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên không phải dễ dàng, những liên minh có thể thay đổi đột ngột!

Đất nước đang lâm nguy

Nếu đảng cộng sản thành công trong dự định của họ thì quả là một thảm kịch cho đất nước. Tiến trình dân chủ hóa trong trường hợp đó có thể đòi hỏi vài thập niên. Việt Nam đã chịu đựng một nửa thế kỷ chiến tranh huynh đệ tương tàn và chính quyền tồi dở, đã trở thành một trong những nước nghèo đói và tiều tụy bậc nhất thế giới. Chúng ta không còn thời giờ để mất nữa.

Làm sao có thể đặt tin tưởng nơi những người đã phải mất 34 năm mới khám phá ra một cách chưa đầy đủ rằng nông nghiệp tập thể không hữu hiệu?

Làm sao có thể chấp nhận một đảng lãnh đạo, một mặt tự thú nhận là có quá 70% cán bộ mất phẩm chất, dốt nát, tham nhũng, một mặt lại tự cho mình độc quyền chính trị?

Làm sao có thể chấp nhận được một tập đoàn cầm quyền, để mua thời gian tìm đường cứu mình, đang nhẫn tâm thi hành một chính sách phá hoại quốc gia từ nền tảng, đang để mặc cho sản phụ và trẻ sơ sinh chết, đang để cho trẻ em phải bỏ học vì không đóng nổi học phí; đang tẩu tán tài nguyên quốc gia?

Việt Nam hiện nay đang sống trong một chế độ cực kỳ quái gở: khắc nghiệt và độc ác về mặt chính trị, nhưng lại vô chính phủ hoàn toàn về mặt kinh tế xã hội.

Chế độ này phải chấm dứt và phải chấm dứt ngay tức khắc bởi vì nó càng kéo dài càng làm trầm trọng thêm các vấn đề đàng nào cũng sẽ phải giải quyết.

Nhưng ngay cả cái giấc mộng ích kỷ và hại nước này của đảng cộng sản, giấc mơ câu giờ để tự hóa thân thành một chế độ độc tài bình thường, cũng không thể nào thực hiện được và cái gì đang đe dọa đất nước ta còn khốc liệt hơn nhiều. Đảng cộng sản đang làm sai lầm cuối cùng là tưởng rằng mình vẫn còn hy vọng tồn tại.

Làn sóng dân chủ hóa đang trào dâng khắp nơi. Những gì mà chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản mà còn là sự đào thải mau chóng của mọi chế độ độc tài dưới mọi hình thức. Haiti, Nepal, Panama, Chile, Côte d'Ivoire, Philippines, Paraguay,... các chế độ độc tài chống cộng cũng theo nhau mà đổ. Trào lưu dân chủ hóa không từ một chiêu bài ý thức hệ nào. Sức bật lên của các dân tộc bị kềm kẹp đang và sẽ còn gây nhiều kinh ngạc.

Làm sao có thể tin rằng một chế độ độc tài đã kiệt sức còn lết nổi tới ngưỡng cửa thế kỷ 21? Đảng cộng sản đang chứng tỏ sự khờ khạo của chính họ. Vả lại, sức khỏe kinh tế của Việt Nam đã quá kém để có thể chịu đựng một sự phá hoại như đảng cộng sản đang làm. Ngay từ bây giờ, những dấu hiệu rõ rệt đã xuất hiện cho phép người ta dự đoán rằng trong vòng từ sáu tháng tới một năm nữa, kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ hoàn toàn và đảng cộng sản Việt Nam sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử của nó. Sự ngoan cố của đảng cộng sản chỉ có thể đưa tới hỗn loạn và đổ máu.

Đó là viễn ảnh của đất nước nếu một mặt trận đối lập quy mô không ra đời, và đảng cộng sản được tự do dò dẫm tìm lối thoát.

Chiến lược nào cho đối lập Việt Nam?

Nhưng ngược lại, nếu các lực lượng dân chủ kết hợp lại quyết tâm tranh đấu và dám tin tưởng ở thắng lợi thì thắng lợi sẽ có và sẽ có sớm hơn mọi dự đoán.

Tình hình xã hội Việt Nam đang vô cùng căng thẳng. Trong khi gia tăng kềm kẹp về chính trị mà lại buông lỏng về kinh tế và bỏ cuộc về mặt văn hóa xã hội, đảng cộng sản đang tạo điều kiện để những bất mãn kết tinh lại thành một phong trào đấu tranh quần chúng và một sức mạnh lớn hơn mọi tưởng tượng mà đối lập Việt Nam phải tận dụng triệt để.

Trật tự kinh tế quyết định khuôn mẫu chính trị. Khi nếp sống và các sinh hoạt kinh tế đã thay đổi thì chế độ chính trị bắt buộc phải thay đổi theo.

Bình thường các chế độ chuyên chính - cộng sản hay không cộng sản - bị áp lực trước hết của những khó khăn kinh tế, bị bắt buộc phải nhượng bộ về mặt kinh tế, rồi sau một thời gian bị chính tình hình kinh tế mới xô ngã, trừ khi tự ý rút lui.

Nới lỏng về mặt kinh tế, chính quyền cộng sản Việt Nam trong vài năm qua đã bị bắt buộc phải làm những nhượng bộ chính trị quan trọng trên thực tế. Quy luật kinh tế tự do đã bắt buộc họ phải hủy bỏ chính sách trợ cấp lương thực và nhu yếu phẩm, sau đó đã buộc họ phải chấp nhận chế độ một giá. Một không gian tự do mới đã ra đời vì chính quyền đã mất đi khả năng trả đũa bằng cách cắt phiếu cung cấp. Các tổ hợp, xí nghiệp tư cũng đã xuất hiện như những đơn vị tập hợp ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, và hơn thế luôn luôn mâu thuẫn với chính quyền. Trong một bối cảnh luật pháp không rõ ràng, những móc ngoặc giữa quan chức và các đơn vị kinh tế tư nhân còn làm cho guồng máy chính quyền ung thối và tê liệt mau hơn. Sự phân hóa của bộ máy chính quyền cộng sản ngày nay đã đạt tới mức độ không thể nào cứu chữa được nữa. Mặt khác sự giảm sút về an ninh xã hội không ít thì nhiều cũng kéo theo sự gia tăng khả năng hoạt động chống đối.

Tình hình Việt Nam hiện nay trên thực tế đã bắt đầu cho phép hoạt động đối lập dựa vào những kẽ hở càng ngày càng lớn của một chính quyền càng ngày càng phân rã.

Các lực lượng đối lập Việt Nam phải có mặt qua những liên hệ kinh tế, qua làn sóng người về thăm nhà, qua liên hệ bình thường giữa trong và ngoài nước. Chúng ta đừng quên một chân lý sơ sài là kẻ vắng mặt bao giờ cũng thua thiệt. Sự hiện diện của đối lập phải thường trực, nhận thấy được trong quần chúng chứ không phải chỉ giới hạn qua một vài đơn vị kín đáo, bí mật. Trở ngại chính là công an của chế độ lúc nào cũng theo dõi và sẵn sàng đàn áp bằng đủ mọi biện pháp. Vấn đề là làm thế nào để sự có mặt của đối lập đủ mạnh để nhân dân trong nước thấy được mà công an cộng sản không làm gì được. Câu hỏi mới thoạt nghe hình như không có giải đáp, nhưng thực ra có giải đáp.

Nếu phong trào trong nước chỉ là một phong trào tư tưởng thì công an sẽ chỉ bó tay. Sự trao đổi ý kiến giữa các cá nhân với nhau hiện nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát của công an. Sự bất mãn và chối bỏ chế độ đã quá lan tràn đến độ những bàn bạc, chỉ trích và ngay cả mạ ly chế độ là điều mà mọi người đều làm. Chỉ khi nào một tổ chức được thành lập hẳn hoi mới có rủi ro bị sa bẫy.

Như vậy một phong trào đối lập cũng vẫn hiện diện được ở trong nước với điều kiện là cơ cấu thường trực đặt ở nước ngoài. Ở trong nước nếu có, chỉ là những trạm liên lạc rất nhẹ. Nhưng nếu cơ cấu ở nước ngoài thì phải làm cách nào để vẫn hiện diện được trong tình cảm và trí óc của nhân dân trong nước. Ta có thể làm được việc này trong hai trường hợp.

- Một là tổ chức ở ngoài khá mạnh và có phương tiện để tiếng dội vọng về trong nước, để lập trường được người trong nước biết đến và chấp nhận.

- Hai là phong trào có được những khuôn mặt trí thức lớn mà công chúng biết là biểu tượng cho khuynh hướng chính trị, mặc dầu không nhất thiết phải nằm trong cơ quan lãnh đạo, và cũng không nhất thiết phải thuộc tổ chức. Trước đây tại Liên Xô, tiến sĩ Sakharov mặc dầu ai cũng biết là không có chân trong tổ chức nào vẫn được coi là điển hình cho đối lập Liên Xô. Vaclav Havel mặc dầu bị bắt giam và không có tổ chức vẫn là hình tượng của đối lập Tiệp Khắc. Mandela ở trong tù và đã mất hết mọi liên hệ với tổ chức lưu vong ANC cũng vẫn là khuôn mặt của đối lập Nam Phi. Hiện nay ở trong nước có một số khuôn mặt nổi tiếng như: Phan Đình Diệu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thích Trí Siêu, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Ngọc Lan, v.v. mà đồng bào đã biết đến như những người muốn đổi mới, chấp nhận dân chủ đa nguyên. Nếu ở ngoài nước thành hình được phong trào đứng đắn với một vài khuôn mặt chấp nhận được thì đối lập Việt Nam kể như đã chính thức có mặt, dù chính quyền cộng sản tiếp tục cấm đối lập.

Lập trường và đường lối đấu tranh của ta cũng phải có khả năng vô hiệu hóa sự đàn áp của chính quyền cộng sản. Đó phải là một lập trường ôn hòa, bất bạo động, và thực sự dân chủ, thực sự có khả năng kết hợp lớn. Chính quyền cộng sản sẽ rất bối rối trước một đối lập như vậy.

Lấy một thí dụ: cái gì sẽ xảy ra nếu nhà cầm quyền cộng sản bắt giam hay đem xét xử một số người chủ trương bất bạo động, hòa giải dân tộc và dân chủ đa nguyên? Cùng lắm họ chỉ có thể tuyên án một vài năm tù, nhưng họ sẽ cho đối lập Việt Nam một sự thừa nhận quốc tế và đồng thời họ sẽ bị cả thế giới lên án và tẩy chay. Có mù quáng tới đâu đi nữa họ cũng không bao giờ làm điều này và nếu họ làm thì quả là họ tiếp tay cho ta.

Đã nói bất bạo động thì cũng nên bàn tới kháng chiến võ trang để giải tỏa một số thắc mắc và hiểu lầm. Trong bối cảnh hiện nay việc sử dụng bạo lực là quyền chính đáng của người dân để chống lại một chế độ tự cho phép mình dùng các nhà tù và các đội hành quyết để đối xử với những người không đồng chính kiến. Nhưng ta không dùng bạo lực vì nó không có lợi. Ta không có phương tiện để phát động một cuộc đấu tranh võ trang. Và nếu ngay cả có phát động được thì cuộc nội chiến cũng sẽ rất dài, rất tai hại cho đất nước. Trong khi bối cảnh quốc tế hiện nay đang chứng tỏ rằng một chính quyền cộng sản có thể bị đánh bại, và có thể bị đánh bại mau chóng bằng một cuộc đấu tranh chính trị không dùng đến bạo lực.

Cũng nên có đôi lời để giải tỏa một vấn đề có thể gây tranh cãi. Cuộc đấu tranh dân chủ cần một yếu tố rất quan trọng là sự giao lưu thường trực và qui mô giữa trong và ngoài nước. Làn sóng người ra vào Việt Nam càng ngày càng gia tăng - do mục đích kinh doanh hay do liên hệ gia đình - cần được sử dụng như một vũ khí chiến lược. Ta cần nắm vững một sự kiện cơ bản là tất cả mọi người tới Việt Nam đều đối lập với chính quyền cộng sản. Kinh nghiệm cho thấy rằng một người dù ủng hộ chính quyền cộng sản thế nào đi nữa, khi đã có mặt tại Việt Nam cũng trở thành một người đối lập bởi vì thế nào cũng nhận thấy rõ rệt và cũng phải chịu đựng sự tồi dở, quan liêu của chế độ. Kinh nghiệm cũng cho thấy là người ta có thể lên đường đi Việt Nam với nhiều cảm tình cho chính quyền cộng sản nhưng bao giờ cũng rời Việt Nam với một sự khinh ghét tột độ. Luồng giao lưu giữa trong và ngoài là một đồng minh của đối lập Việt Nam.

Về mặt kinh tế, người ta có thể lo ngại rằng luồng giao lưu này đem lại một lợi thế kinh tế cho chính quyền cộng sản. Điều chắc chắn là sự trao đổi có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng có lợi cho đối lập dân chủ hay cho chính quyền cộng sản lại là một vấn đề khác. Sự tăng trưởng của các hoạt động kinh tế tư nhân, cá thể hoặc công ty, có tác dụng trực tiếp và tức khắc là tạo ra những sinh hoạt ngoài vòng kiểm soát của chính quyền cộng sản, làm giảm đi vai trò của đảng cộng sản trong sinh hoạt quốc gia. Như vậy nó là một bước tiến trong tiến trình đẩy lui dần dần đảng cộng sản. Mặt khác nếu đời sống dân chúng được cải thiện, quần chúng sẽ được độc lập hơn với chế độ và đồng thời cũng có sinh lực hơn để đòi hỏi tự do dân chủ. Có thực mới vực được đạo. Nhiều người nghĩ rằng dân chúng có khổ mới bất mãn, mới đấu tranh. Nhưng hiện nay sự phủ nhận và chống đối của người Việt Nam với chế độ cộng sản đã quá hoàn toàn. Sự bất mãn đã đạt được rồi, sự phẫn nộ cũng đã có rồi. Vấn đề là giúp sức cho người dân để họ có thể đấu tranh đòi thay đổi chế độ.

Hình thành một tổ chức đối lập

Vấn đề khó khăn nhất lại là một việc mà đáng lẽ ra ta có thể làm, nghĩa là hình thành một tổ chức đối lập có tầm vóc tại hải ngoại. Sự có mặt của một tổ chức như vậy sẽ là tụ điểm cho những nguyện vọng và yêu cầu đổi mới, gây sự tin tưởng và nhận sự hưởng ứng. Sau một thời gian tổ chức sẽ được lắng nghe và có khả năng đưa ra những chỉ thị bãi công, biểu tình hay tẩy chay một chính sách. Tổ chức sẽ thành một lực lượng thực sự có mặt.

Những trở ngại cho sự ra đời của mặt trận này có thể nhận thấy được.

Trước hết là sự thiếu vắng một lập trường đấu tranh phù hợp với giai đoạn mới. Đã có vô số tổ chức, nhiều khi quy tụ chung quanh những nhân vật có uy tín, ra đời rồi cằn cỗi và tàn lụi đi. Phần đông các tổ chức vẫn chỉ là sự tiếp nối của một cuộc chiến đã tàn. Đối lập Việt Nam cho tới nay vẫn được cảm nhận như là sự kết hợp của những người đã bại trận năm 1975 chứ không phải là một tập hợp dân tộc mới có niềm tin ở thắng lợi.

Gần đây một tiến bộ vượt bực đã thực hiện được. Mọi tổ chức đấu tranh đã khẳng định lập trường dân chủ đa nguyên. Tuy nhiên một số người vẫn chỉ nói đa nguyên mà chưa thực sự hiểu ý nghĩa của nó, vẫn bất dung và hằn học đối với những người khác lập trường với mình. Con đường vẫn còn dài. Một tập hợp dân tộc mới phải thẳng thắn quay lưng lại với quá khứ, chấp nhận trên căn bản bình đẳng những con người thuộc những quá khứ khác nhau. Hòa giải dân tộc chính là điều kiện cho sự kết hợp đó. Đại bộ phận những người đối lập đã nhận ra điều đó, nhưng ít ai đủ can đảm để nói lên. Chúng ta phải ý thức rằng không có gì thay thế cho sự can đảm cả và lịch sử sau này sẽ biết trả phần đúng cho những con người của đất nước hôm nay.

Lý do thứ hai là quá nhiều tham vọng cá nhân và phe nhóm đã làm tê liệt đối lập Việt Nam. Ai cũng muốn làm điểm tập trung. Ai cũng muốn nhường người khác cái công việc bạc bẽo là mở đường phá lối. Đối lập Việt Nam hải ngoại chỉ thực sự hình thành được nếu mỗi thành phần của nó chấp nhận mình chỉ là một thành phần.

Lý do thứ ba là một sự ngây thơ muốn đốt giai đoạn để tập trung tất cả cùng một lúc. Cuối cùng những cố gắng thật là mệt nhọc đã chỉ đem lại những tập hợp hữu danh vô thực quy tụ những thành phần nhiều khi thù ghét nhau nhưng chỉ chấp nhận ngồi với nhau để chứng tỏ mình không gây chia rẽ. Cuối cùng tập hợp đó khó khăn lắm mới thành hình và khi thành hình thì lại không làm được gì cả. Chúng ta phải ngừng chạy trốn một sự thật hiển nhiên là chỉ có thể đoàn kết những người theo đuổi cùng một mục đích và sử dụng những phương tiện giống nhau.

Trong bối cảnh hiện tại, những cá nhân và đoàn thể chấp nhận đường lối đấu tranh ôn hòa, chấp nhận hòa giải để xóa bỏ những hiềm thù của quá khứ, chấp nhận nguyên tắc và phương thức sinh hoạt dân chủ đa nguyên cần công khai khẳng định lập trường và kết hợp với nhau thành một lực lượng trước đã.

Chọn lựa chiến lược này không có nghĩa là chúng ta khai trừ các thành phần khác. Nó chỉ là một chọn lựa giai đoạn mà thôi. Và giai đoạn này có thể rất ngắn vì với bối cảnh quốc tế hiện nay, các vấn đề càng ngày càng trở nên sáng sủa hơn, sự đồng thuận càng ngày càng dễ đạt tới. Và tới một lúc nào đó, các khuynh hướng cực đoan, dù tả hay hữu, chẳng bao lâu sẽ nhận ra sự bế tắc của họ.

Chiến lược đầu tiên của đối lập Việt Nam là làm thế nào tự khai sinh ra mình. Chúng ta không thể tiết kiệm bàn cãi để đi tới lập trường chung. Chúng ta phải khiêm tốn để chấp nhận vai trò thành viên trong một tập thể lớn và nhất là chúng ta phải bắt đầu bằng sự kết hợp những cá nhân và đoàn thể cùng một nhạy cảm chính trị.

Chúng ta đừng chờ đợi chính quyền cộng sản cho phép ta hiện diện ở trong nước mà phải vận dụng một cách sáng tạo và táo bạo tình hình hiện nay để có mặt tại đất nước và để sự có mặt này càng ngày càng rõ rệt và mãnh liệt, cuối cùng thành một thực tế mà chính quyền cộng sản nào cũng phải chấp nhận.

Chúng ta đừng chờ đợi nhà cầm quyền cộng sản cho phép đối lập mà phải hình thành đối lập rồi tạo áp lực buộc nhà cầm quyền cộng sản nhượng bộ và hợp thức hóa. Chúng ta đừng đợi chính quyền cộng sản tự ý chấp nhận bầu cử tự do mà phải vận động để buộc họ chấp nhận bầu cử tự do đồng thời với kiểm điểm phương tiện và chuẩn bị chiến lược để thắng các cuộc tuyển cử tự do này.

Chiến lược này hoàn toàn không có nghĩa là sự tìm kiếm một kết hợp nào đó với chính quyền cộng sản với dụng ý chia chác. Nó là một lập trường đối lập thực sự, bằng đường lối hòa bình nhưng rất quả quyết với chính quyền cộng sản. Có thể là sẽ có những thảo luận và ký kết trên những thỏa ước đánh dấu từng giai đoạn của tiến trình chấm dứt chế độ độc đảng để chuyển sang dân chủ đa nguyên. Những thỏa hiệp này hoàn toàn không có ý nghĩa của một sự đồng lõa. Chúng chỉ là những thắng lợi giai đoạn của các lực lượng tiến bộ.


Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng