Một cách nhìn cuộc chiến (TL 82) (Nguyễn Gia Kiểng)

”…trong thời đại này, yêu nước không còn là một bổn phận. Người dân không bị bắt buộc phải yêu nước, trái lại chính tổ quốc phải tranh thủ tình cảm của người dân. Phải thay thế cái tổ quốc hạch sách và khắc nghiệt bằng một tổ quốc bao dung và hiền hòa…”

 
Một cách nhìn cuộc chiến (TL 82) (Nguyễn Gia Kiểng)

Đến nay nước ta đã thống nhất được hai mươi năm. Dù đó chỉ mới là sự thống nhất về hành chánh, nhưng đó cũng là một yếu tố tích cực cần được đánh giá đúng tầm quan trọng. Nếu đọc thật kỹ lịch sử thì trong bốn thế kỷ qua kể từ ngày miền Nam được mở ra, chúng ta chẳng có được bao nhiêu năm thống nhất.

Nhưng chúng ta đã phải trả cho sự thống nhất này một cái giá quá đắt. Quá đắt, và vô lý, vì chúng đã có thể tránh khỏi cuộc chiến 30 năm, làm bốn triệu người chết, đất nước tan hoang và còn để lại nhiều thương tật có thể kéo dài cả thế kỷ. Hậu quả của nó là chúng ta đã trở thành một nước lạc hậu và vẫn còn phải chịu đựng một chế độ độc tài khắc nghiệt.

Đã có vô số nghiên cứu, phân tích và nhận định về cuộc chiến tranh này. Nhưng cho tới nay, hình như chưa ai nhận định về một đặc tính quan trọng : cuộc chiến ô nhục này đã có, đã tàn phá như thế và đã kéo dài như thế bởi vì chúng ta thiếu lòng yêu nước.
*
Lòng yêu nước của người Việt có thể chỉ là một ngộ nhận.

Nếu để tâm quan sát người cộng sản và có dịp tâm tình với nhiều người cộng sản ở nhiều trình độ, ta có thể quả quyết rằng đại bộ phận người cộng sản đã theo đảng cộng sản vì chủ nghĩa chứ không phải vì lòng yêu nước. Lòng yêu nước chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong chọn lựa của họ. Có thể họ nghĩ rằng họ yêu nước, nhưng động cơ đã khiến họ phấn đấu và hy sinh là chủ nghĩa.

Ai đã có dịp vào thăm Viện Bảo Tàng Cách Mạng đều có thể nhìn thấy lá cờ lịch sử của Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cái nôi tình cảm của đảng cộng sản Việt Nam. Là cờ màu đỏ này chỉ có tám chữ : ''Vạn Tuế Xô Nga, Xô Nga Vạn Tuế''. Chỉ có thế, ngay cái tên Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng rất ý nghĩa. Khẩu hiệu của Phong Trào này là ''Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ''. Không có gì là quốc gia dân tộc. Phong Trào này đã bị đàn áp trong một cuộc tắm máu sau khi đã là tác giả của một cuộc tắm máu mà các nạn nhân đều là người Việt. Từ đó và sau này, người cộng sản đã hy sinh một cách rất dũng cảm.

Nhưng cái gì đã làm nức lòng họ, đã khiến họ chấp nhận những hy sinh rất phi thường, không phải là lòng yêu nước mà là giấc mơ cộng sản, giấc mơ được giải phóng khỏi sự áp bức và chà đạp. Trong quá trình tranh đấu đạt đến thắng lợi của họ, người cộng sản đã dẵm đạp lên hàng ngàn hàng vạn tử thi của những người mà họ biết rất là yêu nước. Trong chiến dịch cải cách ruộng đất, họ không ngần ngại tàn sát cả hàng trăm ngàn người, không phải vì chống lại họ mà vì thuộc giai cấp xấu, kể cả những người đã có công với đảng. Một đảng yêu nước không hành động như thế. Họ cũng đã không do dự phát động cuộc chiến chinh phục miền Nam, thách thức cả cường quốc số một trên thế giới, chấp nhận cho đất nước tan hoang (''sông có thể cạn, núi có thể mòn'' theo lời ông Hồ Chí Minh) để chủ nghĩa cộng sản được toàn thắng. Họ không hề ngần ngại trước những đổ vỡ mà đất nước có thể phải gánh chịu. Chiếm được miền Nam, họ cư xử như một đội quân chiếm đóng, hạ nhục tập thể và bỏ tù cả nước. Không có gì là tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Ghê gớm hơn nữa, họ tự nghĩ là đã rất nhân đạo, bởi vì những người thua trận đều đáng tội chết vì đã dám chống lại chủ nghĩa cộng sản. Người ta không thể yêu nước Việt Nam mà không hề xót thương người Việt Nam và đất nước Việt Nam như thế.

Trong phe quốc gia, lòng yêu nước cũng không có chỗ đứng. Các chính phủ quốc gia đều không phải do những người yêu nước lãnh đạo mà do những người đã hợp tác một cách rất thành thật với chính quyền thuộc địa Pháp. Họ không hề yêu nước và không đặt vấn đề yêu nước. Trường hợp Ngô Đình Diệm rất điển hình. Ông có một quá khứ dài hợp tác với người Pháp, và cả với người Nhật. Dầu vậy ông không hề có mặc cảm về quá khứ ấy khi lãnh đạo đất nước. Trái lại ông hách dịch và khinh miệt đối với những người đã tranh đấu giành độc lập. Với các tướng lãnh sau này, vấn đề yêu nước không đặt ra. Họ chỉ là những người lính chuyên nghiệp dưới tất cả mọi chế độ. Bài diễn văn từ chức của ông Thiệu cuối tháng 4 năm 1975 là một dẫn chứng. Ông Thiệu nói rằng trước đây người Mỹ chi cho cuộc chiến Việt Nam hơn 20 tỷ đô-la mỗi năm, nay họ chỉ cấp cho ông 1 tỷ mỗi năm, như vậy ông chỉ đủ để ''đánh'' được 15 ngày. Rõ ràng là ngôn ngữ của một tên lính đánh thuê.
*
Một dân tộc có một lịch sử dài như dân tộc Việt Nam, tất nhiên phải có một tình cảm quốc gia nào đó. nhưng tình cảm đó không mạnh vì không được bảo trọng và nuôi dưỡng. Hậu quả là lòng yêu nước của chúng ta tuy có, nhưng rất mờ nhạt. Nó luôn luôn ở dưới một cái gì khác, chủ nghĩa, chính kiến, tôn giáo hay địa vị cá nhân.

Người Việt Nam không yêu nước như ta tưởng. Có lẽ vì vậy mà các đảng phái quốc gia thuần túy dựa trên lòng yêu nước như Việt Nam Quốc Dân Đảng và một số hệ phái Đại Việt đã không được hưởng ứng. Ban lãnh đạo đảng cộng sản ngày nay bị chán ghét vì họ hủ lậu, tham nhũng chứ không phải vì họ không yêu nước. Những người lãnh đạo các chính quyền quốc gia đã thất bại vì họ tồi dở chứ không phải vì họ không yêu nước. Những người yêu nước có trong cả hai phe, nhưng họ đã không có chỗ đứng nào đáng kể. Yêu nước chưa bao giờ là là một yếu tố quyết định.

Tôi không bài xích người Việt, trái lại tôi nghĩ rằng người Việt không yêu nước là đúng bởi họ thiếu lý do để yêu nước.

Người ta có thể yêu nước vì một niềm hãnh diện. Người Mỹ yêu nước vì hãnh diện là công dân của cường quốc số một trên thế giới. Người Nhật hãnh diện vì những thành công vượt bực của nước họ. Người Pháp, người Anh, người Đức hãnh diện về những thành tựu văn hóa, khoa học. Người Thụy Sĩ, người Hòa Lan hãnh diện vì họ là những dân tộc rất nhỏ mà vẫn cạnh tranh thắng lợi được với các dân tộc đông người và giàu tài nguyên. Người Việt Nam có lý do nào để hãnh diện ?

Người ta cũng có thể yêu nước vì quyền lợi. Đối với các dân tộc tiến bộ, tổ quốc là bảo đảm an ninh và nhân phẩm, là công ăn việc làm, là công lý, là an sinh xã hội, là trường học cho con cái. Đối với người Việt Nam, tổ quốc là chiến tranh, là nghèo đói, là công an, là mối đe dọa có thể bị bắt bớ bất cứ lúc nào.

Người ta cũng có thể yêu nước mặc dầu không có niềm hãnh diện nào và quyền lợi nào mà chỉ vì đất nước là của mình. Như người ta có thể yêu cha mẹ nghèo khó, yêu đứa con tật nguyền vì đó là cha mẹ mình, là con cái mình. Nhưng tổ quốc Việt Nam cũng không phải là của người Việt Nam, mà luôn luôn bị chiếm đoạt làm của riêng một đảng.

Người người Việt Nam hay nhắc lại một cách máy móc câu nói của J.F. Kennedy : ''đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho đất nước''. Họ quên rằng Kennedy là công dân của cường quốc số một trên thế giới, và là một trong những con người đã được đất nước phồn vinh ấy tặng cho tất cả.
*
Chúng ta khó yêu nước vì thiếu truyền thống yêu nước, nếu hiểu yêu nước - theo định nghĩa duy nhất chấp nhận được - là tình cảm tự nguyện của một con người có chọn lựa, do sự gắn bó mật thiết và hài hòa với đất nước. Trước đây, dưới các chế độ quân chủ, nước là của vua. Sau đó chúng ta mất nước và không có quyền yêu nước. Kế đến là một cuộc chiến khốc liệt, trong đó tổ quốc được lấy làm lý do để tàn sát lẫn nhau. Cuối cùng là một chế độ độc tài trong đó một đảng bất chấp người dân chiếm đoạt đất nước làm của riêng mình.

Chúng ta cũng khó yêu nước vì thiếu văn hóa. Yêu nước là một hiện tượng văn hóa. Xét cho cùng thì mọi quốc gia đều được xây dựng trên những cuốn sách. Chúng ta thiếu sách. Chúng ta thiếu những triết gia và những nhà tư tưởng, và vì thế thiếu đồng thuận dân tộc, và khó có thể yêu nước.

Lòng yêu nước cũng cần được phát triển bằng một cố gắng bền bỉ, trong một bối cảnh lành mạnh và trang trọng. Lòng yêu nước của chúng ta không những không được nuôi dưỡng mà còn bị lố bịch hóa. Người cộng sản không coi lòng yêu nước là gì, họ đã chỉ lặp lại quan niệm cũa thời quân chủ chuyên chính trong đó ái quốc đồng nghĩa với trung quân khi họ quả quyết ''yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội''. Chúng ta cũng đã từng được nghe chán tai các danh xưng "Trí thức yêu nước", "Công giáo yêu nước", ''Phật giáo yêu nước''. Bao giờ cũng thế, hai chữ ''yêu nước'' luôn luôn có tác dụng làm nhảm nhí hóa ý niệm mà nó đi kèm.

Vì những lý do lịch sử và văn hóa đó, lòng yêu nước nơi người Việt Nam không thể mạnh. Chúng ta thường nghĩ mình yêu nước. Nhưng đó có thể chỉ là một ngộ nhận máy móc do ảnh hưởng của một nền giáo dục trong đó lòng yêu nước đã được áp đặt như một giá trị phải chấp nhận chứ không được bàn cãi. Nhưng thực ra chúng ta không yêu nước, hay ít nhất không yêu nước như mình tưởng. Muốn yêu nước Việt Nam phải làm một cố gắng rất lớn.

Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng vẫn là người Việt Nam, và trừ trường hợp của những người có thể chọn lựa và đã chọn lựa một tổ quốc khác, chúng ta vẫn phải gắn bó với đất nước Việt Nam. Tương lai của chúng ta gắn liền với tương lai của Việt Nam. Chúng ta đã rất khổ vì đất nước nhưng chúng ta vẫn chưa đau khổ bằng những dân tộc đã mất nước. Hãy nhìn người Kurd, người Palestine, người Somalia... Không ai biết rồi đây nhân loại sẽ chuyển hóa như thế nào, nhưng trong ít nhất vài thế kỷ nữa đất nước vẫn cần cho một đời người. Như khu rừng cần cho con cọp để vùng vẫy, như cái hôn cần cho đứa trẻ để lớn lên.

Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là xây dựng một đất nước Việt Nam chung. Và để xây dựng tương lai chung đó, lòng yêu nước vẫn là mẫu số chung bắt buộc. Chính vì thiếu lòng yêu nước mà chúng ta đã chịu nhiều tai họa. Chính vì thiếu lòng yêu nước chúng ta đã không thỏa thuận được với nhau và đã không tránh đựợc cuộc chiến khốc liệt vừa rồi. Không có lòng yêu nước chúng ta sẽ còn phải chịu nhiều khổ đau khác nữa.
*
Điều kiện tiên quyết của cuộc đấu tranh cứu nước - khỏi họa độc tài và nguy cơ thua kém vĩnh viễn - là phải phục hồi và phát huy lòng yêu nước. Nhưng lòng yêu nước là một ý niệm cần phát minh lại.

Trước hết nhìn nhận rằng chúng ta chưa yêu nước đúng mức cũng đã là bắt đầu yêu nước.

Sau đó cần phải ý thức rằng trong thời đại này, yêu nước không còn là một bổn phận. Người dân không bị bắt buộc phải yêu nước, trái lại chính tổ quốc phải tranh thủ tình cảm của người dân. Phải thay thế cái tổ quốc hạch sách và khắc nghiệt bằng một tổ quốc bao dung và hiền hòa.

Cũng cần phải định nghĩa lại quốc gia. Lãnh thổ, lịch sử và những con người không còn là những yếu tố đầy đủ để định nghĩa một quốc gia nữa. Vào thời đại này, quốc gia trươc hết là sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung. Không có đồng thuận ấy thì người dân không thể yêu nước và quốc gia sẽ tan rã chắc chắn. Và đồng thuận chỉ có thể có trong một đất nước có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người. Đó là điều kiện sống còn của đất nước Việt Nam, vì chỉ có nước Việt Nam đó mới đáng yêu và đáng xây dựng, chỉ có nước Việt Nam đó mới tồn tại lâu dài được. Cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền vẫn còn dài và cam go, nhưng ngay từ bây giờ điều mà đối lập dân chủ có thể làm được là - bằng lập trường, bằng thái độ và bằng hành động - vẽ ra chân dung của một tổ quốc Việt Nam mới.

Tổ quốc đó sẽ là tổ quốc của mọi người, một tổ quốc có trái tim chứ không phải chỉ có nanh vuốt. Một tổ quốc quyến rũ thay vì một tổ quốc bắt chẹt. Một tổ quốc đáng yêu thay vì một tổ quốc đáng sợ. Tổ quốc ấy biết rằng người dân đã rất chán mình, và biết đó là lỗi của mình. Tổ quốc ấy biết ăn năn.

*

Tôi biết chuyện một gia đình bi đát. Người cha vô tích sự và hung bạo. Gia đình là một địa ngục. Một ngày kia đứa con đã lớn và quyết định bỏ đi. Người cha sám hối, im lặng nhìn con xếp hành lý. Đến khi nó đã ra tới ngưỡng cửa, ông bảo nó : ''Con bỏ ra đi là đúng, tất cả là lỗi của bố. Bố xin lỗi con và chỉ còn biết chúc con may mắn''. Một thời gian sau, đứa con trở về.

Tổ quốc Việt Nam cũng thế. Tổ quốc Việt Nam cũng phải biết ăn năn. Tổ quốc ăn năn thì tổ quốc lại đáng yêu. Tổ quốc đáng yêu thì tổ quốc lại sẽ mạnh. Và mọi người sẽ được toại nguyện. Cọp lại có rừng để vùng vẫy, con trẻ lại có mẹ để hôn.


Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng