Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng)

"... Vấn đề như thế này : có thể có một triệu lý do chính đáng để không gia nhập một tổ chức tranh đấu chính trị nào, nhưng có một lý do để tham gia đó là nếu không có tổ chức chúng ta sẽ không thay đổi được chế độ độc tài này, lý do này phải đủ để một người thực sự muốn dân chủ hóa đất nước lấy quyết định..."


Biến cố ngày 30-4-1975 đã là một chấn động cực lớn. Nó đã phá tất cả mọi kỷ lục như là một đề tài thảo luận. Tuy vậy, có một sự hiểu lầm vẫn dai dẳng và hầu như còn nguyên vẹn.

Thắng lợi của phe cộng sản vẫn làm rất nhiều người tức tối vì cảm nhận nó như một sự vô lý. Bộ máy hành chính của Việt Nam Cộng Hòa hơn bộ máy hành chính cộng sản. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng hơn quân đội cộng sản về huấn luyện, tổ chức và trang bị.

Những sự kiện dần dần được phơi bày ngày càng cho thấy đa số nhân dân Việt Nam không ủng hộ đảng cộng sản. Những người chống cộng sản cũng không thiếu. Có lẽ họ còn đông đảo hơn những người cộng sản.

Nhưng thực tế là quân đội cộng sản đã chiến đấu gan dạ hơn và hiệu lực hơn quân đội quốc gia, tổ chức tuyên truyền và địch vận của họ đã hơn hẳn, các cơ sở hậu phương và nằm vùng của họ đã tỏ ra kiên trì và sáng tạo hơn hẳn. Cuối cùng chiến thắng ngày 30-4-1975 đã là một trong những chiến thắng toàn vẹn nhất và vinh quang nhất.

Sau khi họ đã chiến thắng và phơi bày sự tồi dở, một lý thuyết khác được đưa ra như một lời giải thích : ''người cộng sản giỏi trong chiến tranh nhưng dở trong hòa bình''. Cách giải thích này có vẻ làm hài lòng mọi người vì không có giải thích khác, nhưng nó chỉ là một sự hiểu lầm.

Giải thích có thể chỉ giản dị là vì đảng cộng sản đã không có một đối thủ thực sự nào.

Phe quốc gia có một guồng máy hành chính tương đối tốt, một quân đội tương đối mạnh, một guồng máy an ninh trật tự không dở, nhưng thiếu lãnh đạo chính trị nên đã không thể đương đầu với đảng cộng sản, dù thực ra đảng cộng sản không thật sự tài giỏi.

Hành chính, quân đội, cảnh sát, công an chỉ là những bộ phận. Còn cần có một lực lượng chính trị để phối hợp và điều khiển các bộ phận đó. Mà lực lượng này thì phe quốc gia chưa bao giờ có. Cần chấm dứt một nhận định sai lầm là phe quốc gia có nhiều người giỏi. Thế nào là giỏi ? Ơ? đây ta đang nói về cuộc đụng độ giữa hai phe xung đột để tranh giành quyền làm chủ một đất nước. Điều cần thiết ở đây là sự dấn thân và sự dũng cảm, là khả năng động viên và tổ chức. Bằng cấp không đủ, có khi cũng không cần luôn. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi một đội ngũ mạnh trước khi đòi hỏi những cá nhân có kiến thức. Không ý thức được sự thật hiển nhiên này hay có ý thức mà vẫn bất lực thì cũng là kém. Phải nói một cách dứt khoát : nhân sự chính trị của phe quốc gia nói chung rất tồi. Bản lĩnh chính trị của họ thua hẳn các cấp lãnh đạo cộng sản.

Các chính quyền quốc gia được hình thành từ năm 1948 và tồn tại tới 1975. Trong tất cả thời gian 27 năm tồn tại đó phe quốc gia chưa bao giờ có một đội ngũ cầm quyền. Các nhân vật không uy tín, không kinh nghiệm và không đội ngũ được thời cơ đưa đẩy lên ''cầm quyền'' chỉ dựa vào gia đình và bè bạn chung quanh để thành lập một bộ tham mưu gồm những người tập sự làm chính trị rồi thất bại nhường chỗ cho những người kế tiếp lặp lại một kịch bản tương tự. Trong suốt thời gian tồn tại của nó, các chính quyền quốc gia chưa bao giờ có một tập đoàn lãnh đạo. Các bộ trưởng, thứ trưởng trong một nội các chỉ là những người tình cờ gặp nhau trong một thời gian ngắn. Vả lại, trong suốt 27 năm chỉ có hai vị cầm đầu chính quyền quốc gia tốt nghiệp đại học, thời gian cầm quyền tổng cộng của cả hai vị này chưa tới một năm. Như vậy thì ngay cả về văn hóa, những người kế tiếp nhau cầm đầu phe quốc gia cũng không hơn gì những người lãnh đạo cộng sản. Kiến thức về tổ chức và kinh nghiệm hoạt động chính trị của họ thì rất ít, nếu không muốn nói là không co gì. Và không ai có một chính đảng nào cả (1). Với một lãnh đạo chính trị như thế thì guồng máy hành chính, quân đội và công an dù có tốt đi nữa cũng không sử dụng được và vẫn thất bại.

Đảng cộng sản không phải là tài giỏi trong thời kỳ chiến tranh rồi suy thoái và phân hóa sau chiến thắng 30-4-1975. Trái lại, họ chưa bao giờ là một đảng thông minh, và ngày trước họ còn kém hơn cả bây giờ. Những lỗi lầm, kể cả tội ác, nghiêm trọng nhất đã xảy ra khi ông Hồ Chí Minh còn cầm quyền. Họ đã chiến thắng chỉ vì trước mặt họ không có một lực lượng chính trị nào. Phe quốc gia tuy cũng có một số chính đảng, nhưng những chính đảng này đều quá yếu và đã không có vai trò gì trong chính quyền. Điều ngạc nhiên là cho tới nay ít ai nhấn mạnh đến nguyên nhân chính yếu này. Có lẽ phải tìm lời giải thích trong văn hóa và lịch sử của nước ta.

Khổng Tử dạy : ''Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ'' (rèn luyện bản thân, ổn định gia đình, ổn định địa phương, sau đó lo cho cả nước). Tiến trình đào tạo kẻ sĩ này cho tới nay vẫn còn được nhiều trí thức cho là đúng, nhưng nó quá lỗi thời.

Trước hết là một ngộ nhận lớn về xã hội : nền tảng của một xã hội văn minh không phải là cá nhân, hay gia đình mà là các kết hợp chính trị, văn hóa, kinh tế trong xã hội dân sự. Ý niệm kết hợp hoàn toàn vắng mặt.

Sau đó là một ngộ nhận lớn khác về tâm lý. Từ cá nhân đến gia đình, rồi xã hội, không phải là một diễn tiến liên tục. Không phải chỉ có sự khác biệt về tầm vóc mà còn có sự khác biệt lớn về bản chất. Khi những con người kết hợp với nhau để tạo ra một tập thể dù là một gia đình, một nhóm, một hội, một đảng hay một nước, thì tập thể đó là một sinh vật mới, khác với những con người cấu tạo ra nó, với một lô gích riêng, một tâm lý riêng, một trí nhớ riêng, một đời sống riêng, những giá trị riêng và những đòi hỏi riêng. Điều này hình như vẫn còn là một bí mật đối với người Việt (2). Cũng nên lưu ý rằng mẫu người của tiến trình tề gia, trị quốc này là để phục vụ cho hệ thống quyền lực có sẵn chứ không phải để thay đổi xã hội. Chúng ta thường than phiền rằng đã hơn một phần tư thế kỷ dưới một chế độ độc tài tồi dở mà vẫn chưa có được một đối lập dân chủ có tầm vóc. Một cựu nghị sĩ khá nổi tiếng tại hải ngoại có lần viết thư riêng cho tôi : ''Ba vấn đề của chúng ta là tổ chức, tổ chức và tổ chức''. Vị này đã ra nước ngoài từ ngày 30-4-1975 và hoạt động rất nhiệt tình. Tuy vậy cho đến khi ông qua đời cách đây vài năm ông vẫn chưa có một tổ chức nào cả.

Những cố gắng kết hợp không thiếu. Đã có những giai đoạn có rất nhiều hội đoàn và cũng đã có nhiều cố gắng để liên kết các hội đoàn, nhưng kết quả vẫn thế. Lý do là vì chúng ta không hiểu bản chất của một tổ chức. Một cách giản dị, chúng ta vẫn chỉ hiểu tổ chức là nhiều người. Khi nói đến tổ chức, chúng ta nghĩ đến cơ chế, đến các ban chấp hành, chủ tịch đoàn, ban giám sát, phân bộ, xứ bộ, v.v. Chúng ta coi những người ''giỏi tổ chức'' là những người năng động, tháo vát, biết dàn xếp, ưa thực hành hơn là lý thuyết, v.v. Chúng ta không bận tâm tìm hiểu bản chất, sự sống và các nhu cầu của tổ chức như một thực thể riêng. Tất cả những vấn đề của tổ chức được coi là có thể giải quyết được mà không cần một kiến thức đặc biệt nào vì chúng cũng tương tự như những vấn đề đặt ra cho cá nhân và gia đình chỉ khác ở qui mô. Sai lầm lớn ! Một người có thể rất đứng đắn trong đời sống cá nhân và gia đình, rất lương thiện trong những giao dịch bằng hữu nhưng vẫn có thể cư xử một cách rất lưu manh trong xã hội. Một người cũng có thể tốt về mặt cá nhân mà lại cư xử một cách rất vô lý trong một tổ chức. Lý do là vì khi không có sự hiểu biết về tổ chức người ta bối rối trong một môi trường khác lạ, rồi mất phương hướng và không còn phân biệt được cái đúng và cái sai.

Chúng ta là một dân tộc 80 triệu người. Trong và ngoài nước có vài triệu người tốt nghiệp đại học, nhưng cho tới nay tôi chỉ gặp một vài người tốt nghiệp về tâm lý cá nhân và chưa gặp được một người nào tốt nghiệp hoặc đã tự nghiên cứu về môn tâm lý xã hội cả. Chúng ta coi hai môn học này là không cần học cũng biết. Kết quả là những kết hợp của chúng ta đều tan rã hoặc bế tắc vì những trục trặc đã được trình bày rõ rệt trong các tài liệu, chỉ cần biết đến chúng cũng đủ để chúng không xảy ra.

Có lẽ cũng nên dừng lại giây lát để chia sẻ một suy tư hơi có vẻ triết lý. Hiện tượng các cá nhân tự nguyện kết hợp thành đoàn thể mới chỉ có gần đây thôi, khi con người trở thành vừa tự do vừa trừu tượng. Tự do vì có như thế mới có thể kết hợp. Trừu tượng vì những nhu cầu như muốn được kính trọng, muốn giúp đỡ, muốn đóng góp, muốn một số ý kiến được thực hiện... đều không cụ thể. Chính con người trừu tượng ấy, chứ không phải con người cụ thể, gia nhập một đoàn thể. Khi gia nhập một đoàn thể con người tự ý hy sinh một phần tự do và đóng góp một phần cuộc sống của mình để đổi lại với sự thực hiện những ước mong của con người trừu tượng trong mình. Người Việt Nam chúng ta không có phản xạ kết hợp là vì, do di sản lịch sử, chúng ta không phải là một dân tộc tự do và không đủ trừu tượng. Nói chung chúng ta thiếu một văn hóa tổ chức.

Kết hợp không phải là đặc tính của các dân tộc theo văn hóa Khổng Giáo như chúng ta. Vì thế các dân tộc này đều bất lực. Lịch sử và văn hóa của họ đã nhào nặn ra họ để phục tùng những người lãnh đạo, kể cả để bị dẫn vào chỗ chết. Họ không có chọn lựa nào khác. Đối với một dân tộc như vậy lãnh đạo là tất cả ; một nhóm nhỏ có đội ngũ có thể khống chế được cả một khối người đông đảo, áp đặt những hy sinh thực lớn, tạo ra cảm tưởng một đội ngũ rất đông đảo và quyết tâm. Đó đã là lý do thành công của Đảng Công Sản Việt Nam.

Để nói một cách công bằng, ông Hồ Chí Minh cũng không phải là một người thực sự xuất chúng, đã vượt lên thời đại của ông và văn hoá của dân tộc ông, đã nhìn thấy được vai trò của một chính đảng và đã thành lập được một đảng. Sự tìm kiếm một sự nghiệp cá nhân đã đưa đảy ông tới nhiều thử nghiệm và sau cùng tới Đệ Tam Quốc Tế. Ông đã nhận chỉ thị về Việt Nam thành lập ra một phân bộ của Đệ Tam Quốc Tế. Đảng cộng sản của ông đã là chính đảng duy nhất có hậu thuẫn vững chắc từ bên ngoài.Mặt khác, thanh niên miền Nam đã không chiến đấu hiệu lực vì các chế độ quốc gia, do rập khuôn theo các chế độ dân chủ phương Tây, đã phần nào khiến họ tự do hơn và bớt phục tùng hơn trong một cuộc chiến mà họ không nhìn thấy sự chính đáng. Cần thuyết phục và động viên họ, nhưng điều này các chính quyền quốc gia đã không làm được. Di sản của văn hóa và tập quán còn thể hiện rõ rệt trong cách ứng xử của chúng ta.

Trước hết là từ chối tham gia các tổ chức vì không thấy cần thiết. Vấn đề như thế này : có thể có một triệu lý do chính đáng để không gia nhập một tổ chức tranh đấu chính trị nào, nhưng có một lý do để tham gia đó là nếu không có tổ chức chúng ta sẽ không thay đổi được chế độ độc tài này, lý do này phải đủ để một người thực sự muốn dân chủ hóa đất nước lấy quyết định.

Sau đó là không thấy rằng một tổ chức phải được chuẩn bị rất kỹ và rất lâu trước khi có thể hành động. Điệp khúc : ''Bây giờ tôi có gia nhập tổ chức các ông, tôi cũng chẳng giúp được gì, nhưng các ông cứ biết là tôi ủng hộ các ông, các ông cần tôi làm gì cứ nói, nhưng việc gia nhập thì chưa cần, khi nào cần sẽ có tôi'' đã nhiều người nghe, nhưng nếu ai cũng lý luận như thế thì cái ''khi nào cần'' chắc sẽ không bao giờ đến cả, mà nếu vạn nhất nó có đến thì cũng không có thể nhờ được vì sẽ phải mất hết thì giờ để giải thích công việc và bối cảnh, mà cũng không thể nào giải thích hết được.

Tôi đã gặp khá nhiều trí thức quốc gia là đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh trước khi chống cộng. Lý do thường vẫn là tiếng nói của mình chẳng có tác dụng gì, vẫn các đảng viên nắm hết và quyết định hết. Sau 1975 tôi cũng gặp khá đông trí thức đã từng ủng hộ cộng sản trong thời chiến, có người đã vào bưng và được đưa lên những địa vị rất cao, ít nhất là bề ngoài. Lý do bất mãn cũng vẫn thế : không được nghe, không được trọng dụng, phải chịu sự lãnh đạo của những đảng viên giáo điều, thiển cận, v.v. Họ không hiểu và trách không đúng. Đảng cộng sản là một đảng, phải thảo luận trong đảng và phải tin tưởng trước hết vào các đảng viên kỳ cựu, không thể khác. Trong đảng cũng có những vấn đề nội bộ mà, vì không phải là đảng viên kỳ cựu, họ không biết. Có một ''bài học 1945'' mà ít người để ý mặc dầu giai đoạn này đã được khảo sát khá nhiều. Thế chiến II chấm dứt mở ra một vận hội mới cho đất nước, nhân dân Việt Nam nô nức tham gia đấu tranh giành độc lập. Các lực lượng không cộng sản rất đông đảo nhưng phân tán trong nhiều tổ chức non trẻ mới thành lập được vài năm, chưa đủ thì giờ để chuẩn bị đường lối, chiến lược, chiến thuật và đội ngũ. Việt Nam Quốc Dân Đảng tuy đã thành lập từ lâu và đã có thành tích hy sinh oanh liệt được cả nước kính phục nhưng đã tê liệt và chỉ mới hồi sinh. Họ cũng muốn liên kết với nhau nhưng không được. Không ai hiểu ai, không ai phục ai, không ai có lỗi hay tất cả đều có lỗi. Đảng cộng sản chỉ có một đội ngũ tương đối nhỏ nhưng là một đội ngũ đã sẵn sàng, do đó đã nắm được thời cơ, đã giành được và tổ chức được sự hưởng ứng của quần chúng, đã tiêu diệt được các đảng phái quốc gia và đã thắng lợi vì trước mắt họ không có đối thủ nào đáng kể. Không thể khác.

Năm 1975, đảng cộng sản cũng đã thắng lợi sau một cuộc đấu tranh cam go bởi vì miền Nam tuy có một quân đội, một bộ máy hành chính và sự trợ giúp mạnh mẽ của Hoa Kỳ nhưng cũng vẫn không có một lực lượng chính trị cầm quyền. Tháng 8-1945 và tháng 4-1975, và cả bây giờ, cũng vẫn một bài học : đấu tranh chính trị bắt buộc phải có tổ chức và tổ chức đòi hỏi một chuẩn bị rất công phu trong rất nhiều năm.

Cho tới nay, 27 năm sau 1975, tâm lý người Việt, kể cả những người có nhiệt huyết, vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Vẫn dị ứng với tổ chức, vẫn hoạt động cá nhân hoặc hài lòng với một nhóm nhỏ mà hình như không cần biết hoạt động như thế có thể thành công hay không. Thiếu quyết tâm hay thiếu một văn hóa tổ chức ?

Nhiều người vẫn hy vọng thời cơ để dân chủ hóa đất nước sẽ đến. Nhưng dù thời cơ có đến chăng nữa mà không có một đối lập dân chủ mạnh thì cũng sẽ không có gì thay đổi. Thực ra ''thời cơ'' đã từng đến nhiều lần, cuối thập niên 1970 khi chế độ cộng sản Việt Nam bị cả thế giới lên án, cuối thập niên 1980 khi phong trào cộng sản thế giới sụp đổ, và cũng đang đến trong lúc này với sự nổ bùng của các phương tiện truyền thông trong khi Việt Nam đang mở ra với thế giới và Đảng Cộng Sản Việt Nam đang phân hóa nội bộ. Một đứa bé sinh ra ngày 30-4-1975 giờ này đã có thể là sĩ quan, một kỹ sư, bác sĩ hay chủ tịch công ty. Một thế hệ đã thực sự đi qua. Chúng ta đã mất rất nhiều thời giờ, đã phải chịu đựng nhiều khổ và nhục, sự chậm trễ đáng xấu hổ của chúng ta đối với thế giới không giảm đi mà còn tăng thêm. Tuy vậy chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một giải pháp cho đất nước vì giải pháp này phải có tên gọi, trong khi chúng ta vẫn chưa có một kết hợp dân chủ mạnh để đặt tên cho nó.

Một ngàn người nhiệt thành, quyết tâm và đồng thuận trên một dự án dân chủ đứng đắn, trong đó có một trăm người có bản lĩnh, có kiến thức, có khả năng động viên và phối hợp là một kếp hợp đủ để làm tụ điểm cho những ước vọng dân chủ hóa và làm khởi điểm cho cuộc đấu tranh thắng lợi giành dân chủ. Nó sẽ rút ngắn thời gian chuyển tiếp về dân chủ, và cũng có khả năng tiết kiệm luôn cuộc đụng độ với đảng cộng sản bởi vì sự thành hình của nó có thể là một chất xúc tác đưa những người tiến bộ ngày càng đông đảo trong đảng cộng sản lên nắm quyền lãnh đạo, sau đó tất cả đều trở thành dễ dàng.

Kết hợp này hoàn toàn ở trong tầm tay, nhất là chúng ta không khởi hành từ số không. Nhưng vẫn đòi hỏi một thay đổi tư duy. Cấp bách. Chú thích :

(1) Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Diệm chỉ là một huyền thoại. Nó đã chỉ được ông Ngô Đình Nhu giàn dựng ra một cách vội vã sau khi ông Diệm được thời cơ đưa đẩy lên nắm chính quyền. Nó chẳng có một thực chất nào cả. Ông Ngô Đình Luyện kể rằng khi ông Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm làm thủ tướng (sắc lệnh được ông Bảo Đại ký và trao cho ông Luyện trong sòng bạc Palm Beach), ông Luyện phải đi tìm người làm bộ trưởng trong giới sinh viên công giáo mà ông giao du tại Paris và ngay cả trong giới bè bạn thường gặp nhau uống cà phê. Ông Trần Văn Lắm kể rằng nhóm chính trị đầu tiên do ông Nhu thành lập, trong đó có ông Lắm, chỉ có năm người lâu lâu mới họp lại để nghe ông Nhu giảng về những kiến thức chính trị rất thông thường. Dầu vậy, cho đến nay ông Ngô Đình Diệm vẫn được coi là người duy nhất cầm quyền với một đảng làm hậu thuẫn.

(2) Chính vì không ý thức được sự khác biệt về bản chất này mà xã hội Khổng Giáo đề cao vai trò của người cha để đồng hóa gia đình với người gia trưởng và độc tôn quân quyền để đồng hóa xã hội với vua. Bạo quyền cá nhân là hậu quả tự nhiên và hữu cơ của sự thiếu vắng ý thức về sự khác biệt này.
 
 Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 159, tháng 5-2002)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng