Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng)

''Chúng ta cần hòa giải đất nước với cộng đồng người Việt hải ngoại đã phải bỏ người thân, tài sản, mồ mả tổ tiên ra đi vì không thể chấp nhận được một chính quyền hà khắc, đã phải chịu đựng những khổ đau và mất mát rất lớn do hải tặc, sóng gió và công an''.

(Thử Thách và Hy Vọng - Dự Án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên. Paris: 1997)



Những đam mê của cuộc chiến quốc - cộng đã đưa tới hai cái nhìn khác nhau về ngày 30-4-1975. Đối với một bên đó là ngày chiến thắng vinh quang, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Đối với một bên khác đó chỉ là một ngày quốc hận. Cả hai cách nhìn này đều có lý do của chúng. Nhưng chúng làm quên đi một sự kiện quan trọng, đánh dấu một khúc quanh lớn đối với nước ta : ngày 30-4-1975 đã là ngày ra đời của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trước đó số người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, tuyệt đại đa số tại Pháp và Nouvelle Calédonie, quá ít để có thể được coi là một cộng đồng.

Việc thiếu vắng một cộng đồng hải ngoại đối với một dân tộc đông đảo như dân tộc ta là một điều rất bất thường và đã là một yếu tố giải thích những bất hạnh của chúng ta trong thế kỷ này.
*
Vào ngày 30-4-1975, khoảng 130.000 người Việt đã đào thoát khỏi Việt Nam, đó là ngày di tản lớn nhất trong lịch sử nước ta. Sau đó làn sóng tị nạn tiếp tục, đạt cao điểm vào năm 1979. Theo nhiều ước tính, trước sau đã có khoảng một triệu rưỡi người rời Việt Nam bằng các phương tiện khác nhau. Những người ra đi phần lớn ở vào tuổi sinh đẻ mạnh cho nên trong vòng một thế hệ số người Việt ở nước ngoài, mang nhiều quốc tịch khác nhau, đã gia tăng rất nhiều.

Từ đầu thập niên 1980 lại có thêm một phong trào xuất ngoại khác do chính quyền tổ chức : phong trào đi lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước sau vào khoảng 500.000 người ; khoảng 70.000 trong số người này đã chọn ở lại nước ngoài.

Nói chung có thể ước lượng số người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài thuộc mọi lứa tuổi vào khoảng hai triệu rưỡi người. (Xin mở một dấu ngoặc ở đây, trong khuôn khổ hạn hẹp vài chục người của gia đình tôi và trong khuôn khổ lớn hơn của môi trường mà tôi quen biết số sinh ra tại nước ngoài đông hơn số ra đi tại Việt Nam). Số người có trình độ đại học và còn trong tuổi lao động thường được ước lượng ở mức từ 200.000 đến 250.000 và gia tăng nhanh chóng. Trong vòng mười năm nữa, con số chuyên viên có trình độ đại học trong cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đạt tới 400.000.

Điều thường được ghi nhận là người Việt hải ngoại đã thích nghi nhanh chóng với cuộc sống ly hương và khá thành công. Tình trạng người Việt tại các nước Đông Âu và Liên Xô cũ còn bấp bênh, nhưng tại các nước phương Tây người Việt hải ngoại đã gần bắt kịp mức trung bình quốc gia tại nước tiếp cư. Riêng tại Pháp có thể nói mức trung bình này đã được vượt qua. Đó là điều mà người Việt hải ngoại có thể tự hào. Điều này cũng chứng minh rằng người Việt Nam không dở, nếu nước Việt Nam không vươn lên được thì đó là vì tổ chức xã hội và chế độ chính trị của Việt Nam dở.

Riêng về mặt giáo dục và đào tạo, sự thành công còn khả quan hơn. Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại, nói chung, thành công về học vấn hơn cả tuổi trẻ bản xứ. Đây là một yếu tố rất quan trọng cho những dự đoán tương lai về vai trò của cộng đồng người Việt hải ngoại trong tiến trình phát triển đất nước.
*
Sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại là một biến cố hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta và cần được nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Xã hội ta xây dựng trên tâm lý nông nghiệp, sống nhờ đất và quyến luyến với đất. Cho tới đầu thế kỷ này đất vẫn còn đủ để nuôi chúng ta và những đòi hỏi cơ bản của chúng ta cũng rất giản dị, cho nên chúng ta không có nhu cầu đi xa, tìm những không gian mới và những chân trời mới, dần dần trở thành một dân tộc thiếu óc mạo hiểm và sáng tạo. Do đó với thời gian chúng ta thua kém các dân tộc cùng một văn hóa như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản. Không đi xa chúng ta không quan sát được thế giới bên ngoài để ý thức được sự thua kém đó và thường hay có thái độ tự mãn lố lăng, thái độ mà một câu tục ngữ của ta gọi là ''ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung''. Không thiếu gì người Việt Nam, kể cả trí thức khoa bảng, mặc dầu không dựa trên một cơ sở nào vẫn quả quyết một cách chắc nịch là cách đây không lâu chúng ta không thua kém gì Trung Hoa, Nhật và Triều Tiên, trong khi sự thực khác hẳn.

Phải khiêm nhường mà nhận định rằng hầu hết các tiến bộ mà chúng ta có được đã do ngoại bang đem lại khi họ đến thống trị nước ta chứ không phải do ta chủ động du nhập. Chúng ta nhờ các thái thú như Nhâm Diêm, Sĩ Nhiếp mà biết cày cấy và hấp thụ nho giáo. Một ngàn năm Bắc thuộc tuy nhục nhằn và suýt nữa làm ta mất nước nhưng cũng đã giúp chúng ta tiến lên. Qua hai thời độc lập cực thịnh Lý, Trần chúng ta thua kém Trung Hoa rõ rệt. Đầu thế kỷ 15 Nguyễn Trãi kể tội quân Minh bắt dân ta ''lên rừng đào mỏ, xuống biển mò châu, đào hố bãy hươu, làm lưới bắt chim''. Bản cáo trạng này chứng tỏ họ đã vượt xa chúng ta rất nhiều về kỹ thuật chẳng hạn như đã có kỹ nghệ luyện kim trong khi chúng ta dẫm chân tại chỗ sau bốn thế kỷ độc lập. Chúng ta đã ngỡ ngàng khi tiếp xúc với các nước phương Tây và đã không thích ứng kịp thời với tình huống mới để rồi bị người Pháp còng tay dẫn vào thế giới tiến bộ. Cho đến nay, phải buồn phiền mà nhìn nhận rằng nước ta đã tiến bộ nhanh chóng hơn khi ta bị ngoại thuộc so với khi ta có chủ quyền. Các khuôn mặt lịch sử xuất sắc của ta, dù là Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Cao Bá Quát hay về sau này Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, v.v... và ngay cả Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm cũng đã vượt lên được nhờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Sự thiếu vắng một cộng đồng người Việt hải ngoại đã khiến ta luôn luôn tiếp thu chậm một vài bước những kiến thức mới và giải thích những bối rối và thua kém của chúng ta. ''Đi một ngày đàng học một sàng khôn'' như các cụ ta đã nói. Chúng ta không có cộng đồng hải ngoại, nghĩa là không đi, cho nên chúng ta không khôn và luôn luôn hành động một cách vụng dại. Đầu thế kỷ này các nhà lãnh đạo tinh thần, tiêu biểu là hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, đã cổ võ cho phong trào xuất dương du học. Đợt sóng di dân khởi đầu từ ngày 30-4-1975 đã thể hiện trên một mức độ không tưởng tưởng nổi giấc mộng Đông Du và Tây Du của các cụ. Nhờ đó mà lần đầu trong lịch sử chúng ta có một cộng đồng hải ngoại có tầm vóc.

Đối với mọi dân tộc, cộng đồng hải ngoại là một yếu tố cần thiết. Nó là tai và mắt của dân tộc để quan sát và học hỏi, một dân tộc không có cộng đồng hải ngoại không khác gì một người vừa điếc vừa mù. Đó cũng là các đầu cầu khoa học, kỹ thuật và thương mại vô cùng quí báu. Các nước mới phát triển gần đây đã được nhờ rất nhiều ở một cộng đồng hải ngoại hùng mạnh.
Đối với Việt Nam, với sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng ta lần đầu tiên có được một yếu tố cần thiết cho đất nước mà chúng ta chưa có. Nhờ đợt xuất ngoại vĩ đại này người Việt làm quen được với mọi nếp sống và mọi nền văn minh, đã thử nghiệm mọi khuôn mẫu tổ chức xã hội và mọi chế độ chính trị, đã có những chuyên viên Việt Nam trong mọi bộ môn khoa học kỹ thuật. Cộng đồng này nếu quan hệ mật thiết được với đất nước sẽ là một bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị thế giới bỏ lại đằng sau, sẽ rũ bỏ được mọi cố chấp và thành kiến, sẽ vĩnh viễn ra khỏi ngõ cụt thủ cựu.
*
Vì không nhận định được vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của cộng đồng người Việt hải ngoại mà những người chống đối nhau đã làm những sai lầm giống nhau. Chính quyền cộng sản Việt Nam khi tổ chức đợt vượt biên bán chính thức các năm 1978, 1979 và 1980 đã chỉ nhắm mục đích làm tiền và tống xuất những thành phần đáng ngờ vực, đặc biệt là người Việt gốc Hoa. Họ hoàn toàn không có ý định tạo ra một cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong một thời gian dài họ đã thóa mạ cộng đồng người Việt tị nạn là những người phản bội quê hương chạy theo đế quốc. Gần đây thái độ của chính quyền cộng sản đối với người Việt hải ngoại có phần hòa dịu đi nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn chỉ được nhìn như một con bò sữa không hơn không kém.

Người Việt hải ngoại bị phân loại tốt, xấu và khi muốn về thăm nhà phải qua các thủ tục rà soát gắt gao. (ở đây lại xin mở một dấu ngoặc khác về chuyện gia đình, xin lỗi quí vị độc giả. Mẹ vợ tôi đột ngột qua đời năm ngoái, ông anh vợ tôi, một người đã nghỉ hưu và hoàn toàn không có một hoạt động chính trị nào, đến tòa đại sứ xin chiếu khán khẩn cấp nhưng bị từ chối, sứ quán cho biết trường hợp nào cũng phải đợi bên nhà cho phép, ông ấy phải trả lại vé máy bay đã mua). Không một tờ báo Việt ngữ hải ngoại nào được phép lưu hành tại Việt Nam. Những gương mặt mà cộng đồng người Việt hải ngoại mến mộ nhất đã hoặc đang ở tù như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Quảng Độ, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, hoặc đang bị trấn áp như Hà Sĩ Phu, Bảo Cự, Nguyễn Thanh Giang... Sự xấc xược và khiêu khích khó có thể lớn hơn. Thay vì tìm mọi cách để gia tăng sự gắn bó giữa người Việt trong và ngoài nước như mọi chính quyền thông minh và trách nhiệm phải làm, chính quyền cộng sản đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn sự giao lưu : cấm đoán tài liệu, kiểm soát thư từ, lập ''tường lửa'' trên lưới Internet, hăm dọa những người liên hệ nhiều với hải ngoại, v.v...

Các lực lượng chống cộng cực đoan tại hải ngoại cũng đã từng tìm đủ mọi cách để ngăn chặn giao lưu giữa trong và ngoài nước : kêu gọi đừng tiếp tế cho thân nhân ở Việt Nam vì như thế cũng là tiếp máu cho cộng sản, tung ra các chiến dịch ''chống kinh tài Việt Cộng'' và ''chống du lịch Việt Cộng'', có lúc dùng cả những biện pháp độc ác như lập danh sách người về thăm quê hương để tố giác với chính quyền các nước tiếp cư làm họ mất thẻ tị nạn.

Nhưng điều đáng mừng là những cấm cản từ cả hai phía đã không cắt đứt được sợi dây ràng buộc người Việt hải ngoại với quê hương. Từ năm 1975 cộng đồng người Việt hải ngoại đã trợ giúp cho đất nước hơn nhiều lần bất cứ một cường quốc nào. Hiện nay phần lớn các tổ chức từ thiện, không kể chi nhánh của các tổ chức từ thiện quốc tế, đều do cộng đồng người Việt hải ngoại tài trợ. Những giao lưu giữa trong và ngoài nước cũng đã có tác dụng thay đổi tâm lý và cái nhìn của đồng bào trong nước theo một chiều hướng tốt, dù có thể là không tốt dưới mắt chính quyền cộng sản. Mỗi người về đều là một nguồn thông tin về thế giới bên ngoài, đều mang theo một nếp sống khác và một cách làm việc khác, đồng thời cũng là một nhân chứng có thể tố giác những biện pháp thô bạo. Có thể nói cộng đồng người Việt hải ngoại đã đóng góp rất nhiều vào một diễn tiến hòa bình đưa đất nước tới dân chủ. Diễn tiến này cần cho đất nước và xét cho cùng cũng là một cơ may đối với chính đảng cộng sản nếu họ không mù quáng ngoan cố đòi giữ mãi chế độ độc tài toàn trị, điều mà chỉ cần một sáng suốt tối thiểu họ cũng phải biết là không thể làm được.

Đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại cho đất nước đến nay đã rất lớn, nhưng còn có thể nhiều lần lớn hơn nếu liên hệ giữa trong và ngoài nước được khuyến khích và cổ võ thay vì bị ngăn chặn. Một cách giản dị, trong số hai triệu rưỡi người Việt sống ở các nước phát triển phương Tây, chỉ cần lấy một GDP lý thuyết rất khiêm nhường, rất dưới sự thực, là 10.000 USD mỗi năm mỗi đầu người (GDP trên mỗi đầu người tại các nước phát triển là 20.000 USD, không nên lầm con số này với lợi tức sử dụng được, disposable income hay revenu disponible), và cũng chỉ cần lấy một tỷ lệ tiết kiệm vừa phải là 15% GDP thì hàng năm cộng đồng người Việt hải ngoại cũng có một tiềm năng đầu tư gần 4 tỷ USD mỗi năm. Một nửa số tiền này đủ để đầu tư phát triển đất nước một cách đều đặn mà không phải cầu cạnh, và bị lệ thuộc, bất cứ một thế lực ngoại bang nào. Mặt khác 250.000 chuyên viên hiện nay, 400.000 trong 10 năm nữa cũng là một nguồn chuyển giao kiến thức và khoa học, kỹ thuật vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng tất cả những tiềm năng này chỉ có thể khai thác được nếu có liên hệ thân thiết giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước. Tất cả trở ngại là chính quyền cộng sản không đặt vấn đề đất nước mà chỉ đặt vấn đề quyền lực của đảng.
*
Đất nước cần cộng đồng người Việt hải ngoại và ngược lại cộng đồng người Việt hải ngoại cũng cần đất nước.

Đất nước cần cộng đồng người Việt hải ngoại bởi vì Việt Nam không thể tìm được một siêu cường nào có thể giúp đỡ mình nhiều hơn là cộng đồng người Việt hải ngoại, một sự giúp đỡ to lớn, đủ mặt và tận tình.

Ngược lại người Việt hải ngoại cần đất nước vì đó là sợi dây gắn bó họ với nhau. Không có sợi dây này thì người Việt hải ngoại chỉ là những cá nhân rời rạc, không có sức mạnh tập thể và không thể cạnh tranh được với người bản xứ và các cộng đồng khác. Đất nước Việt Nam không vươn lên thì cái gốc Việt Nam sẽ chỉ là một gánh nặng, một lý do để bị khinh thường so với các cộng đồng hải ngoại khác. Một nước Việt Nam dân chủ và cởi mở cũng là một địa bàn đầu tư và hoạt động quí báu vì ở đó họ vùng vẫy thoái mái như cá trong nước.

Hiện nay cả đất nước lẫn cộng đồng người Việt hải ngoại đều đang có vấn đề.

Đối với đất nước, đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại đang có chiều hướng giảm đi thay vì tăng lên. Số người về du lịch Việt Nam cũng giảm sút. Đến nay do chính sách thô vụng của nhà nước cộng sản, mối liên hệ duy nhất giữa người Việt hải ngoại và đất nước là liên hệ gia đình. Mối liên hệ này dần dần dãn ra với thời gian. Đã đến lúc cần phải thay thế mối liên hệ gia đình bằng ràng buộc với chính quê hương đất nước. Muốn như thế thì bất cứ một nhà nước thông minh nào cũng phải tìm mọi cách để thỏa mãn người Việt hải ngoại và gắn bó họ một cách hài hòa với quê hương. Phải có qua có lại chứ không thể có đóng góp một chiều mãi mãi. Phải tôn trọng những khát vọng của họ và hủy bỏ mọi hàng rào ngăn cản. Phải nhìn nhận tư cách công dân trọn vẹn của họ thay vì dự định ra một đạo luật tước bỏ quốc tịch Việt Nam của họ. Phải cấp cho tất cả những người Việt sinh sống ở nước ngoài một thông hành Việt Nam nếu họ muốn, để với thông hành này họ tự do ra vào Việt Nam bất cứ lúc nào mà không cần chiếu khán. Phải nhìn nhận một thực thể Việt Nam hải ngoại, cho thực thể này một tiếng nói trong các chọn lựa quốc gia, một chỗ đứng tượng trưng trong quốc hội. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được trong một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, ước vọng của tất cả người Việt hải ngoại.

Một chính quyền Việt Nam thông minh cũng phải tìm đủ mọi cách để tăng cường cộng đồng người Việt hải ngoại. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ vượt con số 80 triệu dân, với dân số này một cộng đồng người Việt hải ngoại hai triệu rưỡi người là khả quan nhưng chưa đủ. Trong vòng một vài thập niên nữa, chừng nào lợi tức bình quân của người Việt Nam vẫn chưa vượt quá con số 1.000 USD mỗi năm, một người ở nước ngoài, lương thiện và tận tình với đất nước mình đang sống nhưng thủy chung với quê hương gốc, có khả năng đóng góp cho đất nước lớn hơn là một người Việt ở Việt Nam. Bằng mọi sáng kiến - thí dụ như khuyến khích hôn nhân, khuyến khích sinh đẻ tại hải ngoại, con nuôi, công tác, lao động, du học và ngay cả đầu tư ra nước ngoài - phải tìm cách tăng số người Việt định cư ở nước ngoài. Chừng nào chúng ta có được một cộng đồng người Việt hải ngoại tám triệu người, chừng đó chúng ta có thể chắc chắn Việt Nam sẽ lành mạnh và phồn vinh.

Đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, bên cạnh những yếu tố tích cực đáng lạc quan và tự hào, vẫn còn những mặt yếu và cũng có những nguy cơ mới. Điểm yếu đáng nói nhất là người Việt hải ngoại, nói chung, vẫn chỉ là một tập thể công nhân và kỹ thuật gia chứ chưa đạt được khả năng và tập quán kinh doanh, trong khi trong thế giới hiện nay thương mại là lãnh đạo, kỹ thuật chỉ là thừa hành. Nguy cơ trầm trọng nhất là căn bản Việt Nam đang hao mòn một cách rất nhanh chóng. Tuyệt đại bộ phận tuổi trẻ Việt Nam dưới 18 tuổi không còn nói và viết được tiếng Việt nữa ; sự kiện này thực đáng tiếc, khó khăn chính của tiếng Việt là phát âm họ vượt qua được rồi, chỉ cần một chú ý vừa phải thôi họ có thể làm chủ được tiếng Việt ; hơn nữa tiếng Việt cũng không phải là một ngôn ngữ thiểu số, trên trái đất này cứ một ngàn người thì có mười lăm người Việt. Một sự kiện đáng tiếc khác là rất ít cha mẹ nhắc nhở và khuyến khích con cái quan tâm đến quê hương đất nước. Trong những dự định tương lai của thanh niên Việt Nam hải ngoại đất nước Việt Nam không còn có mặt ; và khi quê hương không còn hiện diện trong dự liệu tương lai là sự từ bỏ đã bắt đầu rồi. Với đà này trong một thế hệ nữa người Việt hải ngoại tại Mỹ và tại Pháp sẽ xa lạ với nhau và sẽ nhìn nhau như người Mỹ và người Pháp.

Tất cả những vấn đề này đều lớn, đều cấp bách và đều chỉ có thể giải quyết được bằng một sự phối hợp giữa trong và ngoài. Tùy cách xử trí của chúng ta - ''chúng ta'' ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cả cộng đồng dân tộc, trong đó có cả chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại - mà sự ra đi của người Việt từ ngày 30-4-1975 tới nay sẽ là một cơ may lớn cho đất nước hay không.
*
Cộng đồng người Việt hải ngoại hình thành đến nay đã được 22 năm. Dù sự thành lập này đã liên tục trong nhiều năm và vẫn chưa chấm dứt, nhưng có thể tạm coi là cộng đồng người Việt hải ngoại đã trưởng thành. Đã đến lúc chúng ta nên dành đôi chút thời giờ để nghĩ về mình và đất nước mình. Di dân đã là yếu tố cốt lõi trong quá trình dựng nước và mở nước của chúng ta. Tổ tiên ta, những người Lạc Việt đầu tiên, đã vì không chịu được sự khắc nghiệt ở phương Bắc mà kéo về phương Nam lập ra nước Việt. Nguyễn Hoàng vì tránh nạn mà đem theo những người bị đe dọa khác vào miền Trung mở rộng đất nước. Cuộc tương tranh Trịnh Nguyễn đã buộc nhiều người miền Trung tiến về phương Nam tránh chiến tranh, và miền Nam thành hình. Ngày 30-4-1975 một chế độ bạo ngược được áp đặt trên cả nước và lần này, vì đã dựa lưng vào biển cả, đoàn chim Việt đã bỏ xứ mà đi, toả rộng sự hiện diện của Việt Nam trên khắp thế giới. Tất cả những sự kiện lịch sử đó cuối cùng đều là những may mắn, nhưng đều xuất phát từ một tai họa, chúng ta đã chỉ chạy trốn một bất hạnh để rồi tình cờ chuyển họa thành phúc. Bao giờ chúng ta mới chủ động được số phận của mình để phát triển và vươn lên một cách có dự liệu và có tổ chức ?

Nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4 và trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, đây có thể là một câu hỏi đáng được đặt ra.

Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 104, tháng 5-1997)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

  1. Vượt lên trên ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 5, tháng 5-1988)

  2. Đóng góp vào một chiến lược cho đối lập (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 27, tháng 5-1990)

  3. Để đóng góp cho thắng lợi của dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 38, tháng 5 - 1991)

  4. Một cách nhìn cuộc chiến (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 82, tháng 5-1995)

  5. Vài suy nghĩ về cộng đồng người Việt hải ngoại - (TL 104) (Nguyễn Gia Kiểng) (Thông Luận 104, tháng 5-1997)

  6. Vết thương ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 126, tháng 5-1999)

  7. Một suy nghĩ về ngày 30 tháng 4 (TL 115) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 115, tháng 5-1998)

  8. Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 137, tháng 5-2000)

  9. Một cuộc chuyển hoá không thể được (TL 148) (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 148, tháng 5-2001)

  10. Nhân kỷ niệm ngày 30-4-1975: Vẫn một bài học (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 159, tháng 5-2002)

  11. Nhìn lại chiến thắng cộng sản ngày 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, số 180, tháng 4-2004)

  12. Cuộc chiến đấu thực sự (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 17/05/2005)

  13. Hãy xứng đáng với một tương lai khác ! (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận 203)

  14. Một bài học từ biến cố 30-4-1975 (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận, ngày 14/05/2008)

  15. Nhìn lại một thử nghiệm thất bại (Nguyễn Gia Kiểng) - (Thông Luận số 181, tháng 5-2004)

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng